Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc
[MINH HUỆ 30-05-2023]
Tên: Ngô Truyền Anh (吴传英)
Giới tính: Nữ
Tuổi: 70
Thành phố: Huyện Lâm Lễ
Tỉnh: Tỉnh Hồ Nam
Nghề nghiệp: Nhân viên về hưu của Hợp tác xã Huyện Lâm Lễ
Ngày qua đời: Ngày 19 tháng 4 năm 2023
Ngày xảy ra vụ bắt giữ cuối cùng: Ngày 21 tháng 7 năm 2022
Nơi bị giam cuối cùng: Công an huyện Lâm Lễ
Một phụ nữ 70 tuổi ở huyện Lâm Lễ, tỉnh Hồ Nam đã qua đời vào ngày 19 tháng 4 năm 2023 sau hai thập niên bị bức hại vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Cái chết của bà Ngô Truyền Anh xảy ra 9 tháng sau vụ bắt giữ và lục soát nhà cuối cùng.
Bà Ngô làm việc tại Hợp tác xã Tiếp thị và Cung ứng huyện Lâm Lễ trước khi nghỉ hưu vào năm 2005. Bà từng bị bệnh về thần kinh nghiêm trọng, mất ngủ, đau nửa đầu, tiểu đường, viêm thận và nhiều bệnh khác. Nhiều năm điều trị y tế nhưng sức khỏe của bà vẫn không có cải thiện, nhưng mọi căn bệnh của bà đã biến mất sau khi bà tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998.
Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công trên toàn quốc vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, bà Ngô chưa từng dao động đức tin của mình vào pháp môn. Thế nhưng chỉ vì vậy mà bà lại liên tục bị chính quyền bức hại. Dưới đây là tóm tắt về những khổ nạn chính mà bà phải chịu:
– Bà Ngô bị bắt vào tháng 2 năm 2000 vì đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và bị giam 2,5 năm.
– Bà bị bắt giữ 4 lần trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm 2004 đến tháng 11 năm 2005 và vụ bắt giữ thứ 4 của bà xảy ra vào năm 2005 dẫn đến bản án 4 năm tù của bà. Bà đã trốn thoát vào tháng 4 năm 2006 và 5 tháng sau bị bắt trở lại và đã bị kết án 8 năm tù.
– Trong khi đi tàu hoả vào ngày 5 tháng 12 năm 2016 để thăm con gái vào dịp Năm mới, bà Ngô bị phát hiện là có mang theo tài liệu Pháp Luân Công trong túi xách khi đi qua cổng an ninh nhà ga. Bà đã bị tạm giam hành chính 5 ngày.
– Bà lại bị bắt vào ngày 12 tháng 3 năm 2020 và bị giam 15 ngày. Cảnh sát đã sách nhiễu bà vào ngày 5 tháng 9 năm 2020.
– Bà đã bị giam nhiều giờ vào ngày 21 tháng 7 năm 2022.
– Bà còn bị bức hại tài chính. Lương hưu của bà bị đình chỉ vào tháng 8 năm 2020, 6 năm sau khi bà được thả khỏi nhà tù. Phòng an sinh xã hội địa phương đã lệnh cho bà phải trả lại 130.000 nhân dân tệ tiền lương hưu mà bà đã lĩnh từ năm 2006 (thời điểm bà bắt đầu thụ án tù 8 năm). Bà đã đệ đơn kiện phòng anh sinh xã hội và toà án địa phương đã tuyên bố bà thắng kiện vào ngày 11 tháng 10 năm 2021, và lệnh cho bị đơn phải khôi phục lương hưu cho bà trong vòng 20 ngày từ thơi điểm ban hành quyết định. Tuy nhiên phòng an sinh xã hội đã từ chối làm theo lệnh của toà án và không bao giờ khôi phục lương hưu cho bà.
Bị còng tay và xích chân suốt 10 ngày ở trong Trại tạm giam huyện Lâm Lễ vào năm 2000
Bà Ngô đã đến Bắc Kinh vào tháng 2 năm 2000 để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Bà bị bắt sau khi trở về Hồ Nam và bị giam trong trại tạm giam Huyện Lâm Lễ.
Một học viên Pháp Luân Công khác bị giam cùng phòng với bà từng kể lại việc bà Ngô bị tra tấn:
“Một buổi sáng nọ, bà Ngô và tôi cùng nhau luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công. Sau đó bà ấy bị thẩm vấn. Khi trở lại phòng giam, chân của bà ấy bị xích và tay bị còng ra sau lưng. Giám đốc trại tạm giam nói bà ấy phải đeo còng tay và xích chân cho đến khi phải hứa không luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công nữa. Bà Ngô nói rằng bà vẫn sẽ tiếp tục luyện.
Hai ngày sau, giám đốc đã đích thân thẩm vấn bà Ngô. Ông ta lại gây áp lực bắt bà hứa không luyện công. Bà Ngô nói rằng việc luyện công giúp bà khoẻ mạnh và không vi phạm bất kỳ luật gì cả. Giám đốc quát tháo bà nhưng bà từ chối nhượng bộ. Sau đó giám đốc đưa bà trở lại phòng giam.
Đến ngày thứ sáu, giám đốc lại uy hiếp bà Ngô và dọa sẽ bắt bà đeo xích chân nặng hơn, nhưng bà vẫn không dao động.
Khi đó đang là tháng 2 và thời tiết vẫn rất lạnh giá. Hai tay bà Ngô sưng vù sau khi bị còng tay trong thời gian dài. Còng tay cứa vào thịt của bà khiến bà vô cùng đau đớn. Vào ban đêm, bà không thể nằm xuống ngủ và phải ngồi dựa vào tường. Tôi nghe thấy tiếng bà ấy thở khó nhọc của bà ấy và bà gặp khó khăn khi cử động cơ thể.
Một tù nhân khác và tôi thay phiên nhau đút cho bà ấy ăn và giúp bà đi vệ sinh. Các lính canh không cho bà ấy thay quần áo.
Đến ngày thứ bảy, tôi viết đơn khiếu nại trại tạm giam vì đã tra tấn bà Ngô. Tôi bị chuyển đi vào ngày thứ chín, khi tôi rời đi thì bà ấy vẫn bị đeo còng tay và xích chân.
Sau đó tôi biết rằng bà đã bị còng tay xích chân 10 ngày liên tục và sau đó bị kết án 1 năm lao động khổ sai.
Trại lao động đã từ chối nhận bà và lính canh đã giam bà 2,5 năm trong trại tạm giam. Bà đã tuyệt thực để phản bức hại và sau đó họ đã thả bà ấy khi bà đang ở bên bờ vực của cái chết”.
Bị kết án 3 năm tù và sau đó trốn thoát
Bà Ngô bị bắt bốn lần kể từ tháng 11 năm 2004 đến tháng 11 năm 2005. Lần bị bắt thứ tư trong năm 2005 đã khiến bà bị kết án 3 năm tù. Khi đang ở trong tù bà đã tuyệt thực hơn 10 ngày vào tháng 4 năm 2006 và trở nên yếu ớt. Nhà tù quyết định gửi bà đến một bệnh viện để truyền tĩnh mạch (IV). Trên đường đến bệnh viện bà đã trốn thoát và sống xa nhà để tránh bị bức hại hơn nữa.
Bị bắt lại và bị kết án 8 năm tù
Ngày 9 tháng 9 năm 2006, khi bà Ngô đang phân phát tài liệu về Pháp Luân Công tại một siêu thị ở Trường Sa (thủ phủ của tỉnh Hồ Nam) thì bị một chủ tiệm ở trong đó báo cáo. Bà đã bị giam 4 ngày ở Trường Sa và sau đó bị cảnh sát Dương Phi đưa về lại trại tạm giam huyện Lâm Lễ.
Lính canh xúi giục hai tù nhân Tân Bích Lan và Hồ Đông Mai tra tấn bà Ngô với lời hứa là sẽ giảm án cho họ. Bà Ngô bị còng tay ra sau lưng liên tục nhiều ngày. Bà trở nên rất yếu và không thể tự chăm sóc bản thân.
Lính canh cũng không cho gia đình vào thăm bà.
Bà Ngô đã bị chuyển tới Nhà tù Nữ Trường Sa vào ngày 5 tháng 12 năm 2006. Bà bị cấm ngủ trong nhiều ngày liên tiếp và cũng không được sử dụng nhà vệ sinh. Bà bị còng tay, xích chân và bị cưỡng chế đứng trong thời gian dài. Khi đến bữa ăn, bà bị ép phải quỳ xuống để ăn. Sau đó bà cũng bị cưỡng bức phải lao động không công đến tận nửa đêm và chỉ được ngủ 1 đến 2 tiếng mỗi đêm. Cơ thể bà nhanh chóng chỉ còn da bọc xương và chỉ nặng khoảng 45 kg.
Bà Ngô bị chuyển về lại trại tạm giam Huyện Lâm Lễ vào năm 2007. Sau đó giám đốc Lưu Nghiêu Ba đã tát vào mặt bà và giật tóc bà. Bà bị ép đứng chân trần trong mùa đông. Bà sụt khoảng 5 kg, bị gù lưng, thở dốc và đi lại khó khăn.
Do bà đã trốn thoát vào tháng 4 năm 2006 nên Toà án huyện Lâm Lễ đã kết án 8 năm tù vào ngày 19 tháng 10 năm 2007 và chuyển bà đến Nhà tù Nữ Trường Sa vào năm 2008 để thụ án. Bà được thả vào năm 2014.
Hai lần bị bức hại vào năm 2020
Ngày 12 tháng 3 năm 2020, bà Ngô cùng một học viên khác là bà Kim Tân Xuân đi xe buýt đến trấn Tu Mai. Ngay khi họ vừa bước xuống xe buýt thì đã bị cảnh sát Hùng thuộc đội an ninh nội địa và cảnh sát Kiều Lập thuộc Đồn Công an Trấn An Phúc bắt giữ.
Họ đã đưa hai học viên đến đội an ninh nội địa để thẩm vấn. Ba lô và hơn 60 bản tài liệu về Pháp Luân Công của họ đã bị tịch thu.
Tiếp đó hai bà bị ép phải đi kiểm tra sức khoẻ. Sau đó đồn trưởng Cao Tuấn của Đồn Công an Trấn An Phúc đã đưa họ trở lại đồn. Ông ta còn còng tay hai người lại với nhau vào đêm đó và họ không thể ngủ yên giấc.
Sáng hôm sau, một cảnh sát từ Bệnh viện Nhân dân đã đến đồn công an để làm xét nghiệm COVID-19 cho họ. Khi kết quả hiển thị âm tính, Cao và vài cảnh sát cấp dưới đã đưa họ đến trại tạm giam huyện Đào Nguyên vào buổi trưa nhưng không hề ban hành thông báo tạm giữ đối với họ.
Cao và cảnh sát Hà Bân đã đá hai bà ngay khi họ đón hai bà tại trại tạm giam vào ngày 27 tháng 3 năm 2020 và lái xe đưa họ về nhà.
Ngày 5 tháng 9 năm 2020, cảnh sát đã tới nhà bà Ngô, nhưng bà đã từ chối mở của và liên tục khuyên họ ngừng bức hại các học viên Pháp Luân Công. Vài giờ sau họ mới rời đi.
Lần bắt giữ cuối cùng vào năm 2022
Ngày 21 tháng 7 năm 2022, Công an huyện Lâm Lễ, Đồn Công an thị trấn An Phúc và Đồn Công an Vọng Thành đã điều động nhiều cảnh sát tiến hành sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công địa phương. Bảy học viên, trong đó có bà Ngô, đã bị bắt trong ngày hôm đó. Nhà bà cũng bị lục soát. Bà bị quản thúc tại gia và được thả vào khoảng 9 giờ tối cùng ngày.
Sự bức hại tài chính
Bà Ngô còn bị bức hại tài chính nặng nề trong những năm cuối đời.
Tháng 8 năm 2020 (6 năm sau khi bà ra tù), Văn phòng Lao động và An sinh Xã hội Lâm Lễ (VPLĐASXH) đã đình chỉ lương hưu của bà mà không thông báo trước. Họ cũng yêu cầu bà hoàn trả lại hơn 130.000 nhân dân tệ tiền lương hưu đã lĩnh từ năm 2006 khi bà đang thụ án 8 năm tù.
VPLĐASXH tuyên bố rằng theo chính sách ban hành vào năm 2001 và sau đó được cập nhật vào năm 2003, những người về hưu không được hưởng bất kỳ khoản trợ cấp hưu trí nào trong thời gian thụ án. Bà Ngô cho rằng không có luật lao động nào của Trung Quốc quy định như vậy. Thậm chí ngay cả khi thực sự có chính sách này, bà cũng đặt nghi vấn tại sao VPLĐASXH không đình chỉ lương hưu của bà trong thời gian bà bị giam giữ và tại sao họ lại yêu cầu hoàn trả lại các khoản trợ cấp lương hưu đã phát từ năm 2006, trong 8 năm bà ngồi tù.
Ngày 20 tháng 10 năm 2020, bà Ngô đã nộp đơn yêu cầu xem xét lại về mặt hành chính đối với quyết định của VPLĐASXH với Phòng Tư pháp huyện Lâm Lễ. Văn phòng tư pháp từ chối tiếp nhận đơn kiện của bà với lý do bà không gửi thư quyết định đình chỉ lương hưu chính thức từ VPLĐASXH – một tài liệu mà bà Ngô không hề có.
Bà đã dành nhiều tháng để liên hệ với VPLĐASXH, cơ quan này đã đồng ý đưa ra thông báo chính thức vào ngày 14 tháng 1 năm 2021 về quyết định đình chỉ lương hưu của bà. Tính đến thời điểm đó, đã sáu tháng kể từ khi lương hưu của bà bị đình chỉ. Với quyết định chính thức, văn phòng tư pháp đã chấp nhận đơn kiện của bà.
Trong khi chờ đợi phán quyết từ văn phòng tư pháp, bà Ngô cũng đã viết đơn thư cho văn phòng kỷ luật của tỉnh và lãnh đạo VPLĐASXH, kêu gọi họ chú ý đến vụ việc của bà, nhưng vô ích.
Ngày 28 tháng 3 năm 2021, văn phòng tư pháp đã ra phán quyết có lợi cho VPLĐASXH trong việc đình chỉ “khoản thu lợi tài chính không chính đáng” của bà.
Vào ngày 29 tháng 4 năm 2021, bà Ngô đã nộp đơn khiếu nại hành chính đối với VPLĐASXH lên tòa án địa phương. Tòa án đã thụ lý vụ kiện và tổ chức phiên xét xử vào ngày 15 tháng 6. Bà Ngô lập luận rằng lương hưu là tài sản hợp pháp của bà trong khi VPLĐASXH, chỉ đóng vai trò đại diện trong việc cấp phát tiền lương hưu của bà, chứ không có thẩm quyền đình chỉ lương hưu.
Vào ngày 11 tháng 10, tòa án đã đưa ra quyết định có lợi cho bà Ngô, phán quyết nêu rằng:
1) VPLĐASXH đình chỉ lương hưu của bà là bất hợp pháp;
2) VPLĐASXH sẽ phải khôi phục lương hưu của bà trong vòng 20 ngày kể từ ngày ra phán quyết và hủy bỏ quyết định đình chỉ lương hưu của bà hoặc yêu cầu hoàn trả;
3) Quyết định của văn phòng tư pháp ủng hộ việc đình chỉ lương hưu của VPLĐASXH bị vô hiệu;
4) 50 nhân dân tệ phí đăng ký hồ sơ sẽ được trả bởi VPLĐASXH và Chính quyền huyện Lâm Lễ.
Đã hơn 2 tháng trôi qua kể từ thời điểm ra phán quyết của tòa án, VPLĐASXH vẫn từ chối tuân theo lệnh của tòa. Khi giám đốc VPLĐASXH trước đó là Lưu Diễm Cúc đã chuyển sang vị trí mới, bà Ngô đã liên lạc với hai phó giám đốc Lý Thanh và Trương Tân Xuân nhiều lần và thúc giục họ khôi phục lương hưu cho bà, nhưng vô ích. VPLĐASXH cũng đe dọa vào ngày 16 tháng 12 sẽ đệ đơn kiện dân sự với bà trong nỗ lực của họ để “đòi lại” 130.000 nhân dân tệ mà bị cho là “nợ” họ.
Để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình và ngăn các viên chức nhà nước tiếp tục các hành vi sai trái, bà Ngô đã gửi một bức thư ngỏ tới các viên chức chính quyền và các cá nhân có liên quan. Bất chấp mọi nỗ lực của bà, VPLĐASXH chưa bao giờ khôi phục lương hưu cho bà.
Bài liên quan:
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/5/30/461438.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/6/1/209670.html
Đăng ngày 24-06-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.