Bài viết của một phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 02-09-2021] Việc trừng phạt những kẻ ngược đãi nhân quyền đã trở thành một sự đồng thuận trong số những quốc gia dân chủ. Sau khi Hoa Kỳ thông qua Luật Magnitsky năm 2016, Canada, Anh Quốc, và Liên minh Châu Âu gồm 27 nước thành viên đã ban hành những bộ luật tương tự. Australia và Nhật Bản cũng đang soạn thảo những bộ luật tương tự.

Theo những luật này, các học viên Pháp Luân Công đã lập những danh sách các kẻ thủ phạm tham gia vào cuộc đàn áp. Hàng năm, họ trình nhiều danh sách lên các chính phủ dân chủ, hối thúc họ trừng phạt những thủ phạm được nêu tên.

Bắt đầu từ ngày 14 tháng 7 năm 2021, các học viên Pháp Luân Công ở hơn 30 nước đã trình những bản danh sách mới nhất bao gồm các kẻ thủ phạm tham gia vào cuộc đàn áp Pháp Luân Công lên chính phủ sở tại của họ, kêu gọi trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền này, bao gồm việc từ chối nhập cảnh vào nước họ và phong tòa tài sản của những thủ phạm này ở hải ngoại.

Một cái tên trong danh sách này là Tào Lực Vĩ.

Thông tin về thủ phạm

8abba74134ecaad95ede0dfbf68255a9.jpg

Họ và tên thủ phạm: Tào Lực Vĩ (曹力伟) Giới tính: Nam Quốc gia: Trung Quốc Ngày sinh: tháng 7 năm 1956 Nơi sinh: Thành phố Gia Ấn, tỉnh Hắc Long Giang

Chức vụ

1997-2004: Phó giám đốc Sở công an tỉnh Hắc Long Giang; Ủy viên Đảng ủy Sở công an Hắc Long Giang

2004-2006: Phó giám đốc Sở cảnh sát thành phố Đại Khánh; Bí thư Ban cán sự Đảng Sở cảnh sát Đại Khánh

2006-2007: Phó giám đốc Sở cảnh sát thành phố Đại Khánh; Bí thư Đảng ủy Sở cảnh sát Đại Khánh

2007-2015: Phó thị trưởng thành phố Đại Khánh; Phó giám đốc Sở cảnh sát thành phố Đại Khánh

Tội ác chính

Ở Trung Quốc, thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, là một trong những thành phố mà các học viên Pháp Luân Công bị đàn áp nghiêm trọng nhất. Trong thời gian Tào Lực Vĩ làm Phó giám đốc Sở cảnh sát Đại Khánh từ tháng 6 năm 2004 đến tháng 2 năm 2015, ông ta đã tích cực thực hiện các chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc đàn áp Pháp Luân Công.

Kết quả là, nhiều học viên đã bị bắt và bị lục soát nhà. Ít nhất 14 người đã bị tra tấn đến chết trong thời gian Tào làm phó cảnh sát trưởng Đại Khánh. Họ là Dương Ngọc Hoa, Trương Hoành Tuyền, Hứa Kế Sơn, Thôi Thụ Bình, Vương Thừa Nguyên, Vương Hồng Đức, Trịnh Ngạn Sinh, Ư Khánh Lâm, Lý Trí, Trương Trung, Chu Thụ Hải, Giang Phái, Lục Kế Quý và Thái Hiểu Yến.

Vào năm 2005, Tào Lực Vĩ, lúc đó là Giám đốc Sở Công an Đại Khánh, đã đề xuất trong một bài phát biểu công khai rằng họ nên “quyết tâm trấn áp các hoạt động bất hợp pháp của các tổ chức giáo phái” và tuyên bố rằng công tác công an địa phương “đã ngăn chặn hiệu quả việc hình thành của các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp và tình huống khác nhau”, ý nói đến việc các học viên phổ biến thông tin về cuộc đàn áp.

Vào buổi sáng ngày 23 tháng 9 năm 2005, Tào đã ra lệnh cho khoảng 200 cảnh sát trên khắp thành phố bắt các học viên Pháp Luân Công và lục soát nhà họ. Những cảnh sát này không cho xem bất cứ lệnh hay thẻ căn cước nào, hay đưa ra bất cứ lời giải thích nào cho những hành động của họ. Cùng với việc tịch thu các máy tính và máy in của các học viên, họ cũng lấy đi trang sức và tiền mặt của những người bị hại.

Ít nhất có 27 học viên được xác nhận là đã bị bắt trong chiến dịch này, bao gồm cả phụ nữa và người cao tuổi. Sáu người trong số họ bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức. Ban đầu, khi ông Lý Nghiệp Quyền bị trại lao động từ chối tiếp nhận do tình hình sức khỏe của ông không tốt, Tào đã bắt các lính gác phải tiếp nhận ông. Sau đó ông bị kết án 2 năm, trong thời gian đó ông bị bức thực, có lần ông còn bị bức thực bằng rượu. Các tù nhân cũng nhổ vào miệng ông. Thực quản của ông bị thương do bị bức thực và ông đã bị rơi vào hôn mê nhiều lần.

Vào tháng 1 năm 2007, Nguyễn Điện Long, phó bí thư Đảng ủy thành phố Đại Khánh và bí thư Ủy ban Luật pháp Thành phố, đã có một bài phát biểu tại hội nghị công tác của thành phố về việc ngăn chặn và xử lý các giáo phái. Ông ta đã tổng kết những “kết quả” của cuộc đàn áp Pháp Luân Công trong năm 2006 như sau: “Trong năm 2006, các tổ chức công an đã phát động một số chiến dịch đặc biệt, đã cử hơn 900 nhân viên cảnh sát và bắt giữ 39 người”.

Vào đầu năm 2007, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Đại Khánh đã giao nhiệm vụ cho sở cảnh sát thực hiện 3 mục tiêu. Đối với chiến dịch “làm sạch internet” của họ, sở cảnh sát và các sở an ninh đã kiểm duyệt tất cả các học viên trong việc gửi đi bất cứ thông tin liên quan đến Pháp Luân Công nào trên mạng. Thứ hai là phong trào “chặt đầu”, trong đó các đặc vụ ngụy trang đã tiếp cận các học viên địa phương và giả vờ học Pháp Luân Công để tìm ra ai đang điều phối nỗ lực của các học viên địa phương trong việc phổ biến thông tin về cuộc đàn áp. Thứ ba là “bắt tại chỗ”. Cảnh sát và các cơ quan an ninh quốc gia đã theo dõi chặt các hoạt động hàng ngày của các học viên và thẩm vấn họ.

Từ ngày 21 đến ngày 26 tháng 4 năm 2007, Tào Lực Vĩ đã ra lệnh cho Sở cảnh sát Đại Khánh bắt giữ hơn 20 học viên và lục soát nhà họ. Những người bị bắt là: Trần Khánh Lệ, Lô Quế Lan, Nhan Kiều Huy (con trai của Lô Quế Lan), Lưu Ba, Tào Phụng Thanh (một giáo viên nghỉ hưu, khi đó 70 tuổi), Doãn Quế Vinh (khi đó 68 tuổi, máy tính và máy in của bà đã bị tịch thu), Dương Kim Phụng (khi đó 51 tuổi), Lương Á Huy, Hồng Lan Anh, Hồ Quế Chi, Hà Tú Anh, Sử Bảo Sinh, Lý Xuân Anh, Lý Quế Hương, Lý Huệ, Nhậm Tú Bình, Chu Văn Diễm, Trần Kỳ, Triệu Thụ Khôn, một học viên tên là Doãn, Giang Phái (bị tra tấn đến chết ở trại tạm giam trong vòng 2 tháng) và Lưu Diễm Hà.

Vào năm 2007, nhiều học viên đã bị lục soát nhà và nhiều người bị bắt ở thành phố Đại Khánh. Bảy người đã bị bức hại đến chết.

Tổng cộng, chỉ riêng từ tháng 8 năm 2005 đến tháng 8 năm 2007, hơn 120 học viên đã bị bắt giữ. Hơn 10 người trong số họ đã bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức, và cũng hơn 10 người đã bị kết án tù.

Từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 năm 2008, trước khi ngọn đuốc Olympics được truyền đến Đại Khánh, cảnh sát đã bắt ít nhất 43 học viên, viện cớ là cần “duy trì sự ổn định xã hội” cho Olympics. Một số đã bị án lao động cưỡng bức hoặc bị kết án tù. Bà Cao Tây Giang bị bắt vào ngày 27 tháng 8 năm 2008, và bị đánh đập trong khi bị giam, khiến cho bà bị suy sụp tinh thần.

Vào ngày 13 tháng 7 năm 2009, 9 học viên bao gồm Lưu Phú Bân, Thôi Như Huệ, Dương Hải Hải, và những người thân của họ ở huyện Đỗ Mộng, thành phố Đại Khánh, đã bị bắt và bị lục soát nhà. Hơn 20 cảnh sát đã bắt một gia đình gồm 5 người: ông Lưu Phú Bân, vợ ông là Lý Thụ Xuân, con gái họ là Lưu Duệ (dưới 16 tuổi), chị dâu ông là Triệu Minh Tĩnh và anh trai ông là Lưu Phúc Trạch là người không tập Pháp Luân Công. Họ đã tịch thu tài sản riêng ở phòng ông Lưu Phúc Trạch, bao gồm các máy tính, máy in, tiền mặt và những đồ dùng khác trị giá hàng chục ngàn tệ. Lưu Duệ đã được phóng thích vào ngày hôm sau với những vết rộp trên trán cháu sau khi cảnh sát phun nước ớt cay vào cháu.

Vào năm 2013, từ tháng 1 đến tháng 6, ít nhất đã có 30 học viên bị bắt, bị giam, và bị lục soát nhà. Ít nhất 3 người đã bị giam ở các trung tâm tẩy não. Vào tối ngày 14 tháng 5 năm 2013, 7 học viên tại Nhà máy Sản xuất Dầu số 10 ở Đại Khánh là Quách Thục Diễm, Vương Ngạn Minh, Lôi Thanh Tú, Tuyên Sảng, Tống Thụy Tường, Vương Ngạn Như, và Mã Lệ Lệ đã bị bắt và bị lục soát nhà. Vương Ngạn Minh và Mã Lệ Lệ đã bị tra tấn và bị bắt phải ngồi trong các ghế tựa bằng kim loại qua đêm.

Vào ngày 30 tháng 10 năm 2014, các học viên Trình Kim Trí, Trương Xuân Yến, Lý Tuấn Anh, Vương Văn Anh, Trương Tĩnh, Quý Văn Bác, và một học viên có họ là Quách đã bị bắt. Hai người trong số họ là những người phụ nữ gần 70 tuổi. Sáu máy in laser, máy đóng sách, nhiều máy tính, nhiều bộ sách Pháp Luân Công, và một lượng lớn tư liệu và đồ dùng in ấn của họ đã bị tịch thu.

Sau đây là một số trường hợp bị bức hại đến chết xảy ra trong nhiệm kỳ của Tào

Bà Dương Ngọc Hoa

Vào tháng 4 năm 2005, bà Dương Ngọc Hoa, một giáo viên trung học ở thành phố Đại Khánh, đã bị bắt ở nhà và bị đưa đến trại tạm giam thành phố Đại Khánh. Trong chưa đầy một tháng, vào ngày 12 tháng 5, bà đã chết sau khi bị bức thực tàn bạo. Trong trại tạm giam, bà Dương đã tuyệt thực để phản đối và yêu cầu được phóng thích. Bà đã bị bắt ngồi trên một chiếc ghế tựa bằng kim loại trong những khoảng thời gian dài và bị bức thực và đánh đập. Bác sĩ đã nhét ống dẫn thức ăn vào mũi bà rút ra nhét vào nhiều lần. Bà Dương đã cắn đứt 7 cái ống dẫn thức ăn để phản đối. Trong lần bức thực cuối cùng, bà không còn sức nữa để chống lại. Bất chấp điều đó, lính canh vẫn tìm 4 tù nhân để giữ bà xuống và hạn chế sự cử động của bà. Họ đã dùng cả buổi sáng để bức thực bà. Bà đã chết trong ngày hôm đó ở tuổi 46.

a18f402a7ae75062dacc43463ccb36a2.jpg

Miêu tả tra tấn: Bức thực

Bà Giang Phái

Bà Giang Phái bị bắt tại chỗ làm vào ngày 26 tháng 4 năm 2007. Cảnh sát đã tra tấn bà cho đến khi bà bắt đầu ho ra máu và rơi vào hôn mê ở trại tạm giam thành phố Đại Khánh. Bà đã trở nên cực kỳ yếu vào ngày 26 tháng 6 và được đưa vào bệnh viện. Ngay cả trong khi bà đang được chụp cộng hưởng từ MRI ở bệnh viện, cảnh sát vẫn tiếp tục đánh và giật tóc bà, khiến bà bị bất tỉnh ở bệnh viện. Gia đình bà đã cố gắng khiếu nại để bà được phóng thích nhưng không thành công. Cảnh sát vẫn cùm chân bà bằng những chiếc cùm nặng suốt cả ngày lẫn đêm, cho đến khi bà mất vào lúc 1 giờ đêm ngày 28 tháng 6 khi mới 34 tuổi.

Sau khi bà Giang chết, một cảnh sát đã tiết lộ rằng, “Sau khi bà Giang Phái bị bắt, bà đã không thể thở được sau 3 vòng bức thực bằng dầu mù-tạt. Mặt bà đầy nước mũi và nước mắt. Bà sẽ nói bất cứ điều gì mà chúng tôi muốn bà nói!”

(Ghi chú của Biên tập viên: Bức thực bằng dầu mù-tạt là một hình thức tra tấn cực kỳ tàn bạo và có hại. Ba đến bốn người giữ chặt nạn nhân xuống và đặt một cái mặt nạ nhúng đẫm dầu mù-tạt lên mặt nạn nhân. Nạn nhân cảm thấy bị ngạt thở và tức ngực. Khi nước mũi và nước mắt bắt đầu chảy không kiểm soát được, những kẻ thủ phạm giữ mặt nạ xuống còn chặt hơn. Một hình thức khác của thủ đoạn tra tấn này là lấy một túi nylon tẩm dầu mù-tạt, đặt nó qua đầu nạn nhân, bịt kín nó cho đến khi nạn nhân gần ngạt thở, sau đó lại lặp lại quá trình đó).

Bà Lưu Thịnh

b709c53f8acb843a0468b85f515eea0c.jpg

Đánh đập

Bà Lưu Thịnh bị bắt tại nhà vào tháng 7 năm 2006. Bà phải chịu án 1,5 năm lao động cưỡng bức. Sau chỉ 1 tháng trong trại, bà đã bị tra tấn đến mức bị nôn ra máu và mất khả năng ăn. Bà được phóng thích 1 tháng sau đó và bị buộc phải rời nhà đi để trốn cảnh sát.

Khi bà Lưu lại bị bắt vào ngày 5 tháng 7 năm 2007, cảnh sát đã đấm và đá bà cho đến khi bà nôn ra máu và bất tỉnh. Sau khi bà tỉnh lại, bà lại bị đánh cho đến khi trên người đầy vết thâm tím. Gia đình bà đã cố gắng gặp bà đêm hôm đó nhưng cảnh sát không cho họ gặp, sợ rằng họ sẽ tố cáo những gì họ phát hiện ra khi họ nhìn thấy bà.

Ngày hôm sau, bà Lưu bị đưa đến Trại lao động và cai nghiện ma túy Cáp Nhĩ Tân. Trên đường đi, bà bị cảnh sát tát nhiều lần cho đến khi bà bị mất thính lực ở bên tai trái. Ở trong trại, các lính canh không cho bà dùng nhà vệ sinh, khiến cho bà bị đau bụng nặng.

Khi tình trạng của bà xấu đi do bị tra tấn, các lính canh đã gọi điện cho gia đình bà và bảo họ đến đón bà trong 3 ngày tới. Khi đó, sức khỏe của bà Lưu đã xấu tới mức bà không thể ăn khi trở về nhà. Bà gầy hốc hác và bị nôn liên tục. Bà đã mất 2 tháng sau đó, vào ngày 11 tháng 9, ở tuổi 53.

Ông Lục Kế Quý

Ông Lục Kế Quý bị bắt vào ngày 1 tháng 2 năm 2008, và bị tạm giam trong 10 ngày. Chỉ một vài ngày sau khi được phóng thích, ông lại bị bắt vào ngày 18 tháng 2. Ông đã tuyệt thực để phản đối việc bức hại và bị bức thực. Lính canh trại giam nói với ông rằng, “Giết chết ông chỉ như giết một con gián”.

Rất khó nhét ống dẫn thức ăn vào cổ ông Lục bởi vì ống dẫn quá khô, nên lính canh đã cố ấn xuống. Ông Lục đã rất đau đớn trong những lần bức thực. Vào sáng ngày 7 tháng 3, ông bị đưa đến Bệnh viện Số 5 Long Phụng để khám sức khỏe. Ông đã trốn thoát khỏi bệnh viện và không thể về nhà trong 2 năm, ông đã phải sống một cuộc sống vất vả. Sức khoẻ của ông đã không thể phục hồi và ông đã qua đời vào ngày 13 tháng 4 năm 2010 ở tuổi 58.

Một trường hợp bị tra tấn thập tử nhất sinh

Bà Lưu Anh, khi đó 38 tuổi, bị bắt vào tháng 8 năm 2007 tại chỗ làm và bị đưa đến một phòng tra tấn dưới lòng đất tại Phòng An ninh Nội địa.

Bà bị còng tay vào một cái ghế tựa bằng kim loại và không được phép cử động. Khoảng giữa trưa, một cảnh sát bắt đầu đánh vào đầu bà bằng một đôi giầy và gào lên, “Điều này sẽ dạy cho mày làm một người tốt!” Anh ta đánh bà cho đến khi anh ta kiệt sức.

Vào ban đêm, 4 cảnh sát túm tóc bà Lưu và bịt miệng và mũi bà bằng một cái mặt nạ lớn được nhúng vào dầu mù tạt. Dầu mù tạt cay và hăng khiến cho bà nghẹt thở. Cảnh sát nhiều lần đổ dầu mù tạt vào cái mặt nạ và dùng nó để bịt miệng và mũi bà. Vào nửa đêm, họ dùng một ống tiêm lớn chứa đầy dầu mù tạt và tiêm dầu vào một lỗ mũi bà. Ngực bà cảm thấy như đang cháy và bà rất đau đớn. Ngực bà bắt đầu co giật và bà không thể mở mắt được.

Sau khi bà bị bất tỉnh, cảnh sát đã đổ nước lạnh lên người bà để làm bà tỉnh lại. Sau đó họ lại tiêm dầu mù tạt và nước vào hai lỗ mũi của bà. Nếu bà lại bị bất tỉnh, họ lại đổ nước lên người bà. Họ làm như vậy đối với bà suốt cả đêm. Đến sáng, một mảng tóc lớn của bà đã bị giật ra.

Sau một đêm bị tra tấn, bà Lưu đã bị mất nước nghiêm trọng. Bà bị còng tay vào một cái ghế tựa bằng kim loại và không được phép ngủ. Cảnh sát cũng bắt bà ngồi trên một bức ảnh của người sáng lập Pháp Luân Công để tăng sức ép tinh thần lên bà. Không lâu sau đó, bà Lưu bắt đầu nôn ra mọi thứ mà bà đã ăn và không còn sức để đứng lên nữa. Sợ rằng bà có thể chết, cảnh sát đã ra lệnh cho chồng bà đưa bà về nhà.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/9/2/430338.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/20/195183.html

Đăng ngày 29-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share