[MINH HUỆ 13-12-2015] Theo báo cáo do trang web Minh Huệ tổng hợp, từ ngày 27 tháng 5 tới ngày 7 tháng 12 năm 2015, đã có hơn 300 học viên Pháp Luân Công từ thành phố Tam Hà, tỉnh Hà Bắc nộp đơn tố tụng hình sự Giang Trạch Dân.
Các học viên kiện cựu độc tài Trung Quốc đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công và yêu cầu ông ta chịu trách nhiệm về những đau khổ to lớn gây ra cho họ bởi chiến dịch đó. Các lá đơn tố tụng hình sự đã được gửi cho Toà án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Nhiều người trong số các học viên Pháp Luân Công kể lại họ đã hồi phục sức khỏe và có được nhân sinh quan mới như thế nào. Mong ước của họ là được sống một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn, nhưng ước muốn đó đã bị tan vỡ khi Giang Trạch Dân phát động chiến dịch toàn quốc nhằm diệt trừ môn tu luyện này vào năm 1999.
Đơn giản chỉ vì không chịu từ bỏ đức tin, những công dân tuân thủ pháp luật đã bị chính quyền cộng sản bắt, giam giữ, tra tấn, và bị lục soát nhà và tịch thu đồ đạc cá nhân.
Dưới đây, chúng tôi sơ lược câu chuyện của một vài người trong số những học viên:
15 năm sau khi bị bức hại, bà Cổ Học Vân (贾学云), 53 tuổi, hiện vẫn bị tàn tật
Bà Cổ Học Vân, một người phụ nữ khỏe mạnh với nụ cười rạng rỡ, đã bị tàn phế sau ba tháng tra tấn và ngược đãi tại trại lao động Khai Bình vào năm 2000. Lính canh thường xuyên đánh đập và thường nhét băng vệ sinh bẩn vào miệng bà.
Gia đình bà gần như không nhận ra bà Cổ khi bà được thả cách đây 15 năm. Bà không thể di chuyển hay nói chuyện được. Tay bà có nhiều vết kim đâm. Gia đình bà nghi ngờ rằng bà có thể đã bị tiêm một thoại thuốc không rõ tên.
Hôm nay, sau 15 năm, bà Cổ vẫn còn nhưng di chứng về tâm thần. Bộ nhớ ngắn hạn của bà không hoạt động. Mặc dù bà có thể tự mình đứng vài giây và bước vài bước khi có sự hỗ trợ nhưng tất cả các nhu cầu hàng ngày bà đều phải dựa vào người khác.
Hai con trai của bà đều còn đang tuổi thiếu niên thì bà bị trở thành người tàn tật. Chúng không thể hiểu nổi làm sao mẹ chúng lại bị [chính quyền] bức hại thành người tàn tật chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Chồng bà đã phải làm việc cật lực để chăm sóc bà và hai đứa trẻ.
Không lâu sau khi bà được thả, cha mẹ của bà Cổ đã quá đau buồn vì thể trạng sa sút của bà đến mức cả hai đều xuất hiện các triệu chứng đột quỵ. Sau đó, cả hai đều qua đời.
Vợ chồng cùng kiện Giang Trạch Dân vì bị bắt giữ nhiều lần
Ông Lỗ Xuân Dương (鲁春杨), 53 tuổi, là giám đốc văn phòng Công ty Xuất khẩu Thành phố Tam Hà. Vợ ông, bà Lệ Vĩnh Liên (厉永莲), từng dạy học tại Trường Tiểu học Thứ Tư của thành phố Tam Hà. Cả hai đã bị mất việc chỉ trong mấy năm sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu.
Cả hai vợ chồng cũng đã nhiều lần bị bắt giữ. Đặc biệt, bà Lệ đã bị bắt năm lần và một lần trải qua ba năm trong một trại lao động cưỡng bức. Họ cũng đã buộc phải trả tổng cộng 19.985 nhân dân tệ tiền “phạt” vì từ chối không từ bỏ đức tin của mình vào Pháp Luân Công.
Ông Lỗ đã viết trong đơn khiếu nại của mình: “Không chỉ có vợ tôi và tôi phải chịu đựng đau khổ khôn cùng mà cha mẹ và con gái tôi cũng đã bị chấn thương tinh thần. Sức khỏe của cha tôi xấu đi một cách nhanh chóng và ông đã ra đi vào năm 2009 sau vài lần nhập viện. Mẹ tôi sinh chứng tâm thần phân liệt sau khi chúng tôi bị bắt giữ nhiều lần và bây giờ cần phải chăm sóc 24/24. Con gái tôi, đang ở độ tuối trung học tại thời điểm bắt đầu cuộc đàn áp, thì bị bắt nạt và phải vất vả lắm mới có thể tập trung được vào việc học.”
Nhân viên chính phủ nghỉ hưu yêu cầu Giang chịu trách nhiệm vì đã bắt giữ ông
Ông Lỗ Bảo Phát (鲁宝发), 73 tuổi, là Trưởng phòng An ninh của Cục Thương mại Thành phố Tam Hà.
Trong đơn kiện, ông kể lại việc từ bỏ thói quen hút thuốc và uống rượu duy trì suốt 40 năm, chỉ sau chín ngày bắt đầu tập luyện Pháp Luân Công như thế nào.
Tuy nhiên, ông Lỗ đã bị bắt vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, ngày Giang phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Cảnh sát địa phương tạm giam ông sáu ngày trước khi đưa ông trở lại nơi làm việc, nơi ông bị giam giữ thêm hơn 40 ngày nữa.
Ông Lỗ đã hoàn toàn bị cắt đứt khỏi thế giới bên ngoài khi bị “quản thúc tại gia” tại nơi làm việc của mình. Ông bị buộc phải xem video vu khống Pháp Luân Công hết ngày này qua ngày khác. Mặc dù phải chịu nhiều áp lực nhưng ông vẫn không từ bỏ Pháp Luân Công.
Nông dân bị tra tấn và cưỡng bức lao động khổ sai
Ông Phan Chấn Phương (潘振芳), một nông dân ở thị trấn Tân Tập, đã bắt giữ tổng cộng 12 lần trong suốt cuộc bức hại.
Chỉ tính riêng trong năm 2000, ông đã bị bắt giam tới bốn lần và buộc phải trả 3.000 nhân dân tệ tiền phạt. Vợ ông, bà Trương Xuân Hoa, đã bị chuyển đến trại lao động vào cuối tháng 4 năm đó.
Ông Phân đã bị tra tấn dã man sau khi bị đưa tới một trại lao động cưỡng bức vào đầu năm 2001. Trong 15 ngày liên tiếp, ông bị còng vào một vòng kim loại neo vào sàn nhà, khiến ông không thể ngồi hay đứng được. Cai trại dùng bốn dùi cui điện để sốc điện ông. Khi ngất đi, ông lại bị đánh thức dậy để sốc điện tiếp. Sau đó, một viên cai trại đã đốt lòng bàn chân của ông Phan bằng một mẩu thuốc lá.
Sau đó, ông đã bị chuyển đến một nhà máy và phải lao động nặng. Các công việc liên quan đến sử dụng vật liệu độc hại, nhưng ông và các học viên Pháp Luân Công khác không được đưa bất kỳ thiết bị bảo vệ nào. Hơn nữa, họ phải hoàn thành nhiệm vụ của mình trong một khoảng thời gian ngắn. Bất cứ ai không đáp ứng thời hạn đều bị đánh đập tàn nhẫn.
Sau này, nhà máy này bị đóng cửa sau khi có nhiều đơn khiếu nại từ người dân địa phương vì khói độc hại. Ông Phan sau đó đã bị chuyển sang một nhà máy khác để lao động nặng hơn.
Cuối cùng, khi được thả ra, ông Phân được biết cha ông đã qua đời không lâu sau khi ông bị bắt vào năm 2001. Cảnh sát địa phương liên tục sách nhiễu gia đình ông trong suốt thời gian ông bị giam tại trại lao động.
Thợ chụp ảnh đám cưới bị bắt cởi quần áo và để lộ các phần của cơ thể
Mạnh Chiêu Dân (孟昭民), một thợ chụp ảnh cưới, 43 tuổi, biết ơn Pháp Luân Công vì đã giúp ông khỏi bệnh viêm gan B, song ông đã bị bắt nhiều lần vì tu luyện Pháp Luân Công.
Ông thuật lại một lần bị bắt giữ trong đơn khiếu nại hình sự của mình: “Lúc đang nói chuyện với Phan Chấn Phương [một học viên là người nông dân được đề cập trên đây] và một học viên trong studio của tôi thì Bí thư Đảng thành phố Vương Thiếu Lâm xông vào và ra lệnh bắt ba người chúng tôi. Chúng tôi bị đưa đến đồn cảnh sát, nơi ông Phan và tôi bị buộc phải cởi sạch quần áo, chỉ còn lại đồ lót và còng vào một cột bê tông trong sân. Ngày hôm đó gió dữ dội và trên sân còn có tuyết, nhưng ông Vương và các cảnh sát không cho chúng tôi mặc quần áo lại mặc dù người xem ở đó liên tục xin cho chúng tôi.
Cuối cùng, khi chúng tôi được cởi còng thì toàn thân chúng tôi đã bị tê cóng. Chúng tôi không nhấc nổi tay lên mà cũng không đi bình thường được nữa.”
Một lần nữa vào ngày 4 tháng 6 năm 2004, 10 sỹ quan cảnh sát đã đột nhập vào phòng thu của ông Mạnh và lục soát văn phòng lầu trên làm nơi ở của ông. Ông đã bị giam giữ tại một trung tâm tẩy não trong 45 ngày, trong thời gian đó vợ ông không được biết nơi ông bị giam và phải đi khắp nơi tìm kiếm ông.
Ngày 5 tháng 2 năm 2009, ông Mạnh và vợ ông lại bị bắt giữ một lần nữa. Trưởng Phòng An ninh Nội địa Thạch Liên Đông đã tát vào mặt mạnh ông và đánh đập ông liên hồi. Thạch còn dọa ném ông Mạnh ra khỏi cửa sổ tầng bốn. Trong bốn tháng tiếp theo, ông Mạnh đã bị nhốt trong một căn phòng nhỏ tại một trung tâm tẩy não.
Hai anh em cùng vợ buộc phải sống xa nhà để tránh bị bắt
Trương Quân (张军) cùng em trai của ông là Trương Dũng (张勇) và vợ của hai anh em đều tu luyện Pháp Luân Công. Hai cặp vợ chồng đã bị bắt nhiều lần và có một thời gian, họ phải sống xa nhà để tránh lại bị bắt giữ, để lại cha mẹ già của mình và những đứa trẻ phải tự lo cho bản thân.
Trương Dũng viết trong đơn khiếu nại: “Ngày 3 tháng 3 năm 2000, chúng tôi đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công nhưng đã bị bắt giữ trong ngày hôm đó. Vợ tôi, Trần Phượng Cần (陈凤芹), và tôi, cũng như anh trai tôi Trương Quân và vợ của ông là Lý Phượng Cần (李凤芹), đã bị thẩm vấn riêng rẽ. Tôi đã bị đánh đập suốt hơn một giờ đồng hồ.”
Cha của hai anh em ông đã phải trả 4.000 nhân dân tệ để con trai và con dâu được thả ra. Cảnh sát vẫn chưa trả lại 2.500 nhân dân tệ tiền bảo lãnh cho gia đình.
Vào tháng 8 năm 2001, hai cặp vợ chồng này phải rời khỏi nhà để tránh bị bắt. Cảnh sát đã phát động một cuộc truy bắt và cử đặc vụ tới theo dõi gia đình họ. Cảnh sát đã đột nhập vào nhà của họ mà không báo trước, khiến cha mẹ và con cái của họ hết sức sợ hãi.
Bối cảnh
Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là lãnh đạo ĐCSTQ, bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ khác của Bộ Chính trị, đã phát động cuộc đàn áp bạo lực đối với Pháp Luân Công.
Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn chỉ vì đức tin của mình và thậm chí bị giết để lấy nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc bức hại tàn bạo này.
Dưới sự chỉ đạo của cá nhân Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng cảnh sát và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.
Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/12/13/320397.html
Bản tiếng Anh: https://www.en.minghui.org/html/articles/2015/12/14/154084.html
Đăng ngày 25-12-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.