[MINH HUỆ 12-05-2021] Gia đình là nền tảng của xã hội, đồng thời đây cũng là nơi quan trọng để thể hiện mối quan hệ đạo đức truyền thống giữa con người với con người. Cổ nhân giảng: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ“ – gia đình hòa thuận, đất nước mới thái bình. Trung Dung cũng viết: “Quân tử chi đạo, tạo đoan hồ phu phụ; cập kỳ chí dã, sát hồ thiên địa (Tạm dịch: Đạo của người quân tử là bắt đầu từ đạo vợ chồng, phát triển tới cảnh giới cao thâm thì có thể thấu tỏ được cái Đạo của trời đất)” Vợ chồng tôn trọng thương yêu lẫn nhau, tương kính như tân, thấu hiểu và nhường nhịn, kính già nhường trẻ, hợp với đạo Trời.

Chủ nghĩa Cộng sản là phản nhân loại, phản truyền thống. Ngay từ đầu, Engels đã kết luận rằng “Chủ nghĩa Cộng sản phải tiêu hủy chế độ tư hữu và gia đình.” Mục tiêu này cũng được thể hiện rất rõ trong bản Tuyên ngôn Đảng cộng sản: “Chúng ta thay thế giáo dục gia đình bằng giáo dục xã hội, chính là cần phải tiêu hủy mối quan hệ thân thiết nhất của con người.”

Nhìn lại lịch sử, trong quá trình đạt được mục tiêu phá hoại gia đình và mối quan hệ đạo đức giữa con người, ĐCSTQ đã làm ra vô số chuyện ác. Bài viết này liệt kê ra một vài ví dụ, giúp cho mọi người có thể nhìn thấy rõ những điểm chính.

Linh mục Bỉ: Trung Cộng là kẻ thù nội bộ phá hoại gia đình truyền thống

Năm 1952, Lôi Chấn Viễn, nhà truyền giáo chống Cộng người Bỉ sống nhiều năm ở Trung Quốc đã viết cuốn sách “Kẻ thù từ bên trong“. Cuốn sách này được ca ngợi là một tài liệu lịch sử vạch trần một cách chân thực đường lối của ma quỷ ĐCSTQ. Trong sách có kể một câu chuyện thế này:

Trong thời gian kháng chiến chống Nhật, tại một ngôi làng ở huyện An Quốc tỉnh Hà Bắc, có một người vợ trẻ khoảng 24-25 tuổi tên là Mạnh Thục Lan, tính tình hoạt bát và đầy tham vọng. Trung Cộng để ý và muốn lôi kéo cô gia nhập đảng. Vì vậy một đảng viên đã tiếp cận nịnh nọt cô, khen cô xinh đẹp, giỏi giang, rồi gieo rắc nỗi bất hòa giữa cô với gia đình nhà chồng, khiến họ nảy sinh mâu thuẫn. Sau đó anh ta tiếp tục tâng bốc cô: “Tại sao em lại lãng phí cuộc đời và tài năng của mình cho những kẻ cứng đầu đó? Họ chưa bao giờ quan tâm đến em. Em không nên cổ hủ như họ hay như những người trong làng. Em không ngu ngốc giống bọn họ. Em rất có tài! Em có thể trở thành một nữ lãnh đạo của tân Trung Quốc.

Lúc này, vị đảng viên kia đã âm thầm rót vào tai của Mạnh Thục Lan “cảm tình cách mạng”. Trung Cộng chỉ trích “hôn nhân phong kiến“, phê phán “tình yêu giai cấp tư sản” trước mặt cô và hứa hẹn sẽ khiến cô trở thành một nhân vật quan trọng trong cuộc cách mạng thế giới. Mạnh Thục Lan đã động lòng trước những lời nói kia, cô coi người đảng viên như người bạn đồng hành lý tưởng của mình. Lúc đầu, cô còn mặc cảm với gia đình, nhưng dưới ánh hào quang của hai từ “cách mạng”, cô dần tin rằng tất cả những điều này mới là cuộc sống mới thực sự. Vừa hay khi đó quân Nhật ập tới làng, dưới sự sắp xếp của người tình cộng sản, Mạnh Thục Lan lấy danh nghĩa chạy nạn bỏ nhà ra đi, và rất nhanh sau đó cô gia nhập đảng.

Trong thời nội chiến Quốc dân – Cộng sản, cô đã trở thành Chủ tịch Hiệp hội Phụ nữ Cộng sản của thành phố Chính Định và 3 quận của huyện Vô Cực. Lôi Chấn Viễn viết: “Theo lẽ tự nhiên, cô ấy phải rời bỏ gia đình và người chồng đầu tiên của mình, công khai đấu tố họ trước mặt chính quyền đảng cộng sản, và chứng kiến họ bị trừng phạt ngay tại chỗ với tội danh “phần tử phản động“ – đây là cái cớ tốt nhất để trừng phạt người ta mà không cần bất kỳ lời buộc tội nào. Đồng thời, cô làm gương cho những người phụ nữ khác thấy rằng: một người phụ nữ ĐCSTQ nên đi tắt đón đầu như thế nào.

Theo ghi chép của vị linh mục, trong nội bộ đảng cộng sản đã ban hành cuốn sách nhỏ về “Vấn đề tình yêu và hôn nhân”, trong đó quy định ra những tiêu chuẩn để thanh niên chọn vợ hoặc chồng: Thanh niên cộng sản trước hết phải chú ý đến quan điểm chính trị đúng đắn (của đối phương), sau đó mới xét đến học vấn, phẩm cách, sức khỏe và ngoại hình.” Trung Cộng còn cổ súy cho tư tưởng nam nữ bình đẳng, tự do hôn nhân, cách mạng chí thượng (làm cách mạng là trên hết), … khiến cho vô số gia đình tan cửa nát nhà. Chỉ riêng tại một thành phố thuộc tỉnh Giang Tô, đã có 931 vụ ly hôn trong năm đầu tiên ĐCSTQ cầm quyền. Điều kiện ly hôn rất đơn giản, miễn là họ “chứng minh” được đối phương là phản động, phản cách mạng, hoặc cổ hủ là được.

Tăng Chí, vợ của Đào Chú, trong cuốn hồi ký “Người sống sót trong cuộc cách mạng” đã chia sẻ quan điểm của bà về hôn nhân cộng sản rằng: “Đối với một người Cộng sản, cuộc sống vợ chồng chỉ là thứ yếu. Đời sống chính trị mới là quan trọng nhất.” Thật không thể ngờ rằng, cái quan điểm cách mạng về hôn nhân mà đảng tính phải triệt tiêu nhân tính ấy chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự băng hoại của các quan hệ đạo đức giữa người với người.

Mối nghiệt duyên giữa Cao tiểu thư và tên côn đồ cách mạng

Lý tưởng cách mạng Cộng sản xây dựng một thiên đường tại nhân gian đã lừa dối vô số nam nữ thanh niên yêu nước. Cái gọi là thế hệ Hồng Nham và thế hệ Diên An, với lòng nhiệt thành ngây ngô, đã bỏ lại gia đình và sự nghiệp, đem lý tưởng, hôn nhân và tương lai của bản thân mình phó thác toàn bộ cho cách mạng. Đến cuối cùng họ mới nhận ra, những người cách mạng thành công không phải là những người trung thành nhất với cách mạng mà là những người biết làm lợi cho bản thân trong cái phong trào vận động cách mạng ấy.

Giáo sư Vu Kiến Vanh của Viện Phát triển Nông thôn thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã viết một bài viết để tưởng niệm cha mình: “Cha tôi: Từ một tên côn đồ nông thôn đến Bí thư Thành ủy”. Tóm lược nội dung bài viết như sau:

Vào những năm 1920 – 1930, tại thôn Vu gia thuộc Hoàng Sa Đường, thành phố Vĩnh Châu, tỉnh Hồ Nam, cha ông năm đó 15, 16 tuổi đã đem toàn bộ gia sản đổ hết vào cờ bạc, vì vậy ông phải đi ăn trộm để sống qua ngày. Trưởng thôn Vu Triều Long vì thương tình nên đã gả một cô gái ăn xin trong thôn cho cha, và cùng trong năm đó giáo sư Vu chào đời. Có lần cha ông bị trói lại vì tội trộm đồ trong nhà trưởng thôn, sau khi được thả ra, ông đã dùng lửa thiêu rụi căn nhà đó. Sau này, trong cuốn tự truyện của mình, cha ông có viết: “Để chống lại sự áp bức của địa chủ, tôi đã dũng cảm thiêu sạch nhà của ông ta và không do dự mà tham gia đội du kích cách mạng.

Sau khi Trung Cộng cướp được chính quyền, cha ông dẫn theo một nhóm du kích thổ phỉ trở về và bắn chết trưởng thôn Vu Triều Long, sau đó ông trở thành công an trưởng của quận. Mẹ ông nghe tin liền đi tìm chồng và nhìn thấy ông ta đang “nghiên cứu công việc” với người đẹp cách mạng dì Cao trên một chiếc ghế dài. Sau đó bà bị một tên lính canh kéo ra ngoài cửa và mắng nhiếc: “Bà nói bà là vợ của cục trưởng chúng tôi. Tại sao khi nhìn thấy bà, ông ấy lại nổi giận? Bà dám mạo danh là vợ cục trưởng, sẽ bị xử lý trước pháp luật”. Mẹ ông nghe xong liền sợ hãi vội vã bỏ đi.

Sau khi cha ông và dì Cao kết hôn đã sinh được hai người con trai. Cha của dì Cao là một nhà tư bản ở Thiên Tân. Được truyền cảm hứng từ cuộc cách mạng đỏ Cộng sản, bà đã bỏ nhà từ cha, tham gia vào cách mạng mà không chút do dự, và kết hôn với người cha cách mạng chống lại giai cấp tư sản của ông. Trong cuộc cách mạng, cha ông là Ủy viên Hành chính và dì Cao là Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền đã bị hồng vệ binh bắt giam. Sau khi bị bắt, do khác nhau trong cách nhận thức về cách mạng, số phận của hai con người này có sự khác biệt to lớn. Cha tôi rất nhanh thích nghi được với không khí “cúi đầu nhận tội“, nên đã thoát khỏi những cuộc tra tấn về thể xác hết lần này đến lần khác; còn dì Cao thì thà chết chứ không chịu khuất phục, kiên quyết bảo vệ lý tưởng cách mạng cao cả trong tim, vững tin rằng đảng sẽ trả lại sự trong sạch cho bà. Kết quả, vào lúc bà kiên cường nhất, hồng vệ binh đã đem lá thư nhận tội và đơn ly hôn của cha ông đặt trước mặt bà. Người phụ nữ cách mạng được giáo dục trong giai cấp tư sản cuối cùng đã bị sụp đổ, vài ngày sau bà đã tìm cơ hội nhảy sông tự vẫn.

Sau cuộc cách mạng, cha tôi trở thành Bí thư Thành ủy thành phố và kết hôn với dì Tuyết, người kém ông 26 tuổi. Khi về hưu, ông đã đưa ra một yêu cầu rằng: “Giang sơn này do chúng ta giành về, con cái chúng ta chính là những kế nghiệp đáng tin cậy nhất. Hai con trai tôi giác ngộ cao, chúng nên đường bồi dưỡng chăm sóc cẩn thận.” Rất nhanh sau đó, con trai lớn của ông trở thành phó thị trưởng, còn con trai út trở thành triệu phú.

Sau khi cha tôi mất, Trung Cộng đã gửi một bài điếu văn để tiễn biệt ông: “Thuở thiếu niên, đồng chí tham gia cách mạng để chống ách áp bức của địa chủ… Là một chiến sĩ cộng sản trung thành, một cán bộ lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người con ngoan của nhân dân… ”

Người mẹ cách mạng cả cuộc đời cải tạo tư tưởng

Bà Lý Nam Anh, con gái của Lý Nhuệ, cựu bí thư của Mao Trạch Đông, gần đây đã viết một cuốn sách với tựa đề “Tôi có một người mẹ như vậy”, ghi lại câu chuyện có thật về người vợ cũ của Lý Nhuệ là Phạm Nguyên Chân. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Đài Truyền hình Tân Đường Nhân, bà Lý đã kể về mẹ của mình: “Bà ấy là một người bị biến dị nhân cách trong cuộc cách mạng. Cả đời này bà chỉ làm được duy nhất một việc, đó là cải tạo tư tưởng. Bà ấy không làm bất cứ việc gì cả, không làm tròn bổn phận của một người con, một người vợ cũng như một người mẹ, bà là một người phụ nữ vô cùng thất bại.”

Bà Phạm trong thời gian vận động chỉnh phong Diên An đã tố giác chồng mình là ông Lý Nhuệ. Trong thời gian ông Lý bị “chấn chỉnh”, bà Phạm ngoài việc tố giác chồng ra, còn thường xuyên trút giận lên con cái, phạt đứng và không cho phép chúng ngủ. Trong thời cách mạng văn hoá, bà vì tự bảo vệ bản thân đã đẩy ông Lý Nhuệ vào chỗ chết. Lý Nam Anh hồi tưởng lại năm mẹ mình 18 tuổi khi vừa đến đặt chân Diên An, bà chỉ như một tờ giấy trắng, bà tràn đầy hy vọng lời tuyên truyền cách mạng hiện thực hóa lý tưởng mọi người đều bình đẳng. Tuy nhiên, trong thời gian Trung Cộng thực hiện đả kích những phần tử bất đồng chính kiến tại Diên An, dưới tác động của cuộc vận động đấu tranh giai cấp cùng sự tuyên truyền những tư tưởng biến dị của Trung Cộng, bà Phạm dần dần đánh mất nhân cách chính thường. Bà bị văn hóa đảng đầu độc, cả cuộc đời bà chỉ biết nói lại những lời được tuyên truyền trên báo và tự cải tạo tư tưởng bản thân.

Bà Lý nói với phóng viên rằng, mẹ của mình đã không còn là một người mẹ bình thường nữa, bà hoàn toàn tự đặt mình vào trong cái vỏ bọc cách mạng. “Mọi hành động, lời nói của bà với con cái đều là chính trị, nếu bạn có ý kiến bất đồng với bà ấy, bà liền cho rằng bạn có tư tưởng của giai cấp tư sản. Bà ấy sẽ lôi bạn trở lại hàng ngũ của giai cấp vô sản. Nếu như bạn không nghe lời, vậy nghĩa là bạn đứng cùng lập trường với kẻ thù, bà ấy sẽ báo cáo bạn lên chi bộ đảng của đơn vị, để chi bộ đảng giúp đỡ bạn.”

Bà Phạm Nguyên Chân không phải là người duy nhất bị văn hóa đảng và đấu tranh giai cấp huy hoại nhân tính. Dương Mạt, tác giả của cuốn tiểu thuyết “Bài ca thanh xuân“ – một trong những tác phẩm kinh điển của cách mạng cũng có chung số phận như vậy. Con trai bà là nhà văn Lão Quỷ đã viết cuốn tiểu thuyết có tên “Tôi và người mẹ Dương Mạt của tôi” miêu tả mẹ mình là người “có khiếm khuyết nghiêm trọng“ , bà ấy sau khi tham gia cách mạng đã cho rằng: công việc và cách mạng là ưu tiên số một còn các con của bà chỉ là việc cá nhân, là thứ yếu, thậm chí còn là gánh nặng. Lão Quỷ cũng tiết lộ một yếu tố quan trọng dẫn đến sự hình thành quan niệm biến dị của bà Dương: Khi ở trong hầm của căn cứ địa chờ đợi quân đội Trung kháng Nhật, để tránh bị quân địch phát hiện, bà Dương – người mẹ cách mạng đã tự tay bóp ngạt đứa con còn đang quấn tã của mình. Kể từ đó, bà càng thêm kiên định tin rằng cách mạng cao hơn tất cả.

Bà Dương, người đã từng coi cách mạng cao hơn cả tình mẫu tử, về sau cảm thấy vô cùng hối hận về những việc làm sai trái đã làm sau khi nhân tính bị biến dị trong cách mạng. Lão Quỷ tin rằng Đảng Cộng sản là kẻ đã gây ra tất cả những điều này.

Phong trào bỏ vợ cũ thay vợ mới

Có một lần, Hán Quang Vũ đế cho gọi Thái trung Đại phu Tống Hoằng và hỏi: “Người đời có câu, giàu đổi bạn, sang đổi vợ, ngươi có cho vậy là chuyện thường tình chăng?”. Nghe thấy vậy, Tống Hoằng liền đáp: “Thần xin thưa, tào khang chi thê bất khả hạ đường, bần tiện chi giao mạc khả vong” (nghĩa là thần nghĩ rằng, khi giàu sang không nên quên người bạn từng chơi với mình thuở hàn vi, khi phú quý không nên bỏ người vợ từng bên mình lúc hoạn nạn). Trong văn hóa truyền thống, hôn nhân được xem như “nhân luân chi bổn” trong “thiên địa chi đạo” (cái gốc của mối quan hệ đạo đức giữa người với người trong Đạo của trời đất)

ĐCSTQ đã triệt để vứt bỏ những quan niệm truyền thống. Sau chiến dịch Hoài Hải, hàng trăm nghìn cán bộ ĐCSTQ tiến vào Nam Kinh, “tranh đua” nhau “thay vợ”. Từ trung ương đến địa phương, đâu đâu cũng “thay vợ”. Các cán bộ cũ được lấy vợ trước sau đó đến cán bộ mới. Người 50 tuổi lấy vợ 20 tuổi, xét theo tuổi tác còn lớn hơn cả bố vợ. Có rất nhiều tân nương sau khi kết hôn liền bỏ trốn. Các cán bộ này liền sai người lùng sục khắp nơi để bắt cô dâu về.

Nhà văn Triệu Đông Linh trong một lần tìm tư liệu cho bộ phim truyền hình “Nam tiến”, đã tìm thấy một văn bản của Tòa án tối cao lúc bấy giờ, văn bản yêu cầu tòa án các cấp đơn giản hóa thủ tục ly hôn cho cán bộ Nam tiến. Không cần sự đồng ý của người vợ ban đầu, và chỉ cần gửi đơn ly hôn về nhà là được.

Một số người đã lên tiếng bảo vệ cho cho những hành động phá hủy nhân luân truyền thống của ĐCSTQ rằng: ĐCSTQ là vì muốn hoàn thành quá trình chuyển đổi từ nông dân làm cách mạng thành một người quản lý thành phố càng sớm càng tốt. Lời nói dối này cũng nực cười như cái lý do của cuộc cải cách mở là để cùng làm giàu cùng phát triển. Lâm Chiều, một phụ nữ có tài của Đại học Bắc Kinh, người sau đó bị ĐCSTQ bức hại đến chết, rất khó chịu với sự việc này, bà gọi những vị cán bộ kia là “Trần Thế Mỹ”.

(Trần Thế Mỹ là một nhân vật trong kinh kịch dân gian của Trung Hoa được truyền tụng gắn với giai thoại xử án của Bao Công. Trần Thế Mỹ xuất thân bần hàn nhưng học giỏi và đỗ trạng nguyên rồi kết hôn với công chúa nhà Tống trở thành phò mã. Sau đó, hắn bội tình, phản bội vợ con cũ của mình để theo vinh hoa phú quý. Trần Thế Mỹ đã bị Bao Chửng xử chém.) (Theo Wikipedia)

Lời kết: ĐCSTQ là kẻ đầu sỏ phá hoại gia đình và mối quan hệ đạo đức giữa con người

Để phá bỏ các giá trị gia đình truyền thống, Trung Cộng đã thay thế mối quan hệ giữa vợ và chồng bằng mối quan hệ giữa “đồng chí cách mạng”, đồng thời dùng “cảm tình giai cấp” để định nghĩa và đo lường lại mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, tất cả đều phải phục tùng theo yêu cầu của đảng, đảng tính cao hơn nhân tính, giữa vợ chồng có thể đấu tố nhau, giữa cha mẹ con cái có thể phê bình lẫn nhau, từ đó bày tỏ lòng trung thành với đảng. Đồng thời, Trung Cộng đã sử dụng chiêu bài bình đẳng nam nữ và hôn nhân tự do để phá bỏ những giá trị truyền thống.

Hãy thử tưởng tượng, nếu như lòng tin, ân nghĩa và mối quan hệ huyết thống giữa các thành viên trong gia đình cũng có thể bị xé bỏ và đùa giỡn, con người còn đạo đức nào để ước thúc nữa đây, vậy thì chẳng phải họ sẽ phải đối diện với sự hủy diệt triệt để hay sao? Nếu đứng trên phương diện này mà xét, Trung Cộng chính là gốc rễ của tất cả các loại tà ác và bại hoại.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác phát hành trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/13/193681.html

Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/5/12/424454.html

Đăng ngày 19-07-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share