Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 16-11-2022] Trong tháng 9 và tháng 10 năm 2022 đã xác nhận có thêm 2.054 học viên Pháp Luân Công bị bắt hoặc bị sách nhiễu vì kiên định đức tin của họ.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Kể từ đó, vô số học viên đã bị bắt, giam giữ, kết án và tra tấn vì kiên định đức tin của họ. Bởi sự phong tỏa thông tin nghiêm ngặt tại Trung Quốc, các trường hợp không thể luôn được báo cáo kịp thời hoặc mọi thông tin không thể luôn có sẵn.
Trong số 2.054 trường hợp mới được báo cáo có 659 vụ bắt giữ, trong đó 34 vụ xảy ra trong năm 2021, 248 vụ từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2022 và 377 vụ xảy ra trong tháng 9 và tháng 10 năm 2022. Trong số 1.395 vụ sách nhiễu có 8 vụ trong năm 2021, 310 vụ từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2022 và 1.077 vụ trong tháng 9 và tháng 10 năm 2022.
Các trường hợp mới được xác nhận này đã nâng tổng số vụ bắt giữ và sách nhiễu được báo cáo trong 10 tháng đầu của năm 2022 lần lượt là 3.127 và 3.462 vụ. Bởi sự phong tỏa thông tin nghiêm ngặt tại Trung Quốc, các trường hợp không thể luôn được báo cáo kịp thời hoặc mọi thông tin không thể luôn có sẵn.
Với sự kiện đại hội lần thứ 20 của ĐCSTQ diễn ra từ ngày 16 đến 22 tháng 10 năm 2022, kể từ tháng 7, chính quyền đã tăng cường bắt giữ và sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công. So với tổng cộng 564 vụ bắt giữ và sách nhiễu trong tháng 6, tổng số vụ được ghi nhận trong tháng 7 tăng lên gần gấp đôi với 1.039 vụ. Từ tháng 7 đến tháng 10, tổng cộng 2.202 vụ sách nhiễu đã được xác nhận, cao gấp 1,74 lần so với 1.260 vụ sách nhiễu được báo cáo trong nửa đầu năm.
Trong số các trường hợp bức hại mới được xác nhận vào tháng 9 và tháng 10 năm 2022, 6 tỉnh đã ghi nhận các trường hợp có ở 3 con số, bao gồm Hà Bắc (441), Sơn Đông (295), Tứ Xuyên (188), Hắc Long Giang (184), Cát Lâm (139) và Hồ Bắc (139), 18 tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương khác có số vụ bức hại ở mức 2 con số và 3 khu vực có số vụ ở mức 1 con số. Một vụ sách nhiễu vẫn chưa rõ địa điểm.
Tại thời điểm ghi nhận, tổng cộng có 211 học viên bị nhắm mục tiêu có tuổi đời từ 60 trở lên, bao gồm 62 người ở độ tuổi 60, 101 người ở độ tuổi 70, 44 người ở độ tuổi 80 và 4 người ở độ tuổi 90. Nhiều học viên là các chuyên gia, bao gồm giám đốc cơ quan nhà nước, giáo sư, bác sỹ, kỹ sư và nhà thiết kế nội thất.
Sách nhiễu trước thềm Đại hội lần thứ 20 của ĐCSTQ
Từ các tỉnh phía bắc như Liêu Ninh, Cát Lâm và Hà Bắc, đến các thành phố bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Trùng Khánh, cũng như các tỉnh phía tây nam bao gồm Tứ Xuyên và Vân Nam, chính quyền đã sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công bằng cách ra lệnh cho họ phải ở nhà, yêu cầu họ ký tên vào các tuyên bố từ bỏ đức tin, hoặc bắt họ đến các trung tâm tẩy não trong những tháng liền trước Đại hội Đảng lần thứ 20.
Trong hầu hết các vụ sách nhiễu, cảnh sát đã chụp ảnh các học viên dù không được họ đồng ý. Nếu các học viên bị nhắm mục tiêu không có ở nhà, cảnh sát sẽ chụp ảnh thành viên trong gia đình cùng quang cảnh bên ngoài ngôi nhà của họ.
Một số cảnh sát đã xé bỏ đồ trang trí của Pháp Luân Công tại nhà của các học viên. Một số đã lừa các học viên bằng cách nói rằng họ đến để kiểm tra “Mã sức khỏe” (một loại ứng dụng hộ chiếu điện tử dùng để theo dõi lịch sử di chuyển của một người và khả năng tiếp xúc với COVID-19), nhưng sau đó đã rời đi mà không hề kiểm tra mã sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
Khi các học viên từ chối hợp tác, nhân viên chính quyền đe dọa sẽ khiến họ mất việc, tước lương hưu và khiến tương lai của con cháu họ bị ảnh hưởng. Điều này mang lại sự đau khổ tinh thần to lớn cho các học viên và người nhà của họ, đồng thời cũng gây ra nhiều bất hòa cho gia đình họ.
Ở Thượng Hải, chính quyền đã sắp xếp cảnh sát canh gác ở bên ngoài nhà của các học viên để giám sát các hoạt động hàng ngày của họ bắt đầu từ cuối tháng 9.
Từ cuối tháng 9 đến ngày 25 tháng 10, cảnh sát ở thành phố Đông Dinh, tỉnh Sơn Đông đã theo dõi nhất cử nhất động của bà Wang Fan. Bà Wang từng làm việc tại Cục Quản lý Mỏ dầu Thắng Lợi với tư cách là phiên dịch viên tiếng Nga nhưng đã bị sa thải vào năm 2000 do cuộc đàn áp. Kể từ năm 2017, công ty đã bố trí người giám sát bà trong các hội nghị chính trị lớn.
Xe cảnh sát theo dõi bà Wang Fan vào lúc 2 giờ chiều ngày 7 tháng 10 năm 2022
Ba cảnh sát ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đã tìm thấy bà Fang Caixia vào ngày 30 tháng 9 và nói với bà: “Chúng tôi đến đây để ‘bảo vệ’ Đại hội Đảng lần thứ 20. Ngay cả khi chúng tôi phải đào sâu xuống đất 3 thước để tìm bà, chúng tôi cũng sẽ làm. Trước Đại hội Đảng lần thứ 20, chúng tôi phải gặp bà mỗi tuần một lần”.
Bà Zhou Yan, ông Wu Bangjun và bà Zhang (80 tuổi) ở thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên, đã bị bắt vào ngày 31 tháng 8 năm 2022 và bị đưa đến Trung tâm Chăm sóc thành phố Miên Dương (thực chất là một trung tâm tẩy não trá hình) vào ngày 1 tháng 9. Cả ba học viên đều bị giám sát suốt ngày đêm và bị tẩy não cường độ cao. Những buổi tẩy não tương tự cũng được tổ chức tại thành phố Diên Cát, tỉnh Cát Lâm vào đầu tháng 9.
Giám sát thời hiện đại
Chính quyền tỉnh Tứ Xuyên đe dọa “đánh dấu đỏ” mã số sức khỏe của các học viên Pháp Luân Công
Chính quyền cộng sản Trung Quốc đã đưa vào sử dụng ứng dụng (app) “Mã sức khỏe” trên điện thoại vào đầu năm 2020, tuyên bố là để theo dõi sự lây lan của COVID-19, nhưng nhiều chuyên gia nhân quyền đã bày tỏ mối quan ngại rằng ứng dụng này sẽ được sử dụng như một công cụ giám sát những người bất đồng chính kiến và các nhóm tín ngưỡng, tôn giáo.
Gần đây, một học viên Pháp Luân Công ở huyện Song Lưu, tỉnh Tứ Xuyên cho biết rằng bà đã bị cảnh sát địa phương hạch sách; họ tùy tiện chuyển “Mã sức khỏe” của bà từ xanh sang vàng và bắt bà ký tên vào một bản tuyên bố cam kết là sẽ không chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Bà Lý Thái Quỳnh (59 tuổi) đã đến thăm một người bạn ở tiệm may của bà vào chiều ngày 28 tháng 9 năm 2022. Không lâu sau đó, có người ở bên ngoài gọi tên bà và nói: “Mã số sức khỏe của bà đã chuyển sang màu vàng. Chính quyền yêu cầu bà làm xét nghiệm COVID-19. Nếu bà không làm, mã của bà sẽ chuyển sang màu đỏ”.
Bà Lý bước ra và thấy đó là La Long, chủ nhiệm cộng đồng dân cư địa phương. Bà nghi ngờ rằng La đã tìm ra bà bằng chức năng truy vết của ứng dụng “Mã sức khỏe”.
Bà Lý từ chối đi với La và bà giải thích rằng bà không bị phơi nhiễm virus trong những ngày gần đây.
La ra lệnh cho bà phải đi cùng ông ta. Sau đó một nhân viên chính quyền trẻ tuổi nữa đến và cùng với La đẩy bà Lý vào trong xe ô tô của họ và đưa bà đến bệnh viện.
Sau khi xét nghiệm, La không cho bà Lý tự đi về nhà mà kiên quyết đưa bà về. Sau đó, La gọi điện cho một người và có vẻ như đã nhận được chỉ thị từ người này. Trước khi họ rời bệnh viện, một xe ô tô nữa đến. Bốn cảnh sát mặc thường phục trẻ tuổi bước ra và lôi bà Lý vào trong xe. Sau đó họ đưa bà đến Đồn Công an Đông Thăng.
Không lâu sau đó, hai người đàn ông và một người phụ nữ đến gặp bà Lý. Họ tự giới thiệu họ là thành viên của Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Thành Đô, một cơ quan ngoài vòng pháp luật được giao nhiệm vụ chỉ đạo bức hại Pháp Luân Công. Họ tuyên bố đang làm một ứng dụng mới để phân nhóm các học viên Pháp Luân Công theo tình trạng sức khỏe và quan điểm chính trị của họ.
Bà Lý khẳng định rằng bà sẽ không từ bỏ Pháp Luân Công hay ký vào bất cứ giấy tờ nào của họ. Bà nói rằng Pháp Luân Công dạy một người làm người tốt và điều đó có lợi cho bất cứ cá nhân, gia đình hay bất cứ quốc gia nào. Bà nói với họ rằng bà đã từng mắc nhiều bệnh tật, nhưng tất cả đều đã khỏi sau khi bà theo học Pháp Luân Công.
Cảnh sát nói với bà rằng: “Chúng tôi không quan tâm nếu bà luyện tại nhà. Nhưng nếu bà nói chuyện về chính trị thì cảnh sát sẽ theo sau bà. Chúng tôi có tài liệu cần bà ký tên với hai yêu cầu chính: Thứ nhất là bà không thể đối lập với ĐCSTQ hay chủ nghĩa cộng sản. Hai là bà không thể đọc các cuốn sách như Cửu Bình (Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản) hay Giải thể Văn hóa đảng. Đồng thời bà không được phép tham gia vào bất cứ hoạt động nào của Pháp Luân Công”.
Sau nửa giờ đồng hồ, cảnh sát đưa bà Lý đến văn phòng ủy ban dân cư và ép bà ký tên vào những giấy tờ đó. Họ đe dọa sẽ lục soát nhà bà nếu bà không tuân theo.
Vì bà Lý khẳng định rằng bà sẽ không ký, cảnh sát đã dùng bạo lực giữ tay bà và in dấu vân tay của bà lên đó. Tiếp theo, họ lấy chìa khóa trong túi của bà và tịch thu của bà các sách Pháp Luân Công, ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công và những tài liệu liên quan khác ở nhà bà.
Vào lúc 3 giờ chiều ngày 26 tháng 9 năm 2022, cảnh sát và các cán bộ thôn đã đến nhà em trai bà Chung Phương Quỳnh ở thành phố Giản Dương, tỉnh Tứ Xuyên (thơi gian đó bà đang ở nhờ nhà em trai). Vì không có ai ở nhà, các nhân viên chính quyền đã gọi điện cho em trai bà và ông ấy trở về nhà vào khoảng 4 giờ chiều.
Ngay khi em trai bà Chung vừa mở của, họ đã xông vào nhà và lục soát, rồi lấy đi một quyển sách Chuyển Pháp Luâncủa bà Chung và một tấm thảm bà dùng để đả tọa luyện công.
Khoảng 4 giờ 30 chiều, khi bà Chung, một chuyên gia trong ngành vận tải ngoài 50 tuổi, trở về nhà thì một nữ viên chức địa phương đã ra lệnh cho bà ký tên vào một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Khi bà từ chối, hai nam viên chức đã đổ mực lên tay của bà và dùng nó ấn lên bản tuyên bố mà họ đã chuẩn bị từ trước.
Nữ viên chức đó nói với bà: “Xong rồi. Bà đã từ bỏ Pháp Luân Công”. Một nam cán bộ nói: “Nhanh lên. Chúng ta cần đi tới chỗ người tiếp theo (một học viên khác)”.
Trước khi rời đi, nữ viên chức yêu cầu các cán bộ thôn trông chừng bà Chung. Bà ta cũng ra lệnh cho họ lắp đặt một camera giám sát ở gần cửa trước của nhà em trai bà Chung.
Hai ngày tiếp theo, mỗi sáng trưởng thôn đều đến để chụp hình bà Chung.
Ngày 29 tháng 9, bí thư thôn Trương Hổ đã lệnh cho một viên chức lắp camera giám sát trên cửa nhà em trai bà Chung. Ông ta nói với bà: “Bây giờ đã có camera rồi, chúng tôi không cần phải đến gặp bà mỗi ngày để chụp hình nữa. Bà chỉ cần đứng đối diện camera vào mỗi buổi sáng, trưa và chiều tối. Sau đó chúng tôi sẽ gửi đoạn phim của bà cho chính quyền ở Thành Đô (nơi có thẩm quyền quản lý Giản Dương)”.
Lúc 5 giờ chiều ngày 30 tháng 9, vì không thấy bà Chung trong video giám sát, Trương đã gọi điện cho bà vào và hỏi bà có ở nhà không. Sau khi bà xác nhận đang ở nhà, ông ta lệnh cho bà đi ra ngoài và bước lên bậc thềm để camera ghi hình bà. Bà kiên quyết rằng bà sẽ không làm điều đó.
Ngày hôm sau, trưởng thôn đã gọi cho em trai bà Chung và lệnh cho ông chụp hình chị gái để gửi cho ông ta. Em trai bà đồng ý nhưng nói rằng mình chỉ làm một lần duy nhất. Không rõ là sau đó các viên chức chính quyền có tiếp tục sách nhiễu bà Chung nữa hay không.
Bà Giản Dĩ Tòng, một cư dân thành phố Đức Dương, tỉnh Tứ Xuyên, đã bị bắt tại nhà vào ngày 19 tháng 7 năm 2022, vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công. Mặc dù cảnh sát đã trả tự do cho bà sau khi phát hiện bà mắc bệnh lao trong cuộc kiểm tra sức khỏe, nhưng họ đe dọa sẽ bắt giữ cả gia đình bà khi bà từ chối tham gia một cuộc kiểm tra sức khỏe khác sau đó.
Vào lúc 10 giờ sáng ngày 19 tháng 7, một nhóm cảnh sát đã đột nhập vào nhà bà Giản. Họ tuyên bố có người trình báo bà nói chuyện và tặng một học sinh ổ đĩa flash có thông tin về Pháp Luân Công, bất chấp việc bà Giản khẳng định rằng bà không hề làm vậy.
Khi bà hỏi tại sao lệnh khám xét lại không có chữ ký của cảnh sát trưởng, cảnh sát đã phớt lờ bà. Họ quay video toàn bộ căn nhà của bà và lục lọi xung quanh. Khi hàng xóm của bà nghe thấy tiếng động và chạy sang để xem đang chuyện gì đang xảy ra, cảnh sát đã đuổi họ đi.
Trong cuộc đổ bộ này, bí thư thôn cũng có mặt. Bà Giản đã nhờ bà ta giúp đỡ, nhưng bà ta đáp: “Trước đó tôi đã cho bà cơ hội rồi. Tôi là Đảng viên“.
Cảnh sát lục soát mọi căn phòng trong ngôi nhà hai tầng của bà, kể cả bên trong tủ quần áo và tủ lạnh. Sau đó, cảnh sát lấy đi các sách Pháp Luân Công và nhiều đồ dùng văn phòng của bà. Cảnh sát còn đe dọa bắt giữ chồng bà khi ông cố gắng ngăn họ lại.
Trong khi thẩm vấn bà Giản tại đồn công an, một cảnh sát đã cười nhạo bà và mỉa mai rằng: “Số bà thật khổ. Bà vừa kết thúc một án tù, và bây giờ lại chuẩn bị đối mặt với một án tù khác”.
Vài ngày sau, chiếc xe ba bánh điện của bà Giản đột nhiên ngừng sạc điện. Khi bà gửi nó đi sửa, nhân viên kỹ thuật tìm thấy một chiếc camera hỗ trợ GPS nằm ở gần cục pin. Lúc này bà nhớ ra rằng cách đây không lâu bà có chở một số học viên, sau đó vài người trong số họ đã bị bắt, trong đó có bà Trương Thuật Phượng đã bị bắt vào ngày 28 tháng 6 năm 2022.
Cảnh sát dùng bạo lực với các học viên
Cảnh sát bắt giữ học viên Pháp Luân Công và chị họ của ông, lấy máu của họ để xây dựng cơ sở dữ liệu cho việc ghép tạng
Cảnh sát ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, đã bắt giữ một học viên Pháp Luân Công và chị họ của anh ấy vào ngày 4 tháng 10 năm 2022. Theo lời kể của người chị họ của anh ấy (người đã được thả vài ngày sau đó) cảnh sát đã còng tay anh Hứa Văn Long (36 tuổi) và đeo cho anh chiếc cùm nặng. Họ đã lấy một mẫu máu của anh và đe dọa sẽ giết anh. Anh Hứa sau đó đã bị quản thúc tại nơi cư trú 6 tháng và chấp hành tại Đồn cảnh sát Lão Tư Lý Nhai. Anh bị tước quyền thăm thân.
Ba cảnh sát đã đi tới nhà anh Hứa vào chiều ngày 4 tháng 10. Họ giữ anh Hứa và người chị họ của anh trên sàn nhà và một cảnh sát ngồi lên người anh Hứa. Trên đường đến đồn công an, một cảnh sát đã đánh đập và lăng mạ anh Hứa. Ở trong xe cảnh sát, anh bị còng tay ra sau lưng và chiếc áo sơ mi của anh bị rách và anh bị đau ở tai.
Cảnh sát ra lệnh cho chị họ của anh Hứa ngồi vào một chiếc ghế sắt có khóa và đai lưng để khống chế cô. Họ cáo buộc cô có hành vi cản trở cảnh sát thi hành công vụ tại nhà anh Hứa. Mặc dù cô không tu luyện Pháp Luân Công, nhưng cảnh sát đã ra lệnh cho cô phải nguyền rủa Nhà sáng lập pháp môn tu luyện này và nói rằng họ sẽ thả cô nếu cô ấy làm như vậy, nhưng cô từ chối.
Khi cô cảnh cáo cảnh sát rằng họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả pháp lý nếu họ tham gia vào cuộc bức hại, họ nói rằng họ chỉ là những người máy làm những gì họ được bảo phải làm. Cảnh sát để cô ấy trong căn phòng đó qua đêm.
Sáng hôm sau, chị họ của anh Hứa nghe thấy tiếng cùm rơi xuống đất. Hóa ra anh Hứa vừa được đưa trở lại sau khi bị cưỡng chế khám sức khỏe tại bệnh viện. Họ nhốt anh Hứa ở căn phòng bên cạnh phòng của cô ấy. Cô ấy nghe lỏm được hai cảnh sát nói về một quả thận được bán với giá 400.000 nhân dân tệ. Khi cô hỏi có phải những viên cảnh sát này đang nói về việc thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công không, họ vẫn im lặng.
Cô liên tục nghe thấy tiếng cùm rơi xuống sàn từ phòng bên cạnh và nghĩ rằng có thể là cảnh sát đang đẩy anh Hứa qua lại hoặc đánh đập anh. Sau đó có người ra ngoài lấy cồn và bông gòn. Sau đó cô nghe thấy tiếng hét của anh Hứa. Hai cảnh sát khiêng anh đến phòng nam. Cô yêu cầu được sử dụng nhà vệ sinh, và ngay khi đến đó, cô đã nghe thấy tiếng hét của anh Hứa ở trong phòng vệ sinh nam. Cô cũng nghe thấy một cảnh sát chửi rủa và đe dọa sẽ giết anh.
Cô hét lên từ bên ngoài yêu cầu các cảnh sát ngừng đánh đập anh Hứa. Một số người trong số họ bước ra, phủ nhận việc họ đánh đập anh Hứa và cấm cô sử dụng nhà vệ sinh. Khi cảnh sát đưa anh Hứa trở lại phòng giam, một trong số họ đã cười nhạo anh: “Tại sao đức tin của anh không bảo vệ anh?”
Cảnh sát còn giễu cợt rằng việc bắt giữ anh Hứa và người chị họ của ông cùng với nhau giống như “mua một tặng một”.
Trước khi thả cô, sáu cảnh sát đã đưa cô đến một căn phòng được trang bị đầy đủ tiện nghi, nói rằng mọi người bị giam giữ đều phải cung cấp dấu vân tay và mẫu máu của họ. Cô nhớ rằng chính quyền Trung Quốc đã thu thập và phân tích mẫu máu của các học viên Pháp Luân Công và đưa thông tin vào cơ sở dữ liệu ghép tạng để họ có thể nhắm mục tiêu lấy nội tạng của các học viên trong tương lai. Không một cảnh sát nào phủ nhận nghi ngờ của cô về việc họ đang thu thập mẫu máu để thu hoạch nội tạng.
Một cảnh sát đã giữ cô lại và bẻ cong các ngón tay của cô ấy về phía sau trong khi một người khác chạy ra ngoài để lấy cồn và bông gòn. Họ đâm kim vào tay cô và cô hét lên trong đau đớn. Sau đó, cô nhớ lại đã nghe thấy tiếng la hét của anh Hứa ở trong căn phòng này và nhận ra rằng đó có thể là khi cảnh sát lấy máu của anh ấy.
Cảnh sát nắm chặt tay của người phụ nữ và khiến các ngón tay của bà bị bầm tím
Bà Vương Hiểu Linh, một người phụ nữ 65 tuổi ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, đã nhận được cuộc điện thoại của một nhân viên cộng đồng vào ngày 20 tháng 9 năm 2022, nói rừng bà phải đến văn phòng của họ vào hôm sau để ký tên vào giấy tờ liên quan đến khoản trợ cấp thu nhập thấp của bà.
Tuy nhiên trưa hôm sau ngay khi bà Vương vừa tới, sáu nhân viên của Ủy ban Chính trị và Pháp luật đã lập tức cưỡng chế bà ký tên vào bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Vì bà Vương từ chối, họ đe dọa sẽ tống vào trung tâm tẩy não địa phương hoặc đồn công an. Họ cũng lấy túi xách của bà và tìm kiếm các tài liệu Pháp Luân Công.
Sau cả buổi chiều bế tắc, đến 7 giờ tối, một số đã cố cưỡng chế bà ký tên vào tuyên bố bằng cách túm và ấn bàn tay bà xuống để lấy dấu vân tay. Trong quá trình giằng co họ đã khiến một ngón tay của bà bị bẻ cong và bầm tím. Bà Vương vẫn kiên quyết từ chối ký vào bản tuyên bố và được thả vào lúc khoảng 8 giờ tối.
Ngón tay của bà Vương bầm tím do hành vi bạo lực của cảnh sát
Trong hơn 20 năm qua, bà Vương, một cựu nhân viên của Tổng trạm Giám sát Toàn diện Môi trường Địa chất Tứ Xuyên, đã liên tục bị chính quyền bức hại vì kiên định đức tin của mình.
Khổ nạn của một gia đình
Bà Khổng Khánh Bình, một cư dân ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh đã bị bắt vào ngày 22 tháng 10 năm 2022, sau khi bị buộc phải rời khỏi nhà hơn 1 năm để tránh bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại bởi đức tin của bà vào Pháp Luân Công. Hiện bà Khổng đang bị giam trong Trại tạm giam Diêu Gia và gia đình không được phép vào thăm bà.
Con gái của bà Khổng là cô Lưu Chỉ Đồng hiện đang sinh sống tại San Francisco (Hoa Kỳ) đã tham gia một buổi biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc vào ngày 3 tháng 11 năm 2022, yêu cầu chính quyền Trung Quốc thả mẹ cô ngay lập tức.
Cô Lưu cho hay hiện cô rất lo lắng cho sự an toàn của mẹ cô. Cô bị mất ngủ hằng đêm bởi mỗi khi nhắm mắt lại, khuôn mặt tươi cười của mẹ lại hiện lên trước mắt cô. Cô nói rằng thời tiết ở Đại Liên hiện đang rất lạnh và vì Trại tạm giam không cho gia đình vào thăm bà nên họ không biết bà có áo ấm để mặc hay không.
Cô Lưu Chỉ Đồng cầm một bức ảnh của mẹ. Tấm bảng ghi “Hãy thả mẹ tôi Khổng Khánh Bình ngay lập tức“.
Một người đàn ông 77 tuổi và con gái đã bị bắt vào cuối tháng 9 năm 2022 vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công. Mặc dù người cha đã được tại ngoại, cô con gái vẫn bị giam giữ và không được phép gặp luật sư của mình. Anh trai của cô, người trước đây từng bị cầm tù 13 năm vì tu luyện Pháp Luân Công, đang buộc phải sống xa nhà để thoát khỏi bàn tay cảnh sát.
Cảnh sát ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm bắt đầu sách nhiễu người cha là ông Triệu Húc Đông kể từ ngày 3 tháng 8 năm 2022. Trong khoảng đầu tháng 9, họ không ngừng gọi điện cho ông Triệu hoặc tới gõ cửa nhà ông và hỏi liệu ông còn tu luyện Pháp Luân Công hay không.
Do liên tục bị sách nhiễu, ông Triệu đã đến đồn công an vào ngày 4 tháng 9 và đưa cho cảnh sát một lá thư giải thích rằng không có luật nào ở Trung Quốc quy định rằng tu luyện Pháp Luân Công là phạm pháp và kêu gọi các cảnh sát ngừng tham gia vào cuộc bức hại.
Ngày 27 tháng 9, cảnh sát quay trở lại bắt giữ ông Triệu. Con gái của ông, cô Triệu Quốc Khôn (cũng tu luyện Pháp Luân Công), cũng bị bắt khi đến thăm ông. Cả ông Triệu và con gái đều bị đưa đến Đồn Công an Cáp Đạt Loan. Lần đó họ đã sớm được thả nhưng cô Triệu lại nhanh chóng bị bắt trở lại vào ngày 29 tháng 9 và bị đưa đến Trại tạm giam thành phố Thư Lan.
Ông Triệu đã thuê một luật sư đại diện cho con gái. Khi vị luật sư này yêu cầu được vào gặp cô Triệu, trại tạm giam đã đề nghị ông phải được sự phê duyệt của cảnh sát trước.
Ông Triệu đã mở một nhà máy sản xuất thiết bị điều khiển điện tử vào năm 1988 và nhanh chóng phát triển nó thành một công ty lớn. Sau khi cuộc bức hại xảy ra, công ty của ông Triệu đã bị chính quyền tịch thu. Con trai ông bị giam giữ trong hơn 13 năm. Vợ ông đã qua đời vào ngày 5 tháng 2 năm 2012, sau khi không chống chọi được với nỗi sợ hãi và đau khổ tinh thần từ cuộc bức hại.
Khi ông Triệu đến tuổi nghỉ hưu (60 tuổi) vào năm 2006, các nhà chức trách không thể tìm thấy hồ sơ lao động trước đây của ông tại một doanh nghiệp nhà nước, điều này khiến ông không được nhận bất kỳ khoản trợ cấp hưu trí nào. Kể quả là, một gia đình từng rất khá giả nay lại lâm vào cảnh tài chính kiệt quệ vì sự bức hại từ phía chính quyền.
Sau 10 năm sống lưu lạc, người đàn ông Sơn Đông bị bắt và đối mặt với truy tố
Sau khi ông Vương Hóa Dương (59 tuổi) ở thành phố Chiêu Viễn, tỉnh Sơn Đông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1999. Ông nhanh chóng bỏ được thói quen hút thuốc và uống rượu, thay đổi từ một người nóng nảy trở nên hòa nhã và độ lượng. Căn bệnh viêm túi mật hành hạ ông nhiều năm cũng biến mất.
Vì kiên định đức tin của mình, ông Vương liên tục bị cảnh sát địa phương sách nhiễu. Ông buộc phải rời nhà để thoát khỏi bàn tay cảnh sát vào tháng 3 năm 2012, nhưng sau đó đã bị bắt tại thành phố Tê Hà (một thành phố cùng tỉnh giáp với thành phố Chiêu Viễn) vào ngày 27 tháng 7 năm 2022, sau khi bị trình báo vì truyền rộng thông tin về cuộc bức hại. Hiện ông đang bị giam trong trại tạm giam thành phố Chiêu Viễn và sắp bị truy tố.
Để thu thập thông tin buộc tội ông, cảnh sát đã nhắm mục tiêu vào một số học viên quen biết ông Vương. Khi không thể tìm thấy các học viên này, cảnh sát quay sang người nhà của họ.
Mười năm trước, sau khi ông Vương trốn thoát khỏi vụ bắt giữ ngày 23 tháng 3 năm 2012, cảnh sát đã bắt vợ ông là bà Trì Thụy Mỹ và con gái của họ là cô Vương Long Na. Họ bị giam trong một trại tạm giam 15 ngày và sau đó bị đưa đến một trung tâm tẩy não trong hơn 3 tháng. Bà Trì được trả tự do vào ngày 16 tháng 7 năm 2012, nhưng con gái bà vẫn bị giam giữ và sau đó bị kết án 3 năm tù.
Ông Vương buộc phải sống xa nhà trong 10 năm kế tiếp. Cảnh sát đã lắp camera giám sát ở bên ngoài nhà ông và bố trí người trong thôn giám sát tình hình.
Cuộc bức hại đã khiến cha mẹ già của ông Vương vô cùng thống khổ. Cha ông bị đột quỵ và nằm liệt giường. Ông cụ đã gặp nhiều vấn đề sức khỏe hơn trong vài năm và qua đời mà không gặp được ông Vương lần cuối.
Bà Trì cũng đối mặt với sự sách nhiễu liên tục từ cảnh sát và phải chật vật để chăm lo cho gia đình.
Bà nội bị giam giữ vì kiên định đức tin, hai cháu nhỏ bị bỏ lại ở nhà không ai chăm sóc
Sau khi con trai và con dâu của bà Đồng Kim Bình đều tới tỉnh lân cận để làm việc, họ đã phải nhờ bà chăm sóc giúp hai đứa con của họ, một bé đang học tiểu học và một bé đang học trung học.
Ba tháng trước, bà Đồng ở thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây đột ngột bị cảnh sát bắt giữ chỉ vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công, khiến hai đứa cháu của bà bị rơi vào cảnh khốn đốn.
Vào lúc 5 giờ sáng ngày 16 tháng 6 năm 2022, một nhóm cảnh sát đã đột nhập vào nhà bà Tống và bắt giữ bà, khiến các cháu của bà vô cùng sợ hãi. Vụ bắt giữ xảy ra chỉ một ngày trước khi cháu gái bà phải tham gia kỳ thi THPT kéo dài 3 ngày. Bởi con trai của bà Tống đang làm việc ở tỉnh Giang Tô nên anh không thể trở về nhà hoặc đưa các con đi cùng, nên họ phải nhờ một người thân khác trong gia đình chăm sóc cho các cháu nhỏ. Hai đứa trẻ hiện đang mong mỏi bà nội sớm ngày trở về.
Một người phụ nữ bị kết án oan sai, buộc phải ly hôn và mất mẹ, lại bị sách nhiễu vì đức tin của mình
Lớn nên trong cảnh phải chứng kiến mẹ liên tục bị chính quyền cộng sản bắt và giam giữ phi pháp vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, nhiều năm sau, bản thân cô Điền Lệ Lệ (42 tuổi) cũng rơi vào tình cảnh thê thảm như vậy chỉ bởi có cùng đức tin với mẹ.
Cư dân thành phố Phủ Thuận này đã bị bắt giữ vào ngày 23 tháng 8 năm 2018 vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công và sau đó bị kết án 1,5 năm tù. Người chồng sau của cô, anh Lỗ Quốc Phong (không tu luyện Pháp Luân Công), cũng bị bắt giam 1 tháng.
Sau khi cô được trả tự do, cảnh sát vẫn tiếp tục sách nhiễu cô. Bố mẹ chồng cô đổ bệnh vì bị sách nhiễu và con gái của cô cũng bị sách nhiễu ở trường học. Để gia đình mình khỏi bị liên lụy, anh Lỗ buộc phải ly hôn với cô Điền.
Áp lực tinh thần từ cuộc bức hại đã tàn phá sức khỏe của mẹ cô Điền và bà đã qua đời vào ngày 23 tháng 1 năm 2022, ở tuổi 68. Sau khi bà qua đời, cha của cô Điền, người vốn đã bị tổn thương bởi những lần con gái bị bắt giữ và nhà cửa bị khám xét trong nhiều năm và mắc bệnh tim nặng, đã giữ khoảng cách với cô. Khi cô Điền lại bị bắt vào ngày 7 tháng 4 năm 2022 vì nói với mọi người về Pháp Luân Công, cảnh sát đã lục soát nhà của cha cô một lần nữa, khiến ông bị lên cơn đau tim.
Cô Điền lại bị sách nhiễu vào tháng 10 năm 2022, ngay trước thềm Đại hội lần thứ 20 của ĐCSTQ. Ngay cả chồng cũ của cô và bố mẹ của anh ấy cũng bị cảnh sát làm phiền.
Cô Điền và chồng cũ của cô trong đám cưới của họ
Những học viên là chuyên gia bị nhắm mục tiêu
Giáo sư về hưu và cha của một cư dân San Francisco bị bắt giữ
Ông Hoàng Vĩnh Sướng, một giáo sư đã nghỉ hưu của Viện Lý luận Vật Lý Đại học Công nghiệp Bắc Kinh, đã bị bắt tại nhà vào ngày 11 tháng 10 năm 2022. Hiện ông đang bị giam trong trại tạm giam quận Triều Dương ở Bắc Kinh và bị tước quyền thăm thân.
Trong hơn 20 năm công tác của mình, ông Hoàng đã đào tạo và bồi dưỡng hơn 30 nghiên cưu sinh thạc sỹ và tiến sỹ. Tuy nhiên, kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, ông đã bị chính quyền bắt 3 lần và việc thăng hàm giáo sư của ông bị trì hoãn trong 6 năm.
Con trai ông Hoàng, anh Hoàng Xương Vũ, một cư dân San Francisco (Hoa Kỳ), hiện đang kêu gọi ĐCSTQ trả tự do cho cha anh.
Anh Hoàng Xương Vũ, một cư dân San Francisco, phát biểu tại cuộc biểu tình vào ngày 3 tháng 11 năm 2022. Tấm bảng anh cầm ghi: “Hãy thả cha tôi Hoàng Vĩnh Sướng ngay lập tức”.
Bị buộc thôi học năm 17 tuổi, nhà thiết kế nội thất tự học bị bắt giữ vì kiên định đức tin
Khi mẹ của anh Triệu Ngọc Bác gọi điện cho anh để thông báo về cái chết của mẹ bà, bà đã rất đau lòng khi biết rằng anh đã bị bắt vào ngày hôm đó vì tu luyện Pháp Luân Công. Quá đau đớn, bà đã đổ bệnh và nằm liệt giường.
Cha mẹ của anh Triệu đã ly hôn từ lâu và nhà thiết kế nội thất 39 tuổi này đã sống ở thành phố An Sơn, tỉnh Liêu Ninh cùng với cha anh. Chiều ngày 21 tháng 9, một cảnh sát mặc thường phục đã gõ cửa nhà họ và nói đang tìm kiếm một người phụ nữ lớn tuổi. Sau khi cha anh Triệu ra mở cửa, cảnh sát xông vào nhà, bắt giữ anh Triệu và cha anh. Trong khi cha anh Triệu đã được trả tự do và bị giám sát tại khu dân cư, thì anh Triệu vẫn đang bị giam giữ.
Cảnh sát lấy đi chiếc máy tính làm việc của anh Triệu, một máy in bị hỏng, các sách Pháp Luân Công, giấy tờ tùy thân, điện thoại di động, 6.400 đô la Mỹ, 18.000 nhân dân tệ và các tài sản cá nhân khác. Gia đình anh đã nhiều lần đến đồn công an để yêu cầu cung cấp danh sách những đồ vật bị tịch thu, nhưng cảnh sát phớt lờ. Sau đó cảnh sát đưa cho anh Triệu một danh sách để anh ký tên, nhưng số lượng các vật phẩm Pháp Luân Công mà họ ghi là lấy từ anh đã bị phóng đại và anh từ chối ký tên vào đó.
Anh Triệu bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1997 khi anh 14 tuổi. Anh từ một người tính cách hướng nội, thiếu nhiệt huyết, nổi loạn đã trở thành một người cởi mở, nhiệt tình và sẵn sàng giúp đỡ người khác. Kết quả học tập của anh cũng tiến bộ nhanh chóng và anh được các bạn cùng lớp đánh giá cao.
Ngay khi những người xung quanh ấn tượng với những thay đổi đáng kinh ngạc của anh, thì cuộc bức hại xảy ra vào năm 1999. Vì đi tới chính quyền địa phương vào năm 2000 để kháng nghị cho Pháp Luân Công, người thanh niên (lúc đó 17 tuổi) này đã liên tục phải đối mặt với sự sách nhiễu của chính quyền cả ở nhà và ở trường. Giáo viên của anh và lãnh đạo trường học đe dọa sẽ đuổi học anh nếu anh không từ bỏ Pháp Luân Công. Không còn lựa chọn nào khác, anh đành phải bỏ học và tự học kiến thức chuyên môn. Mặc dù vậy cảnh sát vẫn thường xuyên sách nhiễu anh.
Bất chấp khó khăn và áp lực do cuộc bức hại, anh Triệu đã trở thành một người kiên cường mạnh mẽ với một tấm lòng rộng lượng, tích cực và lạc quan. Cuối cùng, anh đã trở thành một nhà thiết kế nội thất bằng cách tự học và các thiết kế của anh rất được ưa chuộng.
Để thu thập bằng chứng chống lại bác sỹ Lý Kiến Tây, một bác sỹ Trung y có danh tiếng ở thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công, cảnh sát đã sách nhiễu các bệnh nhân của ông và hỏi rằng họ có nhận tài liệu Pháp Luân Công từ ông hay không.
Bác sỹ Lý đã hành nghề Trung y hơn 30 năm và chuyên điều trị cho những bệnh nhân đang ở trong tình trạng nguy kịch. Ông đã từng điều trị cho một em bé sinh non chỉ nặng 750 gam với vấn đề nghiêm trọng ở phổi và giúp em bé tự thở được sau một tháng.
Kể từ khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, bác sỹ Lý đã liên tục đối mặt với sách nhiễu từ phía chính quyền vì kiên định đức tin của mình, đặc biệt là sau khi tên của ông bị cảnh sát liệt vào danh sách đen vì kháng nghị cho quyền tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1999.
Từ tháng 3 đến tháng 7 năm 2020, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Tập Mỹ đã ra lệnh cho Cục Y tế và Cục Quản lý Dược địa phương kiểm tra phòng khám của bác sỹ Lý ba lần. Mỗi lần đều có cảnh sát vũ trang tháp tùng. Khi không tìm thấy vấn đề gì đáng kể, các cơ quan này đã cố gắng buộc chủ nhà của bác sỹ Lý phải chấm dứt hợp đồng cho thuê phòng khám của ông, với lý do ông đã tham gia vào “các hoạt động phi pháp”.
Lý Hỏa Cừ, tân phó bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp luật quận Hạ Môn, đã đích thân sách nhiễu bác sỹ Lý tại phòng khám của ông vào ngày 23 tháng 2 năm 2021.
Trong một nỗ lực khác nhằm thu thập thông tin để khép tội bác sỹ Lý, các nhân viên chính quyền đã bố trí đặc vụ tiếp cận ông với lý do tham vấn y tế để tìm cách gài bẫy ông.
Bác sỹ Lý đã bị bắt tại nhà lúc vào ngày 19 tháng 6 năm 2022 trong một cuộc truy quét của cảnh sát. Vợ và con trai ông cùng các nhân viên làm việc tại phòng khám của ông cũng bị bắt đi và giam trong thời gian ngắn. Để thu thập thông tin chống lại ông, cảnh sát đã tịch thu hồ sơ của các bệnh nhân mà ông đã khám chữa trong 8 năm qua và gọi điện cho họ về để hỏi rằng bác sỹ Lý có đưa tài liệu Pháp Luân Công cho họ hay không.
Cựu công chức nhà nước bị sách nhiễu
Một cặp vợ chồng ở huyện Lai Thủy, tỉnh Hà Bắc, từng bị lãnh án tù dài hạn vì tu luyện Pháp Luân Công, lại bị sách nhiễu vào ngày 27 tháng 9 năm 2022.
Bà Lưu Kim Anh
Ba cảnh sát xuất hiện tại nhà của ông Trương Đông Sinh và bà Lưu Kim Anh vào lúc 11 giờ sáng ngày 27 tháng 9. Vì không có ai ở nhà nên họ đã chụp ảnh phía trước nhà rồi rời đi. Đến 2 giờ chiều, cảnh sát quay lại và lần này hai vợ chồng ông Trương đã về nhà. Khi ông Trương hỏi có phải buổi sáng họ đã đến nhà ông hay không, cảnh sát đã dối trá rằng họ không đến. Cảnh sát hỏi hai vợ chồng có còn tu luyện Pháp Luân Công không. Cặp vợ chồng từ chối trả lời và kêu gọi cảnh sát không tiếp tục tham gia vào cuộc bức hại.
Ông Trương nguyên là chủ nhiệm văn phòng Cục thuế địa phương huyện Lai Thủy và bà Lưu nguyên là phó giám đốc Văn phòng khiếu nại quận Lai Thủy.
Vì tu luyện Pháp Luân Công, bà Lưu đã bị kết án 5 năm. Bà bị rụng tóc nhiều, lung lay răng và da dẻ vàng bủng do bị đầu độc bằng thuốc và tra tấn ở trong tù.
Ông Trương đã phải ngồi tù 15 năm. Khi được trả tự do vào tháng 8 năm 2016, ông rất hốc hác và hai chiếc răng duy nhất còn lại của ông đã nhanh chóng bị rụng nốt.
Người cao tuổi bị bức hại
Cảnh sát bắt giữ một cụ bà 80 tuổi sau khi theo dõi cuộc sống hàng ngày của bà trong 2 năm
Đầu tháng 8 năm 2022, một ủy ban dân cư ở thành phố Liêm Giang, tỉnh Quảng Đông đã triệu tập bà Lý Quần Trân (80 tuổi) ở địa phương và ra lệnh cho bà ký tên vào bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.
Bà Lý từ chối và nói với các nhân viên ủy ban dân cư rằng bà đã có được sức khỏe như thế nào khi tu luyện Pháp Luân Công và giờ đây bà vẫn có thể chăm sóc cho người chồng nằm liệt giường của mình dù tuổi bà đã cao.
Vài ngày sau, vào ngày 21 tháng 8, chồng của bà Lý rơi vào tình trạng nguy kịch và phải nhập viện. Khi bà Lý đi xe ba bánh đến bệnh viện thăm ông vào ngày 25 tháng 8, bí thư ủy ban khu dân cư lái ô tô tới và tông vào bánh trước của xe bà. Ngay lập tức, một nhóm cảnh sát và nhân viên ủy ban dân cư đã bao vây bà và lôi bà lên xe cảnh sát. Sau khi đưa bà đến đồn công an, cảnh sát đã thẩm vấn bà và thu thập dấu vân tay của bà.
Ngay trong ngày hôm đó, hàng chục cảnh sát đã lục soát toàn bộ căn nhà của bà Lý, gồm các phòng của con gái bà, con trai bà và con dâu và con trai của cặp vợ chồng, những người đang sống cùng với bà. Ngay cả phòng của những người thuê trọ ở tầng trên của nhà bà cũng bị cảnh sát xới tung lên.
Cảnh sát tuyên bố rằng họ đã theo dõi cuộc sống hàng ngày của bà trong 2 năm. Họ phát hiện bà đang gửi nhiều lá thư về Pháp Luân Công và hầu hết đều bị họ chặn lại. Camera giám sát cũng ghi hình bà phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công ở gần công viên và bệnh viện vào năm 2021.
Hiện tại bà Lý đã được bảo lãnh tại ngoại để về nhà chăm sóc cho chồng. Cả bà và con gái bà (người đăng ký làm người bảo lãnh cho bà), đều không được phép ra khỏi địa phương Liêm Giang và phải đến báo với cảnh sát bất cứ lúc nào được triệu tập.
Bà cụ 78 tuổi vẫn bị chính quyền sách nhiễu sau khi thụ án tù 3 năm vì kiên định đức tin
Một góa phụ 78 tuổi hiện đang đối mặt với sách nhiễu triền miên từ phía cảnh sát và ủy ban dân cư địa phương, sau khi kết thúc bản án oan sai 3,5 năm tù kiên định đức tin vào Pháp Luân Công.
Bà Bùi San Trân, một giáo viên trung học cơ sở nghỉ hưu ở Thượng Hải, đã bị kết án 3,5 năm vào cuối năm 2018 vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Bản án của bà đã giáng một đòn nặng nề lên chồng bà, ông Thi Kim Tuyền. Ông đã suy sụp tinh thần và qua đời vào ngày 18 tháng 9 năm 2020, hưởng thọ 84 tuổi.
Khi bà Bùi được trả tự do vào ngày 26 tháng 6 năm 2022, chính quyền đã giam bà trong một cơ sở cách ly, sau đó mới đưa bà về nhà con trai bà vào ngày 3 tháng 7.
Kể từ khi chính quyền cảnh sát bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, bà Bùi đã liên tục bị chính quyền nhắm mục tiêu vì kiên định đức tin. Bà từng 1 lần thụ án lao động và 3 lần thụ án tù, với tổng cộng 14 năm.
Giảng viên về hưu 92 tuổi và người chăm sóc cho ông bị bắt giữ
Cảnh sát ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, đã lục soát nhà ông Lưu và thu giữ một số lượng lớn đồ vật, bao gồm sách Pháp Luân Công, máy tính xách tay, iPad, điện thoại di động và những thứ khác vào ngày 12 tháng 10 năm 2022. Họ cũng chụp ảnh người giảng viên đã nghỉ hưu 92 tuổi này (vẫn chưa rõ tên). Sau khi lấy đi những món đồ bị tịch thu, cảnh sát đã quay lại và bắt giữ ông. Ông Lưu bị đưa vào một chiếc xe cảnh sát và đưa đến Đồn Công an đường Qinghe. Người chăm sóc của ông cũng tu luyện Pháp Luân Công, đã bị bắt cùng lúc đó.
Ông Lưu được thả vào khoảng 10 giờ đêm hôm đó. Người chăm sóc ông bị thẩm vấn và đánh đập. Khuôn mặt của cô bị bầm tím và sưng tấy khi bà được thả vào ngày hôm sau.
Nhiều thập niên bị bức hại
Một người đàn ông ở huyện Lâm Lễ, tỉnh Hồ Nam đã bị bắt vào ngày 8 tháng 9 năm 2022 và bị đưa đến Trung tâm tẩy não Thường Đức. Trung tâm đã tăng cường tẩy não ông hòng ép ông từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.
Ông Phó Kiến Bình (59 tuổi) từng phải vật lộn với bệnh gan cấp tính và thiếu sức sống từ khi còn nhỏ. Ông thường xuyên phải nằm viện và đã thử nhiều phương pháp điều trị khác nhau, nhưng đều không có tác dụng. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông tham gia quân đội, nhưng sau hai năm đã phải xuất ngũ do sức khoẻ kém.
Sau đó ông công tác tại Ngân hàng Công Thương Trung Quốc, nhưng sức khỏe yếu đã khiến ông không thể làm việc hiệu quả. Dù lúc đó mới ngoài 20 tuổi nhưng ông rất yếu và thường xuyên phải mặc quần áo ấm. Không lâu sau, ông phải nghỉ việc, và bạn gái thì chia tay ông. Trong vài năm kế tiếp, ông đã đi khắp nơi để tìm thầy, cầu thuốc nhưng đều vô ích.
Đến tháng 5 năm 1996, khi đang chìm trong hố sâu tuyệt vọng, ông đã gặp được Pháp Luân Công và bắt đầu tu luyện. Bệnh đau lưng dai dẳng, mất ngủ, chướng bụng và chán ăn của ông đã nhanh chóng biến mất. Ông quay lại làm việc vào tháng 8 năm 1999.
Đối mặt với cuộc bức hại, vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, ông Phó đã hai lần bị kết án tù (3 năm và 8 năm). Ông cũng bị giam trong trại lao động cưỡng bức 1,5 năm. Vợ ông, bà Chu Quế Anh (một học viên Pháp Luân Công) cũng bị bắt nhiều lần và bị giam trong một trung tâm tẩy não.
Người đàn ông Lan Châu lại bị bắt sau 1 năm kết thúc án tù 20 năm, hiện chưa rõ tung tích của ông
Từng bị giam giữ và tra tấn trong hai thập kỷ, một người đàn ông 58 tuổi ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc lại bị bắt vào ngày 23 tháng 8 năm 2022 vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công.
Chủ nhà của ông Lý Văn Minh và sáu học viên Pháp Luân Công khác cũng bị bắt trong ngày hôm đó. Mặc dù các học viên khác đã được thả sau 5 ngày, ông Lý vẫn bị giam giữ nhưng chưa rõ địa điểm.
Bị tra tấn trong 20 năm
Ông Lý còn có tên là Lý Minh Nhất, từng làm việc tại Nhà máy Đầu máy xe lửa Lan Châu. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, ông đã bị bắt 4 lần và bị kết án 20 năm vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại. Nhà tù không cho phép bất cứ ai vào thăm ông trong suốt thời gian ông chấp hành án tù dài hạn này.
Ông Lý bị bắt vào ngày 30 tháng 8 năm 2002 vì chèn tín hiệu truyền hình cáp để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, do sự kiểm duyệt nghiêm ngặt ở Trung Quốc. Cảnh sát đã đấm và đá ông ta trước khi đẩy ông vào trong xe. Họ trói ông Lý vào ghế bằng một chiếc thắt lưng và đội một chiếc mũ bảo hiểm đặc biệt lên đầu ông. Cứ 4 đến 5 phút họ lại siết chặt còng tay một lần, khiến ông Lý run lên vì đau đớn và mất kiểm soát. Cổ tay của ông vẫn bị tê liệt trong hơn 1 năm sau đó.
Ông Lý bị kết án 20 năm tù vào ngày 27 tháng 10 năm 2002. Ông bị biệt giam 1 tháng ngay từ ngày đầu tiên ông bị đưa vào Nhà tù Lan Châu vào tháng 9 năm 2003. Phòng biệt giam chỉ rộng 3m2 với một chiếc sân riêng rộng 2m2 . Chiếc giường làm bằng gạch, dưới chân giường có một cái hố dùng làm cầu tiêu. Phòng giam không có hệ thống sưởi ấm hoặc giường ngủ nên ông luôn phải mặc nguyên quần áo ấm đi ngủ. Bởi không được cung cấp bất kỳ đồ dùng nào, nên ông phải ăn bốc bằng tay không.
Ông Lý bị buộc phải đeo cùm nặng hơn 9kg, và lính canh còn nối còng tay và cùm chân với nhau. Mắt cá chân của ông chảy máu do phần gờ của chiếc cùm mới. Ông dùng chiếc quần đồng phục của tù nhân để quấn quanh chiếc cùm. Sau một thời gian, chiếc quần đã bị cứa rách toạc.
Lần biệt giam thứ hai của ông Lý xảy ra vào tháng 12 năm 2004. Lính canh đã đeo cùm nặng gần 30kg vào chân ông và nối cùm vào còng tay của ông. Khi trời có tuyết, lính canh bắt ông Lý ở ngoài sân hàng ngày từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối mà chỉ được mặt một chiếc quần dài, giày vải và áo khoác dài tay. Cùm nặng đến nỗi ông không thể di chuyển và phải ngồi dưới đất cả ngày. Còng tay và cùm không được tháo ra vào ban đêm, vì vậy ông phải cuộn tròn khi ngủ.
Ông Lý lại bị biệt giam sau ngày 1 tháng 5 năm 2008. Ông bị treo người lên bằng cổ tay vào chiếc giường tầng trong 2 tuần và không được phép ngủ. Cơ thể ông sưng vù, bàn chân và mắt cá chuyển sang màu đen. Ông rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê và có máu trong nước tiểu. Một lần, ông phải đi vệ sinh và yêu cầu các tù nhân thả ông xuống. Nhưng khi còng tay được tháo ra, ông đã ngã xuống và làm đổ cầu tiêu.
Một tù nhân đã từng đấm vào bụng ông và cơn đau khiến ông đổ mồ hôi lạnh. Ông đã suýt chết sau khi bị tra tấn trong 3 tháng bị giam cầm đó.
Bài liên quan:
Báo cáo nửa đầu năm 2022: 2.707 học viên Pháp Luân Công bị bắt hoặc bị sách nhiễu vì đức tin của họ
Báo cáo tháng 3 và 4 năm 2022: 767 học viên Pháp Luân Công bị bắt và sách nhiễu vì đức tin của họ
Báo cáo năm 2021: 16.413 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ và sách nhiễu vì đức tin của họ
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/11/16/451698.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/11/24/204896.html
Đăng ngày 12-01-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.