Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc.

[MINH HUỆ 02-12-2021] Bà Lưu Đào Anh, 59 tuổi, một giáo viên trung học ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây, đã bị bức hại trong 22 năm qua chỉ vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện dựa trên tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn.

Trước sự phổ truyền rộng rãi cũng như sự phục hưng những giá trị truyền thống mà Pháp Luân Công đem lại, cựu bí thư Giang Trạch Dân, xuất phát từ sự đố kỵ vô lý của mình đã phát động cuộc bức hại pháp môn này vào năm 1999. Kể từ đó, cuộc sống của Bà Lưu Đào Anh đã bị đảo lộn hoàn toàn.

Bà Lưu Đào Anh bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1997. Từ năm 1999 đến năm 2015, nhiều lần cảnh sát lục soát nhà bà mà không có bất kỳ lệnh khám xét nào. Bà đã bị mất đi tự do cá nhân khi liên tục bị sách nhiễu và giám sát bất hợp pháp. Bà bị kết án phi pháp 3 năm lao động cưỡng bức cùng với hai bản án tù phi pháp lần lượt là 5 năm và 2,5 năm. Bà không chỉ bị thẩm vấn, tra tấn mà còn bị cơ quan sa thải.

Tu luyện Pháp Luân Công

Bà Lưu từng mắc rất nhiều bệnh như thoái hóa đốt sống thắt lưng (một bệnh lý liên quan đến sự mất ổn định của cột sống), sỏi niệu quản và viêm thấp khớp. Năm 1997, bà lâm bệnh nặng tưởng chừng không qua khỏi. Trong vòng nửa tháng, bà bị sụt cân còn hơn 30kg. Trong khi bệnh nằm liệt giường, bà Lưu bắt đầu đọc Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Công mà bà nhận được từ người bạn của mình rất lâu về trước. Thật bất ngờ, khối u tuyến giáp của bà đã biến mất.

Bà nhanh chóng bình phục và quay trở lại công tác. Khi không còn bệnh tật, bà chủ động nhận nhiều nhiệm vụ hơn trong công việc. Bà tham gia luyện công cùng với nhiều học viên địa phương khác tại Nhà máy Dây thép Tân Dư, nơi có liên kết hợp tác với trường học của bà.

Bị bắt giam vì giữ sách Pháp Luân Công

Tháng 4 năm 1999, một nhân viên bảo vệ đến địa điểm luyện công tập thể của các học viên và hỏi thông tin cá nhân của từng người. Nghĩ rằng nhà máy muốn quảng bá Pháp Luân Công, họ đều điền vào các mẫu đơn mà không biết rằng kể từ sau đó, họ sẽ đối mặt với sự sách nhiễu thường xuyên.

Ba tháng sau, vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dưới sự chỉ đạo của Giang Trạch Dân đã phát động cuộc bức hại trên toàn quốc. Nhiều học viên đã bị bắt, và các hoạt động luyện công tập thể cũng bị cấm hoàn toàn. Với danh sách được thu thập được từ điểm luyện công tập thể tại nhà máy, chính quyền đã theo dõi từng học viên và yêu cầu họ giao nộp sách Pháp Luân Công.

Tháng 3 năm 2000, bà Lưu được lệnh điền vào phiếu khảo sát về kết quả cải thiện sức khỏe nhờ tập luyện Pháp Luân Công. Bà trả lời các câu hỏi một cách trung thực và nói rằng bà được hưởng lợi từ Pháp Luân Đại Pháp về cả thể chất lẫn tinh thần.

Ngay sau đó, cảnh sát đến trường để thẩm vấn về thông tin bà đã điền vào phiếu khảo sát. “Bà có biết sự việc nghiêm trọng như thế nào không? Chúng tôi đã phải hoãn việc xử lý các vụ án phóng hỏa, giết người chỉ để đi xử lý trường hợp của bà đấy. Tốt hơn hết là bà nên hợp tác với chúng tôi”.

Bà Lưu trả lời: “Luật pháp là sợi dây thừng dùng để trói kẻ xấu. Nhưng bây giờ các anh lại bận rộn dùng nó để trói người tốt và dung túng cho kẻ ác, những kẻ đang giết người, phóng hỏa. Vậy làm sao tôi có thể hợp tác với các anh đây? Để thuận tiện cho việc điều tra của các anh, tôi đã điền vào bản khảo sát một cách chi tiết, trung thực về tất cả, từ địa chỉ đến tình trạng sức khỏe lẫn tinh thần. Các anh còn muốn gì ở tôi nữa?” Rồi họ nói với bà Lưu rằng họ chỉ đơn giản là đang chấp hành công vụ mà thôi.

Trong vài tháng sau đó, cảnh sát đã liên tục lục soát căn hộ của bà Lưu, nhưng chưa bao giờ xuất trình lệnh khám xét. Khi cảnh sát lục soát nhà của bà một lần nữa vào tháng 10 năm 2000, bà đã yêu cầu họ cung cấp lệnh khám xét. Và họ đáp lại rằng: “Chúng tôi có thể lấy lệnh khám xét bất cứ lúc nào chúng tôi muốn” rồi ngang nhiên tịch thu các cuốn sách Pháp Luân Công của bà Lưu.

Vì nôn nóng muốn bảo vệ sách, bà đã nhảy lên xe cảnh sát để ngăn họ lại khiến người dân địa phương cười nhạo. Họ cho rằng bà đã mất trí và đang muốn tự tìm đường chết.

Bà Lưu đã chia sẻ với một đồng nghiệp về nỗi thất vọng sau khi bị cảnh sát tịch thu sách Pháp Luân Công. Có lẽ cảnh sát đã theo dõi điện thoại của bà nên sau đó họ đã bắt giam đồng nghiệp của bà làm con tin để bắt giữ bà. Bà đã chủ động đến trình diện tại đồn cảnh sát và ngay lập tức bị tạm giam hành chính 15 ngày.

Khi ra khỏi trại giam, bà thấy vị đồng nghiệp cũng được thả cùng một lúc tại đó.

Bị giam tại Trung tâm tẩy não

Vào đầu năm 2001, bí thư Đảng của nhà máy dây thép hỏi bà Lưu: “Bây giờ bà thế nào? Bà đã ngưng tập [Pháp Luân Công] rồi phải không? “

Bà trả lời: “Mọi người đều có quyền tự lựa chọn.” Vì việc này mà bà Lưu đã bị tố giác và bị đưa đến một trung tâm tẩy não ở một vùng nông thôn.

Phiên tẩy não được tổ chức bởi Ủy ban Chính trị và Pháp luật của thành phố, một cơ quan nằm ngoài tư pháp, có nhiệm vụ bức hại Pháp Luân Công. Mỗi phiên tẩy não được kéo dài khoảng một tháng.

Để có được “chứng chỉ tốt nghiệp” từ phiên tẩy não, mỗi học viên phải ký vào một bản tuyên bố chỉ trích Pháp Luân Công và hứa sẽ không bao giờ tập luyện nữa.

Bởi vì bà vẫn kiên định với đức tin của mình, giới chức trách đã sỉ nhục và cười nhạo bà. Họ còn dùng quan hệ gia đình bà để lay chuyển ý chí của bà và đe dọa bà bằng các án lao động trong trại lao động cưỡng bức.

Một đồng nghiệp của bà có chồng đi làm việc ở xa thị trấn, cũng bị bắt vào trung tâm tẩy não ở cùng với bà mà họ gọi là để làm “bạn đồng hành”. Việc này khiến cho con cậu con trai 11 tuổi của cô ấy phải ở nhà một mình.

Bị tra tấn trong Sở cảnh sát

Một ngày mùa xuân năm 2001, một học viên địa phương đưa một chiếc đĩa mềm đến cho bà Lưu và nhờ bà kiểm tra giúp xem bên trong nó có gì. Vì bà Lưu không biết sử dụng máy tính nên bà nói sẽ tìm người giúp.

Nhiều ngày sau, bà Lưu bị bắt trong một cuộc truy quét của cảnh sát và bị đưa đến trụ sở công an thẩm vấn. Cảnh sát đã lục tung căn hộ của bà và tịch thu một bức ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công cùng với một mảnh giấy mà trên đó bà Lưu đã tự chép tay lại một bài giảng của Pháp Luân Công.

Cảnh sát còng tay bà với một tay ngoặt qua vai chạm tay kia kéo lên từ phía sau lưng, đồng thời bắt bà quỳ gối, lưng thẳng và giữ tư thế đó trong một thời gian dài. Họ sẽ đá vào lưng bà mỗi khi bà động đậy. Họ còn bắt bà giẫm lên bức ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công hay cho bà nghe thấy tiếng la hét của các học viên ở phòng bên cạnh. Cuộc tra tấn diễn ra trong sáu ngày.

2004-11-11-hljbeijing2_yhc5t8h.jpg

Tái hiện tra tấn: còng tay chéo qua sau lưng

Sau đó cảnh sát tìm thấy đĩa mềm tại nhà của bà Lưu và không phát hiện được bất kỳ tài liệu nào liên quan đến Pháp Luân Công mà họ đang tìm kiếm.

Ba năm lao động cưỡng bức

Bà Lưu lại bị đưa đến trung tâm tẩy não. Sau một tháng bị tẩy não, bà bị đưa thẳng đến trại tạm giam và bị tạm giữ hình sự. Hai tháng sau, cảnh sát buộc tội bà ba năm lao động cưỡng bức.

Với những nỗ lực giải cứu từ lãnh đạo trường, cảnh sát đã cho phép bà thụ án tại nhà.

Người lãnh đạo nói với bà Lưu: “Rất khó để tôi có thể đưa bà ra khỏi trại giam. Nếu bà làm sai gì thì tất cả chúng ta sẽ gặp rắc rối. Làm ơn, hãy làm theo lệnh của cảnh sát.“ Bà Lưu không nghĩ rằng mình đã làm gì sai, nhưng bà cũng không muốn để người lãnh đạo của bà thất vọng. Bà nói: “Tôi biết. Tôi biết mình cần phải làm gì.”

Bà Lưu quay lại công việc giáo viên của mình. Bà tiếp tục chiểu theo các tiêu chuẩn “Chân-Thiện-Nhẫn” trong cuộc sống và công việc của mình và được tuyên dương vì những đóng góp tích cực của bà cho công việc.

Bị kết án 5 năm tù giam

Sau đó, qua một đồng nghiệp, bà Lưu biết rằng chính quyền đã loan truyền rằng bà đã từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Họ lợi dụng việc đó để vu khống và phỉ báng pháp môn tu luyện. Bà đã đăng một “Nghiêm chính thanh minh” trên Minh Huệ Net rằng bà vẫn kiên định với đức tin của mình và khẳng định tin tức cho rằng bà từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công là vô hiệu.

Vào ngày 9 tháng 5 năm 2004, khi bà Lưu đang chấm bài kiểm tra tại phòng làm việc, một đồng nghiệp gọi bà ra ngoài. Khi vừa bước ra, ngay lập tức, bà bị một nhân viên bảo vệ và vài cảnh sát vốn đang đứng chờ ở hành lang bắt đi.

Trong cùng ngày, cảnh sát lục soát căn hộ của bà Lưu và tịch thu máy tính, máy in và các đồ đạc cá nhân khác của bà. Họ đưa bà đến một phòng khách sạn và thẩm vấn bà. Họ hỏi: “Bà đã đăng tuyên bố này trên Minh Huệ Net phải không?”

Bà Lưu trả lời “Phải” và bị đưa đến sở cảnh sát. Bà đã từ chối ký vào biên bản tạm giữ hình sự và nói rằng: “Không có gì sai khi tu luyện Pháp Luân Công để trở thành một người tốt. Những gì các anh đang làm là sai đấy. ”

Một viên cảnh sát nói: “Tôi không quan tâm bà có phải là người tốt hay không. Đảng Cộng sản trả lương cho tôi và tôi làm việc vì điều đó”.

Sau sáu tháng bị giam giữ, bà Lưu bị đưa ra tòa để xét xử. Bà bị giam trong một chiếc lồng kim loại bên ngoài tòa án trong nửa ngày. Cuối cùng, thẩm phán hủy phiên xét xử và cho lính canh đưa bà trở lại trại giam.

Gia đình bà đã thuê luật sư cho bà nhưng luật sư nói với bà rằng ông ấy không thể làm gì đối với trường hợp của bà bởi vì nhà chức trách đã xác định rằng vụ án này rất nghiêm trọng và bà phải nhận một bản án thật nặng.

Ngay sau khi vừa mãn hạn 3 năm lao động cưỡng bức, bà bị kết án 5 năm tù tại Nhà tù Nữ Tỉnh Giang Tây.

Trong nhà tù, các cai ngục đã lưỡng lự khi tra tấn các học viên Pháp Luân Công, nhưng thay vào đó họ đã xúi giục các tù nhân làm điều đó thay họ.

Một số lính canh nói rằng các học viên là những người tốt, nhưng họ phải chịu áp lực tuân theo chính sách bức hại để giữ được công việc của mình.

Sau khi ra tù, bà Lưu đã bị sa thải. Bà mở một lớp dạy kèm viết chữ sau giờ học. Ngay khi công việc của bà bắt đầu khởi sắc, phòng 610 của thành phố, một cơ quan ngoài pháp luật được thành lập đặc biệt để đàn áp Pháp Luân Công, đã ra lệnh cho sở giáo dục địa phương phải đóng cửa lớp dạy thêm của bà.

Án tù thứ hai

Vào ngày 27 tháng 7 năm 2018, bà Lưu lại bị bắt giam phi pháp sau khi cảnh sát tiến hành lục soát trái phép căn hộ của bà và tịch thu trái phép các sách và tài liệu Pháp Luân Công, điện thoại di động, máy tính, máy in và các đồ đạc cá nhân khác của bà. Ngày hôm sau, bà bị đưa đến Trung tâm giam giữ Cao Tân. Gia đình bà không được phép gặp bà vì bà không chịu mặc đồng phục của tù nhân. Vào ngày 15 tháng 8, bà được tại ngoại rồi lại bị đưa trở lại nhà giam 5 ngày sau đó. Vào năm 2019, bà bị kết án “định khung” hai năm rưỡi và bị giam giữ phi pháp tại Nhà tù Nữ Tỉnh Giang Tây.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/11/23/433888.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/12/7/196901.html

Đăng ngày 30-12-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share