Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Anh

[MINH HUỆ 29-10-2021] Năm nay tôi 18 tuổi và tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp cùng mẹ từ khi còn nhỏ. Gia đình tôi từng bị bức hại ở Trung Quốc vì đức tin, sau đó chúng tôi di cư tị nạn sang Anh.

Tôi vừa tốt nghiệp trung học ở Anh hồi đầu năm nay, hiện tôi đang là sinh viên năm nhất đại học. Tôi muốn chia sẻ cách mà tôi giới thiệu cho mọi người về Pháp Luân Đại Pháp khi còn là một học sinh trung học.

Một dự án trong trường

Tôi bắt đầu học trung học tại ngôi trường này từ năm 2019. Không lâu sau đó, tôi tình cờ gặp giáo viên môn văn học tiếng Anh của mình tại một sự kiện. Tôi kể cho cô nghe về cuộc bức hại mà gia đình tôi phải trải qua khi còn ở Trung Quốc. Cô đã rất xúc động và bảo tôi chia sẻ câu chuyện của gia đình tôi với cả lớp.

Cô đã dành một buổi học cho bài thuyết trình của tôi. Tôi chuẩn bị các trang PowerPoint và in ra giấy bản tóm tắt bài thuyết trình của mình. Vào buổi học hôm đó, tôi chia sẻ về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999 do lo sợ về sự phổ biến của Pháp Luân Đại Pháp khi môn tập này được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992. Tôi cũng thảo luận về việc ĐCSTQ đã phỉ báng, tuyên truyền dối trá bôi nhọ Pháp Luân Đại Pháp như thế nào. Vừa hay chủ đề môn văn hôm đó lại là về các chế độ toàn trị, nên nhiều bạn cùng lớp đã đặc biệt quan tâm đến bài thuyết trình của tôi. Một số bạn cho biết bài nói chuyện của tôi khiến các bạn nhận ra những gì tưởng chừng như chỉ là hư cấu trong các bài đọc trên lớp cũng có thể là sự thật.

Mặc dù tôi đã quên đính kèm trang web thỉnh nguyện vào bài trình bày của mình, nhưng nhìn chung bài thuyết trình có hiệu quả rất tốt. Một người bạn cùng lớp nói với tôi rằng bạn ấy có ý định viết bài cho Chứng chỉ Dự án Mở rộng (EPQ) về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc. EPQ là dự án nghiên cứu độc lập kéo dài một năm, bao gồm các chủ đề lớn dưới dạng tiểu luận, nghiên cứu hoặc thậm chí là làm phim. Khi suy nghĩ chọn đề tài cho chứng chỉ EPQ này, tôi đã quyết định làm một bộ phim tài liệu về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Nhưng nói thì dễ, làm mới khó, vì tôi không có kinh nghiệm viết báo hay làm phim. Tuy nhiên, tôi quyết định bắt đầu bằng việc tự học phần mềm iMovie. Phim tài liệu của tôi nói về những em nhỏ – con của các học viên Pháp Luân Công. Sau khi cha mẹ các em bị bắt và bị giam giữ vì đức tin, các em phải sống một mình, không nơi nương tựa.

Việc phân biệt đối xử và ngược đãi các em nhỏ – con của các học viên Pháp Luân Công thật quá sức tưởng tượng. Ở trường, các em bị các bạn hay thậm chí là thầy cô giáo xa lánh và bắt nạt. Về nhà thì bị người thân và bạn bè không thông cảm và tránh xa. Các em phải sống trong một hoàn cảnh thiếu thốn và rất khó có được cuộc sống bình thường. Thậm chí sau khi chạy thoát khỏi Trung Quốc nhiều năm, vết thương lòng thời thơ ấu vẫn luôn là cơn ác mộng đeo bám tâm trí các em.

Tôi dự định kể câu chuyện của cá nhân mình và ba học viên trẻ khác trong phim tài liệu. Tôi dễ dàng tìm được hai học viên trẻ khác và họ sẵn sàng hỗ trợ tôi. Nhưng tôi không thể tìm thấy học viên cuối cùng. Thời gian cứ thế trôi đi, ngày này sang ngày khác khiến tôi rất lo lắng.

Sau khi tham gia một hoạt động của Pháp Luân Đại Pháp, tôi đã chia sẻ khó khăn của mình với một học viên. Cô ấy mỉm cười khi nghe tôi nói – một học viên trẻ khác đang đi cùng chúng tôi lúc đó chính là người mà tôi tìm kiếm. Người học viên trẻ này cũng rất phối hợp, ngày hôm sau, anh ấy đã gửi cho tôi bài viết kể về những nỗi buồn thời thơ ấu của anh ấy. Tôi rất biết ơn Sư phụ Lý (Nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp) vì những an bài của Ngài.

Sau khi hoàn tất bộ phim tài liệu, tôi gửi nó cho giáo viên EPQ của tôi. Cô rất xúc động và xem đi xem lại bộ phim đến ba lần. Cuối cùng, cô đã cho tôi điểm số cao.

Sau đó, tôi giới thiệu tài liệu của tôi cho giáo viên chủ nhiệm khoa, cô là người chịu trách nhiệm đối với một phần tư số học sinh trong trường, từ cấp tiểu học cho đến trung học. Tôi giải thích với cô rằng bộ phim nói về trải nghiệm của chính tôi và nó sẽ giúp cô hiểu về những gì đang diễn ra ở Trung Quốc. Cô nói cô rất muốn xem. Nhưng cô bảo với tôi rằng cô không xem được hình ảnh nào từ bộ phim trong USB tôi đưa cho cô cả. Cô chỉ nghe được một chút âm thanh. Nhận ra đó chính là can nhiễu của tà ác, tôi đã phát chính niệm và đưa cho cô một bản khác. Lần này cô đã mở được.

Cô chủ nhiệm khoa và các đồng nghiệp của cô đã xem bộ phim tài liệu, và họ rất xúc động. Cô đến gặp tôi và bảo cô sẽ cho các học sinh mà cô phụ trách xem bộ phim tài liệu này. Cô khen ngợi bộ phim trong học bạ của tôi. Cô nói rằng, với trải nghiệm của một người di cư tị nạn, tôi đã hoàn thành một bộ phim tài liệu xuất sắc và cũng chính là cất tiếng nói cho những người bị đàn áp ở Trung Quốc.

Tôi cũng cho các bạn của tôi xem. Một số bạn cảm động đến rơi nước mắt còn những bạn khác lại tỏ ra thờ ơ. Một người bạn cùng lớp mà tôi ít khi nói chuyện cùng, muốn xem bộ phim. Bạn ấy rất chăm chú theo dõi mặc cho lúc đó rất ồn ào.

Cải thiện bản thân

Là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, tôi nhận thấy quá trình thực hiện bộ phim này cũng là quá trình chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Có nhiều cơ hội để tôi buông bỏ những suy nghĩ xấu và các tâm chấp trước của mình.

Chẳng hạn, khi có người nói EPQ rất quan trọng cho việc ứng tuyển đại học, và tôi nên làm về chủ đề liên quan đến lĩnh vực kinh tế vì tôi muốn học đại học chuyên ngành kinh tế. Nếu tôi làm phim tài liệu về nhân quyền sẽ khiến mọi người nghĩ tôi muốn theo học ngành luật hoặc khoa học chính trị. Tôi trở nên do dự, tôi nghĩ các ứng viên cũng ứng tuyển vào đại học chuyên ngành kinh tế khác sẽ có lợi thế hơn chỉ vì EPQ của tôi.

Sau đó, tôi có một giấc mơ. Tất cả các trường đại học mà tôi đăng ký đều từ chối tôi, trong khi đó, bạn Jane, một bạn nữ khác mà tôi không thích, lại được tất cả các trường chấp nhận. Trong giấc mơ, tôi thấy mình ganh tỵ, tật đố đến mức khó chịu như thể nội tâm mình bị rắn cắn. Bạn Jane cũng muốn theo học ngành kinh tế như tôi và bạn làm EPQ về lĩnh vực kinh tế. Nhưng không hiểu sao tôi chưa bao giờ thích bạn ấy.

Khi tỉnh giấc, tôi nhớ lại đoạn Pháp mà Sư phụ giảng:

“Người tu Đạo chân chính cũng có phản ánh [vấn đề tâm tật đố] này, đối với nhau không phục; [nếu] tâm tranh đấu không bỏ, cũng dễ sinh ra tâm tật đố.

Chúng ta nói về truyện «Phong Thần diễn nghĩa», trong đó có ông Thân Công Báo thấy rằng Khương Tử Nha vừa già vừa không có bản sự gì; tuy nhiên Nguyên Thuỷ Thiên Tôn lại cho Khương Tử Nha [được đi] phong Thần. Trong tâm Thân Công Báo thấy bất bình: ‘Để ông ấy phong Thần là sao? Các vị thấy tôi Thân Công Báo này thật lợi hại, đầu của tôi cắt rơi xuống rồi lại đặt lên được, tại sao không để tôi phong Thần?’ Ông ta tật đố quá không chịu được, cứ mãi theo loạn phá Khương Tử Nha.” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Tôi cũng nhận ra mình có tâm tật đố rất mạnh mẽ, đây là một tâm chấp trước mà người tu luyện phải bỏ. Sư phụ giảng:

“Người ta nói: ‘Ta đến xã hội người thường, giống như đến khách sạn, tá túc vài ngày, rồi vội rời đi’. Một số người cứ lưu luyến nơi này mãi, quên cả nhà của bản thân mình.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Hồi tôi còn nhỏ khi học Pháp, tôi hiểu rất rõ ý nghĩa đoạn Pháp trên. Nhưng bây giờ, dường như tôi đã quên mất Pháp lý ấy và thường chỉ để tâm theo đuổi việc học hành thành tài và có một sự nghiệp thăng tiến. Tất cả những quan niệm hậu thiên đó thực ra không phải là tôi, vì tôi là người tu luyện, tôi chỉ nên để tâm vào việc tu luyện, theo đó tôi có thể quay trở về ngôi nhà đích thực của mình.

Vào dịp hè vừa rồi, một số bạn rủ tôi đi chơi và tôi đã đề xuất đến Khu phố Tàu. Tại đó, chúng tôi nhìn thấy quầy thông tin của các học viên Pháp Luân Công. Tôi rất thích âm nhạc ở đó, cảm giác thư thái như được trở về nhà. Mặc dù bà tôi không nói được tiếng Anh, nhưng bà rất nhiệt tình phát tặng các bạn tôi tờ thông tin về Pháp Luân Đại Pháp. Một người bạn của tôi đã trợn tròn mắt khiến tôi không vui, tôi cho rằng bạn ấy đã vô lễ với bà.

Tuy nhiên, khi nhận ra đây là quan niệm hậu thiên, tôi đã phát chính niệm. Sau đó mọi việc trở nên tốt đẹp hơn. Tôi kể cho các bạn nghe về chuyện tôi bị bức hại ở Trung Quốc như thế nào và tất cả các bạn đều ký vào bản kiến ​​nghị kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại. Tôi thấy sự vị tư của mình đã vơi bớt đi, toàn thân trở nên nhẹ bỗng.

Sư phụ giảng:

“‘Vị tư’ là thuộc tính căn bản của vũ trụ quá khứ, thành-trụ-hoại-diệt và sinh-lão-bệnh-tử cũng là có tính tất nhiên do thuộc tính ấy mang đến. Pháp tương lai là viên dung, là ‘vị công’, do sự cải biến của thuộc tính căn bản của vũ trụ, nên cũng khiến quá trình của vũ trụ và đặc điểm của sinh mệnh có phát sinh biến hoá về căn bản. Thuộc tính căn bản của vũ trụ quyết định trạng thái căn bản của vũ trụ. Sự bất thuần của sinh mệnh cho đến sinh mệnh bại hoại rồi thì rớt xuống là [do] thành-trụ-hoại-diệt tạo thành.“ (“Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc năm 2004”, Giảng Pháp tại các nơi V)

Tôi nhận ra tâm vị tư của tôi rất mạnh mẽ. Ngay cả khi vạch trần cuộc bức hại ở Trung Quốc, tôi chỉ làm việc đó phần lớn là vì sự viên mãn của bản thân chứ không phải vì để cứu độ chúng sinh. Một ví dụ khác là tôi dành rất nhiều thời gian hàng ngày để đọc các tin tức kinh tế và tài chính, trong khi đáng lẽ ra tôi nên dành thời gian đó để học Pháp và tuân theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn.

Chấp trước vào lợi ích vật chất

Để chuẩn bị nhập học đại học vào tháng 9 vừa qua, tôi đã lên kế hoạch cho những việc cần làm trong thời gian học đại học để chuẩn bị cho sự nghiệp của mình. Trong khoảng thời gian này, tôi cũng nhận ra các chấp trước vào lợi ích vật chất mà tôi khó buông bỏ được.

Sư phụ giảng:

“Đừng xem các việc mà mọi người làm ở thế gian đều rất tương tự việc mà người thường vẫn làm lúc bình thường, trên thực tế cơ điểm, mục đích làm việc của đệ tử Đại Pháp là hoàn toàn khác với người thường.” (“Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York 2004”)

Đoạn Pháp này đã nhắc nhở tôi, là một học viên, tất nhiên tôi nên học tập và làm việc tốt. Nhưng điều đó không có nghĩa là quá chấp trước vào chúng giống như người thường. Đó là sự khác biệt giữa làm tốt công việc hay là làm việc để theo đuổi danh vọng và những lợi ích vật chất.

Khi tôi nhận ra điều này, chiều hôm đó, ông bà đã thưởng cho tôi tiền vì đã trúng tuyển vào đại học. Do tôi không có việc gì cần tiêu tiền và bố mẹ tôi lại đang sửa nhà nên tôi đã đưa hết số tiền đó cho bố mẹ.

Tối hôm đó, mẹ đã khen tôi tu luyện tốt, không có chấp trước vào lợi ích vật chất. Khi nghĩ sâu hơn về việc này, tôi nhận ra nó không hề đơn giản như vậy. Đúng là tôi đã đưa tiền cho bố mẹ thay vì giữ lại cho mình, nhưng thường thì động lực đằng sau việc nỗ lực học tập ở trường của tôi lại không phải vì để làm một người tốt hay để phục vụ xã hội. Mà thường là vì tâm vị tư, tật đố và chấp trước vào một cuộc sống thoải mái. Bề ngoài có vẻ như chỉ là chấp trước vào lợi ích vật chất. Nhưng ẩn sâu bên trong lại là những quan niệm hậu thiên và những suy nghĩ dơ bẩn. Trước đây, tôi không nhận ra chấp trước này, nhưng bây giờ tôi đã hiểu rõ hơn.

Tôi từng mơ thấy mình tham gia kỳ thi tuyển sinh vào đại học. Lúc đó không hiểu sao, đầu óc tôi trở nên mụ mị. Khi tôi tỉnh táo hơn thì thấy các bạn thí sinh khác đã chuyển sang phần thi toán, nhưng tôi vẫn còn đang làm phần thi kinh tế. Tôi đã trình bày cho thầy giáo hoàn cảnh của tôi lúc ấy, nhưng thầy không thể giúp được gì cho tôi. Lúc đó, tôi phát hiện ra điện thoại di động của mình đang bật – nếu thầy giáo bắt gặp điện thoại của tôi đang bật thì tôi sẽ bị coi là gian lận. Tôi lo lắng và cố gắng lén lút tắt nó đi. Nhưng không được, thầy giáo đã nhìn thấy. Thầy nói tôi không được phép làm như vậy, nhưng tôi có thể làm lại bài thi vì đây là trường hợp đặc biệt.

Rồi tôi tỉnh giấc. Tôi nhận ra Sư phụ đã điểm hóa cho tôi. Thay vì hối tiếc về những suy nghĩ không tốt hoặc những quan niệm hậu thiên của mình trong quá khứ, tôi cần phải tập trung vào việc từ giờ trở đi làm sao có thể làm tốt và tốt hơn nữa. Từ tận đáy lòng, tôi biết ơn Sư phụ đã luôn từ bi dẫn dắt tôi trên con đường tu luyện của mình.

Tôi xin kết thúc bài chia sẻ của mình bằng một bài thơ của Sư phụ:

Đăng Thái Sơn
Phan thượng cao giai thiên xích độ,
Bàn hồi lập đẩu nan khởi bộ;
Hồi thủ như khan tu chính Pháp,
Đình vu bán thiên nan đắc độ.
Hằng tâm cử túc vạn cân thối,
Nhẫn khổ tinh tấn khứ chấp trước;
Đại Pháp đệ tử thiên bách vạn,
Công thành viên mãn tại cao xứ. (Hồng Ngâm)

Diễn nghĩa:

Lên núi Thái Sơn
Leo lên con đường bậc dốc đứng cả nghìn thước
Thấy bậc [cao] mà chẳng dám khởi bước đi lên
Quay đầu lại thấy cũng giống như tu luyện chính Pháp vậy
Dừng lại giữa chừng thì cũng khó mà được độ (đắc độ)
Tâm phải chăm chỉ để nhấc cái chân nặng vạn cân này
Nhẫn chịu khổ tinh tấn để bỏ chấp trước
Có nghìn trăm vạn đệ tử Đại Pháp
Công thành viên mãn ở chỗ cõi trên. (Hồng Ngâm)

Trên đây là những thể ngộ cá nhân của tôi. Xin vui lòng chỉ ra bất cứ điều gì không phù hợp với Pháp.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/10/29/433002.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/10/30/196390.html

Đăng ngày 07-12-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share