Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 05-03-2022] Trong bản tin tối ngày 23 tháng 1 năm 2001, đài truyền hình đã phát một tin vô cùng chấn động về “Vụ tự thiêu giả trên Quảng trường Thiên An Môn”. Tôi và cả nhà đã cùng xem bản tin này. Hầu hết mọi người ở Trung Quốc đều đã xem bởi tuyên truyền như vậy xuất hiện trên khắp cả nước.

Khi thấy cảnh những người tham gia được băng bó, tôi lập tức minh bạch rằng toàn bộ sự việc này là giả và đã được dàn dựng. Tại sao tôi lại nói như vậy? Bởi tôi là người đã từng trực tiếp chăm sóc và tận mắt chứng kiến những người bị bỏng nặng.

Hai trường hợp bị bỏng nặng

Mùa hè năm 1968, hầu hết các nơi ở Trung Quốc đều bị tê liệt do cuộc đấu đá nội bộ quy mô lớn giữa các phe phái. Buổi tối lúc nào cũng tối đen như mực do mất điện.

Một buổi tối, một nữ công nhân 23 tuổi ở xí nghiệp của tôi đã cùng hai bạn cùng phòng đến phòng đo lường để lấy dầu hỏa thắp đèn. Do trời quá tối nên họ đã rót nhầm xăng.

Ngay sau khi một người quẹt diêm, xăng bốc cháy và ngọn lửa bùng lên. Trong ba người họ – người ở gần cửa nhất hốt hoảng bỏ chạy; hai người còn lại được cấp cứu trong tình trạng một người bị bỏng vừa, một người bị bỏng nặng.

Người bị bỏng nặng lúc đó mới 19 tuổi và cô ấy làm việc cùng xưởng với tôi.

Do mất điện trên diện rộng nên bệnh viện không có điện. Giám đốc xưởng đã chọn ba cô gái bằng tuổi cô và hai công nhân lớn tuổi đến chăm sóc cô ở trong bệnh viện 24/24 giờ. Tôi là một trong số họ.

Điều kiện của bệnh viện khi đó rất tồi tàn. Có 10 giường bệnh trong một phòng lớn. Cái gọi là điều trị khi ấy cũng chỉ là truyền tĩnh mạch. Ba cô gái chúng tôi được giao nhiệm vụ chấm dung dịch thuốc tím lên vết bỏng của cô ấy. Bệnh nhân trong tình trạng hôn mê và nằm trần trụi trên giường. Chúng tôi che vùng kín của cô bằng một mảnh vải.

Cứ sau tám giờ, chúng tôi lại thay phiên nhau chăm sóc cô ấy. Các bộ phận bị bỏng nặng nhất là mặt, cánh tay và bàn tay. Chúng tôi liên tục dùng tăm bông nhúng vào dung dịch thuốc tím rồi chấm nhẹ lên các chỗ bị bỏng để tránh nhiễm trùng. Dưới sự chăm sóc chu đáo của chúng tôi, mặc dù môi trường y tế thô sơ như vậy nhưng cô ấy đã qua được giai đoạn nguy hiểm và may mắn sống sót.

Hiện giờ người phụ nữ ấy đã 73 tuổi. Mặc dù mặt, cánh tay và bàn tay của bà ấy đầy sẹo nhưng bà ấy vẫn còn sống và có con, có cháu.

18 năm sau, vào một ngày mùa hè năm 1986, hai nhân viên thuộc bộ phận an ninh của nhà máy tôi đã dùng xăng để lau vũ khí trong phòng làm việc.

Khi đó trưởng phòng hạ tầng ngồi bên cạnh họ hút thuốc và vô ý làm rơi đầu mẩu thuốc vào khay xăng.

Ngay lập tức, xăng trong khay bốc cháy. Một người trong số họ vội vàng nhấc khay lên và quăng ra ngoài cửa. Không ngờ đúng lúc đó, vợ của một trong hai nhân viên đến gặp chồng. Thế là, toàn bộ xăng đang cháy tạt hết lên người phụ nữ trẻ này. Hai vợ chồng họ vừa mới cưới được sáu tháng và cô ấy đang mang thai.

Những người chứng kiến sự việc kể rằng cảnh tượng lúc đó vô cùng kinh hãi. Cô ấy ngã sụp xuống và lăn lộn trên mặt đất. Những người khác đã dùng bình cứu hỏa để dập lửa. Do quần áo của cô làm bằng sợi tổng hợp nên khi cháy vải bị dính vào người khiến cô bị thương rất nặng.

Hai ngày sau, tôi cùng mấy đồng nghiệp đến bệnh viện thăm cô. Trong một căn phòng nhỏ đóng kín cửa, qua cửa sổ, chúng tôi nhìn thấy một bệnh nhân bị bỏng, trần trụi và bất tỉnh đang nằm trên giường, trong một lồng kính. Nghe nói lồng kính là để giữ cho thân thể cô khô ráo và vô trùng. Điều kiện y tế lúc này đã được cải thiện rất nhiều so với 18 năm trước. Chúng tôi mong cô ấy hồi phục. Nhưng thật không may, cô ấy đã qua đời.

Hai trường hợp có thực trên đã giúp tôi không bị lừa dối bởi Vụ tự thiêu giả mạo trên Quảng trường Thiên An Môn. Những người mà ĐCSTQ chiếu trên truyền hình chỉ là dàn dựng. Trên thực tế, họ không hề tự thiêu như đã cáo buộc.

Tôi có thể dùng kinh nghiệm của bản thân mình để làm sáng tỏ chân tướng và vạch trần những dối trá của ĐCSTQ.

Phơi bày những dối trá của ĐCSTQ ra ánh sáng

Tối ngày 23 tháng 1 năm 2001, cả gia đình tôi cùng xem ti vi. Khi tôi thấy cảnh những nạn nhân được băng bó, tôi lập tức hiểu ngay rằng đây là điều bịa đặt hòng lừa gạt người dân.

Tôi liền cảnh báo gia đình mình: “Sự việc này là giả đấy. Mọi người hãy nhìn những người ‘tự thiêu’ được quấn đầy băng xem. Khi người ta bị bỏng, vết thương của họ bị phồng rộp và chảy nước. Da mà bị quấn băng thì khi tháo băng, da sẽ bị lột. Mọi người đừng có tin bản tin này.” Gia đình tôi không phản bác gì mà còn tán đồng rằng thông thường không được băng bó nếu vết bỏng sâu và bỏng trên trên rộng.

Tuyên truyền rầm rộ

Cách đây 17 năm, khi tôi bị giam trong trại lao động cưỡng bức nữ của tỉnh, các lớp tẩy não được tổ chức. Một trong những người gọi là trợ giáo đã dùng Vụ tự thiêu giả mạo này để phỉ báng Pháp Luân Đại Pháp.

Tôi đã hỏi cô ấy: “Ti vi đưa tin rằng những người ‘tự thiêu’ đến từ Khai Phong, tỉnh Hà Nam. Nhưng khi phỏng vấn người phụ nữ được cho là đã uống hết nửa chai xăng này, tại sao bà ấy lại nói giọng Bắc Kinh chuẩn thế? Bà ấy hẳn là đến từ Bắc Kinh.” Người trợ giáo sững người, sau khi báo cáo nhận xét của tôi với đội trưởng đội lính canh, cô ấy bảo tôi: “Đội trưởng nói rằng trước đó chưa có ai nêu ra vấn đề này cả.” Sau đó, không ai đề cập đến vụ tự thiêu giả này nữa.

Gần đây, tôi đã xem lại video sự thật về vụ tự thiêu giả này một lần nữa. Tôi phát hiện ra rằng Vương Tiến Đông, người tham gia vụ tự thiêu, vẫn có thể ngồi trên mặt đất mặc dù trong tình trạng bị ‘bỏng nghiêm trọng’ đến vậy. Tóc của anh ta không bị cháy và chai nhựa Sprite không bị biến dạng. Anh ta còn hô những khẩu hiệu không liên quan gì đến Pháp Luân Đại Pháp.

Có vẻ như đạo diễn của trò lừa bịp này không biết gì về Pháp Luân Đại Pháp. Anh Vương nói tiếng phổ thông chuẩn, giọng vùng Đông Bắc. Tôi lớn lên ở tỉnh Hà Nam, nhưng tôi không thể nghe được dù chỉ một chút âm giọng địa phương nào khi anh ta nói. Anh ta thực sự đến từ Hà Nam sao?

Tôi nhớ lại rằng diễn viên hài Lý Văn Hoa đã cố gắng biểu diễn sau khi trải qua phẫu thuật cắt thanh quản nhiều năm trước. Anh ấy nói cực kỳ khó nhọc với giọng yếu ớt, khàn khàn. Tôi nghe mà cảm thấy tội nghiệp cho anh ấy.

Tôi càng xót xa hơn khi nghĩ đến Lưu Tư Ảnh, cô gái nhỏ xuất hiện trong vụ tự thiêu giả. Không thể nào mà Tư Ảnh vẫn có thể hát và trả lời các câu hỏi của phóng viên CCTV với một giọng nói trong trẻo và dễ nghe như thế sau ca phẫu thuật mở khí quản. Hơn nữa, còn nói cô bé đột ngột qua đời sau khi vết bỏng đã dần hồi phục và chuẩn bị xuất viện. Làm sao lại có chuyện như vậy chứ?

Hơn 20 năm trước, nhiều người, đặc biệt là những người được sinh ra vào khoảng từ năm 1980, đã bị lừa gạt bởi Vụ tự thiêu giả trên Quảng trường Thiên An Môn. Đầu năm 2000, cháu trai tôi đi học và sách giáo khoa của cháu có bài về vụ tự thiêu giả này. Tôi bảo cháu hãy xé những trang có thông tin lừa dối này đi và cháu đã đồng ý. Sau hơn 20 năm, nhiều người vẫn đang bị lừa gạt bởi những dối trá của ĐCSTQ và từ chối lắng nghe sự thật.

Khoảng 10 năm trước, một hôm, khi tôi đang đi dạo, tôi gặp bốn phụ nữ lớn tuổi đang trò chuyện cùng nhau. Họ đã bị lừa gạt bởi những dối trá của ĐCSTQ và đang chỉ trích Pháp Luân Công. Tôi đã ngồi xuống và trò chuyện với họ.

Tôi hỏi: “Các bác ở nhà có nấu ăn không ạ?”

Một người trả lời: “Tôi đã nấu ăn suốt hơn nửa cuộc đời rồi.”

Tôi hỏi: “Vậy các bác đã từng bị bỏng ở bàn tay hoặc cánh tay bao giờ chưa? Họ trả lời đều đã từng bị. Tôi liền hỏi họ có cảm thấy đau không. Họ nói ngay cả sau khi đã rửa vết thương bằng nước lạnh hoặc giấm mà vẫn còn đau.

Tôi nói: “Các bác đã xem bản tin về vụ tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn trên truyền hình; có một người bị bỏng rất nặng. Tại sao anh ấy lại không thấy đau? Lẽ ra anh ấy bị đau đến nỗi lăn lộn trên mặt đất mới phải.” Nghe vậy, họ tán thành.

Tôi lại nói: “Họ là những người được thuê để tham gia vào trò lừa bịp này để phỉ báng Pháp Luân Đại Pháp. Tất cả các bác đã trải qua thời Cách mạng Văn hóa. Mọi người đừng quên bài học mà tất cả chúng ta đã được giáo huấn và đừng để bị lừa gạt nữa. Trò lừa bịp này chẳng phải được dùng để kích động lòng thù hận đối với Pháp Luân Đại Pháp sao?”. Sau đó, tôi phân tích từng chi tiết đáng ngờ trong bản tin về vụ tự thiêu này. Cuối cùng, họ đã hiểu ra.

Gần đây, khi tôi đi mua sắm tại một cửa hàng văn phòng phẩm, bà chủ cửa hàng 53 tuổi đã đề cập đến vụ tự thiêu giả trong khi chúng tôi trò chuyện. Tôi nhận ra những người ở độ tuổi của cô ấy cũng bị đầu độc. Tôi đã bật điện thoại của mình lên, chỉ cho cô biết sự thật về trò lừa bịp này và giải thích cho cô dựa trên kinh nghiệm của bản thân mình. Cô ấy đã hiểu ra.

Tôi nhắc lại Vụ tự thiêu giả trên Quảng trường Thiên An Môn này với hy vọng sẽ thức tỉnh những người trẻ tuổi bị đầu độc bởi những dối trá của ĐCSTQ trong sách giáo khoa thời thơ ấu của họ và để họ minh bạch, từ đó rời xa ĐCSTQ và được bình an trong tương lai.

Bối cảnh: Pháp Luân Đại Pháp là gì và Tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc lại bức hại môn tu luyện này?

Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) được Đại sư Lý Hồng Chí lần đầu truyền xuất ra công chúng vào năm 1992 tại thành phố Trường Xuân, Trung Quốc. Tới nay, môn tu luyện này đã truyền rộng đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Với nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn cùng năm bài công pháp nhẹ nhàng, môn tu luyện đã được hàng triệu người đón nhận và bước vào tu luyện, họ đều được trải nghiệm sự đề cao cả về sức khỏe lẫn tinh thần.

Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), coi sự phổ biến ngày càng mạnh mẽ của môn tu luyện này là mối đe dọa đối với hệ tư tưởng vô thần của Đảng, nên đã ban hành lệnh cấm vào ngày 20 tháng 7 năm 1999.

Trang Minghui.org đã xác nhận hàng nghìn học viên đã mất mạng trong 22 năm qua vì bị bức hại. Con số thực tế được cho là còn cao hơn nhiều. Nhiều người hơn nữa đã bị cầm tù và tra tấn vì đức tin của họ.

Có bằng chứng cụ thể cho thấy ĐCSTQ hậu thuẫn cho việc giết hại các học viên bị giam cầm để thu hoạch nội tạng của họ và cung cấp cho ngành công nghiệp ghép tạng.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giang, ĐCSTQ đã thành lập Phòng 610, một tổ chức ngoài vòng pháp luật có quyền vượt trên cả hệ thống cảnh sát và tư pháp, và có chức năng duy nhất là tiến hành cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/3/5/439668.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/3/6/199422.html

Đăng ngày 09-03-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share