Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 28-12-2022]

Tên:Triệu Quần Lan (赵群兰)
Giới tính: Nữ
Tuổi: 58
Thành phố:Nhạc Dương
Tỉnh: Hồ Nam
Nghề nghiệp: Không rõ
Ngày qua đời: 16 tháng 12 năm 2022
Ngày bị bắt gần đây nhất: Tháng 5 năm 2009
Nơi bị giam cuối cùng: Nhà tù Nữ tỉnh Hồ Nam

Sau 5 năm bị tra tấn và bị cưỡng bức dùng thuốc độc trong nhà tù vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công, bà Triệu Quần Lan ở thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam phải vật lộn với bệnh tim và áp huyết cao sau khi ra tù.

Với tình trạng sức khoẻ ngày càng xấu đi, bà Triệu lại bị giáng thêm một đòn nữa khi chính quyền đình chỉ lương hưu của bà từ năm 2020. Sự bức hại cả về tinh thần, thể chất và tài chính đã khiến sức khoẻ của bà bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bà đã qua đời vào ngày 16 tháng 12 năm 2022 ở tuổi 58. Thậm chí chỉ một ngày trước khi qua đời, uỷ ban dân cư vẫn còn đến sách nhiễu bà.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Nhiều lần bị bắt giữ vì lên tiếng cho Pháp Luân Công

Bà Triệu từng bị đau nửa đầu và lưng dưới. Bà cũng thường xuyên bị cảm lạnh và các chứng bệnh khác. Dù cao khoảng 1,6m nhưng bà chỉ nặng khoảng 45kg. Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 1 năm 1997, bà đã sớm hồi phục sức khoẻ.

Do sự phổ biến rộng rãi của Pháp Luân Công, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã phát động cuộc bức hại pháp môn này trên toàn quốc vào tháng 7 năm 1999. Bị lừa dối bởi những tuyên truyền ma quỷ của chính quyền, cả gia đình đều phản đối bà tiếp tục tu luyện. Họ đánh đập bà và đốt các sách Pháp Luân Đại Pháp của bà. Bà cảm thấy như thế giới đang sụp đổ.

Vì luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công cùng nhiều học viên khác nên bà đã bị bắt vào ngày 2 tháng 3 năm 2000 và bị nhốt ở trong Trại tạm giữ Hồ Tân 40 ngày.

Tháng 5 năm 2000, không lâu sau khi được thả, bà đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công và bị cảnh sát thường phục bắt giữ. Bà bị giam trong lồng sắt tại một cơ sở giam giữ ở Bắc Kinh. Vài giờ sau, bà bị đưa trở lại Nhạc Dương và bị giam 1 tháng ở trong Trại tạm giam Vân Khê. Gia đình bà bị ép phải chi trả chi phí sinh hoạt của bà trong khi bà bị giam cầm.

Bà Triệu lại bị bắt vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công vào tháng 11 năm 2000. Cảnh sát đã trói hai tay bà và treo bà lên lơ lửng bằng cổ tay. Họ đẩy bà qua lại hòng khiến cổ tay bà đau đớn cực độ. Bà vã mồ hôi đầm đìa và ngất đi. Khi được thả xuống bà bị mất cảm giác ở tay. Người bà bầm tím và sưng vù khiến bà không thể tự chăm sóc bản thân.

Khi bà bị chuyển đến trại tạm giam Số 1 Nhạc Dương, tù nhân ở đó đã giễu cợt bà rằng người bà sưng lên như một con gấu trúc. Sau 40 ngày bị giam giữ ở đó, bà đã tuyệt thực để phản kháng. Cảnh sát đã thả bà sau khi tống tiền gia đình bà 3.000 nhân dân tệ.

Trong nhiều lần bà bị giam cầm, chính quyền đã tống tiền chồng bà tổng cộng 20.000 nhân dân tệ. Dù ông đã nộp chi phí sinh hoạt cho bà trong lúc bà bị giam giữ, nhưng thức ăn mà bà được cung cấp còn tệ hơn cả thức ăn cho lợn.

Tra tấn vào tiêm thuốc độc trong 1,5 năm ở trong trại lao động cưỡng bức

Bà Triệu lại bị bắt tại nhà vào tháng 1 năm 2001. Bà bị nhốt qua đêm trong một căn phòng tối và bị chuyển đến trại tạm giam Số 1 Nhạc Dương vào ngày hôm sau. Khi bà tuyệt thực để phản kháng, vài lính canh đã ghì hai chân, tay và đầu của bà xuống, sau đó cạy miệng bà bằng một cái tuốc-nơ-vít rồi nhét một ống tre sắc bén vào cổ họng của bà. Cổ họng bà bị thương tổn nghiêm trọng và bà bị ho trong suốt vài tháng sau đó.

Năm ngày sau, cảnh sát ra quyết định “phạt” bà thụ án 1,5 năm trong Trại Lao động Cưỡng bức Bạch Mã Lũng mà không thông qua quy trình pháp luật nào.

Vài ngày trước Tết Nguyên đán, bà bị đưa vào trại lao động. Ở đó bà thấy nhiều học viên khác đã bị đưa đến sau khi bị bắt tại nhà. Một số vẫn còn đang mặc đồ ngủ và đi dép lê vì họ không có cơ hội để thay quần áo trong vụ bắt giữ.

Một chiến dịch tẩy não bắt đầu sau Tết Nguyên đán. Lính canh áp dụng đủ loại hình thức tra tấn đối với từng học viên nhằm ép họ từ bỏ Pháp Luân Công.

Bà Triệu thường xuyên bị còng tay vào một hàng rào sắt. Bà cũng bị bắt phải đứng bên ngoài trời lạnh giá hoặc dưới cái nắng như thiêu như đốt. Những hình thức tra tấn khác bao gồm ngồi bất động trên một cái ghế nhỏ suốt nhiều giờ đồng hồ và bức thực. Tù nhân theo dõi và giám sát bà cả ngày ngay cả khi bà ngủ, đi vệ sinh hoặc tắm rửa. Bà ghẻ lở, ngứa ngáy và mưng mủ khắp người.

Khi bản án của bà Triệu mãn hạn vào tháng 7 năm 2002, lính canh đã từ chối thả bà. Nhiều học viên khác cũng bị kéo dài thời hạn giam giữ một cách tùy tiện. Họ đã tuyệt thực 1 tháng sau đó để phản kháng, nhưng lính canh trả đũa họ bằng cách tiêm thuốc độc vào người họ. Sau đó bà Triệu đã rơi vào trạng thái tinh thần không tỉnh táo và luôn cảm thấy buồn ngủ dưới tác dụng của thuốc.

2011-4-4-kuxing-05--ss.jpg

Minh hoạ tra tấn: Treo người

Sau đó bà Triệu bị chuyển đến “đội chuyển hoá”, một bộ phận được thiết lập để chuyên bức hại học viên Pháp Luân Công. Ba tù nhân được chỉ định tra tấn bà Triệu. Họ treo hai cánh tay của bà lên khung giường tầng trên với hai chân không chạm đất. Tù nhân cũng đặt một cái ghế sau lưng bà để bà không thể đứng thẳng. Bà cũng bị cấm ngủ, hễ bà nhắm mắt thì tù nhân sẽ bôi tinh dầu bạc hà vào mũi hoặc mắt của bà. Thỉnh thoảng họ còn đánh đập và véo bà. Không lâu sau, hai tay bà sưng vù và còng tay cứa sâu vào cổ tay của bà.

Từ tháng 10 năm 2002, lính canh bắt đầu cưỡng bức học viên lao động khổ sai không công. Bà Triệu bị giam đến tháng 3 năm 2003 (quá thời hạn 8 tháng). Vì bị tiêm thuốc độc hại nên bà mất trí nhớ nghiêm trọng và không thể nhớ được tên của người thân và bè bạn. Bà vẫn trong tình trạng thần trí không thanh tỉnh và nói chuyện khó khăn cùng với thị lực kém và phải mất nhiều năm những triệu chứng này mới biến mất.

Tan cửa nát nhà và phải sống lưu lạc vì cuộc bức hại

Khi bà Triệu bị giam giữ phi pháp ở trong trại lao động, chồng bà, người đã bị mất việc nhiều năm trước, phải vật lộn để tìm một công việc nhằm chu cấp cho người con trai đang tuổi thiếu niên và gia đình. Do không thể chịu được áp lực nên ông đã ly dị bà.

Đồng thời, con trai của họ cũng từ một cậu bé luôn tươi vui hoạt bát đã trở nên trầm mặc ít nói vì tổn thương tinh thần từ việc mẹ mình bị bức hại. Cậu bỏ học cấp ba sau 1 năm theo học và năm 17 tuổi, cậu chuyển tới vùng khác để đi làm cùng với cha mình.

Sau khi được thả, bà Triệu sống ở nhờ nhà cha mẹ đẻ của bà nhưng cảnh sát và người của Phòng 610 vẫn liên tục đến sách nhiễu bà, bao gồm lục soát nhà cha mẹ bà để tìm sách Pháp Luân Đại Pháp. Để tránh cho gia đình không phải sống trong sợ hãi, bà buộc phải rời khỏi nhà và sống lưu lạc vào năm 2004.

Tiếp tục bị bắt giữ, giam cầm và bức hại đến tinh thần thất thường

Ngày 12 tháng 5 năm 2006, bà Triệu lại bị bắt cùng hai học viên khác đang thuê trọ cùng bà là bà Bành Tiểu Huy và bà Lãnh Tuyết Phi. Cảnh sát thẩm vấn cả ba học viên và tịch thu 20.000 nhân dân tệ tiền mặt, máy tính, cùng nhiều thiết bị có giá trị lên đến 50.000 nhân dân tệ và một khoản tiền mặt 1.000 nhân dân tệ khác của bà Triệu, nhưng không cung cấp biên bản tịch thu đồ vật cho các học viên.

Vài ngày sau, ba bà bị đưa tới trại tạm giam Số 1 Nhạc Dương. Lính canh đã lột quần áo của họ và dội nước lạnh lên người họ. Tù nhân cũng sỉ nhục, đánh đập và chửi rủa bà Triệu. Hai tháng sau, khi anh trai bà đến đón bà về thì người bà chi chít vết bầm tím.

Bản án 3 năm tù

Vụ bắt giữ cuối cùng của bà Triệu xảy ra vào tháng 5 năm 2009, khi bà đang đi bộ trên đường. Bốn cảnh sát túm chặt bà từ phía sau và kéo bà vào xe hơi của họ. Sau khi đưa bà vào trại tạm giam Số 1 Nhạc Dương, cảnh sát Thái Đức Thuần đã túm tóc và đập đầu bà xuống đất. Một nắm tóc của bà rụng ra và đầu bà sưng u một cục lớn. Đồng thời, lính canh trại tạm giam cũng cưỡng bức bà lao động khổ sai không công. Họ đã còng tay bà ra sau lưng hai lần khi bà phản kháng.

Toà án quận Quân Sơn đã tổ chức một phiên toà xét xử bà Triệu vào ngày 4 tháng 8 năm 2009. Hai luật sư đã biện hộ vô tội cho bà. Họ chỉ ra rằng không có luật nào hình sự hóa Pháp Luân Công ở Trung Quốc và việc các học viên Pháp Luân Công lên tiếng chống lại sự chuyên chế của chính quyền cộng sản Trung Quốc là can đảm và anh hùng. Sau đó thẩm phán đã kết án bà Triệu 3 năm tù và thụ án trong Nhà tù Nữ tỉnh Hồ Nam.

Trong hơn 2 năm, bà Triệu bị giam ở xà lim số 4 của đội 6 của nhà tù. Trong căn phòng 20 mét vuông có 6 chiếc giường tầng và hầu như không còn một khoảng trống nào. Nhưng bà Triệu và các tù nhân khác phải ở trong xà lim cả ngày, gồm cả khi ăn, ngủ và dùng nhà vệ sinh. Họ cũng phải lao động nô lệ ngay tại chỗ từ 6 giờ sáng đến tối muộn. Căn phòng luôn nồng nặc mùi hôi thối từ nhà vệ sinh bốc ra và mùi từ những chiếc chiếu tre mà họ đang sản xuất.

Những tù nhân giám sát chặt chẽ bà Triệu và các học viên Pháp Luân Công khác ở trong xà lim, ngăn họ nói chuyện với người khác hay luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công. Thậm chí bà Triệu còn không được ngồi trên giường với hai mắt nhắm lại hoặc dang tay ra. Tù nhân giám sát báo cáo nhất cử nhất động của bà với lính canh.

Do bị giam giữ và lao động cưỡng bức trong thời gian dài, toàn thân bà Triệu sưng vù và thị lực của bà giảm sút. Bà bắt đầu bị đau ngực, tim đập nhanh và khó thở từ tháng 10 năm 2011. Sau khi kiểm tra, bác sỹ phát hiện tim bà không được cung cấp đủ máu. Bà cũng bị huyết áp cao do suy dinh dưỡng. Nhà tù đã từ chối điều trị cho bà và vẫn cưỡng bức bà lao động không công.

Sau khi được trả tự do vào ngày 20 tháng 3 năm 2012, sức khoẻ của bà tiếp tục suy giảm với triệu chứng ngực đau triền miên và khó thở. Bà thở dốc mỗi khi leo cầu thang và không thể làm được bất kỳ việc gì.

Lương hưu bị treo

Sau khi bà Triệu đến tuổi nghỉ hưu ở tuổi 55 vào năm 2019, em trai bà đã mượn 80.000 nhân dân tệ để đóng bổ sung cho khoản đóng góp lương hưu quá hạn của bà để bà có thể được lĩnh lương hưu hàng tháng.

Từ tháng 9 năm 2020, Cục An sinh Xã hội (CASXH) quận Quân Sơn đã treo lương hưu của bà mà không đưa ra lời giải thích. Bà đã đến CASXH quận hàng chục lần để tìm hiểu lý do nhưng vô ích.

Bà lại đến CASXH quận vào cuối tháng 12 năm 2020. Hai giám đốc ở đó là Hàn Mạnh Liên và một người họ Tiêu khăng khăng cho rằng 15 năm công tác của bà, gồm thời gian trước năm 1996 và khoảng thời gian bà thụ án tù từ năm 2009 đến 2012, sẽ không được tính vào thâm niên công tác để được hưởng lương hưu, dù bà đã làm việc trên 30 năm trước khi về hưu.

CASXH quận nói rằng nếu muốn được nhận lương hưu trở lại, bà phải trả lại 134.000 nhân dân tệ tiền lương hưu đã nhận kể từ khi về hưu và đóng bổ sung cho 15 năm thâm niên bị hủy.

Em trai và gia đình đã giúp bà nộp lại 134.000 nhân dân tệ. Sau đó, CASXH quận đã xác nhận lại thời gian nghỉ hưu và tính lại lương hưu hàng tháng của bà là 1.300 nhân dân tệ, tức là chỉ bằng một nửa mức hưu trí mà bà được lĩnh trước kia.

Năm nhân viên chính quyền gồm Thái Trung Văn (bí thư uỷ ban dân cư địa phương), Khuông Tử Mộc (chủ nhiệm trị an mới) và Nghiêm Định Cát (chủ nhiệm trị an vừa mới về hưu) cùng hai viên chức từ chính quyền tỉnh lại đến sách nhiễu bà Triệu vào ngày 15 tháng 11 năm 2022.

Một người họ Dư của chính quyền tỉnh nói rằng họ là người của tổ xoá đói giảm nghèo đến để giúp đỡ bà. Bà Triệu đã nói với họ về việc bà có sức khoẻ tốt nhờ tu luyện Pháp Luân Công nhưng sau đó lại gặp vấn đề về sức khoẻ do bị tra tấn và tiêm thuốc ở trong tù. Lẽ ra bà phải được lĩnh hơn 3.000 nhân dân tệ mỗi tháng sau khi nghỉ hưu, nhưng chính quyền đã cắt đi hơn phân nửa khiến bà gặp khó khăn tài chính to lớn.

Trước khi bà kịp nói xong thì Dư đã ngắt lời bà và lăng mạ Pháp Luân Công. Bà Triệu đã cố gắng giảng chân tướng nhưng bị bí thư Thái ngăn lại.

Trong vài tuần kế tiếp, người của uỷ ban dân cư đã sách nhiễu bà Triệu vài lần, trong đó có ngày 15 tháng 12, một ngày trước khi bà qua đời.

Bài liên quan:

Thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam: Bốn học viên Pháp Luân Công bị xóa thâm niên công tác, đình chỉ lương hưu một cách tùy tiện

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/12/28/453834.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/1/5/206050.html

Đăng ngày 02-02-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share