Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 04-08-2021] Nhà tù Nữ Số 2 Vân Nam là nhà tù được chỉ định để giam các nữ trọng tội. Sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, nhà tù cũng trở thành nơi để bỏ tù và tra tấn các nữ học viên bị cầm tù vì thực hiện quyền tự do tín ngưỡng của họ theo hiến pháp.

Tất cả những học viên từ chối từ bỏ đức tin của họ ngay khi bị đưa vào tù sẽ phải chịu nhiều hình thức trừng phạt, bao gồm biệt giam trong thời gian dài hay kỷ luật nghiêm khắc. Các biện pháp được sử dụng để chống lại họ bao gồm sốc điện bằng dùi cui điện cao thế, cho mặc áo bó chặt, tẩy não với những đoạn ghi âm âm lượng cao làm tổn hại thính lực; tiêm thuốc phá hủy thần kinh, bức thực, ép buộc lao động nặng nhọc trong nhiều giờ, bắt họ ngồi trên một cái ghế nhỏ ngắn trong thời gian lâu, không cho tắm rửa hay dùng nhà vệ sinh.

Khi có kinh nguyệt, các lính canh cố tình khiến môi trường sống của họ trở nên bẩn thỉu đến mức nguy hiểm tính mạng bằng cách không cung cấp cho họ các vật dụng phụ nữ, nước sạch, giấy vệ sinh và không cho thay quần áo.

Tra tấn thể xác kết hợp với vệ sinh kém đã khiến nhiều học viên gặp các vấn đề nghiêm trọng về tim mạch, huỷ hoại thần kinh và nhiễm trùng ở hệ sinh sản và tiết niệu. Các bệnh phụ khoa là phổ biến trong số các học viên và một số đã chết vì ung thư tử cung.

Theo thông tin mới nhất do Minh Huệ Net thu thập, trong 22 năm bức hại Pháp Luân Công, Nhà tù Nữ Số 2 Vân Nam đã giam hơn 300 nữ học viên và hơn 250 người trong số họ đã bị biệt giam và/hoặc bị kỷ luật nghiêm khắc tại cùng hay khác thời điểm. Đến nay đã có 14 học viên qua đời, trong đó có năm người qua đời trong tù và sáu người qua đời không lâu sau khi được thả vì họ không thể hồi phục được những tổn hại sức khỏe mà họ phải chịu đựng trong tù.

Sau đây là tóm tắt các hình thức tra tấn phổ biến trong tù và trường hợp các học viên bị tra tấn.

1. Ngồi trên một cái ghế nhỏ suốt 16 giờ mỗi ngày

Ngồi nhiều giờ mỗi ngày cản trở quá trình lưu thông máu và trao đổi chất của một người dẫn đến các vấn đề lâu dài gây hại cho nội tạng.

58ab1f67327b7d1fbaf0e92d851f5f2e.jpg

Một cái ghế đẩu nhỏ dùng để tra tấn các học viên Pháp Luân Công

81eb149ffd38c256ecdbdc5886830b32.jpg

Minh hoạ tra tấn: ngồi trên một ghế đẩu nhỏ nhiều giờ mỗi ngày

Với những học viên bị biệt giam hay kỷ luật nghiêm ngặt, thậm chí nếu họ ngoài 70 tuổi thì hàng ngày họ vẫn phải ngồi trên một cái ghế đẩu nhỏ hay một tấm ván giường trong 16 tiếng, trong thời gian này học viên phải đặt hai tay lên đầu gối mà không được cử động, nếu không sẽ bị lính canh phạt.

Ngồi lâu trong tư thế như vậy dẫn đến mông sưng đỏ, phồng rộp, mưng mủ, chảy máu và nhiễm trùng vùng chậu. Thịt bị loét không có thời gian chữa lành. Nó dẫn đến huyết áp cao, sưng nghiêm trọng vùng chân và bàn chân, tổn thương nội tạng. Có lúc còn khiến vùng kín bị mưng mủ và chảy dịch.

Người thân của một học viên từng cáo buộc Dương Minh Sơn, cựu giám đốc nhà tù, vì tội vi phạm pháp luật khi ép người nhà họ ngồi trên một cái ghế đẩu nhỏ cả ngày. Dương trả lời rằng ông ta đang làm theo lệnh của Phòng 610 và là một giám đốc nhà tù, ông ta có quyền đưa ra nội quy. Ông ta nói thêm rằng tất cả những người bị kết án và đưa vào tù là có tội và phải tuân theo nội quy nhà tù.

Người thân của một số học viên đã đệ đơn kiện chống lại nhà tù vì tra tấn người nhà họ. Dương nói với họ: “Các người cho rằng ngồi trên ghế đẩu nhỏ là tra tấn thân thể ư? Định nghĩa của các người là gì? Các người có chứng cứ gì không? Theo tôi, đó là một hình thức học tập. Các người có bất kỳ bằng chứng nào về việc tra tấn thể xác không?”

Một trưởng Phòng 610 từng nói với một học viên rằng ông ta thậm chí còn không thể ngồi 16 giờ mỗi ngày trên một chiếc ghế dài, chứ đừng nói chi ngồi thời gian lâu như vậy trên một cái ghế đẩu nhỏ.

Trường hợp 1: Học viên 76 tuổi qua đời vì huyết áp cao và suy phổi sau khi bị tra tấn ngồi trên ghế đẩu nhỏ

Bà Nghê Mỹ Trân là nhân viên về hưu của Ga Xe lửa Đông Côn Minh. Bà bị kết án bốn năm vào năm 2005 và năm năm vào năm 2009. Vì từ chối từ bỏ đức tin của mình nên bà bị ép ngồi trên một cái ghế đẩu nhỏ mỗi lần bị giam tù. Cả hai lần bà đều bị huyết áp cao, phù phổi và rơi vào tình trạng nguy kịch. Quản lý nhà tù đã cho bà được bảo lãnh chữa trị y tế nhằm trốn tránh trách nhiệm. Bà không thể hồi phục trong lần thứ hai trở về nhà và sớm qua đời sau đó.

Trường hợp 2: Học viên bị huỷ xương quanh vùng chậu

Bà Quách Linh là nhân viên về hưu của Cửa hàng Tiếp thị và Cung ứng Côn Minh, bà đã bị kết án bảy năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 3 năm 2003. Trong khi bị cầm tù, bà đã bị quản lý nghiêm ngặt và phải ngồi trên một cái ghế đẩu nhỏ mỗi ngày trong gần hai năm.

Khi bị biệt giam, bà không được tắm rửa, giặt quần áo và chỉ được đi vệ sinh ba lần một ngày. Khi có kinh, nhà tù từ chối cho bà khăn giấy. Bà đã tuyệt thực để phản đối bức hại và bị lính canh tù tra tấn bằng hình thức bức thực.

Tháng 6 năm 2011, bệnh viện nhà tù xác nhận rằng bà Quách bị hoại tử vô mạch ở đầu xương đùi do bị gián đoạn cung cấp máu đến xương hông vì liên tục ngồi trên ghế.

Hai tháng sau, bà Quách bị thương ở vùng lưng dưới. Bà hoàn toàn bất động trước khi nhà tù thả bà theo diện điều trị y tế.

2. Không được giặt giũ, tắm rửa và thay quần áo

Các học viên từ chối từ bỏ tu luyện hoặc không hợp tác với các yêu cầu vô lý của lính canh thường xuyên bị biệt giam với thời gian có lúc lên đến nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm. Trong khi bị biệt giam, họ không được giặt giũ, tắm rửa, không được cấp nước sạch và vật dụng phụ nữ trong thời kỳ có kinh nguyệt. Một số học viên đã phát sinh các vấn đề phụ khoa do vệ sinh kém.

Trường hợp 1: Bác sỹ qua đời do bị thủng phổi sau nhiều năm biệt giam

Bà Thẩm Dược Bình, một bác sỹ chăm sóc tại Trung tâm Chăm sóc Mẹ và Trẻ ở thành phố Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam, đã qua đời lúc 11 giờ tối ngày 16 tháng 7 năm 2009. Khi đó bà mới 49 tuổi.

Tháng 12 năm 2004, bà bị kết án năm năm tù và bị ngược đãi trong tù. Để tẩy não bà, lính canh thay phiên nhau lăng mạ bà và mở những đoạn ghi âm phỉ báng Pháp Luân Công với âm lượng cao.

Trong 16 tiếng mỗi ngày bà phải ngồi trên giường không được đứng dậy. Lính canh không cho bà tắm, giặt quần áo, sử dụng các vật dụng phụ nữ và dùng nước trong thời kỳ kinh nguyệt. Lính canh đã xúi giục các tù nhân dùng kim đâm bà và bỏ thuốc không rõ nguồn gốc vào thức ăn của bà. Cuối cùng bà bị lao và ho suốt tám tháng mà không được điều trị y tế.

Tháng 6 năm 2009, gia đình bà nhận được thông báo thả bà để điều trị y tế. Thời điểm đó bà bị thủng phổi và ho thường xuyên. Sau khi được thả, bà được đưa vào Bệnh viện Số 3 ở Côn Minh và ở đây đến khi qua đời vào tối ngày 16 tháng 7.

Trường hợp 2: Bị rối loạn tâm thần sau khi biệt giam thời gian dài

Bà Phương Thế Mai làm việc cho một công ty thuốc lá ở Văn Sơn. Bà bị kết án năm năm tù vào năm 2003. Vì bà từ chối ký vào các biên bản từ bỏ đức tin nên lính canh đã biệt giam bà bốn lần với tổng thời gian một năm.

Trong phòng biệt giam, bà không được tắm, giặt quần áo và không được dùng các vật dụng phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt. Lính canh đã xúi giục các tù nhân đánh đập bà và ép bà ngồi trên một cái ghế đẩu nhỏ. Vì lính canh bỏ thuốc phá huỷ thần kinh vào thức ăn của bà nên bà nhanh chóng bị ảo tưởng và không phản ứng. Sau khi sức khoẻ của bà suy sụp, quản lý nhà tù đã thả bà để điều trị y tế và thông báo cho gia đình đón bà từ nơi biệt giam.

3. Không có nước sạch và vật dụng phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt

Để gây áp lực khiến học viên từ bỏ đức tin, quản lý nhà tù không cung cấp nước sạch cho học viên dùng trong thời kỳ kinh nguyệt lúc bị biệt giam. Các học viên không được dùng vật dụng phụ nữ và máu kinh nguyệt thấm vào quần của họ. Không có nước sạch, quần lót và quần của học viên liên tục bị dính đầy vết máu và bốc mùi. Kết quả là các học viên thường xuyên gặp nhiều vấn đề về bệnh phụ khoa.

Trường hợp 1: Bác sỹ bị ung thư tử cung sau khi được thả

Bà Vương Lam, một bác sỹ về hưu ở Côn Minh, đã bị biệt giam ba lần sau khi bị kết án tù bốn năm vào tháng 7 năm 2005. Lính canh không cho bà giặt giũ, tắm rửa, quần áo sạch, nước và các vật dụng phụ nữ. Sức khoẻ tinh thần và thể chất của bà suy sụp sau khi phải liên tục ngồi trên một cái ghế đẩu nhỏ và ăn thức ăn trộn thuốc phá huỷ thần kinh. Ngay sau khi được thả, bà bị chảy máu âm đạo bất thường và được chẩn đoán ung thư tử cung. Bà đã qua đời vào năm 2012.

Trường hợp 2: Bị tra tấn vô số lần và sống trong môi trường bẩn thỉu

Bà Triệu Phi Quỳnh, sinh năm 1970, là chủ một doanh nghiệp riêng. Bà bị bỏ tù ba lần và bị biệt giam, kỷ luật nghiêm ngặt, tiêm thuốc không rõ nguồn gốc và sốc điện với điện thế cao.

Sau khi bị bắt vào tháng 8 năm 2004, bà bị kết án bốn năm tù. Bà bị tra tấn bảy tháng trong khi biệt giam. Mỗi ngày bà bị lệnh phải ngồi trên giường suốt 16 giờ với hai tay đặt trên đầu gối. Các lính canh đánh đập bà mỗi khi bà cử động hay nói chuyện.

Trong bốn tháng bị kỷ luật nghiêm ngặt, bà không được giặt giũ hay tắm rửa. Bà chỉ được đi vệ sinh bốn lần một ngày. Trong thời kỳ kinh nguyệt, bà không chỉ không được cấp nước sạch và giấy mà còn phải đứng im trong khi máu kinh nguyệt chảy xuống dưới chân và lan ra đất. Bà bốc mùi kinh khủng khi chỉ có một ít thức ăn và một chai nước mỗi ngày.

4. Bị giới hạn nước uống và dùng nhà vệ sinh

Biết rằng không đủ nước sẽ gây ra các vấn đề về tuần hoàn và tiết niệu, nhà tù đã ra quy định rằng học viên bị lệnh ngồi trên một ghế đẩu nhỏ chỉ được một chai nước (0,5 đến 1 lít) mỗi ngày. Học viên chỉ được đi vệ sinh ba lần một ngày nếu lính canh cho phép.

Trường hợp 1: Bị đánh đập tàn bạo sau khi đi vệ sinh mà không xin phép

Bà Hà Liên Xuân ở huyện Mông Tự, tỉnh Vân Nam đã bị kết án tù ba lần từ khi cuộc bức hại bắt đầu. Hiện bà đang bị giam.

Tháng 10 năm 2009, khi bị đưa đến nhà tù để thụ án 10 năm, bà đã bị quản lý nghiêm ngặt hơn năm năm. Trong thời gian này bà bị ép ngồi trên ghế đẩu nhỏ trong thời gian kéo dài và không được tắm và giặt quần áo. Các lính canh đưa bà một chai nước mỗi ngày và ép bà mặc áo bó sát.

Để phản kháng, bà đã tuyệt thực hơn 20 lần và bị bức thực hơn 100 lần. Bà rơi vào tình trạng nguy kịch hai lần do bị bức thực. Sức khoẻ của bà suy giảm sau khi bị bạo lực và bức thực bằng thuốc phá huỷ thần kinh.

Trong 10 năm bị tù giam, gần như bà không được mua gì cả và trong một thời gian dài, bà không có giấy vệ sinh. Lính canh cấm bà dùng nhà vệ sinh trong một năm và bà chỉ có thể tự đi vệ sinh trong quần của mình. Bà cố không uống nước vào ban ngày và nhịn tiểu.

Một lần bà chạy vội vào nhà vệ sinh vì bà không thể chịu nổi nữa. Lính canh đã xúi giục các tù nhân khác lôi bà ra khỏi nhà vệ sinh và đánh đập bà. Một lần khác, bà đi tiểu vào một cái thùng rác. Hai tù nhân đánh đập bà trong khi nhúng đầu bà vào nước tiểu. Do phải nhịn tiểu trong phần lớn thời gian nên bà đã phát sinh các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu.

Trường họp 2: Y tá bị rối loạn tâm thần sau khi bị tra tấn

Bà Trương Lỗi từng là một y tá ở Tập đoàn Xây dựng Tân Cương trước khi nghỉ hưu ở tỉnh An Huy. Khi bà đến thăm con trai ở tỉnh Vân Nam vào ngày 31 tháng 5 năm 2008, cảnh sát đã bắt giữ bà và vô cớ kết án bà năm năm tù.

Việc hạn chế đi vệ sinh khiến bà thường xuyên tiểu trong quần và bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Bà từng ngã xuống đất vì đau bụng dữ dội sau khi bị từ chối cho dùng nhà vệ sinh.

Trong tù, bà bị treo lên bằng còng tay ba lần và phải ngồi trên ghế đẩu nhỏ. Vì liên tục ngồi trên ghế đẩu nhỏ nên thịt ở mông bị lộ ra ngoài và dập nát, quần rách, bị tăng huyết áp và sưng tấy nghiêm trọng ở phần dưới cơ thể.

Sau khi bị tiêm thuốc không rõ nguồn gốc, tinh thần của bà trở nên bất ổn định. Lính canh đã gửi bà trở về tỉnh An Huy và tuyên bố bà bị tâm thần phân liệt.

5. Bị ép nghe các đoạn ghi âm lăng mạ Pháp Luân Công với âm lượng cao

Để gây áp lực cực lớn lên các học viên và tẩy não để họ từ bỏ Pháp Luân Công, quản lý nhà tù đã mở các băng ghi âm lăng mạ Pháp Luân Công với âm lượng tối đa. Việc này đã phá huỷ tai của nhiều học viên và một số bị thủng màng nhĩ và bị điếc.

Trường hợp 1: Bị tra tấn đến khi mất thính lực và qua đời do bị suy tim

Bà Dương Minh Thanh là trưởng Trung tâm Huấn luyện Lâm nghiệp. Bà bị đưa vào tù vào năm 2005 và 2012 với tổng thời gian bảy năm. Khi ở trong tù, bà bị biệt giam bốn tháng và phải ngồi trên ghế đẩu nhỏ mỗi ngày, trong thời gian này bà không được tắm rửa, giặt quần áo, không được cấp nước sạch và vật dụng phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt.

Các lính canh đã mở băng ghi âm phỉ báng Pháp Luân Công với âm lượng tối đa từ sáng cho đến tối mỗi ngày. Việc lạm dụng tâm lý này và việc liên tục ngồi trên ghế đẩu nhỏ đã khiến bà bị huyết áp cao, hai chân sưng phồng, mưng mủ ở vùng đáy chậu và mất thính giác. Những chấn thương thể chất vẫn tồn tại sau khi bà được thả. Ngày 8 tháng 3 năm 2019, bà đã qua đời vì suy tim ở tuổi 67.

Trường hợp 2: Ngất xỉu và sau đó bị mất thính lực sau khi nghe băng ghi âm với âm lượng cực lớn

Bà Cố Chánh Phân là nhà phân tích hoá học ở thành phố Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam. Sau khi chính quyền kết án tù bà vào năm 2005, bà đã bị biệt giam và kỷ luật nghiêm ngặt vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Bà không được tắm hay giặt đồ. Bà không được cấp đồ dùng phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt.

Các lính canh đã đặt những cái loa phát băng ghi âm cách bà một bàn chân và mở ở mức tối đa. Bà thường xuyên bị ngất xỉu vì kiệt quệ và cuối cùng mất thính gác.

Kết quả của việc liên tục ngồi trên ghế đẩu nhỏ là bà bị cao huyết áp, nhịp tim bất thường, sưng phần thân dưới, suy tim và thận. Có lúc bà đã hấp hối và bệnh viện đã ra thông báo tình trạng nguy kịch.

6. Ngủ trên sàn bê tông, bị giới hạn nước sạch

Tháng 7 năm 2019, nhà tù đã thiết lập một ký túc xá kỷ luật nghiêm ngặt và chia cách tiếp cận kỷ luật nghiêm thành các cấp độ một, hai và kiểm tra. Ở cấp độ một, các học viên phải ngủ trên sàn bê tông quanh năm với một lớp đệm mỏng và chăn mỏng. Cửa sổ luôn luôn mở dù mùa đông hay mùa mưa. Các học viên chỉ được mặc một lớp đồ mỏng. Khí hậu ở thành phố Côn Minh hầu như ẩm ướt và mát lạnh vào ban đêm. Ngủ trên sàn bê tông thường xuyên dẫn đến viêm khớp dạng thấp.

Để tạo một môi trường vệ sinh tồi tệ bẩn thỉu gây khó chịu cho các học viên, lính canh thường xuyên giới hạn việc sử dụng nước của họ. Thông thường học viên chỉ có thể được tắm một lần một tuần trong năm phút, giặt quần áo cách tháng mỗi lần và giặt ga trải giường ba tháng một lần chỉ với một xô nước, vừa đủ để ngâm ga trải giường.

Các lính canh sẽ không cho học viên mua khăn giấy và vật dụng phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt. Các học viên bị ép phải sử dụng giấy cũ, đồ cũ hay cùng vật dụng phụ nữ trong nhiều tháng.

Trường hợp 1: Học viên hiện đang bị cầm tù không được dùng vật dụng phụ nữ trong nhiều năm

Bà Quảng Đức Anh ở thành phố Chiêu Thông bị kết án hai lần vào năm 2008 và 2020. Bà hiện đang bị kỷ luật nghiêm ngặt ở Khu số 2 nhà tù vì từ chối từ bỏ đức tin.

Trong nhiều năm bà phải ngồi trên ghế đẩu nhỏ và không được mua vật dụng phụ nữ. Bà phải xé quần áo cũ của mình để giữ sạch sẽ trong thời kỳ kinh nguyệt. Kết quả là bà không đủ quần áo mặc trong mùa đông.

Trường hợp 2: Hiện bị cầm tù và đã ngủ trên sàn bê tông hơn một năm

Bà Hà Lỵ Xuân là một kỹ sư ở Bộ Xây dựng Số 14 Tỉnh Vân Nam. Bà đã bị kết án bảy năm vào năm 2018 và hiện bị giam trong tù. Bắt đầu từ tháng 11 năm 2009, bà bị kỷ luật nghiêm mức độ 1 vì từ chối từ bỏ đức tin của mình.

Mỗi tối bà ngủ trên sàn bê tông lạnh với chiếc chiếu và chăn bông mỏng. Vào mùa đông cửa sổ vẫn mở và bà chỉ mặc một lớp áo trên người. Bà phải ngồi trên ghế đẩu nhỏ từ 6 giờ sáng đến nửa đêm mỗi ngày và chỉ được nghỉ bốn lần để đi vệ sinh. Mỗi ngày lính canh chỉ cho bà ba cốc nước và ít thức ăn.

Bà chỉ tắm mỗi tuần một lần trong năm phút và giặt quần áo cách tuần một lần. Bà phải lau nhà vệ sinh và các khu vực công cộng khác. Nếu bà từ chối làm những việc này thì sẽ bị lính canh trừng phạt bằng cách không cho bà rửa bát thức ăn hoặc đi vệ sinh.

Sau khi từ chối tuân theo các quy định vô lý của nhà tù để được mua đồ, hiện bà đang sống thiếu thốn vật dụng hàng ngày. Bà phải mặc quần áo dính máu trong thời kỳ kinh nguyệt.

Bài liên quan:

Phương thức tra tấn được sử dụng tại Nhà tù Nữ Số 2 Vân Nam – ngồi trên ghế đẩu nhỏ

Những trường hợp tử vong và tra tấn học viên Pháp Luân Công trong Nhà tù Nữ Số 2 Vân Nam

“Kỷ luật nghiêm khắc” đối với các học viên Pháp Luân Công trong Nhà tù nữ số 2 Vân Nam

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/4/429110.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/10/20/196239.html

Đăng ngày 11-11-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share