Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ bên ngoài Trung Quốc

[MINH HUỆ 23-12-2021] Các học viên Pháp Luân Công ở 36 quốc gia gần đây đã đệ trình với chính quyền nước sở tại của họ danh sách mới những thủ phạm liên quan đến cuộc bức hại các học viên tại Trung Quốc. Các danh sách đã được đệ trình vào khoảng ngày 10 tháng 12 năm 2021, Ngày Nhân quyền Quốc tế. Các học viên yêu cầu chính quyền nước sở tại của họ thực hiện các lệnh trừng phạt đối với các thủ phạm bao gồm việc cấm thủ phạm và các thành viên gia đình của họ nhập cảnh và đóng băng tài sản của họ ở nước ngoài.

36 quốc gia bao gồm Liên minh tình báo (Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Úc và New Zealand), 23 quốc gia trong Liên minh Châu Âu (Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan, Bỉ, Thụy Điển, Áo, Ireland, Đan Mạch, Phần Lan, Cộng Hòa Séc, Romania, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Hungary, Slovakia, Luxembourg, Bulgaria, Croatia, Slovenia, Estonia và Malta) và 8 quốc gia khác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thụy Sĩ, Na Uy, Liechtenstein, Israel và Mexico).

Pháp Luân Công, còn được biết đến với tên gọi Pháp Luân Đại Pháp, đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ tháng 7 năm 1999 (bao gồm việc tra tấn các học viên đến chết và cưỡng bức mổ cướp nội tạng). Các học viên gần đây đã gửi danh sách thủ phạm đến các quốc gia khác nhau để yêu cầu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các thủ phạm vi phạm nhân quyền này. Lần đệ trình danh sách thủ phạm mới nhất đánh dấu lần đầu tiên Estonia tham gia vào nỗ lực này.

Kha Lương Đống, cựu Phó chủ nhiệm Phòng 610 Trung ương có tên trong danh sách này.

Thông tin về thủ phạm

Tên họ đầy đủ của thủ phạm: Kha (họ) Lương Đống (tên) (柯良栋)

Giới tính: Nam

Quốc tịch: Đại Dã, tỉnh Hồ Bắc, CHND Trung Hoa (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa)

Ngày tháng năm sinh: tháng 7 năm 1963

2021-12-21-205742-1.jpg

Chức vụ:

Tháng 7/1989: Gia nhập Cục Pháp chế Bộ Công an.

2005: Được bổ nhiệm chức Cục trưởng Cục Pháp chế Bộ Công an.

Tháng 4 năm 2009 – tháng 5 năm 2014: Giữ chức vụ Phó Giám đốc Công an Tỉnh Chiết Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hàng Châu, Giám đốc Công an kiêm Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Thành phố.

Tháng 6 năm 2014 – tháng 3 năm 2018: Được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Phòng 610 Trung ương cho đến khi Phòng 610 Trung ương bị bãi bỏ

Tháng 4 năm 2018: Phó tổng thư ký của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc

Hiện tại: Phó chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)

Vào ngày 10 tháng 6 năm 1999, ĐCSTQ đã thành lập một tổ chức chuyên trách thực hiện việc bức hại Pháp Luân Công với tên gọi là “Tổ chức lãnh đạo xử lý các vấn đề về Pháp Luân Công của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.” Tổ chức thường được gọi là Phòng 610 vì được thành lập vào ngày 10 tháng 6.

Phòng 610 chịu trách nhiệm về các hoạt động đàn áp các học viên Pháp Luân Công hàng ngày tại Trung Quốc. Phòng 610 có liên quan đến mọi cơ quan chính quyền tại Trung Quốc-tổ chức kiểm soát và điều động lực lượng Bộ Công an (cảnh sát), Viện kiểm sát, tòa án, quân đội, đặc vụ, ngoại giao, hệ thống giáo dục, cơ sở y tế và bộ máy tuyên truyền của nhà nước để bức hại Pháp Luân Công. Tổ chức thiết lập một hệ thống hoạt động độc lập và kiểm soát chặt chẽ mọi thứ từ trung ương đến địa phương trên phạm vi toàn xã hội. Tổ chức giám sát và kiểm soát mọi người và mọi khía cạnh của xã hội. Mục đích là thực hiện tội ác diệt chủng đối với các học viên Pháp Luân Công.

Tội ác chính

Kha Lương Đống đã phục vụ lâu năm trong ngành Công an, nơi đã từng ở tuyến đầu của cuộc bức hại. Ông ta tuân thủ theo mệnh lệnh của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân trong việc thực hiện cuộc bức hại, đặc biệt là trong nhiệm kỳ làm phó chủ nhiệm Phòng 610 Trung ương từ tháng 6 năm 2014 đến tháng 3 năm 2018. Ông ta đã thực thi chính sách diệt chủng của ĐCSTQ nhằm tiêu diệt Pháp Luân Công. Theo thống kê, 4.706 học viên Pháp Luân Công được xác nhận là đã bị bức hại đến chết tính đến tháng 11 năm 2021, với ít nhất 282 người đã qua đời trong nhiệm kỳ của Kha.

Là Phó chủ nhiệm Phòng 610, Kha biết rõ về điều đó và do vậy phải chịu trách nhiệm về tất cả các chính sách, kế hoạch và việc thực thi được xây dựng để bức hại Pháp Luân Công cũng như hậu quả của cuộc bức hại được thực hiện trong nhiệm kỳ của mình. Điều này bao gồm tác động trực tiếp và gián tiếp đến cuộc bức hại.

Một số tội ác bức hại trong nhiệm kỳ của Kha với tư cách là Cục trưởng Cục Pháp chế Bộ Công an giai đoạn từ năm 2005 đến 2009

Vào ngày 28 tháng 2 năm 2006, Bộ Công an đã tổ chức một cuộc họp báo tại Bắc Kinh về “Luật xử phạt hành chính Công an” sẽ được chính thức thi hành vào ngày 1 tháng 3. Khi một phóng viên hỏi luật sẽ kiểm soát Pháp Luân Công như thế nào, Kha, khi đó là Cục trưởng của Cục Pháp chế Bộ Công an, đã diễn giải sai luật, tuyên bố rằng những người tu luyện Pháp Luân Công có thể bị đưa đến các trại cải tạo lao động “theo quy định của pháp luật”. Ông ta cũng chỉ đạo trang mạng Sina.com, một trang mạng tin tức lớn, công bố câu trả lời của ông cho các câu hỏi của các phóng viên và công khai ý định leo thang trong cuộc bức hại của ông ta. Tiêu đề của bài báo là “Bộ Công an: Xử phạt hoặc cải tạo lao động sẽ được áp dụng đối với bất kỳ ai tham gia vào các hoạt động của Pháp Luân Công.”

Một số tội ác bức hại với tư cách là Phó chủ nhiệm Phòng 610 Trung ương giai đoạn từ tháng 6 năm 2014 đến tháng 3 năm 2018

Tội ác bức hại trong năm 2014

Vào năm 2014, theo chỉ thị của Phòng 610, nhiều vụ bắt giữ và lục soát nhà của các học viên đã diễn ra gần như hàng ngày tại Trung Quốc. Theo thống kê từ trang Minh Huệ, số học viên Pháp Luân Công bị bắt trong năm 2014 là 6.415 người, tăng 29,8% so với năm trước (4.942).

Vào ngày 9 tháng 6 năm 2014, Phòng 610 ở Nội Mông đã ban hành “Tài liệu mật số 2014”, yêu cầu “thông tin cơ bản về các học viên Pháp Luân Công” và thu thập thông tin cho đợt bức hại tiếp theo. Theo một tài liệu mật do Phòng 610 Trung ương và Bộ Công an ban hành, tất cả các Phòng 610 trực thuộc trên toàn quốc được lệnh thu thập thông tin về các học viên Pháp Luân Công tại địa phương.

2021-12-21-205742-0.jpg

Vào ngày 18 tháng 7 năm 2014, 29 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt tại thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm. Vào ngày 2 tháng 9, hơn 30 học viên Pháp Luân Công và các thành viên trong gia đình của họ đã bị bắt tại thành phố Thông Hóa, tỉnh Cát Lâm. Công an Tỉnh Giang Tô và Phòng 610 trực tiếp chỉ đạo và giám sát Công an Thành phố Liên Vân Cảng và chịu trách nhiệm về vụ bắt giữ hơn 100 học viên vào ngày hôm đó.

Vào ngày 7 tháng 8 năm 2014, bà Trương Thục Hiền, 53 tuổi, bị cảnh sát từ Phòng An ninh Nội địa Thành phố Đồ Môn, tỉnh Cát Lâm bắt giữ. Bà bị tra tấn đến chết trong vòng 24 giờ. Người nhà quan sát thấy cơ thể bà có nhiều vết bầm tím và vết thương sẫm màu từ dưới ngực đến đùi. Da xung quanh đùi bị rách và có những vết bỏng do gậy điện xung quanh bộ phận sinh dục của bà. Ngoài ra, trên lưng bà còn có các vết máu. Bác sỹ khám nghiệm tử thi kết luận rằng cái chết của bà là do bị tra tấn.

Theo trang Minh Huệ, gần 1.000 học viên bị bắt vào năm 2014 đã bị nhân viên Phòng 610 giam giữ trong 158 “nhà lao hắc ám” (trung tâm tẩy não).

Vào ngày 9 tháng 9 năm 2014, bà Thôi Chiêm Vân đã bị cảnh sát từ Văn phòng An ninh Nội địa ở Du Thụ, tỉnh Cát Lâm, bắt giữ. Bà bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Du Thụ vào ngày 12 tháng 9. Bà bị ép sử dụng một loại thuốc không rõ nguồn gốc khiến bà cảm thấy khó chịu. Cánh tay, cổ và lưng của bà cảm thấy đau nhức và thậm chí cả xương của bà cũng bị đau. Bà không thể ăn uống. Bà đã qua đời vào ngày 3 tháng 11 năm 2014.

Năm 2014, 983 học viên Pháp Luân Công đã bị đưa ra xét xử, tăng 23,5% so với 796 người vào năm 2013, với 635 người trong số họ bị kết án. Ít nhất 65 học viên đã bị kết án từ bảy năm tù trở lên, với mức án tối đa là 12 năm.

Ngoài ra, 91 học viên đã bị bức hại đến chết vào năm 2014. Một trong số họ là ông Vương Hải Kim, một chủ tiệm bánh ở thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc. Vào ngày 22 tháng 4 năm 2014, ông đã bị bắt và bị đưa đến Trại tạm giam Phủ Ninh. Trong ba tháng bị giam giữ, ông bị đánh đập, bức thực, cưỡng bức lao động không công và bị lạm dụng tình dục. Vào ngày 9 tháng 10 năm 2014, ông đã qua đời ở tuổi 46, để lại vợ và hai con thơ dại.

Tội ác bức hại trong năm 2015

Theo thống kê từ trang Minh Huệ, đã có ít nhất 19.095 vụ học viên Pháp Luân Công từ 30 tỉnh và thành phố bị bắt, bị lục soát nhà hoặc bị sách nhiễu trong năm 2015.

Tổng cộng 878 học viên Pháp Luân Công đã bị kết án vào năm 2015. Người trẻ nhất là cô Biện Hiểu Huy, 23 tuổi, ở tỉnh Hà Bắc. Người cao tuổi nhất là bà Liệu An An ở Cam Túc, 80 tuổi và ông Vương Gia Quốc, 81 tuổi, ở Liêu Ninh.

Vào ngày 11 tháng 7 năm 2015, cảnh sát từ Văn phòng An ninh Nội địa Quận Song Thành của thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, đã bắt giữ hơn 80 học viên. Bốn trong số họ đã bị kết án.

Vào năm 2015, 95 học viên đã bị tra tấn đến chết và 8 người trong số họ đã qua đời trong các nhà tù. Ông Đổng Hán Kiệt là một kỹ sư cao cấp ở tỉnh Hà Bắc. Ông bị Tòa án Thành phố Trác Châu kết án 5 năm tù giam vào ngày 11 tháng 2 năm 2015. Vào khoảng ngày 16 tháng 8, khi gia đình đến trại tạm giam để thăm ông, ông đã bị đưa đến nhà tù Kí Đông. Trong vòng chưa đầy hai tháng, vào ngày 10 tháng 10 năm 2015, ông đã qua đời ở tuổi 62 do bị tra tấn.

Tội ác bức hại trong năm 2016

Vào năm 2016, ĐCSTQ tiếp tục thực hiện các chính sách diệt chủng của mình để tiêu diệt các học viên Pháp Luân Công: “Bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể” và “Sát hại các học viên Pháp Luân Công không tính là giết người mà được coi là tự sát”.

Vào ngày 24 tháng 1 năm 2016, Phòng 610 Trung ương đã tổ chức Hội nghị Tuyên dương Hệ thống Phòng chống và Xử lý tổ chức tà giáo Quốc gia và Hội nghị Văn phòng Phòng chống và Xử lý tổ chức tà giáo Quốc gia tại Bắc Kinh. Ngoài việc tóm tắt “những thành tựu trong việc chống lại các tổ chức tà giáo” trong năm 2015, cuộc họp chủ yếu liên quan đến kế hoạch hoạt động cho năm 2016. Kha nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung vào ba “cuộc chiến cam go”, bao gồm cả việc nhắm mục tiêu đối với các học viên bên ngoài Trung Quốc trong nỗ lực để vạch trần bức hại, nhắm vào nỗ lực của các học viên nhằm vạch trần cuộc bức hại trên Internet và ngăn cản nhiều người tu luyện Pháp Luân Công.

Vào năm 2016, Kha đã đến Thượng Hải để xem một buổi biểu diễn tuyên truyền bôi nhọ Pháp Luân Công. Vào ngày 24 tháng 5 năm 2016, ông ta cũng đã đến thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, để kiểm tra tiến độ của cảnh sát địa phương trong việc “chống Pháp Luân Công”.

Vào ngày 28 tháng 6 năm 2016, hơn 100 học viên đã bị bắt tại tỉnh Liêu Ninh. Vụ bắt giữ được tổ chức bởi Phòng 610 và Ủy ban Chính trị và Pháp luật của tỉnh Liêu Ninh. Một số lượng lớn cảnh sát đã được điều động cho chiến dịch.

Trang Minh Huệ xác nhận rằng 1.265 học viên Pháp Luân Công đã bị kết án vào năm 2016, bao gồm 1.162 từ năm 2016 và 103 từ năm 2015. 91 học viên khác bị bức hại đến chết, 22 người trong số họ đã qua đời trong khi bị giam giữ.

Vào ngày 27 tháng 10 năm 2016, bà Hứa Quế Hà ở thành phố Liêu Dương, tỉnh Liêu Ninh, bị bắt. Bà đã tuyệt thực trong khi bị giam tại trại tạm giam Liêu Dương để phản đối cuộc bức hại. Các lính canh đã trói bà trong tư thế đại bàng sải cánh và bức thực bà vào ngày 7 tháng 11. Bà bắt đầu lên cơn co giật trong quá trình bức thực, nhưng không ai có ý định ngăn chặn việc bức thực hoặc giúp đỡ bà. Bà đã qua đời khi lính canh đưa bà đến phòng y tế. Gương mặt bà sưng tấy đến mức gần như không thể nhận ra bà. Bà qua đời ở tuổi 47.

Những người khác đã qua đời khi bị giam giữ vào năm 2016 bao gồm: ông Lý Khải ở thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc; bà Dương Thụy Cần ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang; ông Triệu Tồn Quý ở tỉnh Sơn Tây; ông Chu Hải Sơn ở tỉnh Cát Lâm; Bà Hùng Kỉ Ngọc tỉnh Thiểm Tây; và bà Bành Văn Tú ở tỉnh Quảng Đông.

Tội ác bức hại trong năm 2017

Vào đầu tháng 2 năm 2017, Phòng 610 trung ương đã phát động một chiến dịch sách nhiễu lớn trên toàn quốc nhắm vào các học viên Pháp Luân Công mà họ gọi là “Chiến dịch gõ cửa”. Chiến dịch này do Bộ Công an thực hiện với sự phối hợp của các đồn công an địa phương, cộng đồng dân cư, ủy ban khu phố và ủy ban thôn.

Với danh sách tên của các học viên Pháp Luân Công tại địa phương, cảnh sát đã đi đến từng nhà từng học viên trong khu vực và yêu cầu họ viết một bản cam kết ngừng tu luyện Pháp Luân Công. Những người từ chối sẽ bị bắt, bị lục soát nhà cửa, hoặc bị kết án. Một số bị bức hại đến chết và một số thành viên trong gia đình cũng bị sách nhiễu và liên lụy.

Theo thống kê từ trang Minh Huệ, trong năm 2017, ít nhất 7.632 học viên đã bị bắt, 14.892 người bị sách nhiễu và 1.134 người bị kết án. Sự kiện này đã diễn ra tại 259 thành phố thuộc 28 tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước. Ít nhất 40 học viên ở 17 tỉnh và thành phố bị tra tấn đến chết.

Vào ngày 31 tháng 8 năm 2017, Phòng An ninh Nội địa của huyện Y Lan, tỉnh Hắc Long Giang, đã bắt giữ 29 học viên ở huyện Y Lan và huyện Hoa Xuyên. Mười bốn người trong số họ sau đó đã bị kết án.

Vào tháng 4 năm 2017, bà Phùng Quyên ở thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, đã bị bắt và đưa đến Trung tâm Tẩy não Tam Thủy. Sau mười ngày bị tra tấn, bà bị nôn mửa và tiêu chảy nghiêm trọng. Chỉ hai tháng sau khi về nhà, bà bị suy nội tạng và qua đời vào ngày 1 tháng 10 năm 2017. Người ta nghi ngờ bà qua đời do ngộ độc. Khi đó bà 67 tuổi.

Tội ác bức hại trong năm 2018

Trong ba tháng đầu năm 2018, trong khi Kha là phó chủ nhiệm Phòng 610 Trung ương, ít nhất 21 học viên đã bị tra tấn đến chết, 235 người bị kết án và 870 người bị bắt.

Vào ngày 8 tháng 3 năm 2018, bà Tôn Mẫn, một giáo viên ở thành phố An Sơn, tỉnh Liêu Ninh, đã bị tra tấn đến chết trong Nhà tù Nữ Liêu Ninh, khi đang thụ án 7 năm. Bà qua đời ở tuổi 50. Cha của bà cho biết lần cuối cùng ông đã được phép thăm bà trong tù vào ngày 7 tháng 2 năm 2018, gần hai năm sau khi bà bị bắt vào ngày 28 tháng 6 năm 2016. Bà cần có người cõng trên lưng đưa vào phòng thăm nom. Bà không thể đi lại được do bị tra tấn. Một tháng sau, vào ngày 8 tháng 3, nhà tù thông báo cho cha bà rằng con gái ông đã được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Cục Quản lý Nhà tù Tỉnh Liêu Ninh. Lúc 12:50 chiều ngày hôm đó, ông đến bệnh viện và thấy rằng bà đã qua đời.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/12/23/435170.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/12/25/197152.html

Đăng ngày 19-01-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share