Bài viết của Đường Tú Minh, phóng viên báo Minh Huệ tại Luân Đôn
[MINH HUỆ 5-7-2016] Ngày 30 tháng 6 năm 2016, hai ngày sau khi Ủy ban Nhân quyền của Đảng Bảo Thủ công bố báo cáo về tình hình nhân quyền tại Trung Quốc, Quốc hội Anh đã tổ chức một phiên điều trần nhằm làm rõ việc giết tù nhân lương tâm để lấy nội tạng, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công.
Ngày 28 tháng 6, Ủy ban này công bố Báo cáo mang tiêu đề “Thời khắc đen tối nhất: Nhân quyền bị chà đạp tại Trung Quốc 2013-2016”. Báo cáo tập trung phân tích về “cuộc đàn áp chưa từng có” đối với nhân quyền trong ba năm gần đây và đề xuất 22 khuyến nghị đối với Chính phủ Vương Quốc Anh.
Ngày 30 tháng 6 vừa qua, ông Benedict Rogers, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Đảng Bảo thủ và bà Fiona Bruce, Nghị sỹ Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban nói trên chủ trì phiên điều trần này. Luật sư Nhân quyền David Matas, nhà báo điều tra Ethan Gutmann, và cựu bác sỹ phẫu thuật Enver Tohti đã tham gia phát biểu tại sự kiện.
Ông Benedict Rogers, Phó Chủ tịch Nhân quyền của Đảng Bảo thủ và Nghị sỹ Fiona Bruce, Chủ tịch Ủy ban nói trên đã chủ trì phiên điều trần tại Quốc hội Anh.
Ông Matas: Một lượng lớn các học viên Pháp Luân Công bị giết để lấy nội tạng
Ông Matas cho biết: “Kể từ khi ông David Kilgour và tôi xuất bản cuốn sách tựa đề Thu hoạch Nhân Thể, phiên bản báo cáo thứ ba của chúng tôi dưới dạng sách, và sau khi ông Ethan Gutmann xuất bản cuốn sách “Cuộc Thảm sát”, cả ba chúng tôi vẫn tiếp tục ghi chép, nghiên cứu, điều tra và phổ biến thông tin về việc lạm dụng cấy ghép tạng ở Trung Quốc.”
Ngày 22 tháng 6, tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia, sau khi Hạ viện Hoa Kỳ nhất trí thông qua Nghị quyết H.Res.343 nhằm lên án nạn thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm ở Trung Quốc, ba nhà điều tra này đã cho ra mắt bản báo cáo mới nhất, phiên bản cập nhật của các cuốn sách của họ trước đó. Bản báo cáo dài 680 trang này (có thể tải về từ www.endorganpillaging.org) cập nhật toàn diện về cuộc điều tra trong suốt thập kỷ qua của ba tác giả này. Với hơn 2.300 tài liệu tham khảo, báo cáo cung cấp một lượng lớn thông tin thu thập được từ các báo cáo trên các phương tiện truyền thông, các tuyên bố chính thức, tạp chí y khoa và trang tin điện tử của các bệnh viện.
Ông Matas cho biết khi họ điều tra từng bệnh viện và bác sỹ, một số điểm lộ ra và “một trong số đó là số ca ghép tạng rất lớn.”
Ông Matas cho biết nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc đang diễn ra trên quy mô lớn và ngành công nghiệp ghép tạng của Trung Quốc hoạt động hiệu quả tới mức yếu tố chính kìm hãm sự phát triển của nó không phải là có tìm được nguồn tạng mà là có đủ cơ sở vật chất và nguồn nhân lực hay không. Ngoài ra, nhiều bệnh viện quân y của Trung Quốc cũng bị phát hiện có liên quan tới tội ác này.
Ông Gutmann: Đây là bóng ma quen thuộc của tội ác diệt chủng
Ông Gutmann cho biết có nhiều bệnh viện và bác sỹ tham gia vào hoạt động thu hoạch nội tạng này. Chẳng hạn, các tác giả ước tính hàng năm Bệnh viện Trung ương Thiên Tân [ở gần Bắc Kinh] thực hiện tới hơn 5.000 ca ghép tạng, còn Bệnh viện Quân đội 309 ở Bắc Kinh thực hiện tới gần 4.000 ca ghép tạng mỗi năm. Như vậy, chỉ riêng tại hai bệnh viện này mỗi năm đã tiến hành tới gần 10.000 ca ghép tạng.
Ông Gutmann nói thêm: “Điều này đã tiết lộ một sư thật rằng: không phải chỉ có 10.000 mà là 50.000 đến 60.000 ca cấy ghép mỗi năm. Đây là bóng ma quen thuộc của tội ác diệt chủng ngụy trang dưới cái vỏ xã hội hiện đại này.”
Ông Gutmann nói rằng tội ác này không chỉ là vấn đề liên quan tới Pháp Luân Công, mà còn là tội ác diệt chủng đang diễn ra trong xã hội đương đại.
Nhân quyền – Một chủ đề bị bỏ qua ở Trung Quốc
Ông Enver Tohti, một cựu bác sỹ ở Duy Ngô Nhĩ đưa ra bằng chứng về việc ông bị ép phải mổ lấy nội tạng từ một tử tù chưa chết hẳn cách đây 18 năm tại tỉnh Tân Cương, Trung Quốc. Ông cho biết, tù nhân này bị một phát đạn vào ngực không gây tử vong và cuộc phẫu thuật này không dùng chút thuốc gây mê nào.
Bác sỹ Tohti giải thích hành động này thể hiện quyền khống chế tư tưởng của con người. “Bất cứ anh là ai, nếu anh có quan điểm khác với ĐCSTQ, nó sẽ coi anh như kẻ thù – chứ không phải là con người, mà là tài sản của quốc gia [ĐCSTQ] mà nó muốn sử dụng thế nào thì sử dụng.”
Ông nhớ lại “Mãi tới khi đến Anh, tôi mới dần nhận ra rằng ở Trung Quốc đại lục mình không được giáo dục về nhân quyền. Với tư tưởng của tôi lúc bấy giờ, tôi thậm chí còn nghĩ rằng được cơ hội hành xử đối với một kẻ thù của nhà nước [ĐCSTQ] như vậy là niềm vinh hạnh lớn lao đối với tôi.”
Ông Enver Tohti, cựu bác sỹ ở Duy Ngô Nhĩ nói về kinh nghiệm đau thương của mình cách đây 18 năm.
Ủy ban Nhân quyền kêu gọi tiếp tục nỗ lực phản đối tội ác mổ cướp nội tạng
Ông Rogers kêu gọi thêm nhiều Nghị sỹ Quốc hội khác quan tâm tới tội ác này: “Đặc biệt là vấn đề thu hoạch nội tạng, một trong những khuyến nghị chúng tôi đề xuất trong báo cáo này là cần phải tiến hành một cuộc điều tra độc lập, mang tính quốc tế để tìm hiểu sự thật về những gì đang diễn ra xung quanh hoạt động thu hoạch nội tạng này,” bao gồm cả nguồn gốc của nội tạng và quy mô cấy ghép tạng đang thực hiện.
Ông Bruce cũng đồng tình rằng: “Chúng tôi khuyến nghị tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc và đề xuất chính phủ Anh chủ trì cuộc điều tra này.” Bên cạnh đó, ông nói tội ác mổ cướp nội tạng cần phải được giải quyết “công khai chứ không là vấn đề riêng [ở cấp chính phủ].”
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/7/4/330915.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/7/5/157696.html
Đăng ngày 9-7-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.