Bài viết của Âu Dương Phi

[MINH HUỆ 13-03-2022] Theo một cuộc khảo sát do Công ty Tiếp thị Ipsos của Pháp thực hiện, khoảng 93% người Trung Quốc cho biết họ thấy hạnh phúc. Con số này cao hơn hầu hết các quốc gia khác, khiến nhiều người nước ngoài lấy làm khó lý giải: làm sao nhiều công dân Trung Quốc lại có thể hài lòng ở một vùng đất không có tự do hay các quyền cơ bản của con người?

Công cuộc tẩy não và sự tàn bạo lâu dài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là một câu trả lời. Một mặt, những tuyên truyền có hệ thống khiến mọi người tin rằng ĐCSTQ là tốt nhất; mặt khác, mọi nỗ lực lên tiếng về những quan điểm khác với tiếng nói chính thức của Đảng sẽ vấp phải sự đàn áp tàn khốc. Do đó, mọi người đã thích nghi với cuộc sống bình thường mới này và – để tránh rắc rối khi bị Đảng nhắm đến hoặc bị cộng đồng xa lánh – họ có xu hướng chấp nhận thực trạng đó, thậm chí còn ca ngợi Đảng.

Nhưng không phải ai cũng giống ai. Một số người còn nhớ câu ngạn ngữ xưa của Trung Quốc về “kẻ sỹ thà chết vinh còn hơn sống nhục”, còn phương Tây có tư tưởng “Không tự do, chẳng thà chết”. Vậy mà, cũng như các học viên Pháp Luân Công tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, bất kỳ ai dám có tư tưởng độc lập đều sẽ bị ĐCSTQ trả đũa tàn bạo.

Một chiêu thuật mà ĐCSTQ sử dụng là xúi giục đa số (chẳng hạn 95%) dân số chống lại thiểu số còn lại. Trong nhiều thập kỷ qua, từ Chiến dịch chống cánh hữu đến Đại Cách mạng Văn hóa, từ Thảm sát Quảng trường Thiên An Môn đến cuộc đàn áp Hồng Kông, các cuộc tấn công nhằm vào các nhóm thiểu số và những người bất đồng chính kiến đã xảy ra hết lần này đến lần khác. Ngay cả những luật sư bảo vệ các quyền cơ bản của Pháp Luân Công và các nhóm thiểu số khác cũng bị đàn áp.

Ảo tưởng so với thực tế

Dưới đây là một vài ví dụ.

Người quản lý ở nơi làm việc cũ của tôi ở Trung Quốc có lần đến thăm tôi khi anh sang Mỹ công tác. Tôi nhắc đến vấn đề về Pháp Luân Công, anh ấy liền gạt đi và nói rằng ĐCSTQ không tệ đến vậy. Khi tôi hỏi liệu anh ấy có thể mang một số đĩa DVD có thông tin về Pháp Luân Công về Trung Quốc để tặng bạn bè của tôi không, anh ấy từ chối ngay lập tức, “Tôi không muốn gặp rắc rối.” Đến lúc đó, anh ấy mới nhận ra tình hình thực tế ở Trung Quốc khác xa với những gì Đảng tuyên bố.

Tình trạng tiến thoái lưỡng nan như vậy cũng tồn tại ở những nơi khác. Một số bạn bè và bạn học cũ của tôi ở Trung Quốc không thể hiểu tại sao các học viên Pháp Luân Công vẫn tiếp tục vạch trần cuộc bức hại ở Trung Quốc. Một trong số họ nói: “Nó [cuộc đàn áp] đã kết thúc rồi – bây giờ ngay cả báo chí cũng không đề cập đến nó nữa.” Nhưng anh ấy lại im lặng khi tôi thách anh ấy mặc chiếc áo có in chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và “Chân Thiện Nhẫn” mà đi quanh Quảng trường Thiên An Môn, để xem anh ấy yên thân được nổi 5 phút mà không bị bắt không.

Một người bạn khác là công dân Trung Quốc có thẻ xanh ở Mỹ. Để duy trì thẻ xanh, anh phải ở Mỹ một thời gian nhất định, trong thời gian đó, anh có thiết bị phát video chương trình truyền hình từ Trung Quốc. Tôi đề nghị anh ấy xem một số kênh truyền hình nước ngoài bằng tiếng Trung Quốc, nhưng anh ấy phản đối và nói “toàn thứ nhảm nhí”.

Một chủ đề thú vị mà tôi đã nói với người bạn này là nhân quyền. Anh ấy luôn nhấn mạnh là hãy nói về nhân quyền của Hoa Kỳ rồi hẵng thảo luận về tình hình ở Trung Quốc. Sau đó, anh ấy liệt kê một loạt những vấn đề nhân quyền ở Mỹ.

Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao anh vẫn nhập cư vào Mỹ thông qua hình thức đầu tư, anh lại thay đổi lập trường và nói: “Ở Mỹ, tài sản tư nhân được bảo vệ, tiền và bất động sản tôi sở hữu đều được đảm bảo an toàn. Xét cho cùng, đây là một xã hội pháp trị, có trật tự, tôn trọng nhân quyền.” Anh ấy thậm chí còn không nhớ rằng chỉ vài phút trước đó, anh còn coi Mỹ quốc như một quốc gia phi nhân quyền, không khác gì người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói.

Nhưng kiểu đúng đắn chính trị đó có thể khiến người dân phải trả giá đắt. Viên Tiểu Tịnh (袁小靓), một người Trung Quốc sống ở Úc, nổi tiếng trên các diễn đàn trực tuyến và mạng xã hội vì bênh vực ĐCSTQ về vấn đề nhân quyền với bút danh Nhiễm Hương (染香). Nhưng khi cô và chồng về thăm Trung Quốc vào tháng 1 năm 2019, chồng cô lập tức bị ĐCSTQ bắt giữ và mất tung tích mấy tháng ròng. Viên không còn cách nào khác là cầu xin chính phủ Úc giúp đỡ vì chồng cô là công dân Úc. Nhân vật có ảnh hưởng trên internet này cho biết: “Thành thật mà nói, tôi đang vô cùng buồn bã và tuyệt vọng”.

“Tôi hy vọng các thành viên khác của “Đảng 50 xu” (những người đăng bài ủng hộ ĐCSTQ trên mạng để nhận được 50 xu cho mỗi bài đăng) và những người khác có thể rút ra bài học từ sự việc này. Khi ca ngợi chế độ toàn trị của ĐCSTQ, chúng ta chỉ làm cho cuộc sống của mình khốn khổ hơn khi một ngày nào đó, chúng ta bị liệt vào nhóm thiểu số 5%. Ngay cả khi chúng ta chưa nằm trong nhóm thiểu số đó, thì đối với người Trung Quốc nói chung, cái giá phải trả cho kinh tế, luật pháp, và đạo đức đã rất lớn rồi.”

Nền kinh tế đang phát triển

Trong vài thập kỷ qua, sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ. Công nghệ, vốn, nhân tài, sự mở cửa hoàn toàn của thị trường Hoa Kỳ đối với Trung Quốc và việc gia nhập WTO đều phải kể đến sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Khi làm vậy, các chính trị gia Hoa Kỳ hy vọng rằng phát triển kinh tế sẽ giúp Trung Quốc trở nên dân chủ về chính trị và cải thiện nhân quyền về căn bản.

Nhưng điều đó không xảy ra, thay vào đó nhân quyền ở Trung Quốc lại càng tệ đi. Nếu phát động chiến tranh thương mại để ép Trung Quốc thu hẹp khoảng cách nhân quyền với các nước khác, thì người dân Trung Quốc sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Cơ quan ngoài tư pháp vượt trên cả hệ thống pháp luật

Khoa học quản lý hiện đại có “Thuyết cái xô gỗ”, hay còn gọi là Định luật Cannikin. Nghĩa là, dung tích của một cái xô được xác định bởi cây gậy ngắn nhất. Trong lĩnh vực tư pháp, điều này có nghĩa là nếu ĐCSTQ lạm dụng luật pháp để đàn áp một số công dân nào đó, thì toàn bộ người dân Trung Quốc cũng có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng pháp lý tương tự.

Đặc biệt là trường hợp của Pháp Luân Công, một môn tu luyện thiền định ôn hòa dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, nhưng bị ĐCSTQ đã đàn áp một cách tàn bạo kể từ tháng 7 năm 1999.

Một tổ chức ngoài pháp luật có tên là Phòng 610 đã được thành lập để phối hợp với Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC) hiện hành, với nhiệm vụ triển khai cuộc bức hại trên toàn quốc.

Cả hai cơ quan này đều được trao quyền kiểm soát hệ thống hành pháp, kiểm sát, và tòa án của Trung Quốc. Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng Bộ Công an, sau này là Bí thư Đảng ủy PLAC kiêm Trưởng ban lãnh đạo Phòng 610, từng công khai ra lệnh cho quan chức cấp dưới rằng “Giết người, phóng hỏa có thể mặc kệ, nhưng phải truy bắt học viên Pháp Luân Công!”

Cũng như Chu, nhiều quan chức cấp dưới đã lạm dụng luật pháp để bức hại các học viên Pháp Luân Công. Khi cô Hồ Duyệt Quyền, một học viên Pháp Luân Công và là trưởng phòng tuyên truyền của quận Đông Sơn, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, bị kết án ba năm vì đức tin của mình vào năm 2002, cô đã nói với chủ tọa phiên tòa rằng bản án tù là bất hợp pháp và nói “Pháp Luân Đại Pháp hảo” ba lần. Thẩm phán lập tức tăng mức án của cô lên sáu năm. Thẩm phán nói: Mỗi câu nói “Pháp Luân Đại Pháp hảo” đều bị tính thêm một năm tù.

Một sự việc tương tự cũng xảy ra với ông Trương Kim Sinh ở huyện Tình Nguyện, tỉnh Liêu Ninh. Ông bị xét xử vào tháng 9 năm 2004 và bị kết án tám năm vì tội giúp người khác truy cập trang web Minh Huệ. Để bảo vệ sự vô tội của mình, ông Trương đã nói “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và viết như vậy trên bản án chính thức. Thẩm phán đã kéo dài bản án của ông lên 13 năm, và nói rằng: “Nói thêm một từ thì thêm một năm tù.” Nghĩa là, mỗi từ của ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo’ sẽ bị tính thêm một năm tù.

Trong suốt cuộc bức hại Pháp Luân Công, ĐCSTQ đã lạm dụng luật pháp để gia tăng quyền cai trị của nó. Việc chính quyền này áp dụng bộ máy này đối với các nhóm người khác chỉ còn là vấn đề thời gian.

Cái giá phải trả khi đạo đức suy đồi

Trong một xã hội mà Chân-Thiện-Nhẫn bị đả kích thì người người đều là người bị hại. Cũng như tình trạng tham nhũng trong hệ thống pháp luật, tình trạng suy thoái đạo đức ở Trung Quốc cũng hết sức nghiêm trọng.

Bé Vương Duyệt (còn được gọi là Tiểu Duyệt Duyệt (小悦悦)) hai tuổi ở thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, lần lượt bị hai chiếc ô tô đâm vào khi đang chơi bên ngoài nhà vào tháng 10 năm 2011. Hơn 10 người đi đường đã nhìn thấy điều này, nhưng không ai trong đứng ra giúp em. Sau đó, bé gái đã tử vong dù được đưa đi cấp cứu.

Từ hàng giả đến thực phẩm độc hại, từ việc phớt lờ những vụ việc như Vương Duyệt đến việc đạo văn của các học giả, các nguyên tắc đạo đức và sự chính trực của con người gần như hoàn toàn biến mất ở Trung Quốc. Mọi người trên thế giới tự hỏi: Điều gì đang xảy ra với Trung Quốc và người dân Trung Quốc?

Trung Quốc có truyền thống tín ngưỡng lâu đời. Nhưng ĐCSTQ đã gần như xóa sổ nền văn hóa truyền thống của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua và thay thế nó bằng hệ tư tưởng cộng sản đầy thù hận, tàn bạo và dối trá.

Ngay cả các sáng kiến chống tham nhũng của ĐCSTQ cũng sẽ thất bại vì nó giống như việc xây nhà trên cát. Ví dụ, Lỗ Vĩ (鲁炜), cựu Trưởng ban Tuyên giáo của ĐCSTQ, nổi tiếng với việc kêu gọi một xã hội liêm chính thông qua công tác số hóa thông tin, nhưng bản thân Lỗ cũng bị buộc tội tham nhũng và bị kết án 14 năm tù vào năm 2019.

Trong tình thế xã hội hỗn loạn đó, Pháp Luân Công đã được hồng truyền ra công chúng. Với gần 100 triệu người sống theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, môn tu luyện này đã tạo ra hiệu ứng tích cực to lớn cho xã hội và mang lại cho người dân Trung Quốc một niềm hy vọng. Nhưng cuộc bức hại tàn bạo suốt 23 năm qua không chỉ nhắm vào các học viên Pháp Luân Công vô tội mà còn là mối đe dọa đối với toàn bộ xã hội Trung Quốc.

Bên cạnh cuộc khảo sát của Ipsos được đề cập ở đầu bài viết, Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc cũng công bố Báo cáo Hạnh phúc Thế giới hàng năm về chỉ số GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ sức khỏe, mức độ tự do, v.v.

Trong số 150 quốc gia được liệt kê, Trung Quốc ở mức dưới trung bình. Trên thực tế, khoảng 600 triệu người Trung Quốc có thu nhập dưới 1.000 Nhân dân tệ (tương đương 158 USD) mỗi tháng, hơn một tỷ người chưa bao giờ đi máy bay trong đời và hơn 200 triệu hộ gia đình Trung Quốc không có phòng vệ sinh.

Tôi sinh ra và lớn lên trong biển tuyên truyền ủng hộ ĐCSTQ, nên có thể hiểu tại sao người Trung Quốc lại cảm thấy “hạnh phúc” dưới chế độ toàn trị của ĐCSTQ. Nhưng khi ngày càng có nhiều người tiếp cận với thông tin không bị kiểm duyệt và bước đầu có nhận thức về thế giới thực, họ có thể nhận ra một xã hội tự do không có cộng sản sẽ như thế nào. Đó là nơi mà mọi người sống với lương tâm của mình và tận hưởng các quyền tự do cá nhân mà người dân Trung Quốc ngày nay chưa từng biết đến.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán : https://www.minghui.org/mh/articles/2022/3/3/439596.html

Bản tiếng Anh : https://en.minghui.org/html/articles/2022/3/13/199518.html

Đăng ngày 23-03-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share