Bài viết của học viên Pháp Luân Công ở New Zealand
[MINH HUỆ 16-7-2015] Ông Hòa Tam Phổ, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy của tỉnh Hồ Nam, đã trở thành một người tị nạn ở New Zealand vào năm 2009 để tránh cuộc bức hại Pháp Luân Công đang xảy ra tại quê nhà Trung Quốc của mình.
Ông Hòa Tam Phổ (đứng thứ hai từ phải sang) đoàn tụ cùng gia đình ở sân bay New Zealand vào năm 2009 sau khi ông ra khỏi Trung Quốc để tránh bị bức hại.
Ông cùng gia đình, gồm vợ là bà Trương Hãn Văn, con gái là cô Hòa Ngạn Thần cùng con rể là anh Dương Tử Uy, đã cùng với hơn 100.000 người khác đệ đơn khởi kiện hình sự Giang Trạch Dân kể từ cuối tháng 5 năm 2015.
Họ đã cùng ký tên và gửi đơn khởi kiện tới Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, ở Bắc Kinh, Trung Quốc, và gửi một bản sao của đơn kiện tới Minh Huệ Net.
Phạm các tội ác chống lại nhân loại
“Tôi không ghét Giang Trạch Dân. Bởi vì tôi là một học viên Pháp Luân Công, tôi luôn chiểu theo các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn,” bà Trương nói.
Bà nói tiếp: “Chúng tôi khởi kiện không chỉ bởi cuộc bức hại pháp môn tu luyện này, mà còn bởi Giang đã phạm phải các tội ác chống lại nhân loại.”
Kiện Giang Trạch Dân là rất trọng yếu bởi: “Nhiều người dân Trung Quốc không nhận thức được những tội ác mà Giang Trạch Dân đã phạm phải khi còn là người đứng đầu chính quyền Cộng sản Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã che đậy rất chuyên nghiệp những tội ác mà nó đã gây ra. Các vụ kiện sẽ phơi bày những tội ác này và để người dân Trung Quốc nhìn rõ bản chất thực sự của ĐCSTQ.”
Gia đình của bốn người đã kiện Giang bởi đã giam giữ phi pháp, lăng mạ, phỉ báng, tước đoạt quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, trộm cắp, tống tiền, biển thủ, khám xét mà không có lệnh, tra tấn, và hành hung.
Cuộc sống gia đình hài hòa bị hủy hoại
Cuộc sống gia đình hạnh phúc chỉ kéo dài được bốn năm sau khi họ bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư ĐCSTQ, đã bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999.
Bà Trương bị bắt giữ bốn lần, bị đánh đập, bị phạt tiền, và bị lăng mạ. Bà bị kết án hai năm lao động cưỡng bức vào năm 2001, trong thời gian đó, bà bị tra tấn và bức thực khi bà tuyệt thực.
Khi được trả tự do, các đồng nghiệp của bà không nhận ra người phụ nữ già cả với mái tóc bạc trắng cùng với hàm răng có nhiều chiếc bị gãy và hai cánh tay bị tê liệt.
Ông Hòa bị bắt giữ hai lần và bị giam giữ ba lần. Ông bị kết án lao động cưỡng bức, ở trong đó, ông bị sốc điện bằng năm dùi cui điện cùng một lúc. Bởi ông kiên định đức tin của mình vào Pháp Luân Công, bản án sơ thẩm của ông đã bị gia hạn thêm ba tháng. Thay vì được phép trở về nhà sau khi mãn án, ông lại ngay lập tức bị đưa đến một trung tâm tẩy não.
Hai vợ chồng đã phải rời khỏi nhà để tránh bị bức hại vào năm 2003. Chính quyền đã liệt tên họ vào danh sách truy nã, và đăng trên tờ Hồ Nam Nhật báo.
Cặp vợ chồng này đã bị bắt giữ vào tháng 7 năm 2005. Hai tuần sau, bà Trương đã trốn thoái khỏi trại giam và rời đến New Zealand vào năm sau.
Nhưng ông Hòa thì không được may mắn như vậy. Ông bị giam giữ tại một trung tâm tẩy não trong hơn hai năm, và đã trốn thoát được vào tháng 8 năm 2007. Ông đã đổi tên và trốn ra khỏi đất nước này mà không có một xu dính túi.
Ông Hòa đoàn tụ với gia đình ở New Zealand vào năm 2009, và hiện nay số thành viên trong gia đình ông đã tăng lên năm người, gồm có ông Hòa, vợ ông, con gái, con rể và cháu ngoại.
Được Pháp Luân Công cứu mạng
Bà Trương Hãn Văn là người đầu tiên trong gia đình tu luyện Pháp Luân Công. Bà từng là cán bộ y tế tại Đại học Trịnh Châu. Bà bị chẩn đoán mắc một số căn bệnh hiểm nghèo ở độ tuổi 36, trong đó có bệnh viêm thực quản và xói mòn động mạch vành, cùng một số bệnh khác.
Khi đã đến bước đường cùng, một đồng nghiệp đã giới thiệu Pháp Luân Công cho bà Trương, và bà đã muốn tập thử.
Sau khi xem bài giảng đầu tiên trong loạt các video bài giảng Pháp Luân Công của Sư phụ Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công, bà đã phục hồi sức khỏe và có thể tự mình đi bộ về nhà. Bà có thể ngủ được sau khi xem loạt video chín bài giảng, và sức khỏe của bà đã hoàn toàn phục hồi sau vài tuần tập luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công.
Chứng kiến sự thay đổi thần kỳ của bà Trương, chồng bà cùng con gái cũng bước vào tu luyện Pháp Luân Công.
Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư ĐCSTQ, bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác, đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.
Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.
Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.
Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.
Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2015/7/16/312525.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/8/18/152121.html
Đăng ngày 08-09-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.