Bài viết của phóng viên Minh Huệ từ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc

[MINH HUỆ 25-01-2015] Nhìn chăm chú vào khán phòng trống không, bà La Linh Dung (罗玲蓉) thắc mắc tại sao các con của bà không tới tham dự phiên xét xử bà. Hóa ra, chính quyền đã cho con gái bà thông tin sai và nhiều lần bảo đảm với cô rằng phiên xét xử sẽ diễn ra ở một trụ sở tòa án khác.

Khi gia đình của bà La đến Tòa án quận Giang Dương vào ngày 06 tháng 01 năm 2015 để tham dự phiên xét xử, họ nhận ra rằng không có phiên xét xử nào cả và họ đã bị lừa gạt, thực ra bà La đã bị xét xử nơi cách xa hàng dặm trong một phòng xử án tạm thời thuộc trại tạm giam An Phú tại Nạp Khê, nơi bà đã bị giam kể từ lần bắt giữ vào tháng 05 năm 2014.

Bà Cao Hiền Anh (高贤英) bị bắt cùng với bà La vì tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện bị Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp. Không giống như bà La, bà sớm được tại ngoại vì gặp vấn đề về sức khỏe. Vào ngày diễn ra phiên xét xử bà La, bà Cao bị cưỡng ép ra khỏi nhà và bị đưa tới trại tạm giam An Phú để xét xử cùng với bạn của bà.

Phiên xét xử các học viên Pháp Luân Công tại Trại tam giam An Phú này không có gì mới. Thẩm phán chủ trì phiên xét xử này, bà Từ Phiên Phiên (徐翻翻), cũng đã kết án hai học viên khác vì tu luyện Pháp Luân Công tại trại tạm giam này.

Thẩm phán Từ nổi tiếng vì vi phạm trắng trợn thủ tục truy tố các học viên Pháp Luân Công tuân thủ pháp luật. Bà ta tiếp tục lặp lại sai phạm khi vi phạm quyền hợp pháp của hai học viên là bà La và bà Cao khi chủ trì phiên xét xử của họ.

Không kháng nghị, sử dụng bằng chứng giả và không nhân chứng

Tại phiên xét xử của bà Cao và bà La vào ngày 06 tháng 01, tòa án đã vi phạm nhiều thủ tục pháp lý. Thẩm phán đã không thông báo cho các học viên về quyền yêu cầu những người có xung đột về quan điểm phải tự lánh đi.

Thẩm phán và công tố viên đã thông đồng với nhau, nói nhỏ khiến bị cáo nghe không rõ, không hiểu. Bà cho phép công tố viên trình ra bằng chứng là một tờ rơi mà không cần bị cáo xác minh và không cần phải có bất cứ nhân chứng nào.

Học viên cũng không thuê luật sư. Vậy nên, thẩm phán thường xuyên ngắt lời các học viên khi họ tự biện hộ cho mình. Các học viên không được phép nói về Pháp Luân Công hay các quyền theo hiến pháp của mình.

Thẩm phán bảo họ đợi đến lượt để nói. Sau đó, bà ta lại nhanh chóng hoãn phiên xét xử trước khi họ có cơ hội để bào chữa cho mình. Các học viên không chịu thừa nhận phiên xét xử và không ký bất kỳ văn bản nào.

Một phiên xét xử bí mật

Chỉ ba người trong gia đình của bà Cao được phép tham dự phiên xét xử. Các lính canh nói với họ rằng phòng xét xử quá nhỏ. Trên thực tế vào hôm đó, ba thân nhân của bà Cao là những người duy nhất trong khán phòng cùng với hơn 10 ghế trống.

Vì gia đình của bà La bị lừa gạt, họ đã đến làm thủ tục muộn. Các lính canh không để họ vào phòng xét xử. Khi hai người dân địa phương khác muốn tham dự phiên xét xử ủng hộ bà La, một vài người đàn ông đã đẩy họ lên ô tô và đưa đi. Một ngày trước khi diễn ra phiên xét xử, bạn bè và gia đình của các học viên dự định tham dự phiên xét xử bị gọi điện đe dọa không cho đi.

Sách nhiễu trước phiên xét xử

Các cảnh sát từ Đồn cảnh sát Thiến Thảo đã bắt giữ hai học viên vào ngày 23 tháng 05 năm 2014. Bà La bị giam trong trại tạm giam. Bà Cao được xem là không đủ điều kiện sức khỏe để bị giữ trong trại tạm giam, nhưng thay vì thả bà vô điều kiện, chính quyền vẫn buộc gia đình phải bảo lãnh cho bà. Các cảnh sát thường xuyên đe dọa con trai của bà Cao, ép anh phải đưa bà tới gặp cảnh sát và nhận tội. Bà Cao từ chối ký vào các văn bản mỗi lần con trai bà đưa bà đến gặp cảnh sát.

Trước phiên xét xử, Tào Giang (曹江), phó giám đốc Đội An ninh Nội địa tại Giang Dương và Lưu Dũng (刘勇), công tố viên từ Viện kiểm sát Giang Dương, đã đột nhập vào nhà của bà Cao và yêu cầu bà hay con trai bà ký vào bản cáo trạng. Bà Cao không thừa nhận cuộc đàn áp Pháp Luân Công và không ký.

Tào nói với con trai bà rằng việc ký vào bản cáo trạng chỉ là thủ tục. “Vụ án đã được khởi tố rồi. Nhưng sẽ chỉ là án treo chứ không phải ngồi tù. Đây chỉ là hình thức thôi. Phiên xét xử diễn ra lúc 9 giờ sáng và mẹ anh thậm chí không phải có mặt ở đó. Tôi đã lo hết rồi và phiên xét xử sẽ nhanh kết thúc.”

Để ngăn cản gia đình không đến tòa án, khoảng 10 người đàn ông đã đến nhà của bà Cao vào buổi chiều trước khi diễn ra phiên xét xử. Trong số đó có Phạm Xương Lôi (nam, 范昌蕾) từ Đồn cảnh sát Lam Điền và Dương Hiểu Bình (杨晓平) từ Xã Đông Thăng Kiều. Dương nói với bà Cao: “Chúng tôi chỉ đang kiểm soát bà thôi.”

Bất chấp tất cả những cam kết trước đó, bà Cao vẫn bị đưa ra xét xử vào hôm sau.

Những bức hại trước đó

Bà Cao, 72 tuổi, bị kết án ba năm tù vào năm 2006 vì không chịu từ bỏ đức tin của mình vào Pháp Luân Công. Chính quyền đã gây áp lực rất lớn đối với gia đình bà. Năm 2009, bà Cao bị buộc phải rời nhà và sống cuộc sống cơ cực để tránh bức hại. Chính quyền đã giam con trai, con dâu và cháu trai sáu tuổi của bà tại đồn cảnh sát chỉ để ép bà Cao phải tự nộp mình.

Bà La, 62 tuổi, bị giam tại trại tạm giam chín tháng vì đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào tháng 12 năm 2000. Sau đó, bà bị chuyển tới trung tâm tẩy não giam tại đó hai năm. Bà bị biệt giam suốt ngày đêm và phải ăn sau các tù nhân khác.

Tháng 08 năm 2003, sau khi gia đình của bà La trả tiền cho các nhân viên tại trung tâm tẩy não, bà La được thả. Khi trở về nhà, nhà của bà đã đổ nát và cỏ mọc khắp nơi. Những thứ có giá trị trong nhà đã bị lấy đi.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/1/25/303627.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/2/2/148202.html

Đăng ngày 26-03-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share