Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở hải ngoại

[MINH HUỆ 21-12-2021] Gần đây, nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế 10 tháng 12 (năm 2021), học viên Pháp Luân Công tại 36 quốc gia đã đệ trình lên chính phủ nước sở tại danh sách mới về những thủ phạm liên quan đến cuộc bức hại học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Theo đó các học viên yêu cầu chính phủ cấm những thủ phạm và các thành viên gia đình họ nhập cảnh và đóng băng tài sản của họ ở nước sở tại.

Trong 36 quốc gia này có 5 nước thuộc Liên minh Ngũ Nhãn (Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Australia và New Zealand), 23 nước thuộc Liên minh Châu Âu (Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan, Bỉ, Thụy Điển, Áo, Ireland, Đan Mạch, Phần Lan, Czechia, Romania, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Hungary, Slovakia, Luxembourg, Bulgaria, Croatia, Slovenia, Estonia và Malta) và 8 nước khác (Nhật Bản, Nam Hàn, Indonesia, Thụy Sỹ, Na Uy, Liechtenstein, Israel và Mexico).

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ năm 1999. Trong cuộc bức hại này, nhiều học viên đã bị tra tấn đến chết và bị mổ cướp nội tạng. Gần đây, các học viên đã gửi nhiều danh sách những thủ phạm bức hại đến các quốc gia khác nhau, yêu cầu áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những kẻ vi phạm nhân quyền này. Lần đệ trình này đánh dấu lần đầu tiên quốc gia Estonia tham gia vào nỗ lực này.

Thứ Trưởng Bộ Công an kiêm Cục Trưởng Cục 1 có tên trong danh sách thủ phạm bức hại lần này.

Thông tin cá nhân của thủ phạm

Họ tên đầy đủ: Trần Tử Nguyên (tên tiếng Trung 陈思源)

Giới tính: Nam

Quốc tịch: Trung Quốc

Ngày tháng năm sinh: Tháng 11 năm 1961

Nơi sinh: Thành phố Hàm Sơn, tỉnh An Huy

Chức vụ

Trước năm 2015:

  • Chính ủy Phân cục Triều Dương thuộc Cục Công an Thành phố Bắc Kinh
  • Trưởng Đồn Công an Nam Ma Bàng
  • Trưởng Đồn Công an Đại Truân
  • Phó Cục trưởng Phân cục Triều Dương
  • Bí thư đảng ủy kiêm Phó Cục trưởng Phân cục Tuyên Vũ
  • Ủy viên Ban thường vụ Quận ủy Tuyên Vũ
  • Bí thư Đảng ủy kiêm Cục trưởng Phân cục Tuyên Vũ
  • Bí thư Đảng ủy kiêm Cục trưởng Phân cục Tây Thành thuộc Cục Công an Thành phố Bắc Kinh

Từ tháng 12 năm 2015 đến tháng 8 năm 2017: Ủy viên Đảng ủy kiêm Phó Cục trưởng Cục Công an Thành phố Bắc Kinh

Từ tháng 8 năm 2017 đến hết tháng 1 năm 2019:Phó Bí thư Ủy ban Pháp luật và Chính trị Thành ủy Thành phố Bắc Kinh, Phó Chủ nhiệm Ban Thường vụ Văn phòng An ninh Quốc gia Thành phố, Chủ nhiệm Văn phòng Duy trì Ổn định Thành phố.

Từ tháng 2 năm 2019 đến tháng 8 năm 2019:Cục trưởng Cục Công an thuộc Bộ Công An kiêm Cục trưởng Cục Phản tà giáo (Cục 26, tức Phòng 610 của Bộ Công an)

Từ tháng 8 năm 2019 đến tháng 6 năm 2021: Ủy viên Đảng ủy Bộ Công an, trợ lý Bộ trưởng, Cục trưởng Cục Công an

Từ tháng 6 năm 2021 đến nay: Ủy viên Đảng ủy Bộ Công an, Thứ trưởng kiêm Bí thư đảng ủy Cục 1, Cục trưởng Cục 1, cảnh hàm Phó Tổng cảnh giám.

Tội ác chủ yếu

Cục 1 thuộc Bộ Công an, tiền thân là Cục Bảo vệ Chính trị, đóng vai trò quan trọng trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ kể từ tháng 7 năm 1999. Các quan chức và cảnh sát cấp dưới đã tham gia hoặc dàn xếp các vụ bắt bớ, lục soát nhà cửa và truy tố oan sai đối với học viên Pháp Luân Công.

Trần Tử Nguyên được bổ nhiệm làm cục trưởng của Cục 1 Bộ Công an vào tháng 2 năm 2019. Ông ta là công cụ trong việc lên kế hoạch và chỉ đạo hệ thống công an trên toàn quốc bức hại Pháp Luân Công.

Năm 2020, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, Phòng 610 và Bộ Công an đã ban hành chỉ thị “Xóa sổ“ nhằm buộc các học viên có trong danh sách đen của chính phủ từ bỏ đức tin của mình.

Để thực hiện chỉ thị này, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, Phòng 610, cán bộ cộng đồng và công an ở nhiều khu vực khác nhau đã tìm đến các học viên có tên trong danh sách này và ra lệnh cho họ viết “Tam thư” (thư hối cải, thư cam đoan và thư vạch trần) để chứng minh rằng họ đã từ bỏ đức tin của mình. Nếu học viên nào từ chối, nhân viên công quyền sẽ uy hiếp họ, chẳng hạn như: “Nếu ông/bà không ký [tam thư], ông/bà sẽ biến mất”. Họ còn đe dọa bắt bớ, giam giữ, bỏ tù, đình chỉ lương hưu và gây ảnh hưởng đến sinh kế của con cháu các học viên. Một số người thân trong gia đình của học viên bị chính quyền bắt làm con tin để buộc họ ký tên vào tam thư. Thậm chí con cái của họ còn bị bắt ký tên thay cho họ.

Nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc đã khởi xướng các biện pháp khuyến khích đặc biệt để dụ dỗ công chúng tố giác những học viên Pháp Luân Công nào đang giảng rõ sự thật và nâng cao nhận thức về cuộc bức hại. Tại tỉnh Quảng Đông và Hải Nam, chính quyền treo thưởng lên đến 100.000 Nhân dân tệ cho những ai tố giác hàng xóm nào là học viên Pháp Luân Công. Trong chiến dịch “Xóa sổ“ năm 2020, ít nhất 88 học viên bị tra tấn đến chết, 615 bị kết án tù và 15.235 bị bắt giữ hoặc sách nhiễu.

Là người phụ trách tối cao của Cục An ninh Quốc gia Bộ Công an, Trần Tử Nguyên phải chịu trách nhiệm cho những tội ác bức hại Pháp Luân Công trên khắp đất nước trong suốt nhiệm kỳ của ông ta.

Những tội ác của Trần Tử Nguyên trong thời gian nhậm chức ở chính quyền trung ương

Tội ác trong năm 2019

Trước đại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ĐCSTQ, đánh dấu 70 năm cầm quyền, vào tháng 10 năm 2019, chính quyền đã thực hiện các vụ bắt giữ hàng loạt trên khắp đất nước. Rất nhiều học viên Pháp Luân Công tại các thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân và các tỉnh Hà Bắc, Sơn Đông, Tứ Xuyên, Cát Lâm, Liêu Ninh, Hắc Long Giang, Hà Nam, Hồ Bắc, Quảng Đông, Giang Tô, An Huy, Hồ Nam và Giang Tây trở thành mục tiêu bị bức hại.

Tại thành phố Tứ Bình, tỉnh Cát Lâm, Cục Công an xem chỉ thị này là một “nhiệm vụ chính trị” và xây dựng thang điểm để “luận công ban thưởng” cho những cảnh sát tham gia bức hại. Ai bắt được học viên Pháp Luân Công sẽ được thưởng 10 điểm, trong khi bắt các tội phạm thật sự chỉ được 1 điểm.

Theo số liệu thống kê từ Minh Huệ Net, trong năm 2019, có 6.109 học viên bị bắt, 3.582 trường hợp bị sách nhiễu, 383 bị bắt đến trung tâm tẩy não và 3.124 trường hợp bị lục soát nhà cửa.

Ngày 17 tháng 4 năm 2019, hàng trăm cảnh sát được điều động đến thành phố Bạc Châu, tỉnh An Huy. Mười học viên Pháp Luân Công trong gia đình họ Vương bị bắt giữ, gồm bà Vương Ngọc Lan, 5 người con gái, 3 người con rể và cháu trai 12 tuổi. Ngày 5 tháng 12, bốn người con gái bị xét xử và bị kết án 7,5 năm tù giam cùng với 50.000 Nhân dân tệ tiền phạt.

Ngày 30 tháng 8 năm 2019, hơn 100 học viên Pháp Luân Công tại thành phố Nam Dương, tỉnh Hà Nam bị bắt giữ, nhiều người trong số họ còn bị lục soát nhà cửa, và 60 học viên bị đưa đến trung tâm tẩy não ngay trong đêm đó.

Các học viên là mục tiêu bức hại trong năm 2019 bao gồm 707 người từ 65 tuổi trở lên, trong đó có 205 người ở tuổi 80-90. Ông Vương Thiệu Thanh, người tỉnh Hồ Bắc, bị bắt giữ khi đang nói với mọi người về Pháp Luân Công tại một công viên. 12 học viên khác cũng bị bắt giữ, trong đó có ông Châu Tú Vũ 79 tuổi.

Trong năm 2019, 96 học viên qua đời sau khi bị bắt, bị giam giữ, bị tra tấn hoặc bị cưỡng bức sử dụng thuốc, trong đó có 19 người chết khi đang bị cầm tù. Các học viên đã chết bao gồm công chức, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau, cán bộ khoa học kỹ thuật, hiệu trưởng trường học, nhà giáo ưu tú, công an, cựu quân nhân, bác sỹ, giám đốc bệnh viện và giám đốc nhà máy.

Ông Dương Thắng Quân ở thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị bắt vào ngày 2 tháng 8 năm 2019. Chỉ hơn một tuần sau đó, vào ngày 11 tháng 8, ông đã qua đời. Trại tạm giam đã nói với gia đình ông rằng vào sáng hôm đó ông bị ói ra máu ở trong trại và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung tâm Giai Mộc Tư. Gia đình ông phải trả viện phí 30.000 Nhân dân tệ.

Ông Hà Lập Phương, 45 tuổi, người huyện Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, bị bắt vào tháng 5 và chết trong trại giam vào ngày 2 tháng 7. Gia đình phát hiện vết khâu trên ngực và vết rạch trên lưng của ông. Cảnh sát nói rằng đó là do khám nghiệm tử thi, nhưng gia đình nghi ngờ ông đã bị giết để lấy nội tạng.

Bà Bạch Xuân Hoa, 63 tuổi ở tỉnh Hà Nam bị bắt và bị lục soát nhà cửa vào ngày 8 tháng 12 năm 2019. Chiều hôm sau, cảnh sát báo cho gia đình bà biết rằng bà đang ở trong phòng cấp cứu. Lúc người nhà đến, bà Bạch đã rơi vào hôn mê. Kết quả kiểm tra của bệnh viện cho thấy bà bị gãy 5 xương sườn. Người nhà còn thấy nhiều vết thương quanh miệng và vết bầm ở cổ tay bà. Đến sáng ngày 14 tháng 12 năm 2019, bà Bạch Xuân Hoa đã qua đời.

Tội ác trong năm 2020

ĐCSTQ vẫn bức hại tàn khốc Pháp Luân Công bất chấp đại dịch virus corona (viêm phổi Vũ Hán) đang bùng phát. Các vụ bắt bớ, sách nhiễu, tra tấn, lấy máu bất hợp pháp và kết án tù vẫn xảy ra trên khắp cả nước. Theo số liệu thống kê của Minh Huệ Net, trong năm 2020, có 8.576 trường hợp bị sách nhiễu, 537 người bị cưỡng chế tham gia lớp tẩy não và 3.588 trường hợp bị lục soát nhà cửa. Cuộc bức hại trải rộng trên 304 thành phố và 29 tỉnh, các vùng tự trị và các thành phố trực thuộc trung ương. Tổng cộng 1.188 học viên mục tiêu của cuộc bức hại là những người từ 65 tuổi trở lên, trong đó có 17 người trên 90 tuổi và người lớn nhất 94 tuổi.

Trong hai ngày 10 và 11 tháng 7 năm 2020, Cục Công an Thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh đã điều động hàng chục cảnh sát đi bắt giữ học viên Pháp Luân Công trên toàn thành phố. Có ít nhất 30 học viên và gia đình của họ đã bị bắt và nhà cửa bị lục soát. Một số người ở độ tuổi 90. Hơn 3 triệu Nhân dân tệ tiền mặt bị tịch thu. Vào tháng 12 năm 2020, 7 học viên bị kết án tù gồm Đỗ Vĩnh Phong 9 năm, Trương Xuân Phượng 7 năm, Phạm Vĩnh Mai 4 năm, Trương Lệ Bình 4 năm, Hà Vĩnh Cầm 3 năm, Vi Đạt và chồng là Sơ Chánh Kiệt mỗi người 1 năm tù.

Trong số 84 học viên Pháp Luân Công đã qua đời do cuộc bức hại trong năm 2020, 21 người bị tra tấn đến chết trong tù, trại giam, đồn công an và trụ sở ủy ban thôn.

Bà Trương Chí Ôn bị cảnh sát của Cục Công an Thành phố Vũ Châu, tỉnh Hà Nam bắt giữ vào ngày 13 tháng 5 năm 2020, khi đang phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Chồng bà Trương tìm cách mang quần áo và insulin điều trị tiểu đường cho bà vào trại tạm giam nhưng bị trại giam từ chối. Sáng ngày 17 tháng 5, khi gia đình gọi cho cảnh sát để hỏi thăm về bà thì được cho biết là bà đã chết. Trại tạm giam đưa thi thể của bà đến nhà tang lễ để hỏa táng mà không thông báo cho chồng bà.

Bà Lý Linh ở thôn Đại Trương Gia, tỉnh Sơn Đông, đã bị bắt giữ tại nhà vào ngày 28 tháng 6. Ngày 13 tháng 7, bà bị đánh đập đến chết. Cán bộ thôn buộc gia đình bà phải đưa thi thể bà đi hỏa táng ngay ngày hôm đó. Gia đình cho biết khuôn mặt bà bị biến dạng và thân thể có nhiều vết bầm.

Bác sỹ Vương Thục Khôn, 66 tuổi, người tỉnh Hắc Long Giang, đã bị lừa đến nơi làm việc vào cuối tháng 6 năm 2020. Tại đây, cảnh sát ra lệnh cho bà viết “tam thư”. Họ còn tìm cách buộc bà khai man rằng chồng bà, ông Vu Hiểu Bằng, cũng là học viên Pháp Luân Công, mặc dù sự thật không phải vậy. Vì bà Vương không làm theo, nên họ đã đánh đập bà đến thâm tím và gãy xương bánh chè. Mấy tiếng sau, khó khăn lắm bà mới về được đến nhà. Tối ngày 1 tháng 7, bà bắt đầu xuất hiện những triệu chứng xuất huyết não, chóng mặt, buồn nôn. Bà đã qua đời vào ngày hôm sau.

Tội ác trong năm 2021

Theo số liệu thống kê của Minh Huệ Net, vào tháng 1 năm 2021, 1.216 học viên bị bắt giữ và bị sách nhiễu, 36 trường hợp bị đưa đến các trung tâm tẩy não, 7 trường hợp bị tra tấn đến chết và 169 trường hợp bị lục soát nhà cửa. Từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2021, có ít nhất 2.857 học viên bị bắt và bị sách nhiễu. Đặc biệt, có 1.090 người bị bắt giữ, 1.767 bị sách nhiễu và 501 trường hợp nhà cửa bị lục soát phi pháp.

Từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2021, có ít nhất 39 học viên bị bức hại đến chết. Tháng 7 năm 2019, bà Mao Khôn, người ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên bị bắt giữ. Đến tháng 12 năm 2020, bà bị kết án 11,5 tù giam. Ngày 11 tháng 4 năm 2021, bà bị tra tấn đến chết trong trại giam.

Bà Lý Thái, 75 tuổi, người tỉnh Thiểm Tây, cùng các con trai của bà là Viên Quang Vũ và Viên Huy Vũ, con dâu và cháu nội đều tu luyện Pháp Luân Công. Vào ngày 29 tháng 11 năm 2020, bà Lý qua đời do áp lực sách nhiễu liên tục và đe dọa của cảnh sát. Ngày 18 tháng 12, Viên Huy Vũ bị kết án 3 năm tù. Ngày 3 tháng 2 năm 2021, con dâu lớn của bà là cô Trương Thúy Thúy qua đời khi đang sống xa nhà để tránh cuộc bức hại.

Tội ác của Trần Tử Nguyên trong suốt nhiệm kỳ tại Bắc Kinh

Trần Tử Nguyên công tác trong hệ thống công an Bắc Kinh trong hơn một thập kỷ. Tháng 12 năm 2015, ông ta nhậm chức Phó Cục trưởng Cục Công an Thành phố Bắc Kinh. Tháng 8 năm 2017, ông ta giữ chức Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Thành phố Bắc Kinh kiêm Phó Chủ nhiệm Ban thường vụ Phòng An ninh Quốc gia Thành phố, Chủ nhiệm Phòng Duy trì Ổn định Thành phố.

Trong khi tại nhiệm những chức vụ trên, Trần Tử Nguyên rất tích cực tham gia vào cuộc bức hại. Cũng trong giai đoạn này, nhiều học viên tại Bắc Kinh đã bị bức hại đến chết, bao gồm Hứa Tú Hồng, Văn Mộc Lan, Giả Ngọc Bình, Liễu Diễm Mai, Đỗ Văn Cách, Lý Tú Hồng, Hầu Tuấn Văn, Ngao Thụy Anh và Lý Cương. Nhiều học viên khác bị bắt, bị giam giữ, sách nhiễu và bị kết án tù.

Năm 2016, 353 học viên tại Bắc Kinh bị bức hại ở nhiều mức độ khác nhau. Trong số đó, 53 người bị kết án, 245 bị bắt và bị giam tại các trại tạm giam hoặc trung tâm tẩy não và 58 trường hợp bị sách nhiễu, bị đe dọa và nhà cửa bị lục soát.

Năm 2017, có ít nhất 68 học viên bị kết án hoặc bị xét xử; 254 người bị bắt và 269 trường hợp bị sách nhiễu.

Năm 2018, 38 học viên bị kết án, 131 người bị bắt, 6 người bị đưa đến các trung tâm tẩy não, 128 trường hợp bị sách nhiễu và 36 trường hợp bị quản thúc tại nơi cư trú.

Sau đây là một số trường hợp học viên tử vong trong nhiệm kỳ của Trần Tử Nguyên tại Bắc Kinh.

1. Bà Hứa Tú Hồng

Ngày 21 tháng 1 năm 2016, bà Hứa Tú Hồng bị bắt tại quận Thông Châu, thành phố Bắc Kinh và bị giam giữ trong ba tháng. Sau khi trở về nhà, bà xuất hiện các triệu chứng trúng độc và thường xuyên lên cơn hoảng loạn. Sức khỏe của bà nhanh chóng suy yếu. Bà qua đời vào ngày 2 tháng 4 năm 2017 ở tuổi 40.

2. Bà Lôi Huệ Cầm

Ngày 20 tháng 4 năm 2016, bà Lôi Huệ Cầm bị bắt giữ và nhà bà bị công an lục soát. Họ tịch thu đồ đạc cá nhân của bà bao gồm máy in và máy tính. Bà Lôi bị tạm giam tại trại tạm giam Hoài Nhu trong một tháng. Cuộc bức hại gây ra tổn hại lớn đến sức khỏe của bà, khiến bà đổ bệnh. Vào tháng 5 năm 2017, nhân viên cảnh sát Vạn Tử Hải gọi điện sách nhiễu bà trong chiến dịch “Gõ cửa“. Cuối tháng 8 năm 2017, bà qua đời ở tuổi 60.

3. Bà Văn Mộc Lan

Ngày 14 tháng 10 năm 2017, bà Văn Mộc Lan, 75 tuổi, bị bắt giữ vì đã nói chuyện với mọi người về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Bà bị giam tại trại tạm giam Huyện Mật Vân. Bà đã tuyệt thực để phản bức hại.

Sau hai tháng tuyệt thực, bà bị phù nề toàn thân và trong tình trạng nguy kịch. Khi chồng bà từ chối đón bà, trại tạm giam đã tìm một học viên Pháp Luân Công địa phương đến đón bà. Người học viên này phát hiện bà Văn xuất hiện triệu chứng bị trúng thuốc độc.

Do bị ĐCSTQ đe dọa và sách nhiễu, chồng bà Văn đã sợ hãi nên không cho bà trở về nhà. Bà Văn phải ở nhà một người bạn và qua đời vào sáng ngày 27 tháng 2 năm 2018.

4. Bà Liễu Diễm Mai

Tháng 11 năm 2016, bà Liễu Diễm Mai ở quận Thuận Nghĩa bị bắt giữ vì đã mời mọi người đến tham dự buổi xét xử một học viên Pháp Luân Công. Bà bị còng tay và cùm chân ở trong trại tạm giam Thông Châu. Việc tra tấn vô nhân đạo ở trong trại đã khiến thân thể bà bầm tím. Họ kéo tóc bà khiến cho da đầu bị nhiễm trùng. Tháng 7 năm 2017, bà bị kết án 4 năm tù giam. Ngày 12 tháng 11 năm 2018, bà bị tra tấn đến chết. Khi đó bà 52 tuổi.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/12/21/435119.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/12/28/197196.html

Đăng ngày 21-01-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share