Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 06-08-2023] Đồng tu Anna và tôi đều là giảng viên đại học. Cô ấy dễ gần và các học viên khác thường tham khảo ý kiến ​​của cô ấy khi họ gặp vấn đề. Trong khi đó, một học viên khác tên Zen lại nhận xét rằng lần đầu tiên khi cô ấy nhìn thấy tôi, cô ấy cảm thấy tôi rất nghiêm túc, khó gần. Tuy nhiên, sau khi nói chuyện với tôi, cô ấy thấy tôi không phải vậy.

Tôi đã tu luyện hơn 20 năm, nhưng ngoài việc chia sẻ với các học viên về việc tu luyện, tôi hiếm khi trò chuyện với mọi người. Tôi còn cho rằng đó là biểu hiện của việc đề cao trong tu luyện, có thể do nhân tố những thứ thuộc về người thường của tôi đã giảm đi nhiều, những sở thích trước kia của tôi đều đã phai nhạt.

Nhận xét của đồng tu Zen khiến tôi phải suy xét lại mình. Tôi không chủ ý không thân thiện. Chỉ là tôi không nghĩ gì cả. Nhưng tại sao sự im lặng của tôi lại khiến người khác cảm thấy khó gần như vậy?

Tôi là một giáo viên có trách nhiệm và tỉ mỉ trong công việc. Tôi luôn cho rằng mình không phải là Đảng viên, lại không truy cầu danh lợi, với văn hóa Đảng mà nói, tôi không có liên hệ gì. Tôi đã tu luyện nhiều năm như thế, dẫu có từng bị tiêm nhiễm yếu tố của văn hóa Đảng thì cũng đã được thanh lý từ lâu. Thực ra không phải vậy. Văn hóa Đảng không tồn tại độc lập, cũng không biểu hiện riêng lẻ, nó xen lẫn trong tư tưởng của tôi, thẩm thấu trong công việc và cuộc sống hàng ngày của tôi, ẩn rất kỹ, nếu không tra xét kỹ càng thì rất khó phát hiện.

Sau gần 30 năm trong nghề giáo, tôi đã hình thành lối nói với giọng điệu trịnh thượng khiến một số người có thể cảm thấy tôi coi họ thấp kém hơn mình. Khi tôi chỉ ra vấn đề trong tu luyện của các đồng tu khác, tôi nhận thấy giọng điệu của mình rất nghiêm khắc, giống như cách tôi nói với các học sinh. Cách nói của tôi thiếu nhã nhặn, không cân nhắc đến cảm nhận của đồng tu. Tôi còn cho rằng mình đang có trách nhiệm với những đồng tu đó. Đồng tu Anna từng bảo tôi độc đoán, có yếu tố của văn hóa Đảng. Nhưng tôi cảm thấy mình chỉ nói thẳng những điều cần nói, còn sau đó người khác nghĩ thế nào, căn bản tôi không bận tâm.

Tôi là một người cầu toàn, nên hay xét nét. Nếu là đặt yêu cầu nghiêm khắc cho bản thân thì còn khả dĩ. Nhưng tôi lại thường hướng ngoại, có thói quen so sánh, nhận xét mọi việc. Đằng sau thói quen này là tâm tranh đấu rất mạnh.

Gần đây tôi đã tìm ra nguyên nhân tại sao đồng tu Zen lại nói lần đầu gặp tôi không dám nói chuyện với tôi. Đó là những lúc một mình, ánh mắt và nội tâm tôi đều là lạnh nhạt. Còn khi nói chuyện với người khác, thì chủ yếu nhìn vào thiếu sót của đối phương, khiến tôi lãnh đạm với bất cứ ai. Tôi đã bị một sinh mệnh bất thiện khống chế, nhưng tôi lại nghĩ đó là chính mình, bản thân tôi vốn là như vậy.

Tôi đã cho phép sinh mệnh đó tồn tại trong trường không gian của mình, bảo hộ nó, để cho nó can thiệp và chi phối cuộc sống, công việc, và thậm chí cả tu luyện của tôi. Tôi chỉ loại bỏ những chấp trước mà tôi nghĩ mình nên loại bỏ, nhưng lại cố tình giữ lại những chấp trước khác. Đây là tu luyện theo lựa chọn, rất giống với cách làm của cựu thế lực.

Không có gì ngạc nhiên khi tôi luôn cảm thấy tu luyện của mình tiến bộ rất chậm. Hóa ra tôi đã tu luyện theo cách mà mình tự cho là đúng, tu luyện trong giới hạn mà tôi đặt ra.

Tôi đã không hoàn toàn chiểu theo lời giảng của Sư phụ. Mặc dù tôi học Pháp nhưng không thể đồng hóa với Pháp. Khi tôi phát chính niệm để thanh trừ tà ác, tôi cũng bảo vệ nó (bằng cách bảo vệ những điều phụ diện của chính mình). Khi giảng chân tướng, tôi chọn người để nói chuyện. Tôi đã không làm tốt ba việc. Tôi đã nhận ra trạng thái tu luyện của mình phiến diện và có sơ hở.

Ngủ quên trên chiến thắng

Tôi đã tu luyện rất nhiều năm và luôn học Pháp. Tại sao tôi vẫn gặp phải những vấn đề này? Tôi phát hiện ra các đồng tu khác cũng gặp vấn đề tương tự.

Tôi nhớ trong Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không đã đánh cược với Đức Phật Như Lai rằng mình có thể nhảy ra khỏi lòng bàn tay của Đức Phật. Khi Cân Đẩu Vân về phía chân trời và nhìn thấy năm cây cột lớn, Ngộ Không bèn dừng lại vì tưởng rằng mình đã rời khỏi lòng bàn tay của Đức Phật, mà không nhận ra năm cây cột lớn đó chính là năm ngón tay của Đức Phật. Rốt cuộc, Ngộ Không vẫn chỉ nằm trong lòng bàn tay của Đức Phật mà thôi.

Điều gì đã khiến Tôn Ngộ Không bị giới hạn như vậy? Đó là quan niệm của Ngộ Không khi cho rằng lòng bàn tay của Đức Phật chỉ lớn đến thế.

Đáng lẽ chúng ta có thể loại bỏ được nhiều quan niệm trong quá trình tu luyện. Tuy nhiên, chúng ta lại có những quan niệm khác khiến bản thân ngủ quên trên chiến thắng. Chúng ta đang bị chúng kiểm soát nhưng lại không thực sự nhận ra. Loại trạng thái này là một phần trong quá trình tu luyện bởi vì tất cả chúng ta đều bắt đầu từ người thường mà đi lên và nhận thức Pháp của chúng ta chưa đầy đủ, nên đó cũng là một phương diện chúng ta cần đề cao trong Pháp, cần tu được đến vô lậu. Chứ chúng ta không thể cứ duy trì trạng thái tu luyện như thế mãi được.

Tháng 11 năm 2022, do sự lây lan của đại dịch COVID-19, hầu như cả thành phố đều dương tính với virus. Sau khi dịch bệnh kết thúc, một học viên đã đến nhà tôi để mời tôi tham gia nhóm học Pháp của họ. Tuy nhiên tôi đã từ chối vì thời gian không thuận tiện cho tôi. Nhưng lý do chính là vì tôi không nghĩ việc tham gia học Pháp nhóm sẽ giúp ích cho mình. Tôi thích tự mình đọc Pháp ở nhà hơn.

Sư phụ từ bi thấy tôi bị mắc kẹt trong vấn đề này và không thể thoát ra được nên Ngài đã liên tục điểm hóa cho tôi. Vào đầu năm, tôi không thể đăng nhập vào trang Minh Huệ. Tôi không thể gửi lời chúc mừng năm mới tới Sư phụ. Tuy nhiên, khi Sư phụ cho đăng kinh văn mới, tôi đã có thể kết nối Internet. Sau khi tôi tải được bài kinh văn đó về, kết nối lại bị ngắt. Dạo đó tôi chỉ có thể kết nối Internet mỗi tuần một lần. Sau khi tải xuống các bài kinh văn mới, kết nối Internet lại bị ngắt. Tôi phát chính niệm nhưng tình trạng không được cải thiện.

Một ngày nọ, tôi đến nhà một đồng tu vì công việc khác. Đồng tu đó lại mời tôi tham gia nhóm học Pháp nhỏ của họ. Tôi nhận ra rằng tôi đã tự cô lập mình. Tôi nên phối hợp với các học viên khác để hình thành chỉnh thể. Sau đó, tôi đã có thể đăng nhập thành công vào trang Minh Huệ.

Nhân Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới năm nay, tôi định gửi thiệp chúc mừng tới Sư tôn. Tôi đã giúp mấy học viên lớn tuổi làm thiệp và trong khi chúng tôi nói chuyện, họ bảo người học viên mà tôi từ chối dạo trước nói rằng tôi là đặc vụ. Tôi liền cười lớn. Lời nói đó quả thật vô căn cứ. Tuy nhiên, sau khi trở về nhà, điều này luôn xuất hiện trong tâm trí tôi. Tôi nghĩ về việc tôi vừa cầu Sư phụ giúp tôi kết nối với các học viên khác và bây giờ điều này lại xảy ra.

Tôi nhớ lại những gì Sư phụ đã giảng trong kinh văn “Giảng Pháp cho các học viên Úc Châu.” Một đặc vụ có thể tồn tại là bởi vì trường năng lượng của chúng ta không thuần chính. Đây là một vấn đề trong tu luyện, vì vậy chúng ta cần hướng nội. Khi truy xét kỹ bản thân, tôi phát hiện rằng mình có tâm xem thường các học viên khác. Đằng sau nó là tâm tranh đấu, đó là tư duy văn hóa Đảng.

Đêm đó tôi mơ thấy mình trở về nhà. Trước đây tôi phải leo cầu thang nhưng lần này có người dẫn tôi đi thang máy.

“Sai lệch”

Vào mùa hè, tôi đã mua một đôi dép quai hậu. Tôi để đó một thời gian rồi mới bỏ ra đi. Lúc mới xỏ vào chân, tôi phát hiện ra chúng bị lệch. Tôi nhận ra mình có chấp trước vào việc tìm kiếm sự hoàn hảo. Nhân sự việc này tôi đã giảng chân tướng cho người bán hàng, khuyên được hai người làm tam thoái. Tôi thầm nghĩ, đôi dép đó thật đáng giá.

Một học viên cần sách Đại Pháp nhưng tôi không thể liên lạc được với đồng tu mà mình đã liên hệ trước đây. Tôi quyết định tự mình làm sách và nhờ một đồng tu khác giúp tôi làm bìa sách. Khi tôi bắt đầu dập ghim các trang lại với nhau, tôi phát hiện ra có bốn trang bị lệch rất nhiều so với các trang khác. Tôi nhớ đến việc đôi dép bị lệch. Bây giờ thì là những trang sách bị lệch rất nhiều. Tôi phải thực sự suy nghĩ về vấn đề này. Lúc đó tôi chợt nhớ đến Pháp của Sư phụ:

“Nhất là trong Phật giáo, nếu chư vị hướng ngoại mà cầu, thì họ nói chư vị ‘đi sang ma đạo’”. (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nhận ra mình có thói quen nghiêm trọng là hướng ngoại. Mỗi lần nhận được sách Đại Pháp từ các học viên khác, tôi luôn tìm ra một lỗi nào đó. Tôi thực sự không thể chịu nổi khi nhìn vào những khuyết điểm và luôn trách móc các học viên vì đã không đặt tâm và không chú ý khi họ sản xuất sách Đại Pháp. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc những học viên đó đã làm ra những cuốn sách khó khăn như thế nào và tôi đã không hướng nội.

Khi nhóm học Pháp nhỏ của chúng tôi phát chính niệm, tôi nhận thấy một số đồng tu có những động tác khác nhau vào lúc kết thúc. Tôi đã nói ra suy nghĩ của mình với họ, và chúng tôi quyết định hỏi Ban biên tập Minh Huệ. Câu trả lời chúng tôi nhận được là không có động tác nào khác khi kết thúc. Khi biết điều đó, tôi cảm thấy xấu hổ và điều này ngay lập tức cảnh tỉnh tôi. Chúng ta chỉ nên làm theo Sư phụ yêu cầu. Điều Sư phụ giảng chính là Pháp. Chúng ta không có quyền “hoàn thiện” Pháp. Tôi đã quá ảo tưởng về bản thân mình. Điều đó quá nguy hiểm! Tôi thực sự đã sai lệch khỏi Pháp.

Tôi phát hiện rằng mình vẫn bị quan niệm “nghiêm cẩn” chi phối. Tôi đối đãi với việc tu luyện bằng logic của người thường. Sau khi có được những nhận thức này, sáng hôm sau lúc ngồi đả tọa, lần đầu tiên tôi trải nghiệm được cảm giác định trụ lại là như thế nào.

Giờ đây tôi hiểu rằng chúng ta cần chiểu theo lời giảng của Sư phụ và không thêm vào những quan niệm của riêng mình. Chúng ta cần phải đồng hóa với Chân-Thiện-Nhẫn một cách vô điều kiện. Dù bất kể điều gì xảy ra, trước tiên chúng ta phải tu luyện bản thân. Chúng ta nên nhìn mọi người và sự việc từ góc độ tích cực. Chúng ta cần có lòng từ bi.

Trên đây là thể ngộ nông cạn của tôi ở tầng thứ hiện tại, tôi hy vọng các đồng tu có thể lấy kinh nghiệm của tôi làm bài học để tránh đi đường vòng trong tu luyện.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/8/6/463749.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/10/22/212580.html

Đăng ngày 07-11-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share