Bài viết của Nguyên Thanh (Trung Quốc)

[MINH HUỆ 01-05-2023] Cách đây một thời gian, tôi đã gặp phải ba điều khiến trái tim của các bậc cha mẹ trong thiên hạ lạnh buốt:

Gia đình thứ nhất có một cậu con trai đang học cấp 3, thành tích học tập không tốt, khi ở nhà vào dịp Tết Nguyên đán, cậu suốt ngày nghịch điện thoại, mẹ cậu đã nói, khiến cậu rất không vui, trong lúc tức giận cậu đã tát mẹ một cái rồi bỏ đi. Từ đó cậu không bao giờ muốn gặp mẹ nữa, điện thoại cũng không nghe.

Gia đình thứ hai có một cô con gái, cha mẹ đều đã nghỉ hưu, nhưng về hưu mà không được nghỉ, hy vọng kiếm được nhiều tiền hơn để giảm bớt áp lực cho cuộc sống sau này của con gái. Cô con gái là con cưng của hai vợ chồng, từ nhỏ đã được cưng chiều, không phải làm bất cứ việc nhà gì. Cô con gái sau khi học xong đại học thì đi làm ở tỉnh ngoài. Trong mắt người thân và bạn bè, cô ấy là một cô gái ngoan. Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, khi cô gái từ thành phố nơi cô làm việc ở miền Nam trở về nhà, mẹ cô đã mắc phải căn bệnh viêm phổi cấp tính và để lại di chứng nặng nề, biểu hiện là suy nhược. Một hôm, bố mẹ hơi quở trách cô con gái vì tội không làm việc nhà, cô gái đã bỏ đi và bay về thành phố nơi cô làm việc, để hai bố mẹ già ăn Tết ở nhà.

Gia đình thứ ba cũng có một cô con gái được mẹ nuôi nấng sau khi bố mẹ ly hôn. Khi cô học cấp 3, mẹ cô đã chịu hết mọi khó khăn vất vả để gửi cô đến một trường nước ngoài, hy vọng rằng con gái có thể nhận được một nền giáo dục tốt hơn. Cô con gái cũng rất cố gắng và đã được nhận vào một trường đại học nổi tiếng ở nước ngoài. Năm ngoái, cô con gái tìm được bạn đời trong trường và quyết định cưới ngay. Người mẹ không đồng tình với việc con gái lấy chồng sớm, mong muốn con học xong cao học sẽ tính đến chuyện cưới xin. Sau khi biết sự phản đối của mẹ, nhiều người đã khuyên cô gái đừng nghe lời bố mẹ mà hãy tự quyết định chuyện hôn nhân. Cô gái cảm thấy hôn nhân là chuyện của mình, không phải việc liên quan đến bố mẹ. Sau đó không lâu, con gái tự đi đăng ký kết hôn, sau khi xong việc cô cũng không nói với mẹ, coi như với người xa lạ.

Đối với ba trường hợp được đề cập ở trên, họ sẽ bị trừng phạt như thế nào ở Trung Quốc cổ đại, nơi mà lòng hiếu thảo được coi trọng?

Hình luật đời Đường các triều đại trước đó

Ở tất cả các triều đại trước thời Đường, trong kinh điển có ghi chép, tội bất hiếu là trọng tội. Có năm hình phạt trong luật hình sự của nhà Hạ, “ngũ hình phạt thuộc về ba ngàn, và không có tội ác nào lớn hơn bất hiếu”. Nói cách khác, ngay từ thời nhà Hạ, tội bất hiếu không chỉ bị trừng phạt mà còn là trọng tội.

Sách “Thượng thư” có viết: “Có ba trăm hình phạt, không tội nào nặng hơn tội bất hiếu”. Trong các triều đại Ân và Thương, bất hiếu cũng là một trọng tội. “Chu thư – Khang cáo” có viết: Vương nói: “Phong à, tội lớn nhất là kẻ bất hiếu và kẻ không thân thiện… Ta đã nói: chúng ta phải nhanh chóng sử dụng hình phạt do Văn Vương đặt ra để trừng phạt những người này, và sẽ không có sự tha thứ.”

Ngoài những kẻ phạm tội bất hiếu, những kẻ xúi giục người khác bất hiếu cũng cần phải bị nghiêm trị. Sách thẻ tre ở Trương Gia Sơn có quy định: “Dạy người bất hiếu, thì bị xăm chữ lên mặt và lao động khổ sai.” Đây là hình phạt chỉ sau hình phạt tử hình.

Trong “Đường luật” có tội “Thập ác” gồm: Mưu phản, đại nghịch, phản loạn, ác nghịch, vô đạo, đại bất kính, bất hiếu, bất hòa, bất nghĩa, nội loạn. Trong đó, ba điều “ác nghịch”, “bất hiếu” và “bất hòa” đều liên quan đến vấn đề Đạo hiếu.

Các tội bất hiếu bao gồm: Chửi mắng ông bà, cha mẹ; ông bà, cha mẹ còn sống mà có của cải riêng, hoặc đi nơi khác sinh sống; thiếu nuôi dưỡng; khi để tang cha mẹ lại cưới xin, khi có chuyện vui bỏ tang phục; ông bà cha mẹ chết mà không báo tang làm tang lễ; khai man là ông bà, cha mẹ đã chết. “Kẻ mắng nhiếc ông bà, cha mẹ thì bị treo cổ; kẻ đánh ông bà cha mẹ thì bị xử trảm; kẻ ngộ sát ông bà cha mẹ thì bị đày ba ngàn dặm; kẻ làm ông bà cha mẹ bị thương thì bị tù ba năm.”

Sau nhà Đường, vào các triều đại nhà Nguyên, nhà Minh và nhà Thanh, định nghĩa và hình phạt của tội bất hiếu về cơ bản tuân theo “Luật của nhà Đường”, lăng mạ và đánh đập cha mẹ là tội ác. Đó là bởi vì con người đã phạm tội ‘thập ác’, dưới mắt Ông Trời là không thể tha thứ, đây là cái mà người ta thường gọi là “thập ác bất xá” (10 tội ác không dung thứ).

Võ sinh ở Hán Xuyên ngỗ ngược đánh mẹ, kinh động triều đình Đại Thanh

Vào năm Đồng Trị thứ 5 (năm 1866), Trịnh Hán Trinh là võ sinh ở Hán Xuyên (nay là tỉnh Hồ Bắc), cùng với vợ là Hoàng thị đánh mẹ, và bị hàng xóm kiện lên nha huyện địa phương. Đúng lúc Tổng đốc Hồ Quảng khi đó đang đi tuần tra xem xét tình hình Hán Xuyên, Tổng đốc lập tức ra lệnh bắt 2 người quy án, tống vào đại lao, và trực tiếp dâng tấu triều đình. Ngay sau đó, một Thánh chỉ đã được gửi đến huyện Hán Xuyên, trừng phạt nghiêm khắc cặp vợ chồng vì hành vi ngỗ ngược:

Vợ chồng Trịnh Hán Trinh và vợ là Hoàng thị bất hiếu, bị lột da rồi đốt thành tro;

Người chú và 3 anh em họ (anh em họ) khác của Hán Trinh đều bị xử thắt cổ chết;

Tộc trưởng bị xử thắt cổ chết;

Hàng xóm láng giềng che giấu không báo quan, mỗi người bị đánh 80 gậy, và đưa đến Ô Long Giang để sung quân;

Viên quan dạy võ sinh bị đánh 80 gậy;

Quan địa phương 2 cấp phủ và huyện đã không giáo hóa tốt người dân, bị cách chức cho về quê;

Mẹ của Hoàng thị bị thích 4 chữ “nuôi con không dạy” lên mặt và đi diễu 7 tỉnh để thị chúng;

Cha của Hoàng thị vốn là tú tài thi trượt, bị đánh 80 gậy và lưu đày 3000 dặm;

Con trai của Trịnh Hán Trinh mới 9 tháng, để huyện Hán Xuyên nuôi dạy, và đổi tên là Học Thiện;

Nhà cửa ruộng vườn của Hán Trinh để hoang vĩnh viễn;

Lệnh cho Tổng đốc Hồ Quảng khắc in vụ án này rồi phát hành đến tất cả các tỉnh, nếu có vụ án ngỗ ngược thì hãy tuân theo ý chỉ của trẫm.

Thánh chỉ này khi đó đã được khắc in và phát hành đến các tỉnh, do đó vụ án này rất nhanh chóng đã gây chấn động toàn quốc.

Trong vụ án này, người con trai bất hiếu bất kính với mẹ trong thời gian dài, cuối cùng còn cùng với vợ đánh đập mẹ, kết quả khiến cho 6 người bị xử tử, 2 quan chính là Tri phủ và Tri huyện bị cách chức, nhiều người bị tội đánh gậy, lưu đày. Đối với người hiện đại mà nói, sự việc này quả là việc bé xé ra to, không thể tưởng tượng nổi, tuyệt đối không thể nào hiểu nổi, nhưng trong các triều đại lịch sử từ triều nhà Thanh trở về trước, thì tội bất hiếu là trọng tội, và hình phạt ít nhất cũng là tử tội.

(Còn tiếp)

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/5/1/459390.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/5/28/209598.html

Đăng ngày 11-10-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share