Bài viết của một học viên Đại Luân Đại Pháp tại Trung Quốc đại lục

[MINH HUỆ 09-07-2021] Quê tôi là một ngôi làng nhỏ ở vùng đồng bằng, xung quanh còn có nhiều ngôi làng khác. Diện tích đất canh tác bình quân đầu người trong vùng rất nhỏ, nhưng đất đai màu mỡ có lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Theo lời mẹ tôi kể lại, làng chúng tôi từng có một gia đình rất giàu có, nhưng tất cả tài sản của họ đã bị xâu xé chia cho nhiều người khác sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lên nắm quyền. Gia đình đó đã tìm mọi cách chống cự nhưng bất lực, nên họ đã bỏ đi đến nơi khác cùng những đứa con. Không ai biết họ đi đâu. Người ta kể rằng người vợ trong gia đình đó đã quay về làng một lần sau nhiều năm, nhưng cô lại rời đi trong sự thất vọng to lớn, tài sản của họ từ lâu đã bị chia cho bốn, năm gia đình khác và chẳng ai trong đó thèm nói chuyện với cô.

Vào thời Cách mạng Văn hóa, làng chúng tôi đã đông lên, có khoảng 20 hộ gia đình, khoảng 140 -150 người, hầu hết là trẻ em. Nhà cửa rất tuềnh toàng. Hầu hết các gia đình có khoảng bảy người sống chung dưới một mái nhà, có gia đình đông hơn thì khoảng hơn chục người sống chen chúc trong một hộ. Có trường hợp, hai, ba cặp vợ chồng phải ở chung một nhà, mỗi cặp có một phòng riêng nhỏ. Ngay cả một ngôi làng nhỏ như vậy cũng không thể thoát khỏi tác động tàn khốc của cuộc Cách mạng Văn hóa. Mặc dù người lớn đã làm lụng vất vả nhưng hầu như nhà nào cũng vẫn thiếu ăn.

Nhà ông ngoại cách nhà chúng tôi chừng bảy, tám dặm. Trong thời Trung Hoa Dân Quốc, ông tôi có thể kiếm đủ lương thực và quần áo cho một gia đình bảy, tám người, dù ông là người duy nhất trong nhà đi làm đồng.

Bà tôi bị bó chân nên cả đời không làm được bất cứ công việc đồng áng nào. Bà sống đến hơn 80 tuổi. Ông tôi rất cần cù, hiểu biết. Vào mùa vụ bận rộn, ông một mình canh tác trên mấy mẫu ruộng mà không cần ai giúp đỡ. Đến kỳ thu hoạch, ông không chỉ có đủ cho gia đình mà còn dư dả để giúp đỡ bà con họ hàng. Lúc nông nhàn, ông vào núi khai thác đá để bán kiếm tiền.

Vì thế, cả gia đình ông luôn được sung túc, chú tôi cũng được đi học. Lễ Tết nào gia đình cũng có cỗ bàn, trong nhà ai cũng được may quần áo mới. Mẹ tôi thời thiếu nữ cũng được mặc những bộ sườn xám rất đẹp. Hồi đó, cả nhà đã được sống một cuộc sống gia đình rất hạnh phúc.

Mọi thứ đã thay đổi sau khi ĐCSTQ chiếm quyền thống trị đất nước. Mẹ tôi sau đó kết hôn với bố tôi, nhưng cuộc sống yên bình của cha mẹ kéo dài không bao lâu thì cuộc Cách mạng Văn hóa đã làm đảo lộn cả đất nước. Gia đình chúng tôi thường xuyên cạn kiệt đồ ăn. Ông tôi lo lắng bố mẹ không nuôi nổi chúng tôi, nên đã bí mật khai khẩn đất hoang đây đó để trồng trọt giúp gia đình chúng tôi. Tay chân của ĐCSTQ trong làng đã làm nhiều điều xấu, nhưng không ai dám lên tiếng.

Một người bị đánh đến chết vì lấy trộm vài củ tỏi

Bố tôi có một người bạn thân cùng làng. Cả hai đã cùng tham gia chiến tranh Triều Tiên vào đầu những năm 50 và được trả về làng sau khi chiến tranh kết thúc mà không được hưởng bất cứ quyền lợi nào dành cho cựu chiến binh, ngoại trừ mấy tấm ảnh chúc Tết hàng năm. Ngay cả “lợi ích” nhỏ này cũng bị cắt không lâu sau đó.

Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, ai cũng bị thiếu ăn, vì vậy bạn của bố tôi đã lấy trộm mấy củ tỏi của làng bên và nướng trong lò đất. Đúng lúc ấy, có một phụ nữ nhà hàng xóm sang mượn đồ, nhìn thấy tỏi trong lò đất. Cô ta đã tố giác với đội sản xuất.

Một lúc sau, người cựu chiến binh này đã bị người làng bên đánh đập dã man, mà đội sản xuất làng tôi còn hùa vào với họ. Vết thương quá nặng khiến chú nằm bẹp giường, mấy hôm sau thì qua đời, để lại người vợ đang mang thai và ba đứa con gái nhỏ, đứa lớn chưa đầy 10 tuổi. Không ai trong làng dám chia buồn với gia đình tang thương ấy.

20 năm sau, một đứa trẻ ở làng bên (con của gia đình đã đánh bạn của bố tôi) lớn lên. Một buổi tối, anh ta cùng những người khác đi bắt ếch bán cho các nhà hàng địa phương. Họ đã phá hoại mùa màng của người ta và bị đánh. Sau đó, tất cả bọn họ đã quay trở về, trừ anh ta. Không ai biết chuyện gì đã xảy ra, và cảnh sát cũng không thể tìm thấy thi thể của anh ấy, mà đến nay vẫn là một bí ẩn. Một số người nói rằng đó là quả báo cho gia đình anh ta vì đã đánh chết một người đàn ông chỉ vì ăn trộm mấy củ tỏi trong ruộng nhà họ.

Nỗi đau của ông nội tôi

Ông nội của tôi là một nhà Nho thông thái, am hiểu sự đời. Ông học đại học dưới thời Trung Hoa Dân Quốc, và có thể được coi là một trí thức vào thời điểm đó. Ông giỏi thư pháp, có tài ăn nói và tính toán. Vì thế, ông là người có tiếng trong vùng.

Vì nhà tôi có tổ tiên từng làm quan trong triều đại nhà Thanh, nên gia đình ông nội tôi khá là khá giả. Ông lại là cháu đích tôn. Ông có dáng vóc tráng kiện và rất khỏe mạnh.

Mặc dù bố tôi là con một trong gia đình, nhưng ông nội vẫn cho bố tôi ra chiến trường để tham gia vào cái mà Đảng Cộng sản Trung Quốc gọi là “Cuộc chiến chống quân xâm lược Mỹ và viện trợ Triều Tiên”, để làm một trong hàng triệu tấm bia đỡ đạn cho ĐCSTQ. May mắn thay, bố tôi đã trở về nhà an toàn, nhưng gia đình tôi chưa bao giờ nhận được bất cứ sự quan tâm hay trợ cấp nào cho sự công hiến này.

Bố tôi qua đời khi còn trẻ ngay sau khi cuộc Cách mạng Văn hóa bắt đầu. Ông tôi đã chịu đựng nỗi đau mất vợ ở tuổi trung niên, và sau đó là mất con trai duy nhất ở tuổi già, chưa hết, ông còn phải chịu đựng những đau khổ do cuộc Cách mạng Văn hóa mang đến.

Chỉ vì ông tôi đã từng làm bảo chương (một chức tương đương với hương trưởng) dưới thời Trung Hoa Dân Quốc, mà ông bị đấu tố, hành hạ giữa nơi công cộng trước mặt toàn thể dân làng. Hai tay ông bị kéo quặt ra sau lưng, người bị ấn cho cúi gập xuống trong tư thế đau đớn. Đội trưởng ra lệnh mọi người đấm đá ông. Ông tôi lúc đó đã ngoài 50 tuổi. Ông đã bị đánh đến mức mất khả năng tự chủ mà tiểu tiện ngay tại chỗ. Thế mà bọn họ vẫn không dừng lại mà tiếp tục hành hạ ông.

Mẹ tôi kể, hồi ông tôi còn làm bảo chương, ông đã làm nhiều việc tốt cho dân làng, còn quyên góp tiền của mình cho những người cần giúp đỡ. Thế mà những người được lợi nhờ lòng tốt của ông lại theo học thuyết “đấu tranh giai cấp” của ĐCSTQ mà quay lưng lại với ông.

Nhiều năm sau đó, ông vẫn không được khôi phục danh dự, không có lương hưu hay bất cứ quyền lợi nào. Tuy nhiên, nhờ có thể lực tốt, ông đã có thể sống đến năm 80 tuổi, nếu không có lẽ đã ra đi lâu rồi.

Tôi nhớ nhiều năm sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc, khi mọi người hỏi ông tại sao ông không oán hận những người đã ngược đãi ông trước đây mà vẫn đối xử tử tế với họ, ông tôi nói: “Trời cao đất dày, đừng chỉ nhìn vào chốn nhỏ bé này.” Ý của ông là làm người phải có tâm bao dung, đừng để bụng những chuyện được mất cá nhân.

Gia đình tôi bị đối xử bất công

Trong thời đại “hợp tác xã”, dân làng cùng nhau làm việc, những đóng góp của họ được ghi nhận bằng “công điểm”. Sau đó, ngũ cốc và các vật dụng sinh hoạt được phân phối cho từng hộ gia đình dựa theo “công điểm” mà họ đã kiếm được trong năm.

Sau khi bố tôi mất, ông tôi vì tuổi già không kiếm được “công điểm” nào, ba đứa trẻ chúng tôi vì tuổi còn nhỏ cũng không kiếm được “điểm” nào nên cả nhà chỉ biết trông cậy vào mẹ. Mẹ đã phải làm việc rất vất vả cho cả gia đình chúng tôi.

Mẹ tôi rất lanh lợi và biết làm mọi việc đồng áng, kể cả những công việc của nam giới. Tuy nhiên, vì là phụ nữ nên “công điểm” của mẹ ít hơn nhiều so với nam giới mặc dù mẹ làm việc không thua kém chút nào. Cuối năm, gia đình chúng tôi thường nhận được rất ít thóc do không đủ “công điểm” và bị xếp vào diện “hộ thiếu lương thực”.

Có một năm, vào đêm giao thừa Tết Nguyên Đán, nhà chúng tôi không còn chút gạo nào để nấu một bữa ăn. Vậy mà, đội sản xuất vẫn cử người đến dỡ gạch ngói và khung mái nhà của chúng tôi để bù lại số “công điểm” mà họ ghi cho mẹ tôi.

Trong khi đó, một người phụ nữ là họ hàng của bí thư chi bộ đảng ở làng chúng tôi được cho “công điểm” cao hơn mẹ tôi rất nhiều, và bà ấy chỉ là một người mà được chia nhiều ngũ cốc hơn cả gia đình bốn người chúng tôi.

Cướp bóc tàn bạo

Sau khi Cách mạng Văn hóa bắt đầu, đội trưởng đội sản xuất ra lệnh cho tất cả các hộ gia đình phải đào đất dưới nền nhà lên, bảo đó là đất đai màu mỡ có thể dùng để thúc đẩy sản xuất. Đích thân đội trưởng đã dẫn dân làng đến đào đất ở từng hộ một.

Mẹ bảo chúng tôi rằng trưởng làng phân công cho mẹ làm công trình thủy lợi ở một nơi khác, sau đó họ cử người đến đào sâu xuống nền nhà chúng tôi, và lấy đi một số bình hoa và đồ cổ có giá trị trong nhà mà không để lại bất cứ biên nhận nào. Chúng tôi không bao giờ biết được số đồ đạc trong nhà mình đã đi đâu, cũng không ai trong nhà dám hỏi han gì.

Nổi đau của những bà mẹ cho con bú và những đứa trẻ

Trẻ đói đòi bú là chuyện hết sức bình thường. Nhưng một nhân quyền cơ bản như vậy cũng bị tước bỏ trong cuộc Cách mạng Văn hóa.

Thời ấy, để những người mẹ không thể về làng cho con bú trong giờ nghỉ giải lao, đội trưởng làng chúng tôi đã ra lệnh dời mảnh đất canh tác màu mỡ gần làng đến một nơi xa lắc, để các bà mẹ có con nhỏ không thể vừa đi làm đồng vừa cho con bú. Các lãnh đạo Đảng không mảy may quan tâm đến những đứa trẻ đói sữa hay những người mẹ đau thắt quặn ruột ấy.

Lãnh đạo Đảng ở làng chúng tôi cực kỳ tham nhũng. Họ muốn đến đâu cũng được ăn miễn phí, cán bộ nào cũng được ăn uống đề huề và béo. Họ thường dẫn con cái đi theo để được hưởng bữa ăn miễn phí và luôn muốn có đặc quyền cá nhân bất cứ khi nào có thể. Không ai trong gia đình họ bị đói, con cái họ lớn lên cũng chỉ biết ăn, chứ không muốn làm.

Mỗi khi mẹ kể những chuyện này, bà luôn thở dài. Bà không thể hiểu tại sao những người làm lụng vất vả như bà hồi đó vẫn luôn đói và không có gì để ăn.

Thực ra, tất cả là do ĐCSTQ tà ác. Nó giống như con quỷ bám lên thân người Trung Quốc và đẩy họ đi đến hành động cực đoan. Nó xúi giục người ta làm những việc trái với lương tâm mà không suy xét đến hậu quả, hành xử trái với các quan niệm và giá trị văn hóa truyền thống.

Lại thấy nụ cười của mẹ sau bao thập kỷ

Cuốn Cửu Bình (Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản) đã vạch trần một cách có hệ thống nguồn gốc và sự phát triển của Đảng Cộng sản cũng như bản chất thật của nó. Sau khi xem các video được sản xuất dựa trên cuốn sách này, mẹ tôi đã liên hệ được nhiều điều từ trải nghiệm của bản thân. Bà cảm thấy cuốn sách rất chân thực và có ý nghĩa. Nó mang lại cho bà hy vọng, chỉ khi hiểu được bản chất thật của ĐCSTQ, mọi người mới có thể thực sự thoát khỏi sự kiểm soát của nó.

Kể từ đó, mẹ tôi như thay đổi thành một con người khác. Bà trở nên cởi mở, vui vẻ hơn rất nhiều, và nụ cười tươi tắn thường xuất hiện trở lại trên khuôn mặt bà, một nụ cười xuất phát từ trái tim mà mấy thập kỷ nay, chúng tôi không nhìn thấy.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/6/26/427429.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/7/9/194012.html

Đăng ngày 14-07-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share