[MINH HUỆ 01-09-2021] Xử phạt những kẻ vi phạm nhân quyền đã trở thành một trọng tâm ở các quốc gia dân chủ như một cách để chống lại những hành vi vi phạm nhân quyền tàn bạo trên toàn cầu. Sau khi Hoa Kỳ thông qua Luật Magnitsky vào năm 2016, Canada, Anh và 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu đã ban hành luật tương tự. Úc và Nhật Bản cũng đang làm giống vậy.

Theo luật này, vốn để áp dụng trừng phạt với những kẻ vi phạm nhân quyền đã biết, các học viên Pháp Luân Công đã lập ra các danh sách của những thủ phạm tham gia bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Hàng năm, họ nộp nhiều danh sách lên các quốc gia dân chủ, hối thúc họ trừng phạt những thủ phạm bị nêu tên.

Bắt đầu từ ngày 14 tháng 7 năm 2021, các học viên Pháp Luân Công ở hơn 30 quốc gia đã nộp danh sách gần đây nhất của những thủ phạm tham gia bức hại Pháp Luân Công cho chính phủ của họ. Các học viên đang kêu gọi trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền này, gồm việc từ chối không cho họ được nhập cảnh và đóng băng tài sản ở nước ngoài của họ.

Một cái tên trong danh sách này là Thạch Toàn.

Thông tin thủ phạm

2021-8-31-204150-0.jpg

Tên đầy đủ của thủ phạm: Thạch (họ) Toàn (tên) (tiếng Hán: 石泉)

Giới tính: Nam

Quốc tịch: Trung Quốc

Ngày / Năm sinh: Tháng 11 năm 1971

Nơi sinh: Không có thông tin

Chức vụ

Tháng 5 năm 2009: Phó Chánh án Tòa án Hành chính của Tòa án Trung cấp Thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm

Tháng 6 năm 2012: Phó Chánh án Tòa án Hình sự Số 2 của Tòa án Trung cấp Trường Xuân

Tháng 8/2014 đến nay: Chánh án Tòa án Hình sự số 2; thành viên Ủy ban Tư pháp; Thẩm phán cao cấp cấp ba

Cuộc bức hại Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không có cơ sở pháp lý. Điều 300 của Luật Hình sự – “Lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi luật pháp” – đã được sử dụng rộng rãi để buộc tội các học viên Pháp Luân Công, mặc dù không có lời giải thích nào về việc “luật” nào và “phá hoại” ra sao. Nhiều thẩm phán Trung Quốc đóng vai trò quyết định và đưa ra các mức án tù được định trước đối với các học viên.

Tiểu sử:

Vào tháng 7 năm 1999 kể từ khi cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân phát động cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công, Tòa án Hình sự Số 2 của Tòa án Trung cấp Thành phố Trường Xuân đã tích cực tham gia vào cuộc bức hại. Tòa án nhận lệnh trực tiếp từ Ủy ban Chính trị và Pháp luật và Phòng 610, hai cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện cuộc bức hại. Các tòa án quận và tòa án huyện ở Trường Xuân nhận lệnh từ Tòa án Hình sự Số 2. Nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị kết án oan sai tại nhà tù, nơi họ bị tra tấn dã man và thậm chí bị sát hại.

Tội ác chính:

Kể từ tháng 6 năm 2012, Thạch Toàn, với tư cách là Phó chánh án và sau đó là Chánh án Tòa án Hình sự Số 2 của Tòa án Trung cấp Thành phố Trường Xuân, đã thực hiện theo lệnh của Ủy ban Chính trị và Pháp luật và Phòng 610 để bức hại các học viên Pháp Luân Công. Dưới sự chỉ đạo của ông ta, tòa án trung cấp giữ nguyên các phán quyết ban đầu hoặc thậm chí gia tăng án tù khi các học viên nộp đơn kháng cáo. Thạch cũng ngăn gia đình và luật sư của các học viên xem xét hồ sơ vụ án và tìm kiếm công lý cho họ.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2012 đến năm 2017, Thạch Toàn và Tòa án Trung cấp Trường Xuân đã giữ nguyên bản án tù của ít nhất 40 học viên Pháp Luân Công, một số người trong số họ là mục tiêu trong nhiều vụ bắt giữ hàng loạt.

Ví dụ, tám học viên bị bắt từ tháng 10 đến tháng 11 năm 2012 đã bị xét xử vào ngày 11 tháng 10 năm 2013 và tất cả đều bị kết án tù: ông Lưu Vĩ 12 năm, bà Trương Quốc Trân 10 năm, Dương Hồng Bưu 9 năm, ông Thường Bảo Quân 8 năm, bà Vương Á Quyên 8 năm, ông Tu Kế Học 7 năm 6 tháng, bà Tô Tú Phúc 7 năm, và bà Dương Duy Quyên 7 năm. Khi họ kháng cáo các phán quyết, Tòa án Trung cấp Thành phố Trường Xuân đã giữ nguyên mọi phán quyết vào tháng 4 năm 2014.

Vào ngày 21 và 22 tháng 9 năm 2016, 12 học viên ở thành phố Đức Huệ, tỉnh Cát Lâm, đã bị bắt. Năm 2017, 10 người trong số họ (8 người trong số họ là nữ) đã bị kết án từ một năm đến bảy năm. Tất cả họ đều kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Thành phố Trường Xuân. Vào tháng 11, tòa án tuyên bố rằng họ sẽ giữ nguyên tất cả 10 phán quyết. Thạch Toàn là một trong hai thẩm phán xử lý các vụ án này.

Dưới đây là một số ví dụ về các trường hợp mà mức án dành cho các học viên được giữ nguyên hoặc thậm chí là tăng lên.

Trường hợp 1: Sau khi kháng cáo của bà Lưu Thục Diễm bị từ chối, bà đã qua đời trong tù

Vào ngày 26 tháng 11 năm 2015, bà Lưu Thục Diễm ở thành phố Du Thụ bị bắt và bị kết án ba năm tù vào ngày 11 tháng 4 năm 2016. Bà đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Thành phố Trường Xuân và bị từ chối. Bà bị đưa đến Nhà tù Nữ Tỉnh Cát Lâm ở Trường Xuân vào ngày 7 tháng 7 năm 2016. Trong tù, bà bị tra tấn và buộc phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ trong thời gian dài. Các lính canh cũng bức thực bà trong 12 ngày liên tục. Sức khỏe của bà nhanh chóng giảm sút và bà đã qua đời vào ngày 21 tháng 4 năm 2017.

Trường hợp 2: Gia tăng bản án đối với bà Hàn Tuyết Diễm

Bà Hàn Tuyết Diễm, thời điểm đó đã 70 tuổi, bị bắt vào tháng 9 năm 2018. Bà bị kết án 18 tháng tù vào tháng 7 năm 2019. Sau khi bà nộp đơn kháng cáo, thẩm phán Tòa án Trung cấp Thành phố Trường Xuân đã gia tăng thêm hai năm vào bản án ban đầu. Bà Hàn bị đưa đến Nhà tù Nữ Trường Xuân vào tháng 11 năm 2019.

Trường hợp 3: Giữ nguyên bản án của ông Lý Vĩ

Ông Lý Vĩ bị bắt vào tháng 6 năm 2013. Ông bị thẩm vấn và nhà của ông đã bị lục soát bởi các sĩ quan của Văn phòng An ninh Nội địa. Vào tháng 12, tòa án đã bí mật kết án ông Lý 5 năm tù. Ông đã đệ đơn kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Thành phố Trường Xuân. Thẩm phán đã từ chối chấp nhận giấy ủy quyền của luật sư và nói rằng luật sư của ông sẽ chỉ được phép đại diện cho ông nếu luật sư nhận tội thay cho ông Lý. Vào ngày 4 tháng 4 năm 2014, thẩm phán đã bác đơn kháng cáo của ông Lý. Ông Lý bị đưa đến Nhà tù Cát Lâm và bị buộc phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ trong thời gian dài.

Trường hợp 4: Bà Bàng Lệ bị kết án 7 năm

Bà Bàng Lệ bị bắt vào ngày 3 tháng 6 năm 2013. Vào tháng 10, Tòa án Quận Triều Dương đã kết án bà bảy năm. Đơn kháng cáo của bà nộp lên Tòa án Trung cấp Thành phố Trường Xuân đã bị từ chối. Bà Bàng đã bị chuyển đến Nhà tù Nữ Tỉnh Cát Lâm vào năm 2014.

Trường hợp 5: Tòa án ngăn cản luật sư của bà Phó Quý Hoa đại diện cho bà

Vào tháng 6 năm 2013 bà Phó Quý Hoa bị bắt và sau đó bị kết án ba năm tù. Bà đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Thành phố Trường Xuân. Tòa án đã ngăn cản luật sư xem xét các tài liệu vụ án của bà. Vào ngày 6 tháng 6 năm 2014, tòa án cấp cao hơn đã bí mật giữ nguyên bản án ban đầu của bà. Vào tháng 9 năm 2014 sau khi bị đưa đến Nhà tù Nữ Tỉnh Cát Lâm, bà Phó đã bị tra tấn vì kiên định đức tin của mình. Trong vòng một tháng, sức khỏe của bà ngày càng giảm sút. Bà được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan, chiều cao của bà giảm 10 cm và bà bị phù nề nghiêm trọng ở chân và bàn chân.

Trường hợp 6: Bà Phó Yến Phi bị kết án ba năm trong tù và bị tra tấn

Bà Phó Yến Phi, thời điểm đó 42 tuổi, đã bị bắt vào tháng 3 năm 2015 và bị kết án ba năm tù vào tháng 5 năm 2016. Bà đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Thành phố Trường Xuân. Vào ngày 26 tháng 7, các thẩm phán Thạch Toàn và Hà Phúc đã bí mật giữ nguyên bản án ban đầu của bà mà không tổ chức một phiên xét xử. Cả luật sư của bà Phó và gia đình bà đều không được thông báo. Bà Phó bị tra tấn dã man trong Nhà tù Nữ Tỉnh Cát Lâm, bao gồm cả việc bị đánh đập và bị biệt giam trong nhiều ngày.

Trường hợp 7: Bốn học viên bị kết án

Các học viên Tôn Vĩnh, Vương Vĩnh Thanh, Trương Văn Phúc và Trương Văn Tú bị bắt tại Trường Xuân vào ngày 9 tháng 3 năm 2016. Một tòa án địa phương đã bí mật kết án Tôn Vĩnh 7 năm tù, Vương Vĩnh Thanh 5 năm với số tiền phạt 40.000 Nhân dân tệ, Trương Văn Phúc 3 năm với số tiền phạt 5.000 Nhân dân tệ, và Trương Văn Tú 18 tháng. Tất cả họ đều đệ đơn kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Thành phố Trường Xuân và tất cả đều bị từ chối.

Trường hợp 8: Ông Tôn Cảnh Hòa bị kết án 5 năm rưỡi

Ông Tôn Cảnh Hòa đã bị bốn tên côn đồ cướp giật bằng dao vào tối ngày 25 tháng 1 năm 2017. Họ đánh ông Tôn bị thương ở đầu, mắt trái và chân trái. Ông Tôn đã từ chối đưa tiền cho họ. Khi họ nhìn thấy tài liệu Pháp Luân Công trong xe của ông Tôn, họ đã gọi cảnh sát. Thay vì bắt những kẻ côn đồ, cảnh sát đã bắt ông Tôn. Những kẻ côn đồ sau đó được làm “nhân chứng” cho việc “phạm tội” quảng bá Pháp Luân Công của ông Tôn. Vào tháng 9, ông Tôn bị kết án 5 năm rưỡi và bị phạt 10.000 nhân dân tệ. Đơn kháng cáo của ông nộp lên Tòa án Trung cấp Thành phố Trường Xuân đã bị bác bỏ.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/9/1/430294.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/18/195113.html

Đăng ngày 09-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share