[MINH HUỆ 8-8-2015] Theo các báo cáo do Minh Huệ Net tổng hợp, tính từ ngày 27 tháng 5 năm 2015 đã có tổng cộng 2.677 học viên Pháp Luân Công ở Bắc Kinh đệ đơn khởi kiện hình sự Giang Trạch Dân,

Các học viên cáo buộc cựu độc tài Trung Quốc này đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công tàn bạo và bắt ông ta phải chịu trách nhiệm cho những đau khổ to lớn mà họ đã phải gánh chịu bởi chiến dịch của ông ta. Các đơn kiện hình sự đã được gửi tới Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Nhiều học viên đã thuật lại việc Pháp Luân Công đã giúp họ phục hồi sức khỏe và cho họ một cái nhìn mới mẻ về cuộc sống ra sao. Ước mơ của họ là sống một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn, tuy nhiên, nó đã tan vỡ khi Giang Trạch Dân phát động một chiến dịch quy mô toàn quốc nhằm xóa bỏ môn tu luyện vào năm 1999.

Chỉ vì từ chối từ bỏ đức tin của mình, mà họ đã bị bắt, bị giam giữ, tra tấn, bị lục soát nhà, và đồ đạc cá nhân bị thu giữ. Nhiều người cũng đã chứng kiến cảnh gia đình bị liên lụy bởi đức tin mình, trong khi một số khác bị bắt phải trả những khoản tiền phạt khổng lồ.

Dưới đây, chúng tôi sơ lược tiểu sử của một số học viên:

Ông Cảnh Đại Bằng (景大鹏) cùng vợ bị bắt giữ vào tháng 4 năm 2004. Hai vợ chồng nhanh chóng bị kết án lao động cưỡng bức; ông Cảnh bị giam giữ ba năm và vợ ông bị giam giữ một năm trong các trại lao động cưỡng bức.

Ông Cảnh trở về nhà vào ngày 12 tháng 8 năm 2008, khi đó ông bị cảnh sát phục kích và đợi sẵn ở ngoài tòa nhà có căn hộ nơi ông sinh sống. Cảnh sát đã còng tay ông ra sau lưng trong hơn ba giờ đồng hồ. Ngày hôm sau, ông bị chuyển đến một trung tâm tẩy não, tại đây ông bị sốc điện và chịu đựng nhiều hình thức tra tấn khác nữa. Thậm chí cho đến nay, có các dấu tích từ những thương tổn vẫn còn rõ mồn một trên cổ tay của ông.

Ông Bàng Hữu (庞有), 52 tuổi, bị kết án tám năm tù giam vào tháng 11 năm 2001. Ông bị sốc điện, bị còng tay, và bị cùm chân, bị bắt phải ngồi trên một chiếc “ghế đẩu nhỏ” trong thời gian dài, bị bức thực, phải mặc một chiếc áo gi-lê bằng kim loại bó chặt, và bị tra tấn bằng “ghế cọp”.

Bà Tịch Chiếu Văn (席照文), 40 tuổi, bị bắt giữ vào tháng 12 năm 2007 khi đang tìm cách để giải cứu cho chồng mình, ông đã bị bắt giữ trước đó bởi tu luyện Pháp Luân Công. Bà đã tuyệt thực để phản đối, nhưng lại bị đưa tới một bệnh viện để bức thực. Bà bị khống chế nằm trên giường hai tuần, trong thời gian đó bà đã bị sút cân. Sau đó, bà Tịch bị giam giữ trong trại lao động cưỡng bức hai năm.

Bà Cận Thục Anh (靳淑英), nông dân, bị bắt giữ cùng chồng vào ngày 23 tháng 9 năm 2005. Hơn 20 cảnh sát đã đột nhập vào nhà của hai vợ chồng vào tầm nửa đêm và bắt họ đi. Cậu con trai đang ở độ tuổi niên thiếu của họ đã bị chấn động tâm lý khi chứng kiến cha mẹ cậu bị bắt giữ đột ngột như vậy.

Sau đó cả bà Cận và chồng cùng bị kết án hai năm lao động cưỡng bức, trong thời gian đó con trai của họ phải sống nương nhờ vào họ hàng và phải làm các công việc vặt để trang trải cho bản thân. Cha mẹ bà Cận vô cùng lo lắng cho bà đến nỗi sức khỏe của họ xấu đi một cách nhanh chóng, và cha bà Cận đã qua đời năm 2011 và mẹ bà qua đời năm 2013.

Ông Dương Thiếu Thành (杨少成) bị bắt vào ngày 8 tháng 6 năm 2001 trong khi đang thăm một người bạn. Trong trại giam, ông bị còng tay và xích vào một chiếc ghế kim loại. Công an đã đấm vào ngực ông. Khi ông bị kiệt sức, họ đã dội nước lên khắp cơ thể ông và sốc ông bằng dùi cui điện cao áp.

Ngoài các học viên ở trên, dưới đây là các trường hợp cũng gửi đơn khởi kiện:

Bà Tương Tú Trân, 75 tuổi

Bà Lý Lan Bình, 75 tuổi

Bà Mã Tú Phân, 62 tuổi, nhân viên chính phủ nghỉ hưu

Bà Lý Tú Anh, 69 tuổi

Bà Lưu Xuyên Kế, nông dân

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác, đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.


Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2015/8/8/313803.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/8/15/152083.html

Đăng ngày 07-09-2015. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share