Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở Nội Mông Cổ, Trung Quốc

[MINH HUỆ 01-12-2021] Bà Lý Ngọc Phân, 59 tuổi, ở thành phố Xích Phong, Nội Mông Cổ đã bị giam giữ và tra tấn 14 năm vì từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện đã bị bức hại tại Trung Quốc từ năm 1999.

Bà Lý bị bắt lần đầu tiên vào tháng 10 năm 2000 và lại bị bắt vào ngày 10 tháng 7 năm 2001. Bà đã bị kết án 2 năm lao động cưỡng bức sau lần bị bắt thứ hai. Các vụ bắt giữ và bản án trại lao động đã khiến cha mẹ già của bà rất áp lực và lo lắng. Mẹ bà đã qua đời khi bà đang ở trong trại lao động và cha bà đã qua đời vào năm tiếp theo. Người con trai 10 tuổi khi đó của bà phải sống mà không có sự chăm sóc của mẹ.

Sau lần bị bắt vào ngày 6 tháng 4 năm 2006, bà Lý lại bị kết án 2 năm cưỡng bức lao động. Chồng bà đã ly dị bà trong khi bà bị giam. Khi bà được thả vào ngày 3 tháng 1 năm 2008, bà phát hiện mình không còn nhà để về.

Bà lại bị bắt vào ngày 26 tháng 10 năm 2009 và bị kết án bốn năm trong Nhà tù Nữ Số 1 Hô Hoà Hạo Đặc.

Lần bắt giữ gần đây nhất xảy ra vào ngày 13 tháng 7 năm 2014, sau khi bà bị tố cáo vì nói với mọi người về Pháp Luân Công và cuộc bức hại. Cảnh sát đã lục soát nhà bà mà không có lệnh khám xét và không cung cấp danh sách các đồ vật bị tịch tu, bao gồm các sách Pháp Luân Công, ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, một máy tính xách tay, một máy MP3, một điện thoại di động, một xe máy điện và 700 Nhân dân tệ tiền mặt.

Toà án Ba Lâm Tả Kỳ đã xét xử bà Lý vào ngày 25 tháng 11 năm 2014 và kết án bà 6 năm tù. Chính quyền đã chuyển bà đến Nhà tù Nữ Số 1 Hô Hoà Hạo Đặc vào tháng 3 năm 2015 mà không thông báo cho gia đình bà.

Ngay khi bà đến nhà tù, các tù nhân đã lột trần bà và khám người bà. Họ đã lấy đi bản cáo trạng và đơn kháng cáo và không trả lại cho bà.

Bà Lý bị đưa vào một “đội đặc biệt”, nơi mà các thành viên chuyên tra tấn các học viên Pháp Luân Công để buộc họ từ bỏ đức tin. Bà kiên định đức tin của mình và lính canh đã phân công một tù nhân trông chừng bà 24/24. Bà không được phép rời khỏi buồng giam và các lính canh cũng buộc bà xem các video lăng mạ Pháp Luân Công và từng ép bà đứng im trong 10 tiếng đồng hồ.

Quản lý nhà tù thường xuyên tập hợp học viên Pháp Luân Công vào “đội đặc biệt” này trong một ngôi nhà lớn và cố tẩy não họ nhằm để họ từ bỏ tu luyện.

Tháng 7 năm 2015, một nhóm cảnh sát và cựu học viên đã đến nhà tù để giúp chuyển hoá các học viên kiên định. Đến tháng 10, lính canh nhận thấy bà Lý không dao động nên họ đã đưa bà đến một xưởng may áo khoác trong nhà tù, tại đây bà phải may quần áo suốt cả ngày.

Lính canh không chỉ ép bà Lý xem các video phỉ báng Pháp Luân Công và còn ép bà đọc sách của các tôn giáo khác. Họ bắt bà làm nhiều công việc nặng nhọc khác nhau. Có ba người từng tu luyện Pháp Luân Công nhưng sau đó từ bỏ được nhà tù thuê để tổ chức các phiên tẩy não vào năm 2017.

Nhà tù liên tục đưa bà Lý vào “đội đặc biệt” để tăng cường tẩy não và tra tấn. Khi bị giam ở đó vào tháng 10 năm 2019, các nhà chức trách đưa ngày càng nhiều cảnh sát và cựu học viên thêm vào “đội đặc biệt” để tẩy não bà. Bà vẫn bất động tâm và được đưa về đội bình thường. Bà lại bị đưa đến “đội đặc biệt” vào tháng 3 năm 2020 và được thả vào tháng 7 năm 2020.

Vì bà Lý không từ bỏ Pháp Luân Công nên nhà tù từ chối để gia đình vào thăm và giới hạn cuộc gọi từ gia đình bà và hạn chế bà mua đồ dùng thiết yếu.

Khi bà Lý được thả vào tháng 7 năm 2020, Bảo hiểm Xã hội Ba Lâm Tả Kỳ đã treo hưu của bà và lệnh cho bà trả lại tiền hưu trí mà bà đã nhận trong khi bị giam giữ. Bà đã phải chịu áp lực tài chính to lớn và không còn nguồn thu nhập nào.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/12/1/434231.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/12/12/196961.html

Đăng ngày 31-12-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share