Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 09-12-2018] Ông Lữ Quan Như là một trong 119 học viên Pháp Luân Công bị bắt trong một đợt bắt giữ quy mô lớn ở tỉnh Hắc Long Giang vào ngày 09 tháng 11 năm 2018. Hiện ông đang đối mặt với việc bị truy tố sau khi viện kiểm sát địa phương phê chuẩn vụ bắt giữ ông vào tháng 12. Luật sư của ông không được phép gặp ông tại trại tạm giam Đại Khánh.
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn, đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.
Trước lần bị bắt giữ gần đây nhất, ông Lữ từng bị bắt giữ hai lần vào năm 2000, sau đó ông bị giam 13 tháng, và bị tra tấn trong trại lao động cưỡng bức. Vợ ông, bà Tôn Trung Bình, cũng là học viên Pháp Luân Công, bị bắt và giam giữ năm lần. Bà từng hai lần được thả ra khi đang bên bờ vực cái chết vì bị tra tấn trong khi bị giam giữ.
Ông Lữ từng bị bắt phải đứng trong thời gian dài vì từ chối từ bỏ đức tin sau lần bắt giữ gần đây nhất. Gia đình ông đang lo lắng rằng ông có thể lại bị tra tấn giống như những gì ông và vợ ông đã bị nếm trải trong những lần giam giữ trước đó.
Con gái lớn lên trong sợ hãi và đối xử phân biệt
Để tránh bị bức hại thêm nữa, ông Lữ cùng vợ buộc phải rời khỏi nhà vào năm 2001 và sống trôi dạt khoảng 10 năm, trong thời gian đó, cảnh sát đã giữ toàn bộ tiền lương của họ, và khi ấy, cô con gái đang ở tuổi thanh thiếu niên của họ phải tự lo liệu cho cuộc sống của mình.
Ông Lữ kể lại, rằng một đêm nọ khi họ gọi điện cho con gái, cô đã bật khóc và nói với cha mẹ rằng cảnh sát vừa mới rời đi sau khi cố gắng đột nhập vào nhà họ. Con gái ông bà vô cùng hoảng sợ. Nhưng khi ông Lữ nói rằng ông sẽ trở về ngay lập tức, thì cô lại càng khóc to hơn và bảo ông đừng quay lại, bởi cô không muốn thấy cha mình lại bị bắt giữ.
Sau đó con gái họ đã rất khó khăn khi tìm một công việc tốt bởi cha mẹ cô tu luyện Pháp Luân Công. Có một quản lý tuyển dụng từng nói với cô rằng lý do họ từ chối cô là bởi cha mẹ cô nằm trong danh sách các đối tượng bị truy nã.
Cuối cùng, cô buộc phải rời quê nhà và đến thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông để tìm kiếm một cơ hội việc làm tốt hơn.
Khi cô kết hôn năm 2006, ông Lữ và vợ chỉ có thể mua được một bộ quần áo mới cho cô dâu. Con gái họ đã khóc trong khi họ đi mua đồ cùng nhau.
Ông Lữ nhớ lại: “Tôi biết là con gái không muốn chúng tôi làm gì thêm cho cháu, bởi con gái tôi biết chúng tôi rất nhọc nhằn mưu sinh. Nhưng đây [quần áo mà họ mua] là thứ duy nhất mà tôi có thể làm cho con gái.”
Bị tra tấn trong những lần giam giữ đầu tiên
Cả ông Lữ và bà Tôn đều tin rằng Pháp Luân Công đã giúp họ phục hồi sức khỏe, trở thành một người rộng lượng và tường hòa. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, họ đi tới Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào ngày 12 tháng 4 năm 2000 và bị bắt giữ. Cảnh sát khám người họ và lấy đi toàn bộ tiền mặt và đưa họ quay trở lại thành phố Đại Khánh. Ông Lữ bị giam giữ trong trại tạm giam Long Phượng, trong khi bà Tôn bị giam trong trại tạm giam Thành phố Đại khánh.
Trong vòng một tháng, những người cùng bị giam giữ trong trại đã đánh đập ông Lữ tàn bạo. Họ cạo trọc đầu ông và cướp đi mọi quần áo mới mà ông chuẩn bị riêng cho chuyến đi Bắc Kinh.
Không bao lâu sau khi được thả, hai vợ chồng ông Lữ lại bị bắt giữ vào ngày 18 tháng 6 năm 2000 vì luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công cùng với các học viên khác.
Cảnh sát giam ông Lữ trong phòng biệt giam và thẩm vấn ông. Một cảnh sát kéo lê mông ông và dùng giày da đánh vào đầu ông trong bốn giờ. Ngay cả bản thân viên cảnh sát cũng phải nghỉ một hồi trong lúc tra tấn ông.
Đầu ông Lữ sưng vù lên, và mắt của ông gần như nhắm nghiền. Mông của ông bầm tím và tê vì bị đánh đập.
Sau đó ông bị kết án một năm lao động cưỡng bức. Trong thời gian trong trại lao động, vì cố gắng ép ông từ bỏ Pháp Luân Công, nên trại này còn tra tấn ông Lữ tàn bạo hơn nữa. Dưới đây là chi tiết về các phương thức tra tấn mà ông Lữ phải chịu đựng:
Buộc bằng dây thừng:
Lính canh trói tay ông bằng dây thừng dày hơn 1cm. Cứ sau 15 phút, có bốn người đến kéo căng để siết chặt sợi dây hơn. Khi họ nới lỏng dây thừng, tay của ông hoàn toàn nhợt nhạt và có những vết lõm sâu. Ông gào thét vì đau đớn. Lính canh lấy băng dính dán miệng ông lại và đá ông. Ông ngã lăn ra đất nhưng không thể đủ sức thốt ra một lời nào vì đau đớn cùng cực.
Đóng băng:
Tháng hai là tháng lạnh nhất, và nhiệt độ xuống dưới mức đóng băng. Bởi ông Lữ luyện công, lính canh liền lột áo khoác và quần ngoài của ông, sau đó trói ông vào một cột kim loại của giá bóng rổ ngoài trời. Trời lạnh đến mức toàn bộ tay chân của ông mất cảm giác. Thậm chí lính canh cũng phải mặc quần loại dành cho dân trượt tuyết, và trùm một chiếc chăn dày để giữ ấm sau khi họ quay vào trong.
Tra tấn đứng:
Trại lao động thường lệnh cho các học viên bị giam giữ ở đó viết tuyên bố từ bỏ đức tin của mình. Khi ông Lữ từ chối viết những tuyên bố như vậy, lính canh thường để ông ở ngoài trời, lột trần ông để muỗi chích và để nắng thiêu đốt ông vào mùa hè.
Ban đêm, ông bị bắt đứng úp mặt vào tường trong bốn giờ, với đầu cúi thấp và tay vòng ra sau lưng. Khi mồ hôi của ông rơi lã chã, lính canh liền dùng cây lau nhà đánh vào đầu ông.
Lao động cưỡng bức:
Mỗi học viên Pháp Luân Công bị cưỡng bức phải làm công việc đồng áng nhiều giờ mỗi ngày. Cơ thể ông lão hóa nhanh chóng sau một năm lao động nặng nhọc.
Tra tấn tinh thần:
Ngoài tra tấn thể xác, trại lao động còn tăng cường tẫy não các học viên. Khi các học viên vẫn kiên định đức tin của mình, lính canh liền bắt họ phải đứng hoặc ngồi xổm trong nhiều giờ.
Sau khi các biện pháp cưỡng hòng ép ông Lữ từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công thất bại, trại lao động gia hạn thời gian thụ án của ông thêm hơn một tháng như một biện pháp trừng phạt ông.
Sau khi ông được trả tự do vào năm 2001, cảnh sát đã bắt giữ vợ ông trước khi ông về tới nhà. Bà Tôn bị giam trong một trại tạm giam hơn một tháng và khi tính mệnh của bà lâm nguy trại giam mới thả bà.
Ngay khi cặp đôi này vừa bắt đầu một cuộc sống mới, cảnh sát lại bắt đầu theo dõi họ hàng ngày mỗi khi họ ra khỏi nhà. Khi phát hiện cảnh sát âm mưu bắt bà Tôn tới trại lao động, cặp vợ chồng đã đưa ra một quyết định vô cùng khó khăn – đó là rời nhà sống trôi dạt để tránh bị bắt giữ thêm nữa. Nhưng họ không thể ngờ rằng tình trạng này lại kéo dài gần một thập niên.
Ông Lữu từng trở về đơn vị công tác để yêu cầu khoản lương bổng và đãi ngộ tài chính, nhưng liền bị lãnh đạo cũ của ông báo cảnh sát. Ông đã suýt bị bắt lại.
Mặc dù ông Lữu đã trốn thoát, nhưng bà Tôn lại bị bắt vào ngày 18 tháng 9 năm 2011, khi bà trở về nhà vào dịp Tết Trung thu để gặp người mẹ già ngoài 80 tuổi của bà. Cảnh sát lục soát nơi ở của bà và lấy đi mọi thứ liên quan tới Pháp Luân Công của bà.
Cảnh sát đã trói bà vào một chiếc ghế trong hai ngày và không cho phép bà chợp mắt. Lính canh không ngừng đánh đập bà. Bà bị ho ra máu và không thể bước đi. Bà cũng tuyệt thực hơn một tháng, nhưng cảnh sát vẫn từ chối thả bà. Sau đó bà bị chuyển tới Trung tâm Cai nghiện Cáp Nhĩ Tân và bị giam ở đó một năm. Sau khi được thả vào tháng 12 năm 2012, bà gặp khó khăn khi nói và đi lại vì bị tra tấn tàn bạo trong thời gian bị giam giữ.
Bài liên quan:
119 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ tại hai thành phố của tỉnh Hắc Long Giang trong cùng một ngày
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/12/9/378202.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/12/25/173748.html
Đăng ngày 03-01-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.