Bài viết phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 22-02-2021] Ông Tằng Khánh Hòa, một cư dân thành phố Hạc Cương, tỉnh Hắc Long Giang, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân, từ năm 1996. Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, ông Tằng đã bị bắt và giam giữ vài lần. Ông cũng từng thụ án một năm trong trại lao động cưỡng bức và bị tra tấn bằng nhiều phương thức khác nhau.
Hồi phục sức khỏe
Ông Tằng từng có nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó nặng nhất là chứng mất ngủ do suy nhược thần kinh. Ông đã không thể ngủ trong ba tháng và đã được nhiều bác sĩ điều trị nhưng vô ích. Việc thiếu ngủ tiếp tục gây ra cho ông nhiều vấn đề sức khỏe khác, bao gồm bệnh tim, bệnh phổi, đau lưng, bệnh dạ dày, đau ruột thừa và đau chân.
Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, ông vô cùng vui sướng khi thấy mọi bệnh tật của mình đều được trị khỏi. Ông Tằng sống chiểu theo các tiêu chuẩn “Chân-Thiện-Nhẫn” của Pháp Luân Công và cố gắng để trở thành một người tốt hơn nữa.
Bị bắt, giam giữ và lao động cưỡng bức
Sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu cuộc bức hại vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, cảnh sát của Đồn Công an Câu Bắc đã cố gắng cưỡng chế ông Tằng viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Cứ vài ngày họ lại đến lục soát nhà (không có lệnh khám xét) và sách nhiễu ông.
Một ngày trong tháng 4 năm 2002, vào lúc 2 giờ sáng, bốn cảnh sát đã lục soát nhà ông Tằng. Kể từ đó, đã trở thành “thông lệ”, vào những ngày được gọi là “nhạy cảm” (các sự kiện lớn của thành phố hoặc những người kỷ niệm liên quan tới Pháp Luân Công), cảnh sát sẽ thường kéo đến sách nhiễu ông.
Vào ngày 9 tháng 7 năm 2005, ông Tằng lại bị bắt khi đang ghé qua nhà một học viên khác. Ông đã bị đưa tới Đồn Công an Hướng Dương và bị đánh đập.
Tranh minh họa tra tấn: Đánh đập
Cảnh sát lấy một tờ tài liệu thông tin Pháp Luân Công tìm thấy ở nhà ông Tằng như là bằng chứng và chuyển ông tới trại tạm giam Số 2 thành phố Hạc Cương vào buổi chiều cùng ngày. Sau đó ông bị kết án một năm lao động cưỡng bức.
Trong khi thụ án tại Trại Lao động Cưỡng bức Tuy Hóa, hằng ngày ông Tằng bị đánh thức từ 3 giờ sáng. Sau đó rửa mặt, quét dọn vệ sinh, ông bị cưỡng chế ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ bằng nhựa với lưng giữ thẳng và hay bàn tay đặt lên hai đầu gối. Ông phải ngồi trong tư thế đó cho đến 6 giờ sáng. Sau khi ăn sáng, ông bắt đầu phải lao động không công, trong đó có việc làm tăm xỉa răng hoặc làm quần áo có thương hiệu. Sau một lát nghỉ ăn trưa, ông lại phải tiếp tục làm việc cho đến bữa cơm tối. Vào buổi tối, ông trở lại buồng giam và tiếp tục ngồi trên chiếc ghế đẩu đó cho đến 9 giờ tối.
Tái hiện phương thức tra tấn: Ngồi yên
Nếu lính canh không vừa ý với phần công việc của ai, họ sẽ biệt giam và đánh đập người đó. Các tù nhân mỗi ngày đều sống trong sợ hãi. Với ông Tằng, lính canh không chỉ đánh đập ông, giẫm lên bàn chân và đá và ống đồng ông, mà họ còn sốc điện ông bằng dùi cui.
Tái hiện cảnh tra tấn: Sốc điện bằng dùi cui
Lần giam giữ thứ hai
Sau khi ông Tằng được trả tự do, sự bức hại vẫn chưa dừng lại. Vào đêm ngày 3 tháng 6 năm 2008, khi ông tan làm trở về nhà, ông đã bị cảnh sát của Đồn Công an Hưng Sơn Câu Bắc bắt giữ. Cảnh sát lục soát nhà ông và tịch thu hai chiếc máy nghe nhạc MP3, hai điện thoại di động, vài cuốn Tuần báo Minh Huệ và biểu ngữ. Ông bị đưa tới trại tạm giam Số 1 thành phố Hạc Cương ngay trong đêm hôm đó.
Vào ngày 18 tháng 7 năm 2008, sáu cảnh sát đã đi tới trại tạm giam và thẩm vấn ông Tằng. Họ đánh đập và đá ông. Vì ông Tằng vẫn từ chối trả lời các câu hỏi của họ, họ còng tay ông ra sau lưng và treo ông lên, mặc dù biết rằng ông Tằng có bệnh tim. Họ cũng bức thực ông bằng thuốc không rõ nguồn gốc.
Tái hiện phương thức tra tấn: Còng tay ra sau lưng và treo lên
Ông Tằng nhanh chóng được đưa tới bệnh viện sau khi có biểu hiện tức ngực. Y tá nói rằng với tình trạng bệnh tim của ông, thì mạng sống của ông có thể bị đe dọa nếu bị tiêm thuốc an thần. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn cố tìm cách tiêm thuốc cho ông. Sau khi ở viện một đêm, ông Tằng bị đưa trở lại trại tạm giam.
Ba tháng sau, vào ngày 25 tháng 10 năm 2008, cảnh sát đến trại tạm giam Số 2 một lần nữa. Họ cố gắng chuyển ông Tằng tới Trại Lao động Cưỡng bức Tuy Hóa. Nhưng trại này đã từ chối nhận ông vì ông bị huyết áp cao, bệnh tim và một vài vấn đề về não. Khi cảnh sát đưa ông Tằng trở lại trại tạm giam, trại tạm giam cũng từ chối tiếp nhận.
Cảnh sát giữ ông Tằng trong đồn công an qua đêm và thả ông vào ngày hôm sau. Trên đường đưa ông về nhà, trưởng đồn công an đã cưỡng chế ông uống một loại thuốc không rõ nguồn gốc.
Sau khi ông Tằng trở về nhà, cảnh sát vẫn tiếp tục sách nhiễu ông và người nhà.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/2/22/421162.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/3/8/191309.html
Đăng ngày 26-03-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.