Bài viết của một học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-01-2022] Hơn 20 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt ở huyện Nông An của tỉnh Cát Lâm vào ngày 15 tháng 7 năm 2020, trong đó hơn 10 người đã bị kết án tùy tiện với các mức án từ 2-10 năm. Những học viên bị kết án cũng bị phạt tiền với mức phạt từ 5.000-20.000 nhân dân tệ.

Sự việc này càng cho thấy rõ nét sự bức hại tài chính mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm vào các học viên Pháp Luân Công, sự bức hại này không ngừng leo thang từ năm này qua năm khác kể từ khi cuộc đàn áp bắt đầu vào năm 1999.

Từ sự [tra tấn thể xác] tàn bạo đến các thủ đoạn bức hại tài chính

Lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999. Ông ta đã thành lập Phòng 610 ở tất cả các cấp chính quyền, từ ủy ban trung ương đảng đến các cơ quan chính quyền cấp tỉnh, thành phố và cấp quận/huyện trên toàn Trung Quốc. Các nhà tù cũng thiết lập các cơ sở riêng nó.

Điều này là để đảm bảo việc thực hiện triệt để chính sách bức hại đẫm máu của Giang Trạch Dân nhằm “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể” các học viên Pháp Luân Công.

Bởi không thể khép các học viên Pháp Luân Công vào bất kỳ tội nào, các quan chức chính quyền đã thêu dệt ra tội danh để gán cho các học viên. Ban đầu, chính quyền dùng tội danh “lật đổ nhà nước” để khởi tố và định tội các học viên. Nhưng khi thấy điều này là một cáo buộc hoang đường, họ liền đổi sang dùng Điều 300 của Luật Hình sự (với cái gọi là: lợi dụng một tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật) như một cái cớ tiêu chuẩn để áp dụng vào tất cả các vụ án Pháp Luân Công. Chỉ cần liên quan đến ba chữ “Pháp Luân Công” là lập tức áp dụng Điều 300 này để khép tội.

Sau đó, Tòa án Tối cao và Viện Kiểm sát Tối cao lại đặc biệt đưa ra cái gọi là giải thích tư pháp liên quan đến Điều 300. Việc giải thích tỉ mỉ này thực chất là để biện minh cho việc ngược đãi các học viên. Năm 2017, Tòa án Tối cao và Viện Kiểm sát Tối cao đã đưa ra cách giải thích tư pháp mới của họ về Điều 300 của Luật Hình sự. Giải thích mới này không chỉ đưa vào nhiều điều khoản chi tiết hơn, nó còn thêm vào nhiều mức tiền phạt. Bất kỳ hành vi nào được cho là vi phạm điều luật này cũng đều trở thành một hành vi vi phạm có thể xử phạt bằng tiền.

Mạng lưới 610 bao gồm Nhóm lãnh đạo 610 và Phòng 610. Các giám đốc Phòng 610 có xu hướng kiêm nhiệm chức bí thư Đảng ủy Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương (UBCTPL). La Cán (2002 – 2007), Chu Vĩnh Khang (2007 – 2012) và Mạnh Kiến Trụ (2012 – 2017) là ba ví dụ như vậy.

UBCTPL giám sát toàn bộ hệ thống cơ quan thực thi pháp luật, bao gồm cả lực lượng công an. Bí thư Đảng ủy UBCTPL Trung ương luôn là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị (cấp cao nhất của bộ máy ĐCSTQ). Điều này giải thích tại sao cuộc bức hại Pháp Luân Công có thể huy động tất cả các cơ quan thực thi pháp luật từ trên xuống và lạm dụng luật pháp để đạt được chương mục tiêu của nó.

Bên dưới Nhóm lãnh đạo 610 là các Phòng 610 độc lập. Giám đốc của Phòng 610 thường là Phó Bí thư Đảng ủy UBCTPL. Phòng 610 ở các cấp thấp hơn thường nằm trong cùng một bộ phận với Cục An ninh Quốc gia.

Ban đầu được lập ra sau Lực lượng An ninh Liên Xô (tiền thân của Ủy ban An ninh Quốc gia KGB), Ủy ban An ninh Quốc gia Trung Quốc cũng có nhiều tên gọi khác nhau theo thời gian. Hiện tại, nó được gọi là Cục An ninh Quốc gia trong các cơ quan chính phủ cấp thấp hơn, chức năng chính của cơ quan này là nhắm mục tiêu vào các học viên Pháp Luân Công — những công dân vô tội muốn trở thành người tốt hơn bằng cách chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn.

Từ bản án tương đối nhẹ đến bản án nặng, từ án tù đến thêm các khoản tiền phạt, tất cả đều là những dấu hiệu cho thấy sự leo thang một cách có hệ thống của ĐCSTQ trong việc việc đàn áp Pháp Luân Công.

Các trường hợp điển hình

Những gì đã xảy ra với các học viên ở Nông An đã được đề cập trong phần đầu của bài viết này chỉ là một trong vô số bi kịch đã xảy ra trong cuộc bức hại. Dưới đây là các ví dụ khác.

Ngày 17 tháng 11 năm 2021, có bảy học viên đã bị kết án bởi Tòa án Nhượng Hồ Lô ở tỉnh Hắc Long Giang. Ông Lý Lực Tráng bị kết án 10 năm 8 tháng với khoản tiền phạt 80.000 nhân dân tệ. Bà Đường Trúc Nhân (khoảng 70 tuổi) bị kết án 9 năm 4 tháng với số tiền phạt 50.000 nhân dân tệ.

Ông Mục Á Đông (một học viên ở thành phố Bình Sơn, tỉnh Hà Nam) đã bị kết án vì lưu trữ thông tin liên quan đến Pháp Luân Công ở trong máy tính của mình. Ông bị tuyên án 8 năm tù giam và phạt tiền 100.000 nhân dân tệ. Ông Trương Đình Tường (ở tỉnh Quý Châu) bị kết án 10 năm tù và phạt tiền 50.000 nhân dân tệ. Ngoài ra, cảnh sát còn tịch thu 80.000 nhân dân tệ khi lục soát nhà của ông. Bà Trương Vi (cũng ở tỉnh Quý Châu) bị kết án 8 năm tù với số tiền phạt 30.000 nhân dân tệ.

Các học viên có thể phạt nặng như vậy vì bất kỳ lý do gì. Sau khi cung cấp thông tin Pháp Luân Công cho hàng xóm, bà Mã Tuấn Đình (82 tuổi, từng công tác tại Đại học Khoa học và Công nghệ Sơn Đông đã bị kết án 4 năm tù. Thẩm phán phạt bà 30.000 nhân dân tệ và cảnh sát phạt bà 40.000 nhân dân tệ. Tương tự, sau khi phân phát những cuốn lịch có thông tin về Pháp Luân Công, bà Viên Lệ Tân ở tỉnh Hắc Long Giang đã bị bắt giam 15 ngày và bị phạt 50.000 nhân dân tệ.

Thống kê từ Minh Huệ Net cho thấy các quan chức Trung Quốc đã tống tiền 711.400 nhân dân tệ từ 63 học viên bị kết án trong tháng 11 năm 2021 trên khắp 17 tỉnh. Trong đó tòa án phạt 343.000 nhân dân tệ, và cảnh sát tống tiền 368.400 nhân dân tệ.

Trong 23 năm kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu, các học viên Pháp Luân Công đã phải gánh chịu những tổn thất không thể nào kể xiết.

Những dạng thức bức hại khác nhau

Bên cạnh phạt tiền, sự bức hại tài chính lên các học viên Pháp Luân Công còn bao gồm các hình thức khác, như buộc thôi việc và không cho nhận lương hưu. Khi các học viên bị sa thải và phải tìm kiếm cơ hội việc làm mới, các quan chức thường đe dọa các nhà tuyển dụng tiềm năng đang muốn thuê họ.

Kết quả là, nhiều học viên đã gặp khó khăn về tài chính. Nhiều người phải rời đi với gia đình tan vỡ; họ không đủ khả năng để chăm sóc người già hoặc hỗ trợ con cái của họ, và đôi khi cho trẻ sẽ bị bỏ lại ở nhà khi cha mẹ chúng tìm kế sinh nhai.

Ngoài phạt tiền, chính quyền còn đóng băng tài khoản ngân hàng của các học viên và tịch thu tiền trong tài khoản của họ. Khi lục soát nhà, cảnh sát lấy đi tất cả số tiền mà họ tìm thấy, từ hàng chục đến hơn 100.000 nhân dân tệ. Họ thậm chí còn lấy bất kỳ đồ trang sức nào mà họ thấy. Tất cả những vụ tịch thu này đã được thực hiện mà không có biên lai hay biên bản tịch thu.

Khi các học viên ở nông thôn bị giam giữ, chính quyền đã để ruộng vườn của họ bị bỏ hoang, điều này đã làm mất đi nguồn thu nhập chính của họ. Không có thu nhập lại thêm tiền phạt nặng, những học viên này phải đối mặt với tình trạng khốn khó. Nhiều người buộc phải ly dị vợ/chồng và họ không có khả năng chăm sóc con cái hoặc ông bà cha mẹ.

Một gia đình rơi vào tình cảnh khốn khổ

Trong một lá thư gửi cho Cục An sinh Xã hội (ASXH) địa phương vào năm 2021, bà Vương Quế Hà (cư dân Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh) đã kể lại tình cảnh khốn khổ của gia đình bà sau khi lương hưu của bà bị cắt vào tháng 8 năm 2020.

Sau khi bà Vương bị bắt và bị kết án 4 năm tù, gia đình bà vô cùng suy sụp. Mẹ chồng của bà đã suy sụp và mất sau năm ngày. Chồng bà lên cơn đau tim phải nhập viện. Hai người con của bà đã lo lắng đến nỗi tóc của họ đã ngả bạc chỉ sau một đêm.

Bà Vương và chồng bà đã sống với gia đình con trai họ. Kể từ khi chồng bà qua đời cách đây 2 năm, lương hưu của bà Vương trở thành thu nhập duy nhất của cả gia đình. Cháu trai của bà bị chứng động kinh, ngoài bị ảo giác thính giác, anh ấy còn rất yếu và không thể làm việc.

Con dâu của bà Vương mắc nhiều bệnh tật và không thể làm việc. Con trai của bà Vương bị đột quỵ và cũng phải phẫu thuật do vôi hóa phổi.

“Vì vậy, gia đình tôi đã phải vay mượn hơn 60.000 nhân dân tệ để trang trải chi phí chữa bệnh cho con trai,” bà Vương viết.

Bà nói tiếp: “Sau khi con trai tôi xuất viện, nơi làm việc của cháu đã lên kế hoạch sa thải một số nhân viên. Con trai tôi đã phải trở lại làm việc dù sức khỏe rất kém”. “Trong năm qua, thu nhập duy nhất của cả gia đình chúng tôi đến từ con trai tôi, thằng bé buộc phải làm việc dù nó đang bị bệnh nặng”.

Trên đây chỉ là một vài trong số những câu chuyện thương tâm ở Trung Quốc, nơi các học viên Pháp Luân Công đã và đang bị giam giữ, tra tấn, sỉ nhục và tổn thương và đồng thời còn đang bị bức hại về tài chính. Chúng tôi chân thành hy vọng rằng người dân trên toàn thế giới có thể giúp chấm dứt cuộc bức hại tàn bạo này để các học viên ở Trung Quốc có thể tự do thực hành đức tin của họ mà không sợ bị chính quyền trừng phạt.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/1/27/437333.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/3/27/199681.html

Đăng ngày 17-05-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share