Bài viết của học viên Ngô Khâm Thoa
[MINH HUỆ 20-8-2015] Bà Ngô Khâm Thoa, 65 tuổi, là một trong số 157.000 học viên Pháp Luân Công đã đệ đơn kiện hình sự cựu độc tài Trung Quốc Giang Trạch Dân vì đã phát động cuộc bức hại vào tháng 7 năm 1999.
Trong 16 năm qua, bà Ngô bị lục soát nhà năm lần, bị giam giữ/tẩy não bảy lần, và bị cầm tù hai lần với tổng thời gian là bảy năm vì nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công.
Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu, hầu hết thời gian bà Ngô phải xa gia đình, bà Ngô nói rằng nó khiến bà đau đớn còn hơn cả bị tra tấn về thể xác. “Tôi đã không có mặt tại ngày cưới của con trai út. Tôi đã không được thấy cháu gái tôi trưởng thành. Trong thời gian bị giam cầm, quả thực tôi rất nhớ gia đình mình.”
Bà Ngô và chồng trong lễ kỷ niệm 38 năm ngày cưới. Tấm hình này được chụp vào ngày 23 tháng 7, thời điểm giữa hai lần bà bị bỏ tù oan
“Thật may mắn khi tôi vẫn có cơ hội đoàn tụ với gia đình sau khi được trả tự do. Tôi đặc biệt cảm ơn sự ủng hộ của chồng tôi, nó đã giúp tôi vượt qua tất cả. Nhưng có nhiều học viên Pháp Luân Công khác đã mất đi những người thương yêu của họ trong cuộc bức hại tàn bạo này và gia đình của họ phải chia ly. Thật đáng buồn khi những bi kịch như vậy vẫn xảy ra ở Trung Quốc ngày nay,” bà Ngô nói.
Bà hy vọng rằng việc kiện hình sự Giang có thể giúp chấm dứt cuộc bức hại và mang tự do đến cho người dân Trung Quốc.
Dưới đây là bản tóm tắt chi tiết về trường hợp của bà Ngô.
Pháp Luân Công đã cứu gia đình tôi
Tôi từng bị mắc nhiều căn bệnh, trong đó có bệnh tim và bệnh dạ dày. Hai tay và chân của tôi lúc nào cũng cảm thấy tê cóng. Thậm chí vào những ngày hè nóng nực tôi vẫn cảm thấy lạnh. Bệnh tật khiến tôi chán trường và lúc nào cũng nóng nảy. Con trai tôi gần như không mấy khi sống ở nhà bởi tôi hay gây chuyện và thường cãi vã với chồng tôi.
Sau đó, tôi biết đến Pháp Luân Công, môn tu luyện đã cứu rỗi cuộc sống của tôi cùng gia đình. Tôi bắt đầu tu luyện từ tháng 5 năm 1998 và mọi bệnh tật mà tôi phải chịu đựng trong hơn 20 năm qua đã biến mất trong vòng một tháng. Cuối cùng, tôi đã được bình yên. Tôi hạnh phúc hơn rất nhiều so với trước kia và tôi biết suy nghĩ cho người khác hơn. Tôi không bao giờ nổi nóng với chồng nữa.
Cả chồng và các con của tôi đều nói với tôi rằng: “Việc mẹ tu luyện Pháp Luân Công đã mang đến phúc lành cho gia đình chúng ta.”
Quả thực, tương lai dường như sáng lạn, nhưng rồi cuộc đàn áp trên toàn quốc bắt đầu. Với chính sách bức hại “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, và hủy hoại thân thể” của Giang, cuộc sống của tôi, cùng với cuộc sống của hàng triệu học viên Pháp Luân Công khác ở Trung Quốc, đã bị đảo lộn chỉ qua một đêm.
Bị liệt vào danh sách đen bởi lên tiếng cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công
Thời điểm cuộc đàn áp bắt đầu, các điểm luyện công của chúng tôi bị buộc phải ngừng hoạt động. Tuyên truyền và phỉ báng công kích Pháp Luân Công có thể thấy ở khắp mọi nơi khi chế độ cố gắng vu khống Pháp Luân Công là tà giáo để biện minh cho việc đàn áp môn tập.
Nó khiến tôi cảm thấy khổ tâm và tôi không thể ngồi yên mà không làm gì cả. Tôi đã đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện, kêu gọi chính phủ chấm dứt đàn áp và cho chúng tôi một môi trường tự do để tu luyện.
Phớt lờ lời thỉnh nguyện của tôi, công an đã bắt và đưa tôi về nhà. Kể từ đó tôi bị liệt vào danh sách đen và thường là mục tiêu bị bức hại.
Một năm bị giam cầm và tẩy não
Tôi bị bắt giữ trong một đợt bắt giữ quy mô lớn các học viên Pháp Luân Công vào ngày 12 tháng 9 năm 2001. Công an lục soát nhà tôi và tịch thu mọi thứ có liên quan tới Pháp Luân Công.
Bởi tôi từ chối viết bản cam kết từ bỏ Pháp Luân Công, nên công an đã giam tôi trong một trại tạm giam và một trung tâm tẩy não, ở đó, họ tra tấn tôi bằng nhiều phương thức khác nhau hòng ép tôi từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.
Tôi bị ép phải xem các đoạn phim và các chương trình truyền hình công kích Pháp Luân Công. Vào buổi tối, nhân viên của trung tâm tẩy não rọi đèn vào tôi để khiến tôi không thể chợp mắt. Gần như lúc nào tôi cũng bị các tù nhân canh chừng, ngay cả khi tôi sử dụng nhà tắm. Tôi không hề có được chút tự do hay riêng tư nào.
Chồng tôi rất lo lắng cho tôi. Anh ấy đã nhiều lần ngất xỉu trong khoảng thời gian tôi bị giam giữ. Công an cũng tống tiền gia đình tôi hơn 5.000 nhân dân tệ.
Vào tháng 9 năm 2002, một năm sau khi tôi bị bắt, tôi đã bị kết án hai năm giam cầm lao động cưỡng bức. Nhưng bởi tôi không vượt qua kỳ thi kiểm tra sức khỏe, nên trại lao động đã không tiếp nhận tôi.
Công an tiếp tục giam tôi tại một trung tâm tẩy não trong hơn hai tháng trước khi trả tự do cho tôi và tiếp tục sách nhiễu tôi tại nhà hết lần này đến lần khác.
Công an khiến một gia đình bị tổn thương tinh thần
Tháng 8 năm 2003, một người bạn gọi điện cho tôi và nói rằng cô ấy muốn học Pháp Luân Công để cải thiện sức khỏe. Tôi đã gửi cho cô ấy một số video và tài liệu. Tôi biết rằng công an đang theo dõi điện thoại của tôi.
Một vài tuần sau, một toán công an lớn đã đột nhập vào nhà của bạn tôi, bắt giữ cả hai vợ chồng cô ấy và thẩm vấn họ một ngày.
Công an cũng đi đến tất cả các nhà người thân của tôi để tìm kiếm tôi. Người mẹ già gần 90 tuổi của tôi vô cùng sợ hãi khi công an lục soát nhà bà. Kể từ đó, mẹ tôi luôn sống trong lo sợ. Bất cứ khi nào ai đó nhắc tới từ “công an”, là mẹ tôi lại run rẩy mất kiểm soát.
Chồng tôi cũng bị làm hại và sức khỏe của anh ấy xấu đi.
Với hy vọng để tránh cho gia đình mình không bị liên lụy trong cuộc bức hại, tôi đã rời khỏi nhà và liên tục chuyển từ nơi này qua nơi khác trong khoảng một năm.
Tôi trở về nhà vào năm 2004 để chăm sóc cho con dâu tôi, cháu vừa sinh hạ được một bé gái. Ngay ngày hôm sau, cảnh sát đã đi theo tôi đến bệnh viện. Hơn mười cảnh sát xông vào bệnh viện. Chồng và con trai tôi cầu xin họ đừng làm con dâu tôi hoảng sợ. Nhưng công an đã không đếm xỉa gì đến lời thỉnh cầu của họ.
Giống như những kẻ điên, một vài người trong số họ túm lấy tay và chân tôi rồi đưa tôi đi. Con dâu tôi đã rất hoảng sợ, và sau đó cháu đã bị mất sữa.
Bảy năm bị cầm tù
Tôi tuyệt thực khi ở trong trại giam để phản đối việc bị bắt giữ. Vào ngày thứ tám của đợt tuyệt thực, các lính canh đã bức thực tôi. Cổ họng của tôi bị thương bởi ống dẫn thức ăn và miệng tôi đầy máu.
Hàng ngày các lính canh còng tay và chân tôi 24/24 và bức thực tôi.
Ngày thứ 38, tôi cảm thấy cơ thể mình đã đến giới hạn nên đã ngừng tuyệt thực.
Tôi bị kết án ba năm tù giam vì đã gửi các tài liệu Pháp Luân Công cho bạn bè, và bị tống vào Nhà tù Nữ Tân Hương vào ngày 24 tháng 6 năm 2004.
Ở đó, tôi đã bị tra tấn bằng nhiều hình thức, trong đó có cấm ngủ, ngồi trên một chiếc ghế đẩu trong thời gian dài mà không được cử động, và mỗi ngày phải lao động khổ sai hơn 10 giờ đồng hồ.
Sau ba năm bị tra tấn, tôi trở về nhà và đoàn tụ với gia đình vào năm 2007.
Tôi đã không thể được tận hưởng nhiều thời gian cùng với gia đình, chẳng bao lâu sau, vào ngày 23 tháng 9 năm 2009, tôi lại bị bắt trong khi đang đến thăm một người bạn cũng là học viên Pháp Luân Công. Cô ấy và tôi bị kết án tương ứng ba và bốn năm tù giam.
Chồng tôi, 60 tuổi, đã lần đầu tiên trong đời học cách lái xe để đến thăm tôi. Mỗi tháng chúng tôi chỉ được nói chuyện với nhau trong chốc lát. Anh ấy thường kể cho tôi những điều về mẹ và cháu gái tôi, nhưng không khi nào đề cập dù chỉ một lời đến những khó khăn mà anh phải đối mặt khi giải quyết sự việc. Tôi cảm thấy rất biết ơn sự ủng hộ và khích lệ của anh trong suốt quãng thời gian khó khăn nhất của cuộc đời tôi.
Ngày 22 tháng 9 năm 2013, tôi được trả tự do và cuối cùng tôi đã được trở lại cuộc sống bình thường của mình.
Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2015/8/20/314317.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/8/29/152290.html
Đăng ngày 12-09-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.