Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Ninh Hạ, Trung Quốc

[MINH HUỆ 17-01-2021] Ngày 7 tháng 1 năm 2021, bà Đan Quý Ninh, một phụ nữ ở thành phố Ngân Xuyên, tỉnh Ninh Hạ đã phải hầu tòa vì tu luyện Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên tiêu chuẩn Chân, Thiện, Nhẫn. Pháp môn được phổ truyền ở Trung Quốc từ tháng 5 năm 1992 và ước tính trong bảy năm có 100 triệu người Trung Quốc đã tu luyện. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) coi sự phát triển nhanh chóng và phục hưng giá trị truyền thống của Pháp Luân Công là mối đe dọa cho lý thuyết đấu tranh giai cấp, lừa dối và bạo lực của nó, vì vậy vào tháng 7 năm 1999, nó đã phát động chiến dịch toàn lực để nỗ lực xóa sổ Pháp Luân Công ở Trung Quốc trong ba tháng.

Ngày 22 tháng 8 năm 2020, bà Đan Quý Ninh bị bắt giữ vì phân phát thông tin về việc chính quyền đã sử dụng chiến lược tương tự như cuộc bức hại để che đậy dịch bệnh corona virus và các bệnh nhân corona virus đã phục hồi như thế nào sau khi niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo; Chân Thiện Nhẫn hảo”.

Phiên xét xử được tổ chức trực tuyến. Bà Đan đã yêu cầu một phiên xét xử trực tiếp, luật sư của bà ủng hộ rằng luật yêu cầu tòa án phải có sự đồng ý của bị đơn liên quan tới hình thức tổ chức phiên tòa xét xử. Thẩm phán Vương Tiểu Giai ở Tòa án Quận Tây Hạ đã bác bỏ yêu cầu của bà.

Công tố viên Nhậm Vi đọc bản cáo trạng, buộc tội bà Đan “vi phạm Điều 300 của luật hình sự”, trong đó quy định rằng những người lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật sẽ phải bị truy tố ở mức cao nhất có thể.

Luật sư của bà Đan bác bỏ cáo buộc vô căn cứ với lý do rằng Quốc hội Nhân dân (cơ quan lập pháp của Trung Quốc) chưa từng ban hành điều luật nào coi Pháp Luân Công là “tà giáo”. Tuy nhiên, cựu độc tài Trung Quốc Giang Trạch Dân đã chỉ đạo Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ban hành một giải thích về Điều 300 vào tháng 11 năm 1999, nó yêu cầu bất cứ ai tu luyện hay quảng bá Pháp Luân Công sẽ bị truy tố với mức án cao nhất có thể.

Một bản giải thích mới thay thế bản năm 1999 có hiệu lực vào ngày 1 tháng 2 năm 2017. Bản mới không đề cập tới Pháp Luân Công và nhấn mạnh rằng bất kỳ cáo trạng nào đối với bất kỳ ai liên quan tới tôn giáo phải có cơ sở pháp lý vững chắc. Bởi ở Trung Quốc không có điều luật coi Pháp Luân Công là một tà giáo nên bản cáo trạng chống lại bà Đan thiếu cơ sở pháp lý.

Luật sư hỏi bà Đan rằng liệu bà có tham gia vào bất kỳ tổ chức nào như cáo buộc trong cáo trạng hay không. Bà trả lời rằng Pháp Luân Công không yêu cầu tham gia thành viên hay duy trì một danh sách và bất kỳ ai cũng có thể tự do đến và đi. Bà nói rằng bà phân phát tài liệu Pháp Luân Công hoàn toàn là vì đức tin vào Pháp Luân Công chứ không phải vì bất kỳ tổ chức Pháp Luân Công nào hướng dẫn bà làm điều đó.

Công tố viên Nhậm cho rằng việc bà Đan phân phát và sở hữu tài liệu Pháp Luân Công là phá hoại việc thực thi pháp luật. Luật sư của bà nói rằng chỉ một phần bằng chứng truy tố được đưa ra trong phiên xét xử trực tuyến – một bức ảnh của tạp chí có chữ “Phần đặc biệt về đại dịch” – không chứng minh thân chủ của ông phá hoại việc thực thi pháp luật.

Luật sư đưa ra một số câu hỏi. Thứ nhất, bức ảnh chỉ thể hiện bìa của tạp chí mà không có nội dung. Trong khi đó bà Đan phân phát tài liệu về đại dịch để cảnh báo người dân về việc chính quyền xử lý sai đại dịch, các ấn phẩm khác đang được lưu hành cũng có thể sử dụng tiêu đề “Phần đặc biệt về đại dịch” và bản thân bức ảnh không thể chứng minh bà Đan phân phát tạp chí đó. Ngoài ra ba biên bản mà cảnh sát cung cấp – biên bản khám xét, biên bản tịch thu và danh sách tài sản tịch thu – chỉ đề cập đến tiêu đề tạp chí là “Phần đặc biệt về đại dịch” chứ không ghi lại nội dung.

Thứ hai, mặc dù công tố viên Nhậm chỉ ra rằng có một số tài liệu Pháp Luân Công tịch thu từ nơi ở của bà Đan, nhưng không có bằng chứng được đưa ra trong phiên xét xử. Bản cáo trạng không mô tả tài liệu hay cho biết có bao nhiêu tài liệu.

Thứ ba, cả công tố viên và cảnh sát đều trích dẫn hai thông báo của Cục Quản lý Báo chí và Xuất bản Trung Quốc vào tháng 7 năm 1999 cấm xuất bản sách Pháp Luân Công. Trên thực tế Cục quản lý đã ban hành bãi bỏ lệnh cấm vào năm 2011, dó đó hiện nay các học viên Pháp Luân Công sở hữu sách và tài liệu Pháp Luân Công là hoàn toàn hợp pháp.

Luật sư cũng chỉ ra rằng công tố viên Nhậm Vi đã không đưa ra được điều luật cụ thể nào mà bà Đan đã phá hoại hay bà ấy đã gây tổn hại điều gì.

Bà Đan cũng làm chứng cho bào chữa của mình. Bà nói rằng bà tu luyện Pháp Luân Công để trở thành một người tốt và cải biến sức khỏe của mình. Bà lo lắng mọi người đang bị chính quyền cộng sản lừa dối và không thể đưa ra lựa chọn tốt để bảo vệ bản thân trước đại dịch, dó đó bà cảm thấy buộc phải nói sự thật cho mọi người bất chấp điều đó đang gây hại cho bản thân mình. Bà nói rằng bà không làm hại bất kỳ cá nhân nào hay xã hội nói chung, bằng cách cung cấp thông tin cho mọi người bà không phá hoại việc thực thi của bất kỳ điều luật nào.

Công tố viên trích dẫn một phần bản giải thích của tòa án tối cao rằng bất kỳ ai phạm tội trong quá khứ và hiện đang tham gia các hoạt động tôn giáo được coi là phá hoại việc thực thi pháp luật. Bà ta cáo buộc bà Đan là người tái phạm tội. Trước vụ bắt giữ gần đây nhất, bà Đan từng bị cầm tù với tổng thời gian là 13 năm vì đức tin của mình, bao gồm hai lần lao động cưỡng bức ba năm (vào năm 1999 và năm 2004), một án tù bốn năm vào năm 2009 và một án tù ba năm vào năm 2015.

Luật sư của bà Đan một lần nữa bác bỏ cáo buộc vô căn cứ của công tố viên. Ông lập luận rằng sự giam giữ trước đây của thân chủ ông là phi pháp vì bà không vi phạm bất kỳ điều luật nào với việc thực hành đức tin của mình. Ngoài ra, trước vụ bắt giữ gần đây nhất bà không tham gia vào bất kỳ hoạt động phi pháp nào, chỉ đơn giản là phân phát tài liệu.

Bà Đan hối thúc thẩm phán và công tố viên làm theo lương tri và không theo chính sách bức hại.

Thẩm phán liên tục ngắt lời bà. Ông ta đã hoãn phiên xét xử vào khoảng giữa trưa mà không đưa ra phán quyết.

Bài liên quan:

Sau khi chịu án 13 năm, người phụ nữ Ninh Hạ lại bị bắt giữ vì đức tin của mình

Luật sư: “Thân chủ của tôi bị vú khống”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/1/17/418667.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/2/1/190194.html

Đăng ngày 22-02-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share