[MINH HUỆ 15-8-2015] Từ ngày 27 tháng 5 đến ngày 12 tháng 8 năm 2015, có tổng cộng 641 học viên Pháp Luân Công ở Thượng Hải đã đệ đơn khởi kiện hình sự Giang Trạch Dân.

Các học viên cáo buộc cựu độc tài Trung Quốc đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo lên Pháp Luân Công và yêu cầu ông ta phải chịu trách nhiệm cho những đau khổ to lớn mà họ phải gánh chịu bởi chiến dịch của ông ta. Các đơn kiện hình sự đã được gửi tới Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Nhiều học viên đã thuật lại việc Pháp Luân Công đã giúp họ phục hồi sức khỏe và mang đến cho họ một cái nhìn mới mẻ về cuộc sống. Ước mơ của họ là có một cuộc sống mạnh khỏe và hạnh phúc hơn, tuy nhiên, nó đã tan vỡ khi Giang Trạch Dân phát động chiến dịch xóa bỏ môn tu luyện vào năm 1999.

Chỉ đơn giản vì từ chối từ bỏ đức tin của mình, mà họ đã bị bắt, giam giữ, tra tấn, và nhà của họ bị lục soát, đồ đạc cá nhân bị thu giữ. Nhiều người cũng đã phải chứng kiến cảnh gia đình bị liên lụy bởi đức tin của họ, trong khi một số khác bị bắt phải trả những khoản tiền phạt khổng lồ.

Các học viên ở Thượng Hải gửi đơn khởi kiện hình sự gồm các công nhân nhà máy, kỹ sư, và giáo viên.

Dưới đây, chúng tôi sơ lược tiểu sử của một số học viên:

Bà Thiệu Hồng Trân, 65 tuổi, từng làm việc trong một nhà máy. Kể từ sau khi cuộc bức hại bắt đầu, bà bị tra tấn tàn bạo ở trong tù và các trại giam, các hình thức tra tấn gồm có bức thực, đánh đập, và biệt giam. Khi bà tuyệt thực ở trong trại giam vào năm 2006, bà đã bị bức thực trong bệnh viện của nhà tù. Các cánh tay và cẳng chân của bà bị trói chặt vào bốn góc giường và họ luồn một chiếc ống vào bụng bà.

Bà Thôi Bảo Khôn, 73 tuổi, nguyên là một kỹ sư trưởng. Từ năm 2000 đến 2003, bà đã bị bắt giữ hai lần và bị giam giữ tổng cộng trong hơn 100 ngày. Sau khi bà bị bắt giữ lần ba vào tháng 9 năm 2004, bà bị kết án ba năm tù giam.

Anh Vương Binh Khoa, 39 tuổi, một giáo viên trung học, bị bắt giữ bốn lần kể từ năm 2000 đến năm 2008. Anh bị kết án ba năm quản chế sau vụ bắt giữ lần ba vào tháng 3 năm 2007. Năm sau đó, anh bị bắt giữ một lần nữa, lần này anh đã bị giam giữ cho đến tháng 10 năm 2010. Trường học đã sa thải anh sau khi anh được trả tự do.

Trong khi bị giam giữ và bị cầm tù, anh Vương đã bị cấm ngủ, đánh đập tàn bạo, biệt giam, và bị bắt phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ trong thời gian dài.

Ông Pháp Chính Bình, 69 tuổi, nguyên là một giáo viên trung học. Ông đã hai lần bị giam giữ trong trại lao động cưỡng bức vào các năm 2001 và 2005. Tháng 12 năm 2008, ông lại bị bắt giữ một lần nữa và bị kết án ba năm tù giam.

Ông bị tra tấn khi ở trong tù và trong các trại lao động. Ông bị cưỡng bức uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Trong một thời gian dài, ông không được cung cấp đủ đồ ăn và chỉ được phép ngủ hai giờ đồng hồ mỗi đêm. Có lần ông đã bị sốc điện bằng bốn dùi cui điện cùng một lúc. Ông bị bắt phải mặc một chiếc áo len dày và mặc áo khoác trong những ngày hè nóng nực và có lần họ đã treo ông lên trong 20 ngày liên tiếp.

Họ đã dùng bảy sợi dây thừng trói ông Pháp lên một hàng rào kim loại trong thời gian dài.

Do bị tra tấn, trong một thời gian ngắn, ông Pháp đã gần như mất đi thính lực, thị lực và khả năng ghi nhớ. Ông đã bất tỉnh và bị ngã gục nhiều lần trong khi bị tra tấn. Sau đó, ông đã không thể đi lại hay tư duy của ông không được mạch lạc. Toàn thân ông bị bầm tím sau khi bị treo lên.

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác, đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.


Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2015/8/15/314151.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/8/22/152188.html

Đăng ngày 11-09-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share