Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 09-02-2021] Anh Tống Tuyết Thăng bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công từ khi anh 16 tuổi. Sau khi bị đuổi học năm 16 tuổi, bị kết án một năm lao động cưỡng bức năm 17 tuổi và thụ án bốn năm tù khi mới ngoài 20 tuổi, anh đang đối mặt với truy tố một lần nữa sau vụ bắt giữ gần đây nhất diễn ra vào tháng 7 năm 2020.

Anh Tống, 37 tuổi quê gốc ở huyện Thanh Lưu, tỉnh Phúc Kiến và hiện là một người dân ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Ngày 3 tháng 7 năm 2020, anh bị cảnh sát bắt giữ cùng với ba học viên khác là bà Tôn Tú Lệ, bà Trương Vĩnh Mai và ông Mạch Khang Lâm. Anh đang bị giam giữ tại Trại tạm giam Quận Thiên Hà.

Sau khi Tòa án Quận Hải Châu bác bỏ vụ án của anh hai lần vì thiếu bằng chứng, nhưng Sở Cảnh sát Quận Thiên Hà đã nộp hồ sơ vụ án lần thứ ba vào ngày 8 tháng 2 năm 2021.

Vụ bắt giữ đầu tiên: Bị đuổi khỏi trường học khi mới 16 tuổi

Tuyết Thăng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, vào tháng 9 năm 1997 khi anh mới 13 tuổi. Không lâu sau đó, cậu bé nóng tính và thô lỗ với nhiều tật xấu đã trở thành một người có tấm lòng rộng rãi, nhân hậu và đầy tự tin. Khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, anh đang theo học trường Đại học Công nghiệp nhẹ Thiên Tân.

Tuyết Thăng muốn lên tiếng cho Pháp Luân Công, do đó anh đã tới Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 3 năm 2000. Tại thời điểm đó anh mới 16 tuổi. Sau khi tới Bắc Kinh, anh thấy cảnh sát giật biểu ngữ của một học viên Pháp Luân Công. Ngay lập tức anh chạy tới và cố gắng lấy lại nó. Một số cảnh sát đột ngột tới gần anh và sử dụng dùi cui đánh đập anh ngã xuống đất. Họ kéo anh lên xe cảnh sát và đưa anh tới Đồn Công an Thiên An Môn.

Sau đó một quan chức của trường đại học đã hộ tống anh về. Anh được phép tới lớp học, nhưng bị nhốt trong một căn phòng. Các nhân viên an ninh của trường học và Phòng 610 quận Hạnh Lâm đưa Tuyết Thăng tới đồn công an địa phương. Bởi sau 15 ngày giam giữ, anh vẫn từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, nên nhà trường đã đuổi học anh và đưa anh trở lại đồn công an địa phương ở quê của mình.

Vụ bắt giữ lần thứ hai: Một năm lao động cưỡng bức

Tháng 1 năm 2001, Tuyết Thăng tới Quảng trường Thiên An Môn một lần nữa và giăng biểu ngữ có dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Trong vòng một phút, một số cảnh sát đã xuất hiện. Họ giật biểu ngữ của anh và dùng dùi cui đánh anh ngã xuống đất. Họ đưa anh tới Đồn Công an Thiên An Môn. Sau đó anh cùng tất cả các học viên không cung cấp địa chỉ nơi ở của mình bị đưa tới ba tỉnh lân cận ở Đông Bắc Trung Quốc để giam giữ.

Tuyết Thăng bị đưa đến trại tạm giam Thành phố Bàn Cẩm ở tỉnh Liêu Ninh. Tất cả các học viên Pháp Luân Công đều bị giam giữ tách biệt, do đó mỗi phòng giam chỉ giam giữ một học viên. Khi tới nơi, trưởng phòng giam ra lệnh cho các bạn tù lột quần áo của anh xuống và đổ nước lạnh lên người anh bất chấp thời tiết giá lạnh. Tuyết Thăng đã run rẩy vì lạnh.

Mỗi ngày, anh bị cưỡng chế ngồi yên bất động ngoại trừ khi ăn, ngủ hay sử dụng nhà vệ sinh. Khi anh cử động, trưởng phòng giam đá mạnh vào ngực anh khiến anh khó thở rất lâu sau đó. Họ chỉ cho anh ăn một bát bún ngô và một bát súp ngô, cả hai loại đều rất khó nuốt. Anh không có đủ không gian để ngủ và luôn phải nằm nghiêng mình.

Để cưỡng chế anh cung cấp địa chỉ, cảnh sát đã sử dụng thanh gỗ có gắn đinh kim loại để đánh anh trong mỗi phiên thẩm vấn.

Sau khi bị đưa trở lại quê nhà ở huyện Thanh Lưu, tỉnh Phúc Kiến, Tuyết Thăng đã bị giam giữ tại trại tạm giam Huyện Thanh Lưu. Đồ ăn ở đó không thể ăn được. Đặc vụ Phòng 610 Huyện Thanh Lưu đã thẩm vấn anh và đe dọa sẽ đưa anh tới trại lao động cưỡng bức.

Tuyết Thăng lựa chọn kiên định đức tin của mình và bị kết án một năm lao động cưỡng bức. Anh bị đưa tới Trại Lao động Nho Giang ở thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến.

Tuyết Thăng được xếp vào nhóm đặc biệt dành cho các học viên Pháp Luân Công, ở đó sử dụng những phương thức đặc biệt để cưỡng chế họ từ bỏ đức tin của mình. Anh bị cưỡng chế phải đứng quay mặt vào tường cả ngày dài. Mỗi học viên bị hai tù nhân giám sát, họ không được phép nói chuyện với nhau.

Sau vài ngày Tuyết Thăng được tiếp nhận vào, cuộc bức hại đã leo thang. Anh bị cấm ngủ 48 giờ liên tiếp, sau đó anh chỉ được phép ngủ hai giờ mỗi ngày. Khi tỉnh giấc, anh phải đứng quay mặt vào tường và bị đánh đập nếu cử động. Toàn thân anh sưng tấy.

Một tuần sau, tất cả các học viên Pháp Luân Công được hỏi liệu họ có từ bỏ Pháp Luân Công hay không. Học viên trả lời không từ bỏ sẽ bị lôi vào một phòng bí mật và bị sốc điện bằng dùi cui điện. Vì Tuyết Thăng kiên định đức tin của mình nên anh đã phải chịu hình thức tra tấn đó.

Vụ bắt giữ thứ ba: Án tù bốn năm

Tháng 9 năm 2005, một số cảnh sát của Phòng 610 xông vào nhà của Tuyết Thăng và bắt giữ chàng trai 21 tuổi. Họ đưa anh tới một phòng khách sạn và còng tay anh vào ghế tựa. Anh bắt đầu tuyệt thực. Một tuần sau, họ chuyển anh tới trại tạm giam Huyện Thanh Lưu.

Ngay sau đó, anh bị Tòa án Huyện Thanh Lưu đưa ra xét xử và kết án bốn năm tù tại Nhà tù Mân Tây ở thành phố Long Nham, tỉnh Phúc Kiến.

Khi đến nơi, một tay của Tuyết Thăng bị còng vào ống nước hay chân bàn cả ngày lẫn đêm. Đôi khi cả hai tay của anh bị còng vào song cửa sổ, với hai tay duỗi thẳng ra. Bởi anh từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, nên anh phải chịu sự tra tấn đó một thời gian dài.

Ba tù nhân cùng phòng, từng luyện Pháp Luân Công nhưng sau đó từ bỏ tu luyện và hợp tác với nhà tù để bức hại các học viên, được chỉ định giám sát anh. Họ nắm bắt mọi cơ hội để cố gắng “chuyển hóa” anh. Khi Tuyết Thăng không nghe theo họ, họ bật những video phỉ báng Pháp Luân Công. Họ còn đe dọa và tra tấn để cưỡng chế anh từ bỏ đức tin của mình.

Bởi sau hai tháng tra tấn và cưỡng bức, Tuyết Thăng từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, nên anh bị chuyển tới nhóm kiểm soát nghiêm ngặt được coi như nhà tù trong nhà tù. Anh được ra lệnh ở lại sân thể dục cả ngày, đứng hoặc ngồi nhưng không được cử động. Nếu anh cử động, anh sẽ bị đánh đập. Anh chỉ được cung cấp một lượng nước giới hạn bất chấp cái nắng thiêu đốt. Anh không thể ngủ vào ban đêm bởi vì có rất nhiều muỗi.

Lính canh từng ra lệnh cho một tù nhân đánh đập anh cho tới khi tù nhân đó kiệt sức.

Một tháng sau, Tuyết Thăng được đưa trở lại nhóm bình thường. Nhưng ngay sau đó, anh bị đưa đi biệt giam và phải chịu đựng một đợt tra tấn nữa để cưỡng chế anh từ bỏ đức tin của mình.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/2/9/420096.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/3/7/191282.html

Đăng ngày 23-03-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share