Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 16-02-2025]

Họ và Tên: Lỗ Xuân Dương
Tên tiếng Trung: 鲁春杨
Giới tính: Nam
Tuổi: 62
Thành phố: Tam Hà
Tỉnh: Hà Bắc
Nghề nghiệp: Giám đốc văn phòng tại Công ty Xuất khẩu Thành phố Tam Hà
Ngày mất: Ngày 15 tháng 1 năm 2025
Ngày bị bắt gần đây nhất: Ngày 25 tháng 9 năm 2002
Nơi giam giữ gần đây nhất: Trung tâm tẩy não Lang Phường

2025-2-15-190250-0.jpg

Ông Lỗ Xuân Dương

Năm 2022, một cư dân thành phố Tam Hà, tỉnh Hà Bắc bị tước lương hưu vì đức tin vào Pháp Luân Công. Từng phải chịu đựng hàng thập kỷ bị bức hại vì đức tin của mình, việc mất lương hưu trở thành giọt nước tràn ly khiến ông Lỗ Xuân Dương suy sụp. Ông bị đột quỵ không lâu sau đó và qua đời vào ngày 15 tháng 1 năm 2025. Ông hưởng thọ 62 tuổi.

Ông Lỗ, trước đây là giám đốc văn phòng của công ty xuất khẩu thành phố Tam Hà, và vợ ông, bà Lệ Vĩnh Liên, từng dạy tại Trường tiểu học Số 4 thành phố Tam Hà, cả hai đều bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu hai năm sau đó, họ liên tục bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm tới.

Hai vợ chồng ông đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, ngày cuộc bức hại chính thức bắt đầu. Họ bị bắt và bị đưa đến thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc. Họ bị giam giữ ngoài trời dưới ánh nắng như thiêu đốt suốt cả ngày. Đêm đó, ông Lỗ bị đưa đến nơi làm việc và bị buộc phải viết cam kết từ bỏ Pháp Luân Công. Vợ ông bị đưa đến lần lượt qua hai khách sạn khác nhau. Hai ngày sau, một quan chức thành phố yêu cầu bà lên TV để vu khống Pháp Luân Công. Bà từ chối và ban giám hiệu nhà trường cảnh báo bà về “những ngày khó khăn phía trước” vì bà dám thách thức quan chức thành phố. Sau đó bà bị đưa đến trường và bị giam giữ ở đó mà không được liên lạc với gia đình.

Lúc 11 giờ tối ngày 23 tháng 9 năm 1999, vợ chồng ông cùng con gái của họ đang ngủ say thì có người đập cửa. Ông Lỗ mở cửa, và thấy khoảng tám cảnh sát từ đồn công an Bắc Thành xông vào. Họ tịch thu sách Pháp Luân Công của vợ chồng ông và bắt vợ ông. Bà Lệ bị giam tại trại tạm giam thành phố Tam Hà trong một khoảng thời gian không xác định.

Tháng 4 năm 2000, bà Lệ đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và bị bắt. Bà bị đưa về và giam tại trại tạm giam thành phố Tam Hà. Bà tuyệt thực để phản đối và được thả bảy ngày sau đó khi cơ thể bà trở nên vô cùng suy nhược. Tuy nhiên, ba ngày sau, cảnh sát lại bắt bà và giam bà tại đồn công an Bắc Thành. Ông Lỗ tìm cách giải cứu bà và bị cảnh sát trưởng Triệu Vĩnh Khang đánh đập. Sau 38 ngày ở đồn cảnh sát, bà Lệ bị đưa về trường của bà và bị giam ở đó thêm hai tuần nữa.

Ngày 28 tháng 8 năm 2000, bà Lệ và ông Lỗ đều bị bắt tại nơi làm việc và nhà của họ bị lục soát. Ông Lỗ từ chối ký vào thông báo tạm giam hình sự, và phó cảnh sát trưởng công an thành phố Tam Hà là Trương Thượng Lâm đã chỉ thị cho một số cảnh sát ghì ông xuống rồi vặn một tay ra sau lưng để còng vào tay kia kéo qua vai từ phía trước. Ông hét lên vì đau đớn. Họ đưa ông Lỗ đến trại tạm giam huyện Đại Xưởng. Khi tháo còng tay rất khó khăn, còng tay đã hằn sâu vào thịt. Các vết thương trên cổ tay ông mãi đến vài tháng sau mới lành. Vợ ông cũng bị tra tấn bằng cách còng tay tương tự và các ngón tay của bà bị tê liệt trong vài tháng sau đó.

Sau đó 100 ngày, ông Lỗ được thả sau khi gia đình ông bị buộc phải trả 5.000 Nhân dân tệ. Cuối tháng 12 năm 2000, vợ ông bị kết án ba năm lao động cưỡng bức. Trại lao động Đường Sơn hai lần từ chối nhận bà sau khi bà được phát hiện mắc bệnh tim và huyết áp cao. Công an huyện Đại Xưởng đòi 9.000 Nhân dân tệ để thả bà. Ông Lỗ chỉ xoay sở được 3.000 Nhân dân tệ và vợ ông được thả sau 129 ngày bị giam giữ. Ngoài ra, trại tạm giam huyện Đại Xưởng còn buộc hai vợ chồng phải trả tổng cộng 3.985 Nhân dân tệ cho chi phí sinh hoạt của họ trong thời gian bị giam giữ.

Tháng 9 năm 2000, công ty ông Lỗ ngừng trả lương cho ông khi ông vẫn còn bị giam giữ. Sau khi ông được thả vào giữa tháng 12 năm 2000, họ không cho phép ông trở lại làm việc và chính thức sa thải ông vào năm 2002. Vợ ông bị mất việc vào năm 2000. Chính quyền cũng vu khống vợ chồng ông trên truyền hình.

Tháng 12 năm 2000, ông Lỗ đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho công lý và bị cảnh sát Bắc Kinh đánh vào lưng. Sau đó, ông bị đưa về và bị giam tại trại tạm giam thành phố Tam Hà trong sáu tuần. Tháng 4 năm 2001, vợ ông bị bắt sau khi bị trình báo vì phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công. Bà bị đưa đến trại tạm giam thành phố Tam Hà. Bà tuyệt thực để phản đối và trở nên rất yếu. Các lính canh đã thả bà vào ngày thứ bảy.

Tháng 5 năm 2001, bà Lệ bị bắt khi đang đạp xe đến nhà một học viên khác. Viên cảnh sát theo dõi bà đã xô bà ngã và tát vào mặt bà. Sau khi bà Lệ bị đưa đến đồn công an Bắc Thành, cảnh sát Ngải Quảng Lượng đá bà rất mạnh. Sau đó bà bị đưa đến trại tạm giam thành phố Tam Hà. Bà tuyệt thực và bị bức thực trong bốn ngày liên tiếp. Răng của bà bị lung lay và quần áo của bà bị rách trong quá trình bức thực tàn bạo. Mu bàn tay bà có vết bầm tím. Các lính canh sau đó đã đưa bà đến bệnh viện để truyền dịch.

Sau khi bị mất việc, hai vợ chồng họ làm việc tại một vườn cây ăn quả để kiếm sống. Ngày 25 tháng 9 năm 2002, khi đang làm việc tại vườn cây ăn quả, ông Lỗ đã bị hơn mười cảnh sát từ đồn công an Bắc Thành bắt giữ. Họ đến bằng nhiều xe ô tô không có biển số, mang theo ống nhòm và bộ đàm. Hai cảnh sát trẻ hơn đã đấm vào đầu ông Lỗ, khiến đầu ông sưng to và sau đó ông đã bị đau đầu. Ông hét lên: “Cảnh sát đang đánh người!” Họ nhét cát vào miệng ông và đưa ông lên một chiếc xe tải nhỏ. Ông thậm chí không được phép mặc áo khoác và đi giầy.

Cảnh sát đưa ông Lỗ đến bệnh viện để lấy thuốc điều trị vết thương ở đầu. Không rõ liệu ông có bị buộc phải trả hơn 600 Nhân dân tệ chi phí y tế hay không. Ông được phát hiện bị huyết áp rất cao (chỉ số huyết áp tâm thu gần 200 mmHg, trong khi chỉ số bình thường là 120 hoặc thấp hơn). Bất chấp điều đó, cảnh sát vẫn đưa ông lên xe và chở ông đến trung tâm tẩy não Lang Phường sau khi kiểm tra sức khỏe. Ông bị giam ở đó 20 ngày. Công ty cũ của ông, công ty xuất khẩu thành phố Tam Hà, bị tống tiền trả cho trung tâm tẩy não 8.000 Nhân tệ để đổi lấy việc ông được thả.

Cha của ông Lỗ bị sốc vì cuộc bức hại con trai mình và đổ bệnh. Ông cụ phải nhập viện nhiều lần và qua đời vào năm 2009. Mẹ của ông Lỗ bị sa sút trí tuệ và cần được chăm sóc suốt ngày đêm. Bà qua đời vào năm 2015. Con gái của ông Lỗ lớn lên chứng kiến cảnh cha mẹ mình bị bức hại và kết quả học tập của cô bị giảm sút do sang chấn tâm lý.

Ngày 25 tháng 12 năm 2020, Ủy ban dân phố gọi điện cho con gái của ông Lỗ và yêu cầu cho họ biết cha mẹ cô đang ở đâu, vì họ cần kiểm tra đường ống dẫn khí đốt tự nhiên. Người con gái từ chối trả lời và cúp máy. Tối hôm sau, Lý Vĩnh Lượng, bí thư thôn dẫn ba nhân viên chính phủ, trong đó có một người họ Tân, đến nhà ông Lỗ. Khi một trong số họ rút điện thoại di động ra để quay phim ngôi nhà, vợ ông Lỗ đã ngăn anh ta lại.

Ngày 22 tháng 4 năm 2021, phó đồn trưởng Lý Phượng Học (số hiệu cảnh sát 123064) từ đồn công an Nam Thành đưa bốn cảnh sát (số hiệu cảnh sát F00160, X00091, X00181 và X00832) đến sách nhiễu ông Lỗ tại nhà. Khi ông Lỗ giải thích về tính bất hợp pháp của cuộc bức hại, cảnh sát Lý hứa sẽ tìm hiểu thêm về các luật liên quan.

Việc sách nhiễu ông Lỗ và vợ ông không bao giờ dừng lại. Cảnh sát và ủy ban dân phố xuất hiện ít nhất mỗi năm một lần, đôi khi nhiều lần trong năm, cố gắng buộc hai vợ chồng ông từ bỏ Pháp Luân Công.

Năm 2022, Tôn Dũng, trưởng phòng hưu trí của sở nhân sự thành phố Tam Hà, đã xóa bỏ thâm niên công tác của vợ chồng ông Lỗ, có nghĩa là họ không có lương hưu. Ông Lỗ bị suy sụp đến mức bị đột quỵ không lâu sau đó. Ông không bao giờ hồi phục và qua đời vào ngày 15 tháng 1 năm 2025.

Báo cáo liên quan:

Hơn 300 học viên Pháp Luân Công tại Tam Hà, tỉnh Hà Bắc nộp đơn tố tụng hình sự Giang Trạch Dân

Báo cáo bằng tiếng Anh:

Falun Gong Practitioners in Sanhe City, Hebei Province Are Severely Persecuted

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/2/16/490789.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/2/17/225515.html

Đăng ngày 14-03-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share