Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Bắc California

[MINH HUỆ 03-05-2021] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 2014, sau khi một đồng nghiệp là một học viên Đại Pháp giới thiệu Đại Pháp cho tôi. Tôi thực sự trân quý an bài của Sư phụ. Kể từ khi đắc Pháp, thân thể và tâm trí tôi đã được tịnh hóa. Cuối cùng, tôi đã tìm ra được đáp án cho những câu hỏi trước đây đã khiến tôi bối rối, như vấn đề giáo dục con cái.

Học Đại Pháp xóa tan mọi nghi vấn – Ý nghĩa thực sự của giáo dục nằm trong cuốn Chuyển Pháp Luân

Sau khi con trai tôi chào đời, tôi quan tâm đến tất cả các loại sách, bài báo và thảo luận về giáo dục trẻ em. Tôi muốn tìm cách tốt nhất để nuôi dạy một đứa trẻ. Một số người nói rằng trẻ em nên được nuôi dưỡng trong một môi trường khắc nghiệt. Tôi không thể tìm ra được câu trả lời rõ ràng về cách nuôi dạy con tốt nhất.

Tôi được cha mẹ dạy để trở thành một đứa trẻ rất trung thực và tốt bụng. Nhưng, tôi nghi ngờ liệu cách này vẫn có tác dụng trong xã hội ngày nay. Phải chăng nó sẽ khiến đứa trẻ trở nên quá tử tế, dễ bị bắt nạt bởi những đứa trẻ hư? Xã hội ngày nay hỗn loạn và nhiều trẻ em là những kẻ bắt nạt.

Tôi đã nói với con trai mình khi cháu còn học tiểu học rằng: “Con đừng bao giờ bắt nạt các bạn khác. Nhưng nếu có ai đó bắt nạt con, con phải đánh trả. Nếu không, cậu ta sẽ bắt nạt con bất cứ khi nào có cơ hội.”

Điều này xảy ra cho đến khi tôi học Pháp của Sư phụ:

“Chân Thiện Nhẫn là tiêu chuẩn duy nhất để nhận định người tốt xấu” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

“Dẫu tiêu chuẩn đạo đức của nhân loại có thay đổi thế nào đi nữa, đặc tính của vũ trụ không hề thay đổi; Nó chính là tiêu chuẩn duy nhất để xác định người tốt xấu.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Tôi đột nhiên nhận ra rằng tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn mới thực sự đúng đắn để dạy một đứa trẻ.

Sư phụ giảng rằng:

“Khi giáo dục cho trẻ nhỏ, vì muốn tương lai sau này có thể xác lập chỗ đứng trong xã hội người thường nên người lớn thường hay dạy bảo ngay từ tấm bé: “con phải biết sống khôn khéo”. Từ vũ trụ chúng ta mà xét thì thấy “khôn khéo” ấy đã sai quá rồi; bởi vì chúng tôi giảng tuỳ kỳ tự nhiên, đối với lợi ích cá nhân cần coi nhẹ. Nó mà khôn kiểu ấy, chính là chạy theo lợi ích cá nhân. “Đứa nào nạt dối con, con hãy tìm thầy giáo nó, tìm cha mẹ nó”; “thấy tiền [rơi] con hãy nhặt [bỏ túi]”, toàn giáo dục trẻ như thế. Từ bé đến lớn đứa trẻ tiếp thụ những thứ như thế rất nhiều, dần dần tại xã hội người thường tâm lý tự tư của nó càng ngày càng lớn; nó chỉ muốn chiếm lợi riêng cho mình, và nó sẽ tổn đức.” (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nghĩ ví dụ này đang nói về mình. Tôi cảm thấy xấu hổ về phương pháp dạy dỗ con của mình trước đây. Nguyên lý chuyển hóa đức và nghiệp trong cuốn Chuyển Pháp Luân cũng đã giải tỏa sự bối rối của tôi.

Tôi nghĩ mình đã tìm được hướng đi đúng đắn trong giáo dục và cảm thấy bình yên. Tôi khích lệ con trai tôi sử dụng Chân-Thiện-Nhẫn làm tiêu chuẩn trong cuộc sống của cháu và đề cao tâm tính. Tôi đã giới thiệu văn hóa truyền thống Trung Quốc cho cháu, đưa cháu đi xem Shen Yun. Tôi cũng khuyên cháu hãy làm công việc tình nguyện càng nhiều càng tốt, giúp đỡ giáo viên, bạn học và những người xung quanh bất cứ khi nào có thể.

Một ngày nọ, con trai tôi nói với tôi rằng một người bạn cùng lớp đã tức giận vì thua một trận tennis. Cậu ta đã dùng vợt tennis đánh con tôi. Nhưng, con trai tôi đã không tức giận và tha thứ cho cậu ta. Tôi rất vui khi nghe được điều đó và nói với cháu rằng cháu đã làm điều đúng đắn. Con trai tôi nói đùa: “Mẹ ơi, con nhớ mẹ đã nói với con rằng con nên đánh trả.” Tôi nói: “Mẹ xin lỗi, lúc đó mẹ chưa học Đại Pháp.”

Con trai tôi hòa đồng với tất cả các bạn cùng trường và thành tích học tập ở trường của cháu khá tốt. Tôi đã không chạm vào tất cả những cuốn sách giáo dục đó trong một thời gian dài, vì tôi tin rằng ý nghĩa thực sự của giáo dục nằm trong cuốn Chuyển Pháp Luân.

Thông qua hướng nội và loại bỏ chấp trước, mối quan hệ với con trai tôi được cải thiện

Một số chấp trước rất khó phát hiện sau thời gian dài ôm giữ chúng. Tôi sẽ cho rằng đó là việc đương nhiên. Nhưng thực ra không phải vậy. Ví dụ, tôi có tâm lý muốn con trai mình được nhận vào một trường đại học hàng đầu. Nhiều con cái của bạn bè và đồng nghiệp của tôi đã vào các trường đại học hàng đầu. Tôi ước con trai tôi cũng có thể vào học một trong các trường đó trong tương lai. Tôi rất nghiêm khắc về kết quả học tập ở trường và các hoạt động khác của con. Tôi sẽ bị mất kiên nhẫn khi cháu không đạt được như kỳ vọng của tôi. Thời niên thiếu con tôi có chút nổi loạn. Đôi khi, hai mẹ con không thoải mái với nhau.

Sau đó, tôi đọc được đoạn Pháp:

“Vậy thì khi phát sinh mâu thuẫn cần các bên tự hướng nội tìm nguyên nhân của bản thân, bất kể là sự việc này lỗi tại chư vị hay không.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Châu âu [1998])

Thông qua việc cố gắng tìm ra nguyên nhân gốc rễ, tôi thấy rằng mặc dù muốn con trai vào một trường đại học tốt là vì lợi ích của cháu, nhưng tôi có tâm hư vinh ẩn giấu sau đó. Tôi sẽ cảm thấy tự hào khi những người khác biết rằng con trai tôi vào một trường đại học tốt. Đó chẳng phải là chấp trước vào danh sao? Nó cũng giống như điều mà một người thường theo đuổi. Đó chẳng phải là chấp trước mà một học viên Đại Pháp cần loại bỏ sao?

Sau khi nhận ra điều này, tôi bắt đầu buông bỏ chấp trước này. Trước đây, tôi nghĩ rằng một trường đại học tốt sẽ không chỉ dạy kiến thức chuyên môn mà còn có thể dạy một sinh viên trở thành người tốt. Nhưng ngày nay, các trường đại học hàng đầu vẫn có thể dạy người ta trở thành người tốt không? Tôi nghi ngờ điều đó.

Trong trường hợp đó, không có lý do gì để theo đuổi những trường đại học hàng đầu này. Nếu con trai tôi có thể phù hợp với tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn trong mọi khía cạnh, thì bất kỳ trường đại học nào cũng tốt. Tôi thực sự đã từ bỏ chấp trước của mình vào các trường đại học hàng đầu, và tôi không yêu cầu con trai tôi phải đạt được tất cả các tiêu chuẩn cao về thành tích học tập ở trường. Thay vào đó, tôi tỏ ra tin tưởng vào khả năng của cháu, đồng thời để cháu có trách nhiệm hơn và tự sắp xếp thời gian. Kết quả rất khả quan. Mối quan hệ của chúng tôi đã được cải thiện. Con trai tôi cảm thấy bớt căng thẳng hơn và cười nhiều hơn.

Sư phụ giảng:

“[Tôi] nói rõ cho chư vị một chân lý: toàn bộ quá trình tu luyện của người ta chính là quá trình liên tục tống khứ tâm chấp trước của con người.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Tôi sẽ cố hết sức để buông bỏ mọi chấp trước, và đối đãi với mọi người và mọi sự việc bằng tâm thái từ bi và bình hòa. Tôi sẽ cố gắng học hỏi thêm nhiều từ các đồng tu, làm tốt ba việc, xem xét từng suy nghĩ, và trở thành một học viên Đại Pháp vị tha và đạt tiêu chuẩn.

[Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org]


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/5/3/424133.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/5/5/192192.html

Đăng ngày 25-06-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share