Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 14-01-2021] Một vài học viên Pháp Luân Đại Pháp trong khu vực chúng tôi gần đây đã bị bắt giữ và nhà của họ bị lục soát. Tất cả họ đều có một điểm chung: Họ đã làm các việc trên quy mô lớn. Họ cũng vận hành các điểm sản xuất tài liệu lớn và toàn diện, hoặc tổ chức các nhóm học Pháp quy mô lớn.

Các học viên khác nói: “Những học viên bị bức hại lần này đều là trụ cột trong khu vực địa phương của họ.” Mỗi người trong số họ đều là tinh anh, vậy sao họ bị bức hại? Nhìn vào những gì đã xảy ra ở góc độ tu luyện, tôi cảm thấy tâm lý ỷ lại là một trong những nguyên nhân chính.

Tâm lý ỷ lại có thể gây nguy hại

Cô Lý không chỉ tự sản xuất tài liệu, mà cô còn nhận tài liệu từ một số học viên. Theo thời gian, một điểm sản xuất tài liệu lớn và toàn diện đã được hình thành tại nhà cô. Nhiều học viên biết cô. Họ cũng biết rằng cô rất có khả năng xử lý mọi việc và có thể nhanh chóng chuyển tài liệu đi phân phối. Nội dung của tài liệu cô sản xuất tốt và cô làm số lượng lớn. Cô có thể dễ dàng đáp ứng nhu cầu của các học viên.

Tôi cảm thấy các học viên khác nên cố gắng tìm các kênh lấy tài liệu của riêng mình để giảm bớt gánh nặng cho cô.

Khoảng hai tháng trước khi cô bị bắt giữ, tôi nhận thấy cuốn Chuyển Pháp Luân rơi khỏi tay của cô trong lúc đang học Pháp vì cô đã kiệt sức. Khi đến lúc phát chính niệm, cô gặp khó khăn trong việc giữ thẳng tay. Tôi đã nhẹ nhàng nhắc nhở cô nhiều lần. Thay vì tự mình chỉ ra điều đó, cuối cùng tôi đã nhờ các học viên thân cận cô nhắc nhở cô. Sự vị tư, cái tình và quan niệm của tôi về việc “Cô ấy sẽ không nghe nếu mình cứ liên tục nhắc nhở”, đã ngăn trở tôi và làm hại cô ấy.

Một số học viên đã khen ngợi cô Lâm [học viên thứ hai] rằng: “Cô ấy rất có năng lực và không có chút vị tư nào.” Vô tư chắc chắn là điều tốt. Tuy nhiên, bản sự chỉ là biểu hiện bề mặt của tu luyện của một người. Tu luyện không được đo lường bằng việc bạn làm được bao nhiêu, mà dựa vào tầng thứ tâm tính của bạn. Các học viên quanh cô Lâm ghen tị với bản sự của cô, và họ cảm thấy thua kém cô.

Càng nhiều học viên đến gặp cô để xin tài liệu, thì cô càng phải chuẩn bị nhiều tài liệu hơn và càng phải vận hành nhiều máy hơn. Suy nghĩ của cô rất đơn giản: Nếu cô có trong tay nhiều máy hơn, thì dù chiếc này ngừng hoạt động, những chiếc khác vẫn hoạt động. Cô đảm bảo rằng cô có đủ máy móc làm việc đồng thời để đảm bảo đầu ra.

Cô để tài liệu vào những túi lớn. Bất kể các học viên muốn có bao nhiêu món đồ, cô luôn cố gắng đáp ứng nhu cầu của họ. Một học viên nhận xét: “Cô ấy rất vị tha và hầu như không nghĩ về bản thân. Tuy nhiên, cô ấy quá bận rộn. Vì thế, trạng thái tu luyện của cô bị xuống dốc.”

Sau khi cô bị bắt giữ và được thả, ngay khi cô bắt đầu phát chính niệm, đôi mắt của cô nhắm lại. Cô dựa người sang một bên và không thể giữ thẳng lòng bàn tay. Chúng tôi đã nghĩ ra nhiều cách để giúp cô nhưng đều vô ích.

Sinh tâm ỷ lại và việc bị người khác ỷ lại đều nguy hại

Cô Lý đã xử lý nhiều việc – cô giao tài liệu tới các thị trấn và liên lạc với các học viên cũ và khích lệ họ trở lại tu luyện. Cô cũng thiết lập và duy trì các điểm học Pháp mới. Vì cô làm việc suốt ngày đêm nên vật tư thường chất thành đống trong nhà cô.

Khi đi ngủ, cô chỉ ngủ trên chiếc ghế dài. Khi có nhiều việc phải xử lý, cô nhờ bất kỳ ai trong nhà của cô giúp một tay.

Vì cô gánh vác mọi phương diện trong mọi việc, nên các học viên xung quanh cô đều ở dưới ánh hào quang của cô. Nhược điểm là cô đã làm trở ngại tu luyện và đề cao của các học viên khác. Vì cô phụ trách mọi thứ khiến cho họ gia tăng sự phụ thuộc vào cô. Theo thời gian, điều này đã có tác động tiêu cực.

Một hôm, khi tôi đến nhà cô ấy, cô ấy vừa về đến nhà và chuẩn bị ăn trưa. Một học viên đến lấy một số tài liệu. Cô Lý nói: “Nhìn này, từ lúc tôi ngồi ăn, đã có ba nhóm học viên đến lấy tài liệu.”

Một lần cô Lâm [học viên thứ hai] bảo tôi ở lại ăn trưa. Cô ấy hầm bí đỏ với táo. Tôi tò mò và hỏi đây là bữa ăn kiểu gì. Cô nói rằng cô kết hợp hai thứ này vì cô coi bí ngô như gạo, và táo như trái cây. Cô trộn cả hai thứ trong một lần ăn để tiết kiệm thời gian.

Tôi cảm thấy buồn cho cô. Để thỏa mãn yêu cầu của các học viên về tài liệu, cô không có thời gian để chuẩn bị thức ăn. Đôi khi sau khi phát chính niệm vào lúc nửa đêm, cô tiếp tục sản xuất tài liệu. Cô đã làm việc không mệt mỏi.

Sự chăm chỉ của cô Lâm đã giúp các học viên đến lấy tài liệu được dễ dàng. Nhưng, chẳng phải chúng ta đã phải trả giá đắt cho sự ích kỷ của mình sao? Sự phụ thuộc của chúng ta đã khiến các học viên khác gặp khó khăn trong việc xử lý quá nhiều việc, và họ dần đặt tu luyện sang một bên.

Anh Hà là một học viên chính trực. Đôi lúc có 14-15 học viên tập hợp tại nhà anh để học Pháp.

Hầu hết các học viên đều cảm thấy chính niệm của anh rất mạnh. Nhưng đằng sau suy nghĩ đó, có phải họ cảm thấy nơi ở của anh an toàn để học Pháp? Đây không phải là tâm lý ỷ lại sao? Khi một số học viên gặp nhau, họ thích trò chuyện. Một số học viên nói chuyện mà không tu khẩu. Tuy nhiên, sau khi học Pháp, họ vẫn tụ tập gần lối vào tòa nhà của anh Hà và trò chuyện. Họ không cân nhắc đến sự an toàn của các học viên khác hay bảo vệ điểm học Pháp.

Tôi đề nghị anh Hà chia nhóm thành hai hoặc ngăn mọi người trò chuyện về các chủ đề của người thường. Anh ấy không đồng ý với tôi. Anh nghĩ tôi đang bảo anh đuổi một số người ra khỏi nhóm. Tôi giải thích ý của mình, đó là hỏi xem có học viên nào muốn lập một điểm học Pháp mới và một số sẽ chuyển sang đó không. Anh nói: “Không sao đâu, bỏ đi.” Sau khi anh bị bắt giữ, điểm học Pháp mà anh duy hộ cũng đóng cửa. Tôi nghe nói có học viên đã lập một điểm mới nhưng một số thành viên cũ ngại tham gia học nhóm, và họ tự học ở nhà.

Bản ngã mạnh mẽ và tính bướng bỉnh

Một lần tôi nói với cô Lý: “Tôi thực sự hy vọng rằng cô có thể nghỉ một chút. Điều đó không có nghĩa là bạn nên nghỉ ngơi, mà nên dành thời gian để tĩnh tâm và suy nghĩ về tu luyện là như nào. Làm các việc có phải là tu luyện không? Trở thành một học viên có nghĩa là gì? Trách nhiệm của đệ tử Đại Pháp trong thời kỳ Chính Pháp là gì? Làm thế nào để chúng ta có thể đi tốt bước đi cuối cùng trong tu luyện?

Cô ấy lắc đầu và nói: “Nếu tôi không làm những việc này, thì ai sẽ làm?” Tôi biết có ít học viên trong khu vực của chúng tôi có năng lực như cô ấy. Tuy nhiên, chẳng phải sẽ tốt hơn nếu để người khác xử lý một số công việc của cô ấy sao?

Một khi tự ngã này hình thành, các học viên thân cận với cô ấy không thể nói lý lẽ với cô. Cô không những không lắng nghe mà còn tự bảo vệ mình bằng nhiều lý do khác nhau. Cô chỉ tay về phía họ. Cô chỉ trích họ và nói rằng họ đã thêm vật chất xấu vào trường không gian của cô. Không lâu sau, cô hoàn toàn không chịu lắng nghe bất kể họ nói gì.

Tôi đã từng hỏi cô Lâm [học viên thứ hai]: “Bạn đã bao giờ từng từ chối học viên đến lấy tài liệu chưa?” Cô đáp: “Không, sao tôi có thể làm thế? Tất cả chúng ta đều là học viên. Khi một học viên muốn tài liệu, tất nhiên tôi cần phải giúp đỡ.”

Tôi nghĩ: “Đúng vậy, bạn rất sẵn lòng giúp đỡ. Nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi liệu mình có thể tự quản nhiều máy móc như vậy không? Tu luyện của bạn đã đủ vững chắc chưa? Nếu bạn không thể, thì làm sao bạn có thể đảm bảo được số lượng cũng như chất lượng của tài liệu?”

Đôi khi tôi thấy cô ấy tranh giành việc đáp ứng yêu cầu của các học viên. Tô hiểu rằng việc từ chối là khó khăn, đặc biệt khi bạn nhớ rằng mục tiêu của chúng ta là cứu người. Tôi cảm thấy cần phải đảm bảo việc học viên có đủ thời gian và năng lượng để giải quyết mọi việc. Bị người khác ỷ lại và ỷ lại vào người khác, đều là chấp trước vào tình. Sư phụ giảng:

“…hữu tâm bất thị bi” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc năm 2004)

Khi có chấp trước, học viên có thể gặp mâu thuẫn. Khi người ta có chấp trước, người ta vẫn còn có cái tình. Khi một người có cái tình, thì không dễ từ chối người khác.

Cô Lâm từng bị cầm tù nhiều lần. Cô cũng nổi tiếng vì tính bướng bỉnh. Ngay khi vừa ra tù, cô đã muốn bắt kịp và không muốn bị bỏ lại phía sau.

Ban đầu, sau khi thảo luận, chúng tôi muốn cô tĩnh tâm học Pháp một thời gian, cho đến khi tâm tính của cô đề cao, trước khi lại lo lắng việc cài đặt máy móc. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày, cô lại lấy thêm máy móc sau lưng chúng tôi. Vì vậy, chẳng bao lâu sau, nhà cô đã trở thành một cơ sở sản xuất quy mô nhỏ. Các học viên khác cũng nói chuyện với cô, nhưng cô không lắng nghe. Logic của cô là: Những gì mọi người nói đều có lý, tuy nhiên, tôi sẽ không thay đổi. Chấp trước vào tự ngã của cô rất mạnh mẽ.

Tâm ỷ lại có thể làm nảy sinh những chấp trước khác

Tâm ỷ lại cũng có thể làm nảy sinh các chấp trước khác, chủ yếu là tâm oán hận. Khi khối lượng công việc ngày càng nhiều, cô Lý cảm thấy mình ngày càng phải chịu áp lực lớn hơn. Trong chia sẻ của mình, cô bày tỏ nhiều bất bình. Nếu ai đó hoặc điều gì đó không đúng ý cô, cô sẽ phàn nàn.

Tôi nghĩ: “Ở vị trí của cô ấy, mình sẽ làm gì?” Nếu tôi luôn có thể cung cấp cho bất kỳ ai muốn đến lấy tài liệu, không phải tôi sẽ nảy sinh tâm lý hiển thị và hoan hỷ sao? Khi tài liệu không được giao cho tôi đúng thời hạn hoặc đủ số lượng, liệu tôi có lo lắng không? Khi có quá nhiều tài liệu, tôi có lo lắng không? Khi thực sự hướng nội, tôi đã xác định ra được nhiều chấp trước.

Tôi cũng nhận ra rằng anh Tân [một học viên khác] có tâm oán hận. Anh phàn nàn về việc các học viên khác yêu cầu anh làm điều này điều kia, thay vì tự mình lo liệu. Nhưng anh miễn cưỡng từ chối họ vì sợ mất mặt, vì vậy anh vẫn phải giải quyết mọi việc. Điều này có thể dẫn đến kết quả tốt không?

Cá nhân tôi không cảm thấy việc ép buộc ai làm điều gì đó là ở trong Pháp. Tôi muốn hỏi anh xem liệu anh có cảm thấy khó khăn khi nói “Tôi không làm được,” hoặc “Hiện tại tôi đang quá bận với những việc khác. Bạn có thể nhờ người khác được không?” hoặc “Bạn có thể đợi vài ngày được không? Tôi muốn hoàn thành các việc đang làm trước đã.” Những học viên mà đã đẩy việc cho anh, các bạn có kiểm tra với các học viên khác hoặc hỏi “Bạn có thời gian làm việc này không?” chưa.

Tôi khuyến khích một học viên mua thêm một chiếc máy mới. Tôi nghĩ nếu một chiếc máy bị hỏng, anh ấy vẫn sẽ có máy dự phòng. Nhưng anh lập tức từ chối đề xuất của tôi. Anh nói rằng tâm tính của anh không đủ. Tôi không nói gì thêm nữa. Gần đây anh nói: “Vì tâm tính của tôi đã đề cao, nên tôi đã có một chiếc máy khác.” Tôi cảm thấy mừng cho anh. Sư phụ giảng:

“Về [Pháp] lý ấy, có người lập tức nhận thức ra ngay; có người ngộ ra, nhận thức ra một cách từ từ. Ngộ thế nào là không được? Lập tức nhận thức ra thì tốt hơn, ngộ ra một cách từ từ thì cũng được; chẳng phải cùng là ngộ? Đều là ngộ cả thôi; do đó không [ai] sai cả.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Lời kết

Thật dễ để xác định các chấp trước của chúng ta, nhưng đôi khi không dễ để tìm ra các quan niệm tạo thành chúng. Thậm chí việc loại bỏ quan niệm đứng sau nó còn khó hơn. Đôi khi không phải là chúng ta thực sự không thể, mà là chúng ta không thực sự mong muốn đề cao và loại bỏ chấp trước đó. Sư phụ giảng:

“Tố đáo thị tu”
(Thực Tu, Hồng Ngâm)

Diễn nghĩa:

Tu thật sự
“Làm đến thế tức là tu”

Nếu cách đây nhiều năm, mỗi người chúng ta đều tự mình bước ra và bắt đầu mở các điểm sản xuất tài liệu gia đình, thì điều đó đã giảm bớt áp lực cho những người làm. Sẽ không cần đến các điểm sản xuất tài liệu lớn. Cũng sẽ không có việc chỉ có vài người phải lo liệu mọi thứ. Nếu chúng ta không có tâm ỷ lại, cựu thế lực sao có thể lợi dụng nó để bức hại chúng ta?

Mỗi chấp trước của chúng ta là một bức tường và một ngọn núi. Chỉ khi đột phá, chúng ta mới có thể nhìn thấy bầu trời rộng lớn, nếu không chúng sẽ cản đường chúng ta. Đây chỉ là một chấp trước; còn có tâm đố kỵ, tâm hiển thị, tâm làm các việc, hư vinh, v.v.. Tất cả đều có hại. Chúng ta còn nuôi dưỡng bao nhiêu trong số những chấp trước này thì việc tu luyện của chúng ta sẽ càng khó khăn hơn bấy nhiêu.

Tôi cảm thấy chúng ta nên xem lại bản thân và xem liệu chúng ta có tâm ỷ lại hay không.

Trên đây là chút thể ngộ của tôi trong quá trình tu luyện. Nếu có điểm nào không đúng với Pháp, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ!

[Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org]


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/1/14/418502.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/4/4/191715.html

Đăng ngày 14-06-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share