Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 17-05-2023] Mẹ chồng tôi có năm con trai và một con gái. Trong số các con, chồng tôi là con trai trưởng. Khi mẹ chồng tôi 84 tuổi, bà không thể tự chăm sóc bản thân, các con của bà thì đều bận rộn với công việc. Gia đình đã thuê một người chăm sóc bà nhưng làm được hai năm thì người này xin nghỉ. Khi bước sang tuổi 86, sức khỏe của mẹ chồng tôi ngày càng xấu đi, bà cần có người chăm sóc vào ban đêm và rất khó tìm được người chăm sóc cho bà.

Xét trên mọi khía cạnh, xem ra gia đình tôi là có điều kiện tốt hơn cả trong việc chăm sóc bà. Bởi vì tôi là người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi muốn nghe theo lời giảng của Sư phụ, phóng hạ tự ngã, không so đo được mất cá nhân, và trở thành một người vô tư vô ngã, vậy nên tôi đã tình nguyện chăm sóc mẹ chồng mà không suy nghĩ quá nhiều. Tôi còn nhờ và trả công cho em gái đến phụ giúp tôi chăm sóc bà.

Chăm sóc mẹ chồng

Ngày đầu tiên chuyển đến nhà tôi, mẹ chồng tôi không thể ngồi vững, bà luôn ngã về bên phải khi đứng dậy. Tôi nhắc bà nên nghiêng người về bên trái một chút khi đứng dậy sẽ không bị ngã, nhưng ngay sau đó tôi nhận ra bà hoàn toàn không thể kiểm soát được bản thân. Bà cũng muốn ngồi vững, vậy nên tôi không thể trách bà. Tôi không nên yêu cầu bà thực hiện theo mong muốn của tôi, tôi cần đáp ứng tình trạng của bà mới phải. Tôi nhanh chóng điều chỉnh thái độ của mình và giúp đỡ bà nhiều nhất có thể trong điều kiện phù hợp với tình trạng của bà.

Cũng là hồi mới đến, khi bà muốn đi vệ sinh, tôi thường đỡ bà ngồi lên bồn cầu rồi đóng cửa lại và ở bên ngoài chờ bà gọi. Một hôm, trong lúc đợi ở ngoài, tôi nghe thấy tiếng động liền mở cửa thì thấy bà đã ngã trên sàn. Phần lông mày trái và nửa phía trên khuôn mặt bà sưng đỏ. Từ sau sự cố đó, tôi luôn để cửa mở mỗi khi bà đi vệ sinh.

Ban đầu, mỗi khi giúp bà đi vệ sinh và lau rửa cho bà, tôi có phần ngại bẩn. Nhưng tôi lập tức nhận ra rằng sợ bẩn thực ra cũng là một tư tâm, không phù hợp với tiêu chuẩn của Đại Pháp, cần tu bỏ nó. Dần dần, chấp trước đó nhẹ đi rất nhiều.

Một lần, em gái tôi, cũng là một học viên Đại Pháp, nhìn thấy cách tôi giúp đỡ mẹ chồng thì nhận xét rằng thái độ tôi chăm sóc bà chưa tốt. Tôi hơi bất ngờ vì tôi chưa bao giờ có ý nghĩ xấu trong việc chăm sóc mẹ chồng, nhưng tôi không tranh biện mà chỉ đáp lại một tiếng ‘vậy à’ theo bản năng. Tôi biết chắc chắn rằng mình đã sai ở đâu đó.

Tôi tĩnh tâm hướng nội và đã tìm ra vấn đề của mình. Tôi đã nghĩ về việc làm thế nào để giúp mẹ chồng một cách thuận tiện cho mình thay vì đứng ở góc độ của bà để chăm sóc bà thật tốt. Ngoài ra, tôi còn không kiên nhẫn và tâm ngại bẩn vẫn chưa tu bỏ hoàn toàn. Sự ích kỷ của tôi đã được phản ánh trong hành vi của tôi. Nghĩ về điều này, tôi bèn cải biến hành vi của mình. Đệ tử Đại Pháp cần phải chiểu theo yêu cầu của Sư phụ một cách vô điều kiện, cho dù trong hoàn cảnh như thế nào đều phải làm một người tốt và luôn quan tâm đến người khác.

Một năm sau, chị chồng tôi về thăm mẹ. Hơn một năm mới gặp con gái, mẹ chồng tôi rất vui. Chị chồng tôi là người rất chu đáo, sau khi đến nhà tôi, bác ấy chủ động đề nghị được chăm sóc mẹ và làm hết việc nhà. Và đương nhiên, tôi cũng chủ động giúp bác ấy.

Giữa mẹ con với nhau thì thật thoải mái. Mỗi khi mẹ chồng tôi làm điều gì không đúng, chị chồng tôi sẽ nói bà luôn. Ở góc độ của chị ấy cũng là có ý tốt cho bà, nhưng mẹ chồng tôi không chấp nhận điều đó.

Bà phàn nàn rằng: “Con mới chăm mẹ được mấy hôm mà đã kêu ca vậy rồi. Con nhìn người ta xem (ám chỉ tôi), chăm sóc mẹ bấy lâu nay mà có nói lời nào đâu. Còn cô em cũng chăm mẹ hết sức chu đáo, giặt quần dính cứt đái cho mẹ mà không oán thán một câu. Nếu không có hai chị em họ thì mẹ đã không ở đây lâu như vậy”. Chị chồng xúc động kể cho tôi những lời đó, và cũng cảm nhận được rằng những người có tín ngưỡng chúng tôi không giống như người thường.

Tôi cũng thường xuyên giúp mẹ chồng tắm rửa, ngay cả khi tay tôi bị thương. Mỗi khi tôi tắm cho bà, bà thường cảm động rưng rưng và nói những lời chúc phúc cho tôi. Tôi luôn đáp lại rằng: “Con sẽ không thể làm tốt việc này nếu con không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Chúng ta cần phải cảm tạ Sư phụ ạ.”

Mẹ chồng tôi thỉnh thoảng thức dậy vào ban đêm và cần đi vệ sinh. Vì lịch trực, tôi thường phải ở lại nơi làm việc một hoặc hai ngày mỗi tuần không thể về nhà. Những đêm tôi vắng nhà, việc chăm nom mẹ chồng đương nhiên là chồng tôi phải làm. Sợ xảy ra tình huống đặc biệt, tôi cố gắng thu xếp để về nhà, mỗi tuần chỉ để chồng tôi chăm bà một đêm để giảm bớt gánh nặng cho anh. Thời gian đầu, đôi khi mẹ chồng tôi phải đi tiểu đêm, nhưng tiếng bà quá nhỏ không gọi được ai, mỗi khi muốn rời khỏi giường hoặc ra nhà vệ sinh đều cần rung chuông, khiến chồng tôi tỉnh giấc. Có lần tôi không nghe thấy, chồng tôi dậy hỏi bà có việc gì một cách khó chịu, thậm chí còn nổi cáu khi dìu bà vào nhà vệ sinh rồi mà bà lại không tiểu tiện hay đại tiện. Tôi nghe thấy sẽ chủ động giúp anh và nhắc nhở anh phải thông cảm cho tình trạng của bà.

Mẹ chồng tôi tuổi già sức yếu, trí nhớ trở nên rất kém. Bà thường không nhớ là mình đã ăn gì và thường rung chuông gọi chúng tôi vào lúc nửa đêm về sáng không theo quy luật. Khi hỏi bà rung chuông là có việc gì, bà bảo rằng mình chưa được ăn gì cả. Hồi đầu tôi sẽ nói rằng bà đã ăn rồi, rằng tôi đã cho bà ăn gì ăn gì, bà quên rồi sao. Sau vài lần như vậy, tôi biết ý bèn hỏi có phải bà muốn ăn món này món kia không, rồi đi nấu cho bà ăn.

Một đêm mùa đông, vào lúc hơn 2 giờ sáng, mẹ chồng tôi rung chuông liên tục. Nghĩ rằng bà có việc gì cần gấp, tôi nhanh chóng bật dậy không kịp mặc thêm quần áo và chạy sang phòng bà. Tôi quên mất rằng cửa phòng đang đóng và đập đầu vào cửa. Khi sang đến giường bà, tôi hỏi han bà nhưng không có gì khẩn cấp. Tôi không giận mà chỉ thiện ý nói với bà: “Mùa đông lạnh lắm, con phải mặc thêm quần áo, mẹ chờ một lát hãy rung chuông tiếp nhé.”

Có một việc mà hồi đầu tôi không muốn làm đó là hút đờm cho bà. Bình thường khi có người tôi sẽ đứng xa một chút để không phải đụng tay. Nhưng khi chỉ có mình tôi bên cạnh bà thì việc này không thể tránh khỏi. Tôi nghĩ tôi không thể chối bỏ việc này, và tự nhắc nhở bản thân phải loại bỏ chấp trước và giúp đỡ mẹ chồng vô điều kiện.

Trong mấy tháng trước khi mẹ chồng tôi qua đời, hầu như đêm nào bà cũng phải dậy đi vệ sinh. Chồng tôi đích thân bảo tôi về nhà để chăm bà. Trong nhiều ngày liên tiếp, tầm 8 giờ tối tôi mới về đến nhà, việc chăm sóc mẹ chồng đương nhiên là việc của tôi. Sau một ngày dài làm việc, tôi phải dành vài giờ để chăm sóc mẹ chồng, mãi tới 12 giờ đêm, phát chính niệm xong tôi mới đi ngủ. Hôm sau, tôi phải thức dậy vào 4 giờ sáng và đi làm trước 6 giờ 25. Đôi khi tôi thực sự cảm thấy vô cùng mệt mỏi, nhưng nghĩ đến Pháp và những nỗi khổ mà Sư phụ đã gánh chịu cho tôi, tôi lại lấy khổ làm vui và đối xử với mọi việc bằng tâm thái vui vẻ. Đoạn thời gian đó, chồng tôi rất xúc động và luôn giục tôi đi ngủ và nghỉ ngơi một lát.

Tất nhiên, trong việc chăm sóc mẹ chồng, nếu không có sự giúp đỡ của em gái, tôi không thể lo liệu chu toàn được mọi việc.

Lòng biết ơn sâu sắc tới em gái

Ban đầu, chồng tôi không đồng ý với việc nhờ em gái tôi tới chăm sóc cho bà. Nhưng vì tôi nói nhiều về ưu và nhược điểm, anh ấy mới miễn cưỡng đồng ý. Giống như tôi, em gái tôi cũng là một học viên Đại Pháp. Ban đầu, cô ấy cũng không muốn nhận công việc này, bởi cô ấy biết anh rể tính tình nóng nảy, sợ ảnh hưởng đến mối quan hệ chị em tôi. Em gái tôi không cần tiền, nhưng vì tôi nhờ nhiều lần, cuối cùng dì ấy đã đồng ý.

Thời gian đầu, chồng tôi thường xuyên nói những lời lẽ khiến em gái tôi khó chịu. Đôi khi, anh còn đối xử với dì ấy như một người phục vụ và ra lệnh cho dì ấy làm việc này việc kia. Có một lần, chồng tôi chỉ trích em tôi trước mặt mẹ chồng và em dâu hòng muốn em tôi mất mặt. Tôi đã nhiều lần thấy em gái rơm rớm nước mắt, khiến tôi phải nhắc nhở anh.

Em gái từng chia sẻ với tôi: “Chị à, nếu không có Đại Pháp, chắc chắn em đã rời khỏi đây rồi. Bây giờ, em sẽ coi đó như một cơ hội tu luyện và loại bỏ mọi quan niệm người thường không phù hợp với tiêu chuẩn của Đại Pháp.”

Mỗi khi thời tiết thay đổi, mẹ chồng tôi lại ho và có nhiều đờm, bà còn bị nhức đầu, chướng bụng. Bà không đủ sức để ho ra đờm, càng không đủ sức để khạc đờm ra. Có lần, lượng đờm nhiều đến mức khiến bà khó thở, khuôn mặt bà biến sắc. Em tôi nhanh chóng đưa ngón tay vào miệng bà lôi đờm ra, sau đó bà thở bình thường trở lại. Em gái tôi phải làm như vậy nhiều lần nhưng cô ấy không ghê sợ, chồng tôi cảm động trước tấm lòng của em vợ và đã thay đổi thái độ đối với dì ấy.

Khi tôi ở nhà, tôi thường đỡ đần phụ giúp em gái việc chăm sóc mẹ chồng, nhưng em tôi luôn chủ động trong việc chăm sóc bà. Thấy em chăm sóc mẹ chồng chu đáo, tôi vô cùng cảm động. Em đỡ mẹ chồng tôi dậy như đỡ một đứa trẻ, ân cần giúp bà mặc quần áo, chải đầu. Em rửa mặt cho bà một cách tỉ mỉ và chu đáo. Khi quần áo bà bị dính nước tiểu hoặc phân, em tôi nhanh chóng lau rửa cho bà sạch sẽ, mặc quần áo cho bà rồi đỡ bà lên giường tránh cho bà bị cảm lạnh, khi bà ngủ rồi dì ấy liền đi giặt số quần áo đó. Có lần, mẹ chồng tôi đi đại tiện nhiều, em tôi rửa sạch sẽ xong về đến nhà mới thấy ống tay áo mình vẫn còn dính phân, nhưng dì ấy không bao giờ phàn nàn.

Em tôi rất chú trọng đến đồ ăn cho mẹ chồng tôi. Dì ấy dễ ăn và có thể ăn bất cứ thứ gì mẹ chồng tôi chừa lại, chỉ cần no bụng là được. Nếu có đồ ăn thừa, dì ấy thường để dành những thứ ngon nhất cho bữa ăn kế tiếp của chúng tôi.Thông thường, khi có món gì ngon, chúng tôi thường phần một ít cho dì ấy nhưng dì ấy lại để dành những thức ăn ngon đó cho chúng tôi.

Suốt ba năm chăm sóc cho mẹ chồng tôi, em gái tôi chưa bao giờ tự nấu món nào đó cho riêng mình. Nếu như mẹ chồng tôi ăn hết cơm, em chỉ nấu tạm chút mì cho mình, trong nhà có hoa quả, đồ ăn vặt, dì ấy cũng không ăn.

Em gái tôi đã trở thành một thành viên không thể thay thế trong gia đình tôi. Dì ấy làm được nhiều việc mà ngay cả các con của bà cũng không làm được. Sự quan tâm chăm sóc của dì ấy đối với mẹ chồng tôi khiến chồng tôi vô cùng cảm động. Dì ấy thậm chí còn từ chối nhận tiền lương tháng cuối cùng khi mẹ chồng tôi qua đời, nói rằng chị em cần giúp đỡ lẫn nhau. Điều này đã thay đổi hoàn toàn thái độ của chồng tôi đối với dì ấy.

Khi mẹ chồng tôi qua đời, tất cả các anh em trong gia đình đều tranh nhau trang trải chi phí tang lễ. Anh chị em trong nhà không muốn gia đình chúng tôi phải lo toan thêm nữa vì chúng tôi làm quá nhiều điều cho bà khi bà còn sống. Nhưng chúng tôi khăng khăng đòi chia đều. Người chị họ gọi điện thoại tới chia buồn và nói: “Dì hai thật may mắn. Được cô và em gái của cô chăm sóc cho chu đáo, dì được ăn ngon, ngủ ngon trước khi đi. Quả là sống thọ và ra đi nhẹ nhàng.”

Sau đám tang, khi phân chia tài sản của mẹ chồng tôi, chồng tôi chủ động đề xuất chia đều số tiền đó cho cả em gái tôi. Các em của anh đều vui vẻ đồng ý. Bốn người em trai của anh, những người thường xuyên không có thời gian chăm sóc mẹ, đã mua riêng những món đồ trang sức quý giá tặng em gái tôi để bày tỏ lòng biết ơn. Còn về phần tôi, là chị dâu cả, họ cũng đưa tiền cho tôi bằng nhiều cách, nhưng tất nhiên tôi không làm tăng thêm gánh nặng cho họ. Chị chồng tôi thỉnh thoảng mua quần áo cho tôi và cũng mua cả cho em gái tôi.

So với những gia đình thường đùn đẩy nhau trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già, thậm chí đến mức trở nên bất hòa, khắc khẩu, tôi vô cùng cảm khái: Con xin tạ ơn Sư phụ và Đại Pháp! Chúng con sẽ làm theo yêu cầu của Sư phụ, thiện đãi người khác, quy chính ngôn hành của bản thân, làm cho gia đình đệ tử Đại Pháp tường hòa như vậy.

(Phụ trách biên tập: Y Văn)

Mọi tác phẩm đăng trên trang web Minh Huệ (minghui.org) đều thuộc bản quyền của Minh Huệ. Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập để được ủy quyền.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/5/17/460153.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/5/21/209465.html

Đăng ngày 27-06-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share