Bài viết của Nhất Ngôn, Khởi Tuệ

[MINH HUỆ 31-05-2023] “Trung” là một khái niệm đạo đức vô cùng quan trọng trong xã hội truyền thống Trung Quốc. Về cấu tạo, chữ “Trung” 忠 (trung thành) là “trung” 中 từ “tâm” 心, tức là lời nói và việc làm đều xuất từ tâm, cũng có nghĩa là trung thành, chính trực, và vô tư. Nhưng khi nói đến “Trung”, nhiều người hiện đại sẽ nghĩ ngay đến việc “Quân bảo thần chết, thần không thể không chết, quân bảo thần vong, thần không thể không vong.” Kỳ thực, xét từ các dữ liệu lịch sử, con dân Hoa Hạ từ triều nhà Chu, thậm chí cả trước đó, đã giảng về chữ “Trung” 忠.

Từ xưa đến nay, trung với chức trách là đạo đức nghề nghiệp ở mọi cương vị công tác. Trong xã hội hiện đại, nhiều người cho rằng hoàn thành tốt công tác thuộc phận sự của mình đã là trung với chức trách rồi; nhảy việc và từ chức càng không có gì phải kiêng dè. Đây đều là hệ quả của thế thời đổi thay, đạo đức suy đồi.

“Trung với vua” của Khổng Tử lấy tiền đề là tôn kính vương vị trời ban của bậc quân chủ, vì nước vì dân, tức là trung thành với bậc quân chủ, với quốc gia, với nhân dân. Xét ở góc độ đạo đức cá nhân, “Trung” chỉ sự trung thành với sự nghiệp, với chức trách, với đại chúng, làm người phúc hậu.

Dưới đây xin kể một vài câu chuyện về chữ “Trung” của người xưa.

Đại trung

“Tuân Tử” nói: “Để quân chủ hiểu thế nào là lời nói và hành động phù hợp với đạo đức, khiến quân chủ đồng hóa với thiện, đó là đại trung. Giống như Chu Công đối với Chu Thành Vương.”

“Sử Ký” chép rằng Chu Công là người hiếu thuận, nhân đức. Sau khi Chu Vũ Vương qua đời, Thành Vương còn nhỏ, Chu Công lo ngại người trong thiên hạ nghe nói Vũ Vương tạ thế mà phản bội, bèn tuyên bố thay mặt Thành Vương xử lý việc triều chính. Trong quá trình bảy năm nhiếp chính, Chu Công không chỉ tận lực xử lý việc triều chính quốc gia, mà quan trọng nhất là ông đã dụng tâm dạy dỗ Thành Vương đạo làm vua. Trong “Thượng thư Vô dật” ghi lại những lời Chu Công dạy Thành Vương, Chu Công nói: “Bậc quân vương không thể ham nhàn hạ, lạc thú, chỉ khi hiểu được sự nhọc nhằn của nhà nông thì mới có thể thấu hiểu nỗi khổ cực của nhân dân. Tiên Văn Vương tiết kiệm, chuyên cần, chính trực, đích thân tham gia cùng nhân dân xây nhà, khai khẩn, nhân đức khiêm cung, chăm lo cho bách tính, bận rộn từ sáng đến tối, không có thời gian ăn uống, không dám vui thú du ngoạn, cung kính thao lược chính sự, nhờ vậy mà tại vị lâu được đến 50 năm.”

“Thượng thư Triệu Cáo” cũng ghi lại rằng Chu Công dạy Thành Vương phải hành đức mới có thiên mệnh lâu dài. Chu Công nói với Thành Vương: “Chúng ta không thể không lấy triều Hạ và triều Ân làm gương mà soi lại mình. Họ vì không coi trọng hành đức, nên mới sớm mất đi phúc trạch trời ban mà diệt vong. Ngài khi mới bắt đầu việc chính sự, cần phải khẩn trương tiến hành cai trị bằng đức, mong bệ hạ không phóng túng cho bách tính làm những việc vi phạm pháp luật, cũng không dùng việc giết chóc để thống trị nhân dân, có như vậy mới thành tựu nghiệp lớn được. Mong bệ hạ thành bậc đức hạnh hàng đầu trong thiên hạ, để nhân dân noi theo, phát huy, và truyền rộng mỹ đức của bậc quân vương.”

Chu Công tận trung với chức trách, dùng đức giáo hóa Thành Vương. Trong thời gian Thành Vương cùng Khang Vương thống trị triều Chu, xã hội an định, bách tính hòa thuận, không dùng hình phạt trong hơn 40 năm, lịch sử gọi là “Thành Khang chi trị”.

Thứ trung

“Tuân Tử” nói: “Lấy đạo đức tu chỉnh quân chủ mà phò tá quân chủ là thứ trung. Như Quản Trọng đối với Hoàn Công.”

“Sử Ký” nhận định Quản Trọng là hiền thần, có thể phát huy ưu điểm và sửa chữa khuyết điểm của Hoàn Công. Khổng Tử bình luận rằng Quản Trọng phò tá Hoàn Công, xưng bá chư hầu, cứu giúp thiên hạ, nhưng nơi ở và việc sử dụng nô bộc của ông đều xa hoa, có thể sánh ngang với quân vương, đó là không tiết kiệm và vi phạm lễ chế.

Quản Trọng có thể tu chỉnh khuyết điểm của Tề Hoàn Công, chẳng hạn Sử Ký ghi rằng khi Hoàn Công đánh bại nước Lỗ, rồi lại gặp gỡ giao hảo với nước Lỗ ở Kha Địa, bề tôi của Lỗ Trang Công là Tào Mạt tại yến hội đã dùng dao găm uy hiếp Tề Hoàn Công để yêu cầu nước Tề trả lại cho nước Lỗ vùng đất đã mất trong chiến tranh. Tề Hoàn Công sau khi bị ép buộc phải đồng ý thì tức giận không muốn trả lại đất, mà muốn giết Tào Mạt. Tuy nhiên, Quản Trọng khuyên ông chớ vội nóng nhất thời mà thất tín với chư hầu. Các nước chư hầu sau khi biết chuyện này, đều cho rằng Tề Hoàn Công có uy tín và nguyện ý quy phục nước Tề.

Nhưng đức hạnh của Quản Trọng chưa đạt đến như Chu Công để cảm hóa và khuyên gián răn chủ thấu rõ đức và theo thiện. Trước khi Quản Trọng qua đời, ông từng kiến nghị Hoàn Công không thể dùng Dịch Nha, Khai Phương và hai kẻ nịnh thần khác. Nhưng sau khi Quản Trọng qua đời, Tề Hoàn Công vẫn trọng dụng bốn kẻ nịnh thần giỏi nịnh hót này, khiến bọn họ lộng quyền, làm loạn triều chính, đẩy nước Tề đến chỗ suy bại.

Hạ trung

“Tuân Tử” nói: “Khuyên gián khuyết điểm của quân chủ nhưng lại khiến quân thần oán giận lẫn nhau, là hạ trung. Ngũ Tử Tư đối với Ngô Vương Phù Sai là một ví dụ.”

Ngũ Tử Tư tận trung phò tá Ngô Vương Hạp Lư, giúp cho nước Ngô thịnh vượng về kinh tế, về quân sự cũng trở thành cường quốc vào thời điểm đó. Sau khi Phù Sai kế nhiệm Ngô Vương, Ngũ Tử Tư tiếp tục phò tá Phù Sai. “Sử Ký” ghi lại rằng sau khi nước Ngô đánh bại nước Việt, Ngũ Tử Tư khuyên gián Phù Sai hãy tiêu diệt nước Việt, nhưng Phù Sai không nghe mà thu nhận ý kiến của Thái Tể Bá Dĩ, người đã nhận lễ vật của nước Việt, để nước Việt làm chư hầu của nước Ngô mà không diệt cỏ tận gốc. Ngũ Tử Tư ba lần khuyên gián Phù Sai, nói rằng: “Việt Vương Câu Tiễn có thể nhẫn chịu lao khổ, ăn không chú trọng vị, quan tâm đến bách tính, sẽ làm nên việc lớn, nước Việt sẽ là đại họa ngấm ngầm của nước Ngô, hy vọng đại vương không nghe những lời hoa ngôn xảo ngữ của người nước Việt, hãy dẹp nước Tề qua một bên, trước tiên cần đánh bại nước Việt, nếu không tương lai sẽ hối không kịp.”

Thái Tể Bá Dĩ từ lâu đã có hiềm khích với Ngũ Tử Tư, thừa dịp bèn vu khống Ngũ Tử Tư trước mặt Ngô Vương, nói rằng Ngũ Tử Tư không được trọng dụng nên ôm lòng bất mãn, oán hận quân vương. Ngô Vương sớm đã bất mãn với Ngũ Tử Tư nên ban cho Ngũ Tử Tư thanh kiếm để ông tự sát. Trước khi tự sát, Ngũ Tử Tư nói với người hầu cận rằng: “Sau khi ta chết, hãy móc mắt ta ra, treo ở cổng phía Đông của đô thành nước Ngô, ta muốn nhìn rõ nước Việt tiến vào đô thành, tiêu diệt nước Ngô như thế nào.” Chín năm sau khi Ngũ Tử Tư qua đời, nước Ngô bị nước Việt tiêu diệt.

Ngũ Tử Tư mặc dù tận trung với chức trách của mình, nhưng vì không thể tu chỉnh khuyết điểm của quân chủ, lại vì những lời khuyên gián của ông khiến quân thần quay lưng lại với nhau, nên chỉ có thể coi là hạ trung.

Nói đến hạ trung, thuận tiện nhắc đến “quốc tặc”. Triệu Cao là “quốc tặc” của Hồ Hợi, vị hoàng đế thứ hai của nhà Tần.

Lời kết

“Trung” bắt đầu từ thành và kính. Trung với chức trách không chỉ là hoàn thành phận sự của mình, mà còn là tôn trọng, không vị tư đối với chức trách từ nội tâm. Cổ nhân nói đến “Trung” thì nhấn mạnh tính tuyệt đối và thần thánh của “bất khi” (không dối gạt), “kiệt thành” (hết lòng trung thành), “tín thành” (chân thành tin tưởng), và coi “Trung” là đức tính trọng yếu để làm người. “Trung” và “Tín” trong “Ngũ thường” (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) là tương phụ tương thành với nhau. Người hiện đại bắt đầu từ bản thân, tìm lại khái niệm và phẩm đức của “Trung” – đó là con đường mà con người nhất định phải đi qua để có thể khôi phục lại thành tín, không ỷ quyền cậy thế mà mưu tính tư lợi, từ nội tâm xuất ra được đạo đức nghề nghiệp (phẩm đức) lương thiện, cuối cùng đạt được thiên nhân hợp nhất.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/5/31/461383.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/7/26/210494.html

Đăng ngày 22-09-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share