Bài viết của Khởi Tuệ

[MINH HUỆ 06-04-2023] Trong lịch sử có rất nhiều vị quan cận thần can gián trứ danh, có vị rất tâm đầu ý hợp với bậc quân chủ, được quân chủ tán thành và phong thưởng, như Ngụy Trưng của triều Đường; có người bị quân chủ thất sủng, bị tước bổng lộc và bãi quan, như Viên Khả Lập triều Minh. Họ đều là các vị cận thần nổi danh được hậu thế ca tụng là cương nghị, chính trực, không a dua; tại sao lại có kết cục trái ngược nhau đến vậy? Sau đây là một chút suy nghĩ của cá nhân người viết.

Lời khuyên thiện ý, có sự đồng cảm

Vị cận thận can gián có tiếng nhất trong lịch sử là Ngụy Trưng. Hoàng đế Đường Thái Tông khen ngợi Ngụy Trưng rằng “Ngụy Trưng tùy sự mà can gián lẽ phải, đa số là trẫm thua. Ông ấy như gương sáng rọi chiếu, tốt đẹp xấu xa hết đều thấy rõ”. Lời can gián của Ngụy Trưng xuất phát từ thiện niệm, tuân theo lễ quân thần, lời nói cũng dựa trên đạo lý, cho nên có thể khiến quân chủ không những tiếp thu mà còn cải biến thành kiến, đây chính là mang tâm thiện mà can gián, cũng là khéo can gián.

Theo “Tư Trị Thông Giám”, vào năm Trinh Quán thứ 10, Hoàng hậu Văn Đức tạ thế. Hoàng hậu và Vua Thái Tông kết tóc từ thuở còn niên thiếu, cùng nhau trải qua thời chiến loạn và nguy nan sinh tử khi huynh đệ tranh đoạt ngôi vị hoàng đế, họ tâm đầu ý hợp, yêu thương nhau, giúp đỡ nhau, tình cảm sâu nặng như loài chim kiêm cá điệp. Bởi vậy, sau khi hoàng hậu qua đời, Vua Thái Tông nhớ thương bà mãi không thôi, nên đã cho xây một tòa tháp trong cung để có thể lên tháp nhìn xa xa ra lăng mộ của bà (Chiêu Lăng). Một ngày nọ Lý Thế Dân (Vua Đường Thái Tông) bảo Ngụy Trưng cùng lên tòa tháp, vua Thái Tông chỉ về hướng Chiêu Lăng hỏi Ngụy Trưng có thấy Chiêu Lăng hay không, Ngụy Trung kính cẩn nhìn một hồi rồi nói: “Thần tuổi già mắt mờ, nhìn không thấy”. Thái Tông liền chỉ cho Ngụy Trưng nhìn hướng về Chiêu Lăng, Ngụy Trưng nói: “Ồ, thần tưởng bệ hạ trông về Hiến Lăng (lăng mộ của Đường Cao Tổ, phụ thân của Thái Tông), nếu là Chiêu Lăng thì thần đương nhiên thấy.” Lý Thế Dân liền hiểu ra rằng Ngụy Trưng đang nhắc nhở mình không nên cứ mãi tưởng nhớ hoàng hậu đã khuất mà không buồn nghĩ đến phụ thân quá cố, hơn nữa “Phu bất tế thê” (chồng không tế vợ) là lễ chế thời ấy. Sau đó, Thái Tông nuốt lệ mà cho dỡ bỏ tòa tháp này.

Trong câu chuyện cổ về lời can gián này, Ngụy Trưng không nói thẳng rằng: “Bệ hạ đừng chỉ nghĩ đến hiền thê đã khuất mà quên mất phụ vương quá cố, như thế không hợp đạo hiếu và lễ chế, sẽ bị thần dân phê bình!” Thay vào đó, ông đã thức tỉnh Thái Tông một cách trí huệ, trong đó bao hàm cả sự đồng cảm với nỗi thương nhớ ái thê của Thái Tông, vừa mang thiện niệm không đành lòng để Thái Tông bị phê bình là không hợp lễ pháp.

“Tư Trị Thông Giám” còn ghi lại một câu chuyện cổ nữa về lời khuyên thiện ý của Ngụy Trưng. Vào năm Trinh Quán thứ nhất, vua Thái Tông phái người đi chiêu mộ binh lính, Trung thư lệnh Phong Đức Di (một viên quan đảm trách việc quản trị, sao chép, lưu giữ hồ sơ, văn kiện của hoàng đế) dâng tấu rằng: “Nam giới tuy chưa đến 18 tuổi nhưng có thể chất cường tráng cũng có thể trưng binh”. Vua Thái Tông đồng ý. Nhưng sau khi mệnh lệnh được ban ra, Ngụy Trưng phản đối việc ký tên chấp hành, chuyển đi chuyển lại đến bốn lần.

Thái Tông nổi giận đùng đùng, cho triệu Ngụy Trưng vào cung khiển trách rằng: “Nam giới có thân thể cường tráng đều là khai gian tuổi tác để trốn tránh lao dịch, trưng dụng họ có gì không thỏa đáng, tại sao khanh cứ khăng khăng phản đối như vậy!” Ngụy Trưng đáp: “Quân đội quan trọng là ở thống lĩnh đúng cách chứ không phải số người nhiều đến đâu, bệ hạ chỉ cần trưng dụng người có thân thể cường tráng, rồi thống lĩnh đúng phương pháp, là đủ để vô địch thiên hạ rồi, hà tất phải chiêu mộ cả người trẻ tuổi để thổi phồng quân số vậy! Hơn nữa, bệ hạ thường nói phải dùng thành tín để trị thiên hạ, khiến thần dân đều không có hành vi gian lận, giờ bệ hạ lên ngôi chưa lâu mà đã thất tín nhiều lần rồi!”

Thái Tông kinh ngạc hỏi: “Ta thất tín như thế nào?” Ngụy Trưng đáp: “Khi bệ hạ mới lên ngôi đã ban chiếu rằng, vùng đồng bằng Quan Trung được miễn thu tô thuế hai năm, khu vực bên ngoài Quan Trung được miễn lao dịch một năm. Sau đó, bệ hạ lại hạ lệnh rằng, người đã nộp thuế và đã phục vụ lao dịch từ năm tiếp sau mới bắt đầu được miễn trừ. Vậy bằng như rút lại những gì đã ban ra cho bách tính, lại trưng quân nữa thì bách tính sao không nói lời oán trách cho được? Huống hồ, hiện giờ đã trưng thu thuế má, lại còn trưng quân lao dịch; vậy là không nhất quán với chiếu lệnh của bệ hạ. Ngoài đó ra, những người cùng bệ hạ cai quản thiên hạ đều là quan lại địa phương, việc hành chính hàng ngày đều giao cho họ xử lý, vậy mà riêng với nghiệp vụ chiêu mộ binh lính, thì bệ hạ lại hoài nghi có hành vi gian lận, điều này bất đồng với điều bệ hạ gọi là lấy thành tín trị quốc đó.”

Thái Tông nghe xong, vui mừng nói: “Khanh bàn luận về chính sách quan trọng của quốc gia, đúng là đều đánh trúng yếu điểm, nếu chính phủ không tuân thủ mệnh lệnh chính sách, thì bách tính cũng không thể tuân theo, quốc gia làm sao được cai trị tốt chứ? Ta đã phạm sai lầm lớn rồi!” Sau đó, Thái Tông bèn hạ lệnh không chiêu mộ nam nhân nào dưới 18 tuổi nữa, còn ban cho Ngụy Trưng một chiếc bình vàng.

Trong câu chuyện này, Ngụy Trưng trước tiên khẳng định sự cai trị nhân đức của Thái Tông, sau đó cẩn thận phân tích chỗ mâu thuẫn giữa các mệnh lệnh chính sách, nói có đạo lý có chứng cứ, tuân thủ lễ quân thần, không chỉ trích theo cảm tính. Đây chính là lời khuyên thiện ý.

Lời khuyên thẳng thắn

Một ví dụ về lời khuyên trung thực nhưng không thiện là lời khuyên của Viên Khả Lập dành cho Minh Thần Tông.

Viên Khả Lập, tự là Lễ Khanh, hiệu Tiết Hoàn, là một vị quan đại thần thanh liêm chính trực của nhà Minh, ông danh vang xa là không sợ quyền thế và xử án công bằng, từng vì lời can gián thẳng thắn mà bị vua Thần Tông cắt lương bổng và tước chức vị. “Tiết hoàn viên công hành trạng” của Đồng Kỳ Xương và “Tuy châu chí” của Trình Chính Tính chép rằng, vào thời Vạn Lịch, quan ngự sử Viên Khả Lập ở huyện Nhâm dâng tấu thư lên hoàng, trong đó nói: “Mấy năm nay, triều đình có nhiều tranh cãi, ngôn từ kịch liệt mà chọc giận thánh thượng, dẫn đến không dưới 100 hạ thần bị phế truất. Những người này đều là bệ hạ trưng dò ý kiến, đều là những người có công truyền bá mệnh lệnh chính sách, phát triển quốc gia. Giờ bệ hạ lại coi họ là kẻ giả vờ chính trực, mua danh tìm dự. Vậy thì, khi những người bị bệ hạ xem là giả vờ chính trực ấy đều bị phế truất rồi, thì những kẻ không chính trực thực sự sẽ vào triều; người bị bệ hạ xem là mua danh cầu dự thì bị khiển trách, còn kẻ thật sự đã mất hết danh dự lại được trọng dụng. Bách tính an lạc, khốn khó thế nào, quan viên thanh liêm, hủ bại ra sao, còn ai có thể bày tỏ thật tình với bệ hạ [về những việc này] nữa? Quốc gia triều chính giống như nước sông ngày một thoái trào, thật đáng sợ!” Sau khi dâng tấu thư, ông đã bị hoàng đế phạt một năm lương bổng.

Sau đó, cung Cảnh Đức bị sét đánh, Viên Khả Lập thừa dịp lại viết một tấu thư khác nói rằng: “Nếu bệ hạ chưa thể tự chủ trì việc tế tự, các buổi giảng kinh đọc sử vào buổi sáng sớm đều bị bỏ qua, tấu chương cũng không kịp thời phê duyệt, thưởng phạt không nhất quán, vơ vét sưu thuế khiến dân oán thán, đúng sai lẫn lộn, không phân biệt được người hiền kẻ gian, dẫn đến người trung thành và đức độ bị hàm oan, người chính trực trong lòng phẫn hận, như vậy liệu có thể thuận theo đạo trời không?” Tấu thư dâng lên đã chọc giận Thần Tông, cuối cùng ông bị cách chức về làm thường dân.

Trong câu chuyện cổ này, mặc dù Viên Khả Lập có dũng khí can gián thẳng thắn, nhưng ngôn từ thể hiện rõ sự chỉ trích quân chủ ngu muội, làm trái đạo trời (Minh Thần Tông lúc vào những năm cuối quả thực là không có trị quốc), những ngôn từ không hợp lễ như vậy rất khó đạt được mục đích phò tá triều chính. Đây chỉ có thể nói là lời khuyên thẳng thắn, chứ không phải là lời khuyên thiện ý.

Lời kết

Dù là chốn quan trường thời xưa hay nơi công tác hiện đại, những người nói sự thật thường không được ưa, gọi là “Trung ngôn nghịch nhĩ” (lời thật thì khó nghe). Nhưng khi tin xấu thích hợp không đến được với những người đương quyền thì tổ chức không thể tự kiểm điểm, cải tiến, nên dễ đi đến suy vong. Nói lời thật là một đức tính tốt, nhưng tại sao nhiều người đương quyền không nghe lọt lời can gián? Ngoài nguyên nhân ở bản thân người đương quyền ra, đôi khi còn do người nói sự thật cho rằng mình biết sự thật mà mạnh miệng nói thẳng, hoặc không hiểu được tình cảnh của người đương quyền mà lấy nhận thức của mình làm tiêu chí để phán đoán, khởi tâm cho rằng người sai mình đúng, thậm chí còn có tâm tranh đấu muốn đối phương phải nhận sai lầm, khiến đối phương sinh ra cảm xúc phụ diện, cũng làm giảm độ tín nhiệm của chính mình. Bởi vậy, trước tiên hãy tích đủ thiện tâm cùng tâm thái tường hòa, cân nhắc xem người khác có thể chịu đựng được không, có hại gì cho người khác không, thì tự nhiên lời nói thật sẽ dễ tiếp nhận hơn, mới có thể đạt được mục đích khuyên can thiện ý và trợ giúp mệnh lệnh chính sách hay.

(Phụ trách biên tập: Minh Vũ)

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/4/6/458505.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/6/7/209776.html

Đăng ngày 05-09-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share