[MINH HUỆ 21-7-2016]

Tiếp theo Phần 2 Phần 1

Không sợ mạo phạm hoàng đế, khẳng khái trực ngôn can gián

Cao Doãn thường thẳng thắn khuyên can hoàng đế. Văn Thành Đế luôn bình tĩnh lắng nghe lời ông nói, khi có chỗ mâu thuẫn hoặc không muốn nghe nữa liền sai thuộc hạ đưa ông ra ngoài. Điều gì không tiện nói ra trên triều, Cao Doãn đều xin được gặp riêng. Văn Thành Đế biết được ý của Cao Doãn nên sai thuộc hạ lui ra hết rồi đợi ông. Ông luôn được hoàng đế kính trọng, có khi ông vào cung từ sáng sớm đến tối muộn mới về, cũng có khi ở lại trong cung mấy ngày liền.

Văn Thành Đế từng nói với quần thần: “Hiện nay việc thiện ác của quốc gia, các khanh không thể nói trực tiếp mà dâng biểu công khai khuyên can, đây chẳng phải là cố ý tuyên dương lỗi của quân chủ mà chứng minh cái đúng của bản thân hay sao? Các khanh phải giống như Cao Doãn mới là bậc trung thần. Ta có điều gì ông ấy thường thẳng thắn nói ra, cho dù là ta muốn nghe hay không muốn nghe ông ấy cũng không nề hà, trốn tránh. Từ đó ta biết chỗ sai của mình mà thiên hạ không biết rằng ông ấy đang khuyên can, chả lẽ đây không phải là trung trực sao! Các khanh ở bên cạnh ta, nhưng ta chưa từng nghe thấy một câu chính luận, khi ta vui vẻ thì tranh thủ xin thăng quan tiến chức, các khanh cầm gươm, cầm đao ở bên cạnh ta mà cũng như không, còn Cao Doãn dù chỉ giữ chức lang trung nhưng ông ấy lại cầm bút giúp ta sửa lại lỗi sai trợ giúp cho nước nhà, các khanh không cảm thấy hổ thẹn sao?” Sau đó vua phong cho Cao Doãn làm trung thư lệnh, kiêm thêm chức quan chuyên biên soạn văn thư.

Quân chủ tín nhiệm, trăm họ yêu mến tiếng lành đồn xa

Có một lần Văn Thành Đế đến nhà của Cao Doãn thấy nhà của ông chỉ có mấy gian nhà cỏ cùng giường chiếu đơn sơ, trong bếp cũng chỉ có mấy cái bát đĩa sơ sài. Văn Thành Đế nói: “Người xưa sống thanh bần đến thế này sao?” rồi lập tức ban cho vải vóc, lương thực, phong cho con trai trưởng của Cao Doãn là Cao Thầm làm Nhuy Viễn tướng quân, thái thú Trường Lạc. Cao Doãn nhiều lần dâng biểu từ chối nhưng Văn Thành Đế đều không chấp nhận.

Năm xưa, Cao Doãn cùng Du Nhã và thái nguyên Trương Vĩ là bạn học với nhau, Du Nhã đã nói về Cao Doãn như sau, nhân cách của Cao Doãn khiến người ta phải kính phục. Văn Thành Đế rất kính trọng ông, thường không gọi trực tiếp tên ông mà quen gọi là “lệnh công”. Từ đó danh hiệu “lệnh công” được truyền đi khắp nơi.

Năm Hòa Bình thứ sáu (năm 465), Văn Thành Đế băng hà, con trai là Hiến Văn Đế Thác Bạt Hoằng kế vị, khi đó Hiến Văn Đế mới nhỏ tuổi đã phải chịu tang cha, trong triều thị trung, xa kỵ đại tướng quân Ất Hỗn chuyên quyền, âm mưu đe dọa chính quyền Bắc Ngụy. Năm Thiên An (năm 466), Phùng Thái hậu giết Ất Hỗn rồi triệu Cao Doãn vào cung tham gia việc lớn. Cao Doãn dâng biểu xin khôi phục lại quy định chế độ của tiên triều, kiến nghị quy định các quận thiết lập tiến sỹ, trợ giáo, chiêu sinh học sinh, Hiến Văn Đế nghe theo ý kiến của ông, mở trường học tại các quận phủ. Trong những năm Hoàng Hưng (năm 467-471), Hiến Văn Đế ra chiếu cho Cao Doãn kiêm nhiệm chức thái thường, đến Duyện Châu cúng tế miếu Khổng Tử, ông nói với Cao Doãn rằng: “Đây là việc cần đến đức hạnh nên khanh không được từ chối.” Sau đó Cao Doãn cùng Hoàng đế đi Bắc phạt thắng lợi trở về. Từ thời Văn Thành Đế cho đến thời Hiến Văn Đế, đại đa số những thư tín, bài hịch trong việc quân đều do Cao Doãn viết. Về sau ông giới thiệu Cao Lư thay cho mình. Vì Cao Doãn có công trợ giúp thảo luận và quyết định những chính sách trọng đại nên được tiến cử làm Hàm Dương Công, gia phong làm Trấn Đông tướng quân.

Một thời gian sau, Cao Doãn lại được giao làm thứ sử tiết, chinh tây tướng quân, thứ sử Hoài Châu. Cao Doãn thường ra ngoài vi hành, thăm hỏi nỗi khổ của người dân, khi đến huyện Thiệu thấy miếu Thiệu Công bị tàn phá liền cho xây dựng lại và nói: “Thiệu Công hiền đức, bây giờ miếu của ngài bị tàn phá mà không tu sửa lại, thì không thể thờ cúng được, nếu vậy thì người muốn làm việc thiện sẽ không còn hy vọng gì nữa?” Thế là ông dâng biểu xin vua tu sửa miếu Thiệu Công. Khi đó Cao Doãn đã gần 90 tuổi, nhưng ông vẫn khuyên người dân chú trọng học tập, giúp cho văn hóa phong tục thời bấy giờ rất thịnh hành. Sau đó đến những năm Chính Quang, người đời sau đã lập bia để tưởng niệm đến Cao Doãn,

Năm Thái Hòa thứ hai (478), Cao Doãn 10 lần dâng tấu chương xin cáo lão về quê nhưng hoàng thượng đều không phê chuẩn, thế là ông đành cáo bệnh già để về quê. Năm thứ hai, hoàng thượng lại hạ chiếu đón ông về kinh thành, lệnh cho các châu huyện trên đường đi phải chăm sóc ông cẩn thận. Đến kinh đô, ông được phong làm trấn quân đại tướng quân, lĩnh trung thư lam. Cao Doãn kiên quyết từ chối mà không được, hoàng thượng sai người dìu ông vào trong điện, để sửa lại “Hoàng cáo”. Sau đó hoàng thượng hạ chiếu cho ông được ngồi kiệu khi vào điện, yết kiến vua không cần phải làm lễ nghi , rồi cùng ông bàn bạc về những luật lệ cần thiết. Mặc dù Cao Doãn đã gần trăm tuổi, nhưng chí hướng và tri thức của ông không hề vì thế mà giảm sút, vẫn chuyên tâm với công việc phê duyệt sử sách.

Hoàng thượng lại ra lệnh: “Cao Doãn tuổi cao, cũng đã đến lúc gần đất xa trời, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, sinh hoạt giản dị, nên cho nhạc bộ phái một nhạc đội cứ năm ngày lại đến biểu diễn ở nhà ông một lần, để giúp ông được vui vẻ thư giãn.” Vua còn đặc biệt thưởng cho ông của ngon vật lạ và ban cho ông cao lương mỹ vị. Một thời gian sau lại ra lệnh mồng một, ngày rằm hàng tháng gửi rượu thịt, quần áo vải vóc đến cho ông. Cao Doãn đều đem những đồ này tặng cho người thân bạn bè. Thời đó con cháu của những vị quan lớn khác đều làm quan lớn, duy chỉ có con cháu của Cao Doãn là không làm quan, ông sống thanh liêm đến nhường ấy. Về sau ông lại được thăng làm Thượng thư, phục vụ bên cạnh vua, thường được vua mời vào cung bàn việc chính sự quốc gia. Năm Thái Hòa thứ mười (năm 486), vua gia phong Cao Doãn làm Quang Lộc đại phu. Những việc lớn ở trong triều, mọi người thường đến thỉnh giáo ông.

(Còn nữa)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/7/21/331545.html

Đăng ngày 17-9-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share