Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-11-2021] Ngày 29 tháng 11 năm 2021, một người đàn ông ở thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc đã bị kết án 14 tháng, sau khi ông bị bắt ở một tỉnh gần đó vì nói với mọi người về Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Ngày 22 tháng 8 năm 2021, ông Triệu Hoán Trân bị bắt tại huyện Tuy Trung, tỉnh Liêu Ninh (cách Tần Hoàng Đảo khoảng 72 km), sau khi bị báo cáo vì nói với mọi người về Pháp Luân Công tại một hội chợ cộng đồng. Ban đầu, ông bị đưa đến Văn phòng An ninh Nội địa Huyện Tuy Trung và sau đó bị chuyển đến Trại tạm giam Huyện Tuy Trung.

Lần bắt giữ gần đây nhất của ông Triệu xảy ra chỉ vài tháng sau khi ông mãn hạn án tù 1,5 năm. Vào ngày 19 tháng 5 năm 2019, ông đã bị bắt cũng vì nói với mọi người về Pháp Luân Công ở Tuy Trung.

Ngày 18 tháng 11 năm 2021, Tòa án Quận Liên Sơn của thành phố Hồ Lô Đảo ở Liêu Ninh đã xét xử vụ án của ông Triệu trong trại tạm giam. Tòa án không thông báo cho gia đình về phiên tòa xét xử ông, nhưng họ đã tình cờ phát hiện ra điều đó khi họ gọi cho tòa án để trao đổi về việc khác.

Luật sư của ông Triệu thay mặt ông biện hộ vô tội và chỉ ra rằng bằng chứng do cảnh sát cung cấp không chứng minh cho cáo buộc “phá hoại việc thực thi pháp luật” đối với thân chủ của ông.

Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu, các tòa án Trung Quốc đã sử dụng cái cớ quy chuẩn là “phá hoại việc thực thi pháp luật” để kết án vô số học viên Pháp Luân Công, mặc dù không một thẩm phán hoặc công tố viên nào có thể nói rõ việc thực thi pháp luật nào đã bị phá hoại hoặc phá hoại ra sao.

Vào ngày 29 tháng 11, gia đình ông Triệu được tòa án thông báo rằng ông bị kết án 14 tháng và bị phạt 5.000 Nhân dân tệ.

Chi tiết về phiên tòa

Trong phiên xét xử, nhân chứng Vương Phượng Đài đã làm chứng rằng bà ấy đã nhìn thấy ông Triệu phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Hai vật kỷ niệm của Pháp Luân Công và hai tập sách nhỏ có tiêu đề Sự thật về 1400 trường hợp tử vong bịa đặt chống lại Pháp Luân Công đã được đưa ra làm bằng chứng truy tố.

Luật sư hỏi ông Triệu: “Tại sao ông lại phân phát những thứ này?”

“Tôi hy vọng rằng mọi người có thể hiểu sự thật về Pháp Luân Công. Đó không phải là một tà giáo như chính quyền tuyên bố. Chân-Thiện-Nhẫn (tiêu chuẩn cốt lõi của Pháp Luân Công) là những giá trị phổ quát đối với nhân loại.”

“Tập sách Sự thật về 1.400 trường hợp tử vong bịa đặt chống lại Pháp Luân Công nói về điều gì?” luật sư hỏi ông Triệu.

Ông Triệu giải thích rằng, trước khi chính quyền bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, ông chưa bao giờ thấy bất kỳ báo cáo tiêu cực nào về pháp môn tu luyện này. Khi cuộc bức hại diễn ra, những nội dung tuyên truyền bắt đầu xuất hiện trên TV và trên báo chí. Có một nội dung tuyên truyền nói rằng 1.400 người đã tử vong vì tu luyện Pháp Luân Công. Nhưng trên thực tế, không ai trong số những người chết thực sự là học viên Pháp Luân Công. Nhiều người trong số họ có vấn đề về tâm thần; một số đã qua đời sau khi họ đã bỏ tu luyện Pháp Luân Công từ lâu; một số bị mua chuộc để vu khống Pháp Luân Công; và một số nạn nhân là hoàn toàn bịa đặt.

Trong quá trình đối chất, luật sư đã đọc các phần của tập sách, bao gồm một bài báo về Vụ tự thiêu giả mạo Thiên An Môn, một lá thư ca ngợi của Bộ Công an Trung Quốc gửi cho Nhà sáng lập Pháp Luân Công vì những đóng góp của ông cho xã hội, và cách mà ca sỹ nổi tiếng Quan Quý Mẫn và cựu quan chức thương mại chính phủ Trương Diệc Khiết đã hồi phục sức khỏe sau khi tu luyện Pháp Luân Công.

Luật sư nói rằng những ví dụ về những người hồi phục sức khỏe đã đi ngược với cáo buộc “phá hoại việc thực thi pháp luật”, và nếu công tố viên Long Đảm muốn có câu hỏi về tính xác thực của những trường hợp đó, ông ấy có thể điều tra.

Luật sư tiếp tục nói rằng chín chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân, Thiện, Nhẫn hảo” trên các vật lưu niệm, cũng như hình ảnh hoa sen hay thiên nữ không liên quan gì đến việc “phá hoại việc thực thi pháp luật“.

Luật sư nói thêm rằng không có luật nào ở Trung Quốc quy định tu luyện Pháp Luân Công là phạm pháp và ông Triệu chỉ thực hiện quyền tự do tín ngưỡng và bày tỏ quan điểm của mình trong việc tu luyện Pháp Luân Công và chia sẻ nó với những người khác. Chỉ khi một người làm hại ai đó hoặc điều gì đó thì họ mới có thể bị cáo buộc là tội phạm. Ông nói rằng, trong suốt lịch sử Trung Quốc, chỉ trong các phong trào như Cách mạng Văn hóa, người ta mới bị buộc tội về vấn đề ngôn luận.

Thẩm phán buộc tội ông Triệu là người phạm tội nhiều lần và đưa án tù trước đó của ông làm bằng chứng để buộc tội ông. Nhưng luật sư lập luận rằng bản án trước đó của ông vào năm 2019 ngay từ đầu đã là bất hợp pháp, và vào thời điểm đó, ông Triệu đã nộp đơn khiếu nại cảnh sát vì đã đánh ông Triệu trong khi thẩm vấn và thay đổi số lượng đồ đạc tịch thu được từ nhà ông Triệu từ 33 thành 53 để có thể kết án ông nặng hơn.

Trong phần phát biểu cuối cùng của mình, ông Triệu nói với thẩm phán Lý Phúc Sơn: “Tôi hiểu rằng đây là công việc của ông. Nhưng nếu một ngày nào đó công lý được thực thi và thế giới trải qua kiếp nạn, tôi hy vọng ông có thể được bình an vì thiện niệm của ông đối với Pháp Luân Công.” Lý đã cắt lời ông và cho kết thúc phiên xét xử.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/11/27/434087.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/12/11/196947.html

Đăng ngày 31-12-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share