[MINH HUỆ 19-8-2015] Theo các báo cáo tổng hợp bởi trang Minh Huệ, có tất cả 195 học viên Pháp Luân Công ở thành phố Tuy Hóa, tỉnh Sơn Đông và hơn 40 học viên từ quận Hoa Đô, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông đã gửi đơn khởi kiện Giang Trạch Dân từ giữa tháng 5 và tháng 8 năm 2015.

Các học viên cáo buộc kẻ cựu độc tài Trung Quốc tội phát động cuộc bức hại tàn khốc Pháp Luân Công và yêu cầu ông ta chịu trách nhiệm cho những tổn thất to lớn họ phải chịu đựng trong cuộc bức hại. Các đơn kiện hình sự đã được gửi tới Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Tòa án Nhân dân tối cao.

Nhiều học viên trong số này cho biết Pháp Luân Công đã mang đến cho họ sức khỏe và cuộc đời mới như thế nào. Giấc mơ được sống cuộc sống hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn của họ đã tan vỡ khi Giang Trạch Dân phát động chiến dịch toàn quốc nhằm tiêu diệt môn tu luyện này vào năm 1999.

Chỉ vì đơn giản từ chối từ bỏ tín ngưỡng niềm tin của họ mà họ đã bị bắt, giam giữ, tra tấn, nhà của họ bị lục soát, tài sản cá nhân bị tịch thu. Nhiều người còn chứng kiến gia đình mình bị liên lụy, trong khi đó một số người còn bị ép nộp khoản tiền phạt lớn.

Đầu bếp bị đánh đập trong khi bị giam giữ

Ông Vinh Lập Thành, 42 tuổi, là một đầu bếp và nhà dinh dưỡng ở Tuy Hóa. Trong đợt thế vận hội Bắc Kinh năm 2008, ông đã bị bắt giữ, tiêm loại thuốc không rõ và bị cưỡng bức lao động hơn 14 tiếng một ngày trong suốt thời gian bị giam giữ.

Sau đó ông bị kết án một năm trong trại lao động cưỡng bức, nơi ông bị ép ngồi lên “ghế sắt” và cùng lúc bị đánh đập trong năm ngày liên tiếp.

Ông Vinh bị bắt giam lại vào tháng 7 năm 2014 và giam giữ trong một tháng. Cảnh sát cũng tịch thu chiếc xe hơi ông mượn bạn và từ chối trả lại xe khi ông được trả tự do.

Cặp vợ chồng bị kết án hai năm lao động cưỡng bức

Bà Triệu Vy, 50 tuổi ,là một giáo viên ở Quảng Châu. Nhà của bà bị lục soát bốn lần. Cả bà và chồng, ông Lý Liên Vũ bị bắt giữ nhiều lần. Cảnh sát đưa bà tới trung tâm tẩy não vào tháng 3 năm 2003, trong khi đó chồng bà bị giam tại trại lao động cưỡng bức. Công việc kinh doanh của gia đình bà và con bà bị rơi vào hoàn cảnh không có ai chăm sóc.

Bà bị bắt lại lần nữa vào tháng 5 năm 2007 và bị kết án hai năm lao động cưỡng bức. Bà phải làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày trong trại lao động và bị ép ngồi lên “ghế nhỏ” trong những thời gian còn lại.

Chồng bà đã bị giam giữ trong trại lao động hai năm. Khi ông được thả ra, ông mất dũng khí để tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công. Mặc dù ông đã trở nên khỏe mạnh sau khi lần đầu tập luyện, nhưng do bị giam giữ lâu, căng thẳng và sợ hãi, ông đã qua đời sau khi bệnh tình tái phát.

Cán bộ chính phủ bị đưa tới trung tâm tẩy não

Ông Kiều Quang Thanh, 56 tuổi, là một cán bộ chính phủ ở Quảng Châu. Ông bị đưa tới trung tâm tẩy não suốt sáu tháng trong năm 2000. Sau đó, ông bị hai lần kết án lao động cưỡng bức 21 tháng vào tháng 10 năm 2003 và 24 tháng vào tháng 4 năm 2007.

Trong khi bị giam giữ, ông bị ép không được ngủ trong thời gian dài và phải xem những video tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công. Cơ quan ông cũng tước bỏ các quyền lợi dành cho quan chức chính phủ của ông.

Phụ nữ bị đánh đập, không cho thức ăn và nước uống

Cô Hoàng Thang Văn, 39 tuổi, bị bắt giữ nhiều lần. Đặc biệt cô bị bắt giữ vào tháng 1 năm 2001 trong khi thỉnh nguyện tại Bắc Kinh cho quyền lợi được tu luyện Pháp Luân Công.

Vì cự tuyệt tiết lộ tên và địa chỉ, cô đã bị nằm cố định trên giường và không được cho ăn cho uống. Lính canh sau đó treo cô lên và đấm vào bụng cô. Cô không được thả xuống cho tới khi khắp thân thể sưng phồng lên và kiệt quệ.

Sau đó cô bị kết án một năm rưỡi lao động cưỡng bức.

Bức hại lan rộng tại các trại tạm giam và Trại Lao động

Bà Nhậm Hưng Cần, 72 tuổi, là cư dân Tuy Hóa. Toàn thể gia đình bà đều tu luyện Pháp Luân Công. Tuy nhiên, con trai lớn thứ hai và con gái lớn thứ ba của bà đã bị bức hại đến chết. Bà Nhậm khởi kiện Giang đã gây ra cái chết của con bà.

Ông Lưu Trúc Lâm, 72 tuổi, là kỹ sư đã nghỉ hưu ở Tuy Hóa. Ông bị bắt giứ hai lần khi tới Bắc Kinh thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công vào cuối năm 2000. Ông đã bị đánh đập dã man và đâm bằng kim tiêm tại trại tạm giam.

Cô Hoàng Thư Quân, 38 tuổi, bị kết án hai năm lao động cưỡng bức sau khi bị bắt vào tháng 10 năm 2000 vì phân phát các tài liệu Pháp Luân Công. Cô bị ép phải xem hoặc đọc các tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công, bị cấm ngủ và gia đình không được phép vào thăm. Sau khi được thả ra, cô mới biết việc cô bị giam giữ khiến tinh thần mẹ cô bất ổn và bà mắc chứng trầm cảm.

Bà Chu Tiểu Anh, 40 tuổi, cũng phải chịu một năm rưỡi trong trại lao động, nơi bà bị ép buộc làm việc hơn 10 giờ mỗi ngày.

Anh Thang Chí Hành, 38 tuổi, từng là quản lý nhà máy da ở quận Hoa Đô, thành phố Quảng Châu. Anh kiện Giang Trạch Dân đã khiến anh bị giam giữ gần bảy năm ở các nơi khác nhau.

Bà Vương Hà, 59 tuổi, là một nhân viên từ Phòng 293 của Nhà máy hạt nhân quận Hoa Đô ở thành phố Quảng Châu. Bà cáo buộc Giang phải chịu trách nhiệm về những vụ bắt giữ bà trong suốt 16 năm qua.

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, với vai trò là người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã bỏ qua ý kiến của các thành viên khác trong Bộ Chính trị và tự ý phát động cuộc đàn áp tàn bạo nhắm vào Pháp Luân Công.

Trong suốt 16 năm qua, cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công. Nhiều người đã bị tra tấn vì niềm tin của họ và thậm chí còn bị giết để lấy nội tạng. Giang Trạch Dân chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc khởi xướng và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo của Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật là Phòng 610 vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này có quyền lực vượt trên các lực lượng cảnh sát và hệ thống tư pháp và thực hiện các chỉ thị của Giang về các vấn đề Pháp Luân Công, gồm: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, và hủy hoại thể xác.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ án hình sự, và nhiều học viên đang thực hiện quyền của mình khi nộp đơn kiện hình sự nhà cựu độc tài này.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/8/19/314363.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/8/29/152288.html

Đăng ngày 12-09-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share