Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp trẻ ở bên ngoài Trung Quốc

[MINH HUỆ 04-01-2022]

Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp từ hơn 20 năm trước, khi tôi còn là một đứa trẻ. Tôi cảm thấy vô cùng may mắn và biết ơn sự bảo hộ và dẫn dắt của Sư phụ trong quá trình trưởng thành. Mặc dù tôi phải trải qua những thất bại và đau thương trong đời, những lời dạy của Sư phụ đã giúp tôi vượt qua và tìm thấy con đường của mình.

Tôi muốn được chia sẻ trải nghiệm của mình với các học viên trẻ cũng như ông bà, cha mẹ học viên của họ. Việc hướng dẫn và giúp đỡ các đệ tử trẻ trong tu luyện không phải luôn dễ dàng. Trong nhiều trường hợp, một học viên trẻ có thể làm rất tốt những việc mà đệ tử Đại Pháp nên làm, nhưng điều đó không có nghĩa là họ thực sự hiểu Pháp.

Sư phụ giảng:

“[Điều] tôi muốn nói chư vị là, chư vị đang dùng tâm người thường để đo lường bản thân mình, chứ không phải đứng tại góc độ của người tu luyện mà xét vấn đề, đây là ‘hữu lậu’ trong tu luyện” (Hãy tỉnh)

Tôi tin mỗi học viên đều có cách và thời điểm riêng sẽ đắc Pháp. Còn đối với những ai bước vào tu luyện khi còn là trẻ con và dưới sự ảnh hưởng của gia đình, chúng ta cần suy nghĩ kỹ rằng “tại sao chúng ta vẫn muốn tiếp tục tu luyện khi hiện giờ đã là những người trưởng thành độc lập? Chúng ta có thật sự trân quý Pháp hay là chúng ta chỉ đi theo các học viên khác bởi vì không muốn mình bị bỏ lại phía sau?”

Nếu chỉ đơn giản đọc sách ‘Chuyển Pháp Luân‘ mỗi ngày, không có nghĩa là bạn đắc Pháp. Khi đối mặt với tầng tầng khảo nghiệm, chỉ khi ở nơi sâu thẳm nội tâm chúng ta thanh tỉnh, lý tính, thì mới có thể đi tốt con đường Sư phụ đã an bài cho chúng ta.

Xã hội ngày nay đã vô cùng rối ren phức tạp và đã khiến hầu hết mọi người mê mờ trong đó mà không biết đâu là đúng, là sai. Là người tu luyện, nếu chúng ta không thể lấy Pháp làm cơ điểm, chúng ta sẽ rất dễ bị những chấp trước và quan niệm của bản thân dẫn động và không thể thanh tỉnh.

Sư phụ giảng:

“Tuy nhiên, chỉ cần chiểu theo Đại Pháp, chiểu theo điều Sư phụ bảo chư vị, chư vị có con đường đi của chư vị, không ai động đến được. Nhưng con đường ấy rất hẹp, hẹp đến mức chư vị phải đi một cách chính phi thường thì mới được, mới có thể cứu người. Chư vị đi một cách chính phi thường, thì chư vị mới không xuất hiện vấn đề.” (Thế nào là đệ tử Đại Pháp, Giảng Pháp tại các nơi XI)

Khi học các Kinh văn mới của Sư phụ, tôi nhận thấy yêu cầu ‘tu luyện tâm tính’ được nhấn mạnh.

Sư phụ giảng:

“Nếu như mọi người tu không tốt bản thân mình thì sẽ không có uy đức, lời nói ra sẽ không ở trong Pháp, thì còn nói gì đến việc cứu độ chúng sinh nữa; lời giảng ra không có uy đức, không có lực lượng thì sẽ không khởi tác dụng, và tà ác sẽ dùi vào chỗ sơ hở. Thậm chí nếu như tu luyện bản thân không tốt, [thì] chính niệm cũng không đầy đủ, khi xử lý một số việc sẽ vướng vào cách nghĩ của người thường.” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế Manhattan 2005, Giảng Pháp tại các nơi V)

Tôi tham gia vào một hạng mục Đại Pháp và công việc yêu cầu tôi phải xem truyền thông của người thường để học cách phân tích của họ về các vấn đề hiện nay. Đôi lúc, tôi để ý cách họ phản đối Đại Pháp và thi thoảng bên dưới lại có đồng tu để lại bình luận và vướng vào tranh luận với người thường.

Nghĩ tới vấn đề này, tôi chợt nhận ra điều thực sự ngăn cản người thường học và tiếp nhận chân tướng Đại Pháp rất có thể bởi vì những học viên Đại Pháp mà họ biết không hề khác với người thường. Những học viên này không tu luyện tinh tấn, không chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn trong mọi việc họ làm, vì vậy họ không đề cao tâm tính. Chúng ta có thể không nhận ra điều này, nhưng người thường luôn quan sát mỗi lời nói và hành vi của chúng ta. Nếu không tu luyện tốt, chúng ta sẽ không thể chạm tới trái tim họ.

Đôi khi đọc các bài chia sẻ, tôi có thể cảm nhận được chấp trước của các đồng tu vào ‘nhận phúc báo’. Họ nghĩ rằng Sư phụ coi sóc cho đệ tử và gia đình họ, nên chắc chắn con em họ sẽ được nhận vào những ngôi trường tốt hoặc tìm được công việc tốt.

Tuy nhiên, Sư phụ đã giảng rằng:

“Nhưng mà là một người tu luyện tôi nói với chư vị, chịu một chút khổ không phải là việc xấu, bởi vì Lý của vũ trụ là phản ngược lại nơi con người đây, lý của không gian nhân loại đây là phản lại.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Houston năm 1996)

“Thực ra tu luyện chính là đến để chịu khổ, không phải là vì để đắc bảo hộ tại thế gian con người mà đến. Học Đại Pháp có bảo hộ, tu Đại Pháp cũng cần chịu khổ.” (Giảng Pháp tại Pháp hội San-Francisco năm 2005)

Ngoài những can nhiễu nghiêm trọng cản trở chúng ta làm tốt ba việc, chúng ta cũng cần thay đổi cách nghĩ và nhảy ra khỏi chấp trước vào danh, lợi, tình để thấy ‘phúc báo’ thực sự trong đời người.

Sư phụ đã an bài, đặt chúng ta vào những công việc, vị trí xã hội khác nhau để chúng ta có thể tiếp xúc với những người có quan hệ tiền duyên và khai sáng hoàn cảnh đặc thù đó. Nhiều khi điều này phụ thuộc vào việc trong mệnh của chúng ta có những thứ này hay không. Nhiều điều có ảnh hưởng lâu dài đối với sinh mệnh của chúng ta, sâu sắc hơn những gì chúng ta có thể lĩnh hội. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chúng ta có thể đề cao tâm tính trong quá trình đó hay không.

Dưới đây, tôi xin được dùng kinh nghiệm bản thân để làm rõ những điểm này, mong được giao lưu cùng các đồng tu.

Học Pháp mà không hiểu Pháp

Mẹ tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp khi tôi học tiểu học. Mẹ muốn tôi học Pháp cùng bà nên tôi đã đọc sách Pháp mỗi ngày. Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên lý đơn giản như ‘đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu’, chăm chỉ, tốt bụng với người khác và nâng cao đạo đức bản thân, tôi không hiểu các nguyên lý cao hơn của Pháp. Tất cả những gì tôi biết là Chuyển Pháp Luân dạy người ta trở thành người tốt, còn những tuyên truyền trên TV đều là dối trá.

Không lâu sau khi mẹ và tôi bắt đầu tu luyện, cuộc bức hại diễn ra. Các học viên bất chấp nguy hiểm để phản đối chiến dịch bôi nhọ của Đảng cộng sản Trung Quốc bằng cách giảng chân tướng cho mọi người về Đại Pháp, vạch trần những dối trá của chính quyền. Mặc dù rất sợ nhưng tôi vẫn làm điều mình nên làm là truyền rộng chân tướng Đại Pháp bởi vì tôi biết điều mình bảo vệ là chính và đó là điều tôi cần làm.

Người ngoài nhìn sẽ thấy tôi là đứa trẻ biết vâng lời, hiểu chuyện, học tập tốt và là một tiểu đệ tử tinh tấn. Tôi thường mơ mình làm bài thi nhưng lại không hiểu và không thể trả lời được bất kỳ câu hỏi nào. Khi tôi bị người khác hiểu lầm, tôi biết mình cần nhẫn chịu nhưng tôi lại giống như ‘một bình nước chực trào’. Tôi cảm thấy sự tức giận và phẫn uất của mình có thể tràn ra bất kỳ lúc nào, tôi không biết làm sao để mở rộng dung lượng của bản thân từ căn bản.

Do nhận thức của tôi đối với Pháp chỉ dừng ở bề mặt, và chịu ảnh hưởng của quan niệm bản thân, nên tôi dùng góc độ ‘có lợi’ cho mình để giải thích Đại Pháp. Ví dụ, trong sách giảng về việc một đời của con người đều đã được định sẵn, điều này phù hợp với tâm lý lười biếng của tôi, tôi liền cảm thấy không cần nỗ lực trong học tập, mà ngược lại thứ hạng đều đã được định sẵn. Hơn nữa, ỷ vào bản thân thông minh, trước mỗi kỳ thi chỉ cần ôn tập một chút thì vẫn đạt được điểm số cao, nên tôi thường làm qua loa cho xong. Khi gặp phải vấn đề, tôi thường muốn nhảy luôn tới kết quả cuối cùng chứ không muốn đối diện và nỗ lực trong quá trình đó, chỉ muốn trốn tránh chịu khổ. Điều này cũng dưỡng thành tâm ỷ lại rất lớn trong tôi, chỉ luôn hy vọng người khác giúp mình an bài tốt các việc.

Từ bề ngoài mà nhìn, tôi luôn có thành tích rất tốt, làm ba việc cũng rất tích cực, nhưng về bản chất tôi hoàn toàn không hoà tan trong Pháp. Sư phụ giảng:

“Như mọi người đã biết, pháp môn này của chúng tôi không tránh né xã hội người thường [rồi mới] đi tu luyện, không tránh, không trốn tránh mâu thuẫn.” (Bài giảng thứ tám, Chuyển Pháp Luân)

Mặc dù chút thông minh có thể cho bản thân tôi một con đường thuận lợi, nhưng kỳ thi đại học đã giáng một gậy cảnh tỉnh cho tôi, bởi cuối cùng tôi chỉ có thể vào được một trường đại học không tên tuổi và thấp hơn kỳ vọng rất nhiều.

2. Xung phá quan tình, ngộ chính Đạo

Do những an bài mà cựu thế lực cưỡng ép thêm lên, mặc dù tôi đều không có truy cầu về danh, lợi, nhưng lại rất khát vọng về ‘cuộc sống lứa đôi’, mong muốn sớm lập gia đình, kỳ thực đằng sau đó vẫn còn ẩn chứa tâm cầu sự an ổn, tâm khát vọng đối phương sẽ che chở cho tôi, đây là những điều mà sau này tôi mới ngộ ra.

Sau khi vào đại học và gặp được người bạn trai, tôi lại càng không quan tâm gì tới sự nghiệp, chỉ thích anh ấy làm chủ mọi thứ, như thế có thể giúp tôi bớt phải phiền não suy nghĩ. Thực ra đào sâu xuống thì đó là tâm lười nhác và lo sợ, không muốn đối diện với những sóng gió của xã hội hiện thực, gặp phải khó khăn thì rụt lại phía sau. Sau khi tốt nghiệp, vì để được ở lại cùng thành phố với bạn trai, tôi đã vứt bỏ cơ hội việc làm tốt. Khi chúng tôi chuẩn bị nói chuyện về hôn nhân, anh đột nhiên rất nghiêm túc yêu cầu tôi lựa chọn giữa Đại Pháp và anh, tuyệt đối không cho phép tôi được đề cập tới Đại Pháp trước mặt người nhà anh và cũng không cho tôi ra ngoài phát tài liệu chân tướng. Anh nói rằng bản thân gia đình từng phải chịu bức hại trong đại cách mạng văn hóa, nên quyết không để người nhà phải trải qua loại nguy hiểm như thế lần nữa.

Do nhận sự giáo dục quan niệm truyền thống, từ khi hẹn hò với bạn trai, tôi luôn cho rằng đây là việc trọng đại cả đời, dường như toàn bộ kế hoạch cả đời tôi đều được tạo dựng xoay quanh anh. Giờ đây, anh ấy muốn đưa ra lựa chọn từ đầu cho mối quan hệ của chúng tôi, tôi cảm giác như thế giới bị sụp đổ. Tuy nhiên, việc bắt tôi phải nói rời xa Đại Pháp là điều xuất phát từ trong tâm tôi không thể làm được. Cho dù tôi không thể luôn luôn nghiêm khắc yêu cầu bản thân, nhưng chỉ nghĩ tới ly khai Đại Pháp, tôi đã có một cảm giác khó chịu như sinh mệnh bị tách bóc ra. Do tôi nhiều lần im lặng không nói gì, bạn trai tôi đã quyết định chia tay.

Thời gian sau sự việc đó, toàn bộ con người tôi rơi vào trạng thái ‘thất hồn lạc phách’, mỗi cử chỉ, hành vi của tôi chỉ giống như là cái xác vô hồn, mỗi thời khắc đều cảm thấy tâm mình đau đớn giống như tan vỡ thành bụi phấn, thậm chí những can nhiễu ngoại lai không ngừng rót vào đầu tôi niệm đầu muốn tự sát. Nhưng cảm tạ Sư tôn, mỗi khi niệm đầu bất hảo thoáng hiện lên, trong đầu não tôi lập tức đả nhập vào phần ‘Vấn đề sát sinh’ trong Chuyển Pháp Luân, hàng chữ đó mang theo lực sinh mệnh sắc vàng, giống như thiên sứ bảo hộ bên tôi.

Mẹ thấy tôi ngày nào thần sắc cũng ngẩn ngơ, cũng không cách nào khuyên giải, nên một buổi tối mẹ nâng cuốn ‘Chuyển Pháp Luân’ đưa cho tôi và nói: Con gái, có lẽ chỉ có Đại Pháp mới có thể có cách giải khai vướng mắc trong tâm con. Từng màn nơi nhân thế, rất nhiều khi chẳng phải như mộng cảnh sao? Giờ tỉnh mộng rồi, con cần có cuộc sống mới, làm sao có thể cứ nằm mãi một chỗ không dậy?

Tôi luôn là một người sợ đau, vì vậy ngồi song bàn đả toạ không thể kiên trì được, nhưng tối hôm đó khi tôi song bàn, đột nhiên phát hiện khi chân rất đau thì những đau đớn trong tâm ngược lại vợi đi nhiều. Vì thế tôi lại song bàn, nâng cuốn sách Chuyển Pháp Luân, chăm chú đọc từng chữ. Khi đó, đau đớn nơi thân tâm đã áp xuống những suy nghĩ và quan niệm hậu thiên của tôi, trong đầu não chỉ có đọc Pháp, đọc Pháp. Không biết là đọc bao lâu, hai chữ ‘tu luyện’ trong sách đột nhiên nhảy ra trước mắt tôi, sau đó từng tầng từng tầng trong đầu não nở hoa giống như tuôn tràn sắc vàng kim. Cảm giác lúc đó chính là giống như Sư phụ giảng:

“[Nhưng] đó là một thứ chôn sâu trong tâm của chư vị, giống như một cái ổ cắm, ngay khi chạm vào là điện sẽ thông.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Canada năm 1999)

Mà lần này cách lần đầu tôi cầm cuốn Chuyển Pháp Luân đã 12 năm.

Sư phụ giảng:

“Bởi vì tu luyện nhất định phải là phát tự nội tâm chủ động mà tu, chư vị phải làm sao thật sự là khi lợi ích trước mặt, trong ‘danh’ ‘tình’ bị dằn vặt thấu cả tâm can mà vẫn có thể lấy ra mà buông bỏ đi thì mới được.”(Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2010)

Sau khi trải qua đại quan xẻo tim khoan xương này, tôi mới thực sự hiểu ra thế nào là đệ tử Đại Pháp, chịu chút khổ kia lại trở thành hảo sự. Tôi liền hiểu ra rất nhiều sự việc trước kia vốn mơ hồ, như con người từ đâu tới, tới đây vì điều gì, tất cả đằng sau nhân sinh là điều gì, trong nháy mắt đó dùng ‘thoát thai hoán cốt’ để hình dung cũng hoàn toàn không phải là cường điệu, đúng là toàn bộ nhân sinh quan, thế giới quan đều phát sinh biến hoá.

3. Dĩ Pháp vi Sư, quy chính nhân sinh

Từ sau lần đó, tôi bắt đầu chân chính xuất phát từ sâu thẳm nội tâm lĩnh ngộ tu luyện. Nhưng hiện thực cuộc sống dường như là một mớ hỗn độn. Do kỳ thi vào đại học không tốt, lĩnh vực ngành nghề ít lựa chọn, nên bản thân tìm việc làm cũng không dễ dàng. Trước kia vì bạn trai mà tôi vứt bỏ cơ hội việc làm tốt, điều kiện sinh hoạt của tôi lúc đó rất nghèo khó. Vị trí trong công ty của tôi khá ‘béo bở’ nhưng bản thân tôi dùng pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn để ước thúc mình, nhất quyết không lợi dụng chức vị để làm lợi cho mình. Điều này khiến cho tôi mặc dù làm việc khá nhiều nhưng chỉ nhận được mức lương cơ bản, đến tiền thuê phòng cũng thiếu. Nhiều đồng nghiệp, bạn bè đều chế giễu tôi là kẻ ngốc, họ hàng trong gia đình lại càng chỉ trích tôi ‘bị Đại Pháp làm trì trệ’. Họ lấy thất bại của kỳ thi đại học, việc không biết biếu quà để mở đường cho quan lộ, chỉ biết chăm chỉ làm việc, đến tiền cũng không kiếm đủ, tất cả đổ lỗi là đầu óc có vấn đề, còn nói rằng những tiểu chuẩn đạo đức mà tôi kiên trì kia thật đáng cười.

Nhờ giai đoạn đó, tôi học Pháp tinh tấn, không bị rơi vào biểu hiện bề mặt không được như ý, trong tâm tôi chỉ hỏi Sư phụ: Con cần phải làm sao để có thể chứng thực Pháp? Con cần phải làm sao mới có thể khiến mọi người nhận ra giá trị Chân-Thiện-Nhẫn mà con kiên trì đi theo mới là điều có giá trị nhận trong đời? Có lẽ bởi vị niệm này đứng trên cơ điểm vị tha, ngay sau đó sự việc đã có những xoay chuyển không ngờ. Một người bạn rất lâu không liên hệ đột nhiên gửi cho tôi đơn đăng ký du học nước ngoài, còn khuyến khích tôi thử xem. Lúc đó, tôi hoàn toàn không có điều kiện đi du học nước ngoài, tôi không thể gánh được mức học phí và phí sinh hoạt cao, tốt nghiệp ra từ một trường không tên tuổi, thành tích cũng không nổi bật, ngoại ngữ cũng không tốt, hoàn toàn không thể bằng những người chuẩn bị nộp đơn du học từ vài năm trước. Tuy nhiên, cơ hội đột nhiên tới nên tôi cũng muốn thử, dù sao nếu không thành công thì vẫn tiếp tục cuộc sống như cũ mà cũng không tổn hại gì.

Vậy là tôi một mặt vừa đi làm, vừa chuẩn bị nộp đơn. Tôi viết đúng sự thật các thông tin bản thân, không nghe người khác ‘khuyên bảo’ nên thay đổi điểm số cho đẹp mặt hơn chút, trong quá trình đó tôi liên tục tống khứ các tâm chấp trước của bản thân, và kết quả tôi đã được một viện nghiên cứu sinh của đại học nước ngoài lựa chọn. Trường có học phí không cao. Điều này đơn giản là một kỳ tích. Và người thân, bạn bè sau khi biết thông tin tôi sẽ ra nước ngoài, đã thay đổi thái độ 180 độ, khi tôi giảng chân tướng cho họ, họ cũng đã tiếp thu và lắng nghe.

(Còn tiếp)

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/12/10/434557.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/1/4/197972.html

Đăng ngày 21-02-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share