Bài viết của Thanh Ngôn, Lục Văn
[MINH HUỆ 01-04-2023] Cổ nhân thường dùng câu: “Nhân tâm sinh nhất niệm, thiên địa tận giai tri. Thiện ác nhược vô báo, thiên địa tất hữu tư” (Nhân tâm sinh một niệm, thiên địa đều biết rõ. Thiện ác nếu không báo, thiên địa tất có tư) để dạy cho người sống trong mê đạo lý thiện ác hữu báo như bóng theo hình. Kỳ thực, thiện ác của con người không chỉ thể hiện ở hành vi mà còn biểu hiện ở lời nói, ngay cả từng tư tưởng từng ý niệm cũng đều có quả báo thiện ác.
Hình 1: Hành thiện tích đức xuất kỳ tích, nhân tâm sinh một niệm thiên địa đều biết rõ.
Dưới đây là câu chuyện minh chứng cho đạo lý này, chúng ta cùng đọc tiếp nhé!
“Khẩu thị tâm phi” – nói một đằng làm một nẻo là điều thần tiên ghét nhất
Vương Dụng Dư vào thời Minh là một nho sinh ở Nghi Châu, tính tình đôn hậu, giản dị, rất kiên định tín Thần kính Phật. Du Lân và Chu Cát là bạn học của anh. Nhìn bề ngoài Du Lân là người nho nhã, vô cùng hiếu thuận, luôn coi mình là một quân tử đức độ. Chu Cát là người yếu nhược nhất trong các thí sinh, hơn nữa văn chương không xuất chúng nhưng lại đỗ đầu kỳ thi hương, khiến tất cả mọi người đều kinh ngạc.
Một ngày nọ, Vương Dụng Dư trong mộng gặp một vị thần tiên, liền hỏi thần tiên về quá trình thi cử của Du Lân. Thần tiên bảo ông rằng Du Lân không đỗ hạng nhất vì anh ta luôn “phúc phỉ” (khẩu không nói mà tâm thì chỉ trích) người khác, ý tứ chính là bề ngoài thì tốt lắm nhưng trong tâm không có lấy chút thiện niệm nào, khác hẳn với hành vi bên ngoài của mình.
Thần tiên còn nói, Du Lân ở trước mặt cha mẹ cũng vậy, bề ngoài miễn cưỡng nhận lời nhưng nội tâm hờ hững. Hơn nữa còn hay dị nghị người khác, không hợp tình hợp lý, luôn tỏ ra là quân tử đức độ. Thần tiên nói rằng loại người trong ngoài bất nhất, mua danh cầu dự này là Thần ghét nhất, cho nên trời trừng phạt anh ta không đỗ khoa cử.
Tổ tiên hành thiện không hành ác, con cháu đắc phúc báo
Vương Dụng Dư lại hỏi Thần tiên về lý do vì sao Chu Cát lại được đỗ đầu. Thần tiên cho biết tổ phụ và phụ thân của Chu Cát đều là quan nhưng không tham tư lợi, lạm dụng pháp luật, chưa từng gian dâm với phụ nữ, nhà họ Chu ba đời đều như thế, không bao giờ bới móc khuyết điểm hay tội lỗi của ai.
Hơn nữa, tổ phụ của anh ta còn viết “Bách nhẫn thuyết” (Nói về trăm điều nhẫn) để khuyên người đời hướng thiện, cảm hóa rất nhiều người, bởi vậy phụ tử tổ tôn của ông có thể hưởng phúc báo hơn 60 năm. Mặc dù không ai biết họ làm việc tích đức này nhưng Trời lại thấy từng chân tơ kẽ tóc nên đã ban phúc cho anh ta, định sẵn là ban cho anh ta được ba đời hưng thịnh. Thần tiên còn nói năm nay Chu Cát có thể đỗ đầu, phúc báo của anh ta mới chỉ bắt đầu thôi.
Vương Dụng Dư lại hỏi Thần tiên về tiền đồ của mình, Thần tiên nói:
Chỉ cần tâm niệm ngôn hành hướng thiện, tiền đồ tự nhiên sẽ tươi sáng; ngược lại, nếu tâm niệm ngôn hành hướng về điều ác thì tiền đồ tự nhiên sẽ gặp nguy hiểm.
Quả thực như vậy, sau khi Vương Dụng Dư học đến cấp trung [tương đương trung học phổ thông], Du Lân vẫn chưa có thành tựu gì. Kỳ thực, mệnh do Trời định, “họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu” (họa phúc không có cửa, đều là do bản thân mình tự gây ra), làm người chỉ có tâm hướng thiện mới là chính đạo, còn như “ngụy quân tử” Du Lân nói một đằng làm một nẻo thì chỉ có thể dối mình gạt người thôi, nào có thể dối gạt Trời được.
Thường dân Lý Giác giao dịch giữ chữ tín, tích công đức mà thành tiên
Lý Giác là một chủ quán gạo thời nhà Đường, ông là người chính trực, cần mẫn, nghiêm túc với bổn phận của mình. Cửa hàng gạo vốn do cha ông làm chủ. Năm ông 15 tuổi, cha ông ra ngoài kinh doanh, nên giao cho Lý Giác quản việc kinh doanh ở cửa hàng gạo từ đó. Dù là người nông thôn đến bán gạo, hay người thành thị đến mua gạo, Lý Giác đều đưa cho khách hàng cái đấu để tự đong, cũng không tính toán giá gạo lúc đó đắt hay rẻ.
Hình 2: Dù là người nông thôn đến bán gạo, hay người thành thị đến mua gạo, Lý Giác đều đưa cho khách hàng cái đấu để tự đong, cũng không tính toán giá gạo lúc đó đắt hay rẻ. Trong hình là một cái đấu để đong gạo và thóc lúa.
Mỗi lần bán gạo, ông chỉ lấy hai xu tiền lời để nuôi sống gia đình, nhưng cơm ăn áo mặc lúc nào cũng sung túc. Điều này khiến cha ông cảm thấy kỳ lạ, lo không biết ông đang giở chiêu trò gì, bèn tò mò hỏi ông, ông cũng trả lời rất thành thật. Cha ông nói: “Các cửa hàng gạo bình thường đều là mua vào dùng đấu lớn, bán ra dùng đấu nhỏ, cửa hàng chúng ta dùng cùng một đấu là đã tính là không tệ rồi. Mà con còn để người ta tự đong, so ra còn hơn ta nữa. Con chỉ thu về một khoản lợi nhuận nhỏ mà gia đình lại được cơm ăn áo mặc sung túc, có thể thấy ông Trời có mắt và Thần đang bảo hộ chúng ta.”
Trong triều đình cũng có người tên Lý Giác đảm nhiệm chức thừa tướng dưới thời hoàng đế Đường Văn Tông, Đường Vũ Tông trị vì; sau đó vị thừa tướng này vào triều làm tiết độ sứ ở Hoài Nam. Thường dân Lý Giác nghe nói tiết độ sứ mới đến cũng tên là Lý Giác liền đổi tên thành Lý Khoan.
Thừa tướng kiêm tiết độ sứ Lý Giác có một đêm nằm mơ đến “Hoa dương động thiên”, nơi đó hoa tiên muôn màu, cao lầu đình các san sát. Thừa tướng Lý Giác đang chậm rãi bước đi dưới các cao lầu đình các thì thấy một bức thạch bích bóng loáng trong trẻo có khắc chữ to sắc vàng, tên là tiên tịch bảng (danh sách các vị tiên), trong đó có cả tên của Lý Giác.
Thừa tướng nghĩ trong tâm: Ta đã giữ chức vụ quan trọng, công đức lên tới Trời, giờ đây thật sự được ghi tên lên bảng tiên rồi! Ông cao hứng không thôi. Lúc này, hai vị tiên tử từ hai bên bức thạch bích bước ra nói: “Lý Giác này không phải là thừa tướng ông đâu, mà là một người trong bách tính ở Giang Dương.”
Sáng hôm sau, Lý Giác tỉnh dậy, liền nghĩ cách tìm ra vị Lý Giác kia, cuối cùng tìm được người hiện tên là Lý Khoan, tên gốc là Lý Giác. Thừa tướng Lý dùng xe ngựa nghênh đón Lý Giác về phủ, và mời ông nghỉ ngơi trong một căn phòng yên tĩnh dành riêng để tu hành. Sau đó ông tắm rửa trai giới rồi mới hành lễ bái yết kiến, xưng Lý Giác là đạo huynh. Cả gia đình phải cung kính phụng dưỡng, sớm chiều tham lễ.
Thừa tướng Lý Giác bái người cùng tên làm thầy và hỏi về con đường thành tiên
Thường dân Lý Giác lúc này đã là ông lão 70 tuổi, nhưng dáng vẻ tao nhã, dung nhan thanh tú, râu dài hơn một thước nhưng trắng phau khả ái. Ông được Lý Thừa tướng dùng lễ đối đãi như vậy nên trong xã hội có chút bàn tán, có người nói: “Ông ta là chủ cửa hàng gạo, có gì hay ho sao?” Có người phản bác: “Mở cửa hàng gạo không có gì to tát, nhưng Lý Giác là người xuất chúng.”
Hơn một tháng sau, Lý Thừa tướng hỏi Lý Giác: “Xin hỏi đạo huynh ngày thường tu luyện môn đạo thuật nào? Dùng tiên dược gì? Ta từng nằm mộng du ngoạn tiên cảnh, nhìn thấy đạo huynh được ghi tên vào bảng tiên. Bởi vậy, ta bèn nghênh đón đạo huynh, dùng sư lễ để đối đãi. Vạn mong đạo huynh có thể truyền thụ đạo thuật cho ta.” Lý Giác nói: “Ngu dân không biết đạo thuật gì, cũng chưa bao giờ uống bất kỳ loại tiên dược nào.” Lý Thừa tướng khẩn cầu mãi, Lý Giác chỉ biết kể lại câu chuyện và cách bán gạo của mình.
Lý Thừa tướng cuối cùng đã hiểu rõ nguyên nhân, cảm khái ngàn vạn lần nói: “Ông để người ta tự đong gạo, bao năm như một ngày, không thể coi đó là chuyện tầm thường. Đây không phải là điều người bình thường có thể làm được, tích được âm đức khó sánh kịp!”, còn nói rằng ông đã ngộ ra qua sự việc này.
“Nhất động nhất tĩnh nơi thế gian, từng miếng ăn từng hơi thở, Trời đều biết hết. Chỉ cần tích lũy công đức, tuy thân ở địa vị thấp kém cũng có thần linh bảo hộ và được ghi lên bảng tiên. Đây là Thần lấy việc này để cảnh giới thế nhân.”
Lúc ấy, mọi người nói: “Chuyện của thầy Lý Giác của thừa tướng Lý: là Thần!” Thường dân Lý Giác sống đến trăm tuổi mà vẫn minh mẫn, khỏe mạnh. Ba ngày sau khi qua đời, ông để lại quần áo, trút bỏ thân xác mà đi, thật sự thành thần tiên.
Lời kết
Qua câu chuyện này, có thể thấy con người nơi thế gian trong mắt Thần thì đều như nhau, Thần chỉ nhìn nhân tâm là thiện hay ác, lấy đó để phân biệt tốt xấu, cao thấp. Là thừa tướng hay chủ cửa hàng gạo tuyệt không phải là tiêu chuẩn mà Thần dùng để đo lường con người. Bởi vậy ở đời, dù phú quý hay bần cùng, đều phải bảo trì thiện lương, làm việc tốt, không làm việc xấu, có như vậy thì đời sau nhất định sẽ có phúc báo, quan cao lộc dày, tiền tài phúc phận sẽ chờ đợi bạn.
Cho dù con người có làm bao nhiêu việc tốt thì vẫn luôn có người tật đố bất mãn, cũng luôn có người bảo vệ lẽ phải, hãy làm người “Lòng dạ rộng lớn biết bao dung, bao dung chuyện trong thiên hạ; mở miệng là cười, cười những chuyện người đời có thể cười.”
Ngoài ra, trong bất kể là cương vị công tác hay nghề nghiệp bình thường nào, chỉ cần dùng thiện tâm nghiêm túc làm việc thì đều có thể làm nên thành tích, thậm chí là tạo ra kỳ tích. Tâm tính con người cao bao nhiêu thì sẽ sáng tạo ra thành tích hay kỳ tích lớn bấy nhiêu.
(Phóng viên cửa sổ Minh Huệ Duyên Thân biên tập)
Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/4/1/458354.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/6/12/209856.html
Đăng ngày 18-10-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.