[MINH HUỆ 12-8-2015] Từ ngày 24 tháng 5 tới ngày 12 tháng 8 năm 2015, tổng cộng có 179 học viên Pháp Luân Công ở thành phố Bồng Lai, tỉnh Sơn Đông đã nộp đơn khiếu nại hình sự Giang Trạch Dân, theo các báo cáo của trang web Minh Huệ,

Các học viên buộc tội cựu độc tài Trung Quốc vì đã khởi xướng cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công và yêu cầu ông chịu trách nhiệm về những tổn thất to lớn mà họ phải gánh chịu trong chiến dịch đàn áp đó. Các lá đơn khiếu nại hình sự đã được gửi tới Toà án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Nhiều học viên đã kể lại việc Pháp Luân Công đã giúp họ khỏe mạnh và mang đến cho họ cái nhìn mới về cuộc sống như thế nào. Tuy nhiên, ước mơ được sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn của họ đã bị tan vỡ khi vào năm 1999, Giang Trạch Dân đã phát động một chiến dịch toàn quốc nhằm tiêu diệt môn tu luyện này.

Vì không chịu từ bỏ đức tin của mình, họ đã bị bắt, bị giam giữ, tra tấn, nhà của họ bị lục soát còn đồ đạc cá nhân thì bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tịch thu. Người thân của nhiều học viên cũng vì thế mà bị liên lụy, một số người còn bị buộc phải trả một số tiền phạt rất lớn.

Các học viên ở Bồng Lai đã đệ đơn khiếu nại hình sự là những người đến từ tất cả các tầng lớp trong xã hội, trong đó có nhiều người đã nghỉ hưu.

Năm học viên hồi tưởng lại việc bị bắt giam vô cớ và bị tra tấn

Bà Thái Ngọc Thông, 62 tuổi, từng bị đưa tới trại lao động cưỡng bức hai lần và mỗi lần bị giam trong ba năm. Bà cũng bị giam trong các trại tạm giam 10 lần trong tổng cộng khoảng 200 ngày, và nhà của bà bị lục soát tới năm lần. Bà phải chịu đựng sự tẩy não, cấm ngủ, và nhiều hình thức tra tấn khác. Gia đình bà cũng không được phép tới thăm bà. Hai chân bà bị sưng to, và da bắt đầu bong tróc do bị buộc phải đứng yên trong nhiều giờ mỗi ngày trong vòng vài ngày.

Bà Tùng Thục Hoa, 60 tuổi, là một giáo viên đã nghỉ hưu. Bà bị giam trong các trại tạm giam ba lần, bị bắt và lục soát nhà tám lần, và một lần bị gửi đến một trung tâm tẩy não. Con trai của bà không thể tìm được việc làm chỉ vì anh có người nhà là một học viên Pháp Luân Công.

Ông Cổ Ngọc, 72 tuổi, đã bị bắt giữ tổng cộng năm lần, và bị bòn rút hơn 10.000 nhân dân tệ. Ông từng phải rời khỏi nhà trong một năm để tránh bị bức hại.

Bà Lý Nghi Phương đã bị bắt hai lần và bị giam giữ trong tổng cộng 45 ngày. Sự sách nhiễu không ngừng và nỗi sợ hãi là nguyên nhân khiến chồng của bà đổ bệnh, và ông đã qua đời vào năm 2004. Vì không có thu nhập, bà Lý phải rất vất vả để mưu sinh.

Ông Trương Hưng Chu, 73 tuổi, đã bị giam trong các trại tạm giam và trung tâm tẩy não bảy lần. Vào năm 2003, ông và vợ bị kết án tù. Ông bị bức thực, bị cấm sử dụng nhà vệ sinh, và bị ngâm trong nước lạnh trong vài giờ đồng hồ vào mùa đông. Những tra tấn mà ông phải chịu đựng trong tù khiến ông suýt chút nữa mất đi mạng sống.

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, người đứng đầu ĐCSTQ lúc bấy giờ, đã bỏ qua ý kiến của các thành viên khác trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị và tự ý phát động cuộc đàn áp bạo lực đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp này trong 16 năm qua đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công. Nhiều học viên đã bị tra tấn vì niềm tin của họ và thậm chí bị giết để lấy nội tạng. Giang Trạch Dân là người chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc khởi xướng và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo độc đoán của Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật là “Phòng 610” vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này có quyền hạn vượt trên cả lực lượng cảnh sát cũng như hệ thống tư pháp, và thực hiện các chỉ thị của Giang Trạch Dân trong các vấn đề liên quan đến Pháp Luân Công bao gồm: hủy hoại danh tiếng, vắt kiệt tài chính, và hủy hoại thân thể .

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân làm nguyên đơn trong các vụ án hình sự, và nhiều học viên đang thực hiện quyền khiếu nại hình sự đối với cựu độc tài này.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/8/12/314022.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/8/21/152162.html

Đăng ngày 10-09-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share