Bài viết của Nguyên Thanh (Trung Quốc)

[MINH HUỆ 14-05-2023]

(Tiếp theo Phần 1)

Trong các triều đại trước đây, tội bất hiếu bị trừng phạt, ngoài việc không được xá tội, mà còn bất kể là đại thần, tể tướng hay thậm chí là đế vương, đều phải bị trừng phạt. Đế Thái Giáp triều Thương, sau ba năm cầm quyền, bắt đầu không còn tuân theo luật pháp của tổ tiên (bao gồm cả việc bất hiếu), và bị Tể tướng Y Doãn đày đến Đồng Cung. Sau hơn ba năm đón cửa suy ngẫm, Đế Thái Giáp đã ăn năn và sửa chữa, thay đổi, mới được trở lại cung điện để cai trị. Đây là sự kiện nổi tiếng “Y Doãn đày Thái Giáp”.

Lòng hiếu thảo tối thượng của góa phụ thông với Thần linh

“Đạo hiếu tối thượng thông với Thần linh, chiếu sáng bốn biển, thông khắp nơi nơi”. Đây là một câu trong “Hiếu kinh – Cảm ứng chương mười sáu”, người hiện đại thường coi là một loại miêu tả, là một phép tu từ ẩn dụ. Trong Nhị thập tứ hiếu, Đổng Vĩnh đời Đông Hán bán thân để an táng cho cha, đã cảm động Trời cao, Trời sai Thiên nữ xuống trần dệt vải trả nợ cho anh. Câu chuyện này sau đã được nhiều người biết đến thông qua sự diễn dịch của hý khúc. Trên thực tế, trong sử sách và kinh điển có rất nhiều Thần tích và kỳ tích về lòng hiếu thảo.

Vào năm Càn Long thứ 45 (năm 1780), một trận hỏa hoạn xảy ra ở phố Dương Mai Trúc, Bắc Kinh, hàng trăm ngôi nhà bị biến thành tro, chỉ có một ngôi nhà rách vẫn một mình tồn tại, những ngôi nhà xung quanh đều thành đống đổ nát, đường ranh giới gọn gàng như được vạch ra. Thì ra trong căn nhà rách là góa phụ trông nom chăm sóc mẹ chồng ốm liệt giường không chịu rời đi. Những người hàng xóm đều thán phục: Thì ra trong “Hiếu Kinh” có nói thế này: “lòng hiếu thảo tối thượng thông với Thần linh”! Sự việc này đã được ghi lại trong “Duyệt Vi Thảo đường bút ký”.

“Duyệt Vi Thảo đường bút ký” cũng ghi lại một kẻ vô lại tên là Lã Tứ ở bên dòng sông phía nam thành Thương Châu, tỉnh Hà Bắc. Khi còn sống, hắn không việc ác nào mà không làm, sau khi chết không lâu thì thác mộng nói với vợ hắn rằng: Tôi cả cuộc đời đã tạo nghiệp nặng vô biên, vốn là phải đọa địa ngục vô gián, nhưng vì tôi rất hiếu thảo với mẹ tôi, viên quan âm phủ sau khi đã kiểm tra và xác nhận, đã phán cho tôi một án nhẹ hơn, có thể đầu thai thành một con rắn. Bây giờ tôi sẽ đầu thai. Chẳng bao lâu nữa cô sẽ lấy chồng kế, cô hãy hiếu thuận với cha mẹ chồng, trong luật hình ở âm phủ, tội bất hiếu là nặng nhất, đừng tự mình lao vào các hình cụ tra tấn đủ loại của âm phủ.

Bản chất của hiếu trị thiên hạ là dạy người hướng thiện

“Đối xử tốt với cha mẹ là hiếu thảo, đối xử tốt với anh em là hữu hảo”. Nói trắng ra, chúng ta phải đối xử tử tế với người khác, “lão ngô lão cập nhân chi lão, ấu ngô ấu cập nhân chi ấu”, tức là: hiếu thuận với cha mẹ mình, rồi mở rộng ra hiếu thuận với cha mẹ mọi người; yêu thương con mình, sau đó mở rộng ra yêu thương con mọi người. Như thế mới có thể làm được việc đối xử tốt với tất cả mọi người.

“Bách thiện hiếu vi tiên” có nghĩa là trong xã hội người thường, sự thiện lương của con người bắt đầu từ việc hiếu kính cha mẹ. Nếu một người không thể đối xử tốt với cha mẹ mình, thì người đó nhất định sẽ trở nên xấu xa. Ở chỗ tác giả, trước kia cha mẹ đều dặn con cái không được kết giao với những người bất hiếu với cha mẹ, bởi nếu một người đối xử tệ với cha mẹ mình, thì chắc chắn người đó sẽ không thể đối xử tốt với bạn bè.

“Chớ vì việc xấu nhỏ mà làm, chớ vì việc thiện nhỏ mà không làm. Chỉ có hiền lương và đức hạnh mới có thể khiến người ta cảm phục”. Mấy câu nói này, dường như trong vòng văn hóa Hoa ngữ, ai ai cũng biết. Đây chính là vào năm 223, khi Lưu Bị bệnh tình nguy kịch, ông đã viết một phần di chúc cho con. Lúc lâm chung, điều mà Lưu Bị quan tâm nhất không phải là con cái giữ phú quý như thế nào, mà là sau này con cái phải làm việc thiện, giữ thiện lương, không làm việc xấu.

Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos, cựu sinh viên Đại học Princeton, đã hồi tưởng về thời thơ ấu của mình khi ông có bài phát biểu tại Lễ trao bằng cử nhân năm 2010, kể về việc ông đã học được đạo lý “thiện lương lớn mạnh hơn thông minh” như thế nào khi còn nhỏ. Khi còn nhỏ cậu bé Jeff Bezos rất thông minh và thích toán. Khi mười tuổi, cậu đã đi du lịch bằng xe RV với ông bà. Bà của cậu thích hút thuốc, còn cậu thì ghét mùi này. Cậu biết được từ quảng cáo rằng, một người hút một điếu thuốc sẽ giảm đi vài phút cuộc đời, vì vậy cậu đã tính toán cẩn thận theo số điếu thuốc mà bà nội hút mỗi ngày, rồi lớn tiếng nói với bà nội: Những điếu thuốc mà bà hút hàng ngày, sẽ giảm chín năm tuổi thọ của bà!

Vốn tưởng ông bà sẽ khen mình thông minh, không ngờ bà nội bắt đầu khóc nức nở, ông nội vội tấp xe vào lề đường. Sau khi xuống xe, ông nội nhìn cậu chằm chằm một lúc rồi bình tĩnh nói với cậu: Jeff, một ngày nào đó con sẽ hiểu rằng thiện lương khó hơn và lớn mạnh hơn thông minh! “Đạo trời không thân với ai, thường ban thưởng cho người thiện” (“Đạo đức kinh chương 79”). Đúng vậy, chỉ có làm người thiện lương thì mới có thể được Thượng Thiên chiếu cố, mới có được sự lớn mạnh thực sự.

So sánh giữa cổ đại và hiện đại

Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, lòng hiếu thảo là một phần quan trọng trong tư cách đạo đức của một người, “Bách thiện hiếu vi tiên”. Trong suốt các triều đại, hầu hết các hoàng đế đều tuyên bố rằng, ông dùng đạo hiếu trị vì thiên hạ. Người nhân nghĩa và hiếu thảo sẽ được trọng dụng, và “ắt phải tìm những bậc trung thần trong nhà người con hiếu thuận”, con cháu bất hiếu sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc nhất. Thời Nghiêu Đế, Thuấn nổi tiếng nhân từ hiếu thảo, được tiến cử làm người kế vị của Nghiêu Đế. Sau loạn Lã Hậu thời Tây Hán, bá quan ai nấy nói ra quan điểm của mình, cuối cùng chỉ vì Đại Vương Lưu Hằng là người nhân đức hiếu thuận, thiên hạ đều biết đến, nên được tiến cử làm thiên tử, mở ra thời thịnh trị “Văn Cảnh chi trị”.

Kể từ khi thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, việc tôn kính “Trời, Đất, vua, cha, thầy” đã bị coi là thủ cựu, và mọi người thậm chí còn được khuyến khích tố cáo cha mẹ, cha con thành kẻ thù, văn hóa truyền thống đã bị phá hủy hoàn toàn. Đặc biệt là sau khi ĐCSTQ thực hiện chính sách một con, thật khó để tìm được những đứa con hiếu thảo với cha mẹ, bản chất tốt đẹp của con người đã bị xóa sổ hoàn toàn, vì vậy ai ai cũng là kẻ thù. Cách đây một thời gian, ở các trường tiểu học, trung học cơ sở và đại học, để đàn áp các bài phát biểu của giáo viên, nhà trường đã khuyến khích học sinh táng tận lương tâm tố cáo các giáo viên của mình, rất nhiều giáo viên đã bị buộc rời khỏi bục giảng.

Qua hàng thập kỷ đe dọa, xúi giục và tiêm nhiễm, ĐCSTQ đã cắt đứt mối ràng buộc giữa những người trẻ tuổi và các giá trị truyền thống, khiến các thế hệ thanh niên ở Trung Quốc đánh mất các quan niệm truyền thống, khi đối xử với người khác, họ có thói quen dùng ác thay thế thiện. Đây không chỉ là nỗi buồn của cá nhân người Trung Quốc, mà còn là nỗi buồn của cả dân tộc Trung Hoa, bởi vì khi con người lớn lên, mọi thứ họ gặp phải đều thay đổi, và nhiều thứ không thể cứu vãn, “quay đầu lại đã qua vạn trùng núi non rồi”.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/5/2/459391.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/6/5/209736.html

Đăng ngày 13-10-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share