Bài viết của Chung Diên
[MINH HUỆ 25-01-2021] Hai ngoại trưởng của cả chính quyền Trump và chính quyền Biden đều đã nhìn nhận rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phạm tội diệt chủng và các tội ác chống lại nhân loại.
Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, trong nguyên ngày cuối tại chức hôm 19 tháng 1 năm 2021, đã quả quyết tuyên bố rằng cộng sản Trung Quốc “đã phạm tội diệt chủng đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các nhóm tín ngưỡng và dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương” và rằng “nạn diệt chủng này đang diễn ra”.
Người kế nhiệm của ông Pompeo, Ngoại trưởng Antony Blinken, cũng đã tán thành điều này vào hôm 27 tháng 1, một ngày trước lễ tuyên thệ nhậm chức. Ông Blinken cho hay “Tôi vẫn nhận định rằng [ĐCSTQ] đã phạm tội diệt chủng – đối với người Duy Ngô Nhĩ – và tình hình vẫn chưa thay đổi.”
Tuy nhiên, nạn diệt chủng và các tội ác chống lại nhân loại của ĐCSTQ không chỉ dừng ở người Duy Ngô Nhĩ. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xác định Trung Quốc là quốc gia đặc biệt đáng quan ngại – một quốc gia có hồ sơ nhân quyền tồi tệ – năm nào cũng có tên trong báo cáo nhân quyền của bộ kể từ năm 1999.
Kể từ khi thành lập, ĐCSTQ vẫn luôn bức hại và giết hại người dân Trung Quốc. Nó đã tiến hành nhiều chiến dịch chính trị đối với nhiều nhóm người từ khi cầm quyền vào năm 1949, gây ra cái chết bất thường cho hơn 80 triệu người.
Chẳng hạn, cuộc vận động Cải cách Ruộng đất (1949-1953) đã xóa sổ giai cấp địa chủ ở Trung Quốc, và Mao Trạch Đông ước tính 2-3 triệu địa chủ đã bị giết. Cuộc vận động Tam phản (1951) và Ngũ phản (1952) đã ép nhiều nhà tư bản và chủ doanh nghiệp tự tử. Cách mạng Văn hóa (1966-1976) tấn công các đối thủ chính trị của Mao và các nhà tư bản. Vụ thảm sát ở Thiên An Môn (1989) đã sát hại những sinh viên và công dân đòi dân chủ. Rồi đến cuộc bức hại Pháp Luân Công (1999 đến nay) vẫn chưa suy giảm sau hơn hai thập kỷ.
Trong tất cả các nhóm mà ĐCSTQ hiện đang bức hại, các học viên Pháp Luân Công bị đối xử tàn nhẫn hơn cả.
Cuộc diệt chủng các học viên Pháp Luân Công
Tháng 7 năm 1999, lãnh đạo ĐCSTQ bấy giờ là Giang Trạch Dân và bè phái của ông ta đã công khai phát động một chiến dịch toàn quốc nhằm tiêu diệt các học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.
ĐCSTQ đã lập ra nhiều quy trình và phương pháp bức hại trong chiến dịch chống Pháp Luân Công, rồi lại áp dụng cho các nhóm khác như các tín đồ Cơ Đốc giáo, người Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, Mông Cổ, các nhà hoạt động nhân quyền, và người Hồng Kông, Đài Loan hay các quốc gia khác.
Những phương thức này có thành lập các tổ chức kiểm soát đặc biệt như Phòng 610 vượt thẩm quyền của các cơ quan tư pháp và hành pháp, kết án mà không cần thông qua xét xử, tra tấn và giết hại, tẩy não, thu hoạch nội tạng sống và triển khai phân tích dữ liệu lớn và theo dõi giám sát.
Một tài liệu “tuyệt mật” của ĐCSTQ bị rò rỉ mà thời báo The Epoch Timesthu thập được đã cung cấp bằng chứng về tội ác của ĐCSTQ. Tài liệu này là một bản đánh giá về tư pháp do năm cơ quan ban hành ngày 30 tháng 11 năm 2020. Năm cơ quan này bao gồm Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ An ninh Quốc gia, và Bộ Tư pháp.
Tài liệu mật này mang tên “Đánh giá công tác nghiêm trị hoạt động tội phạm và phi pháp của tổ chức dị giáo Pháp Luân Công bằng pháp luật” do năm cơ quan của ĐCSTQ ban hành ngày 30 tháng 11 năm 2020 (ảnh đăng với sự cho phép của The Epoch Times)
Con dấu của năm bộ của ĐCSTQ đóng trên công văn được xếp vào diện “tuyệt mật” về bức hại Pháp Luân Công (ảnh đăng với sự cho phép của The Epoch Times)
Tài liệu này nhấn mạnh rằng “cơ quan chính trị và pháp luật các cấp phải kiên quyết thực thi” chỉ thị quan trọng của Giang Trạch Dân nhằm nhổ tận gốc Pháp Luân Công“, trong đó còn liệt kê những tội gắn với các hoạt động của Pháp Luân Công và mức độ trừng phạt.
Tài liệu này còn tuyên bố việc ĐCSTQ xử lý các vụ việc Pháp Luân Công là “hoạt động chính trị, hợp pháp, và theo đúng tinh thần chính sách”, còn yêu cầu “các cơ quan chính trị và pháp luật các cấp phối hợp chặt chẽ dưới sự lãnh đạo thống nhất của Ủy ban Trung ương Đảng”.
ĐCSTQ đã thực thi mệnh lệnh của Giang Trạch Dân nhằm “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, và hủy hoại thân thể [các học viên Pháp Luân Công] suốt 21 năm qua. Theo dữ liệu do Minghui.org tổng hợp, ít nhất 4.485 học viên Pháp Luân Công đã bị tử vong trong cuộc bức hại của ĐCSTQ từ năm 1999 đến năm 2020.
Năm 2020, ít nhất 80 học viên đã bị bức hại đến chết, trong đó 21 người chết trong thời gian bị giam giữ trong tù, trại tạm giam, hoặc đồn cảnh sát. Ít nhất 15.235 học viên cũng bị nhắm mục tiêu vào năm 2020, bao gồm 6.659 vụ bắt giữ và 8.576 vụ sách nhiễu. 622 học viên khác bị kết án tù.
Giết hại học viên để lấy nội tạng
Nạn thu hoạch nội tạng sống, một “loại tội ác được coi là chưa từng thấy trên hành tinh này” bị đưa ra ánh sáng lần đầu vào năm 2006. Từ đó đến nay, đã có hơn 2.000 bằng chứng thu âm và lời chứng của nhân chứng cho thấy sự tồn tại của nạn thu hoạch nội tạng một cách có hệ thống do nhà nước, quân đội và các bệnh viên Trung Quốc kiểm soát. Cho đến nay, tội ác này vẫn đang tiếp diễn.
Một tiết lộ mới đây hôm 17 tháng 1 năm 2021 của Liễu Bộc Quang, hiện đang sống ở Mỹ, cho biết Mao Thúc Bình, nguyên Phó cục trưởng Cục Lao cải Thượng Hải (cải cách thông qua lao động), sau này là Phó Cục trưởng Cục Tư pháp Thượng Hải, cùng vợ của Mao, Chu Thanh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Uyển Bình, đã tham gia thu hoạch và cấy ghép nội tạng.
Bà Chu là chị của chị/em dâu của Liễu. Hai vợ chồng bà đã tiết lộ việc họ tham gia vào thu hoạch nội tạng với Liễu để ông này giúp tìm bệnh nhân ghép tạng ở Mỹ.
Mao được đẩy lên các vị trí cao trong hệ thống tư pháp của Thượng Hải vì tích cực tham gia đàn áp Pháp Luân Công. Ông ta đã bố trí cho vợ mổ lấy nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống.
Tòa án Trung Quốc (China Tribunal), dưới sự chủ tọa của Ngài Geoffrey Nice, QC, một luật sư hàng đầu về luật nhân quyền của Anh, đã công bố phán quyết cuối cùng vào ngày 1 tháng 3 năm 2020, tuyên bố rằng chiến dịch cưỡng bức thu hoạch nội tạng của Trung Quốc nhắm vào các nạn nhân vô tội là “tội chống lại nhân loại”, cấu thành nên một trong những “tội ác nghiêm trọng nhất” trên thế giới trong thập kỷ qua.
Tòa án Trung Quốc là một tòa án nhân dân độc lập ở London, được thành lập để điều tra nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm ở Trung Quốc. Ngày 17 tháng 6 năm 2019, Tòa đã kết luận rằng ĐCSTQ đã thu hoạch nội tạng sống từ học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc trong nhiều năm, và đến nay vẫn tiếp diễn.
Tòa án đã xem xét chứng cứ từ 29 nhân chứng và 26 chuyên gia trong hai phiên điều trần, trong đó có bằng chứng sống là các học viên Pháp Luân Công từng rất nhiều lần bị lấy máu trái với ý nguyện của họ, cũng như băng ghi âm các cuộc điện thoại với các quan chức hàng đầu, quan chức quân đội cấp cao, các bác sỹ, người môi giới ghép tạng của Trung Quốc.
Sự đồng thuận và biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế
Ngày càng có nhiều cộng đồng quốc tế nhận ra nạn diệt chủng và tội ác chống lại nhân loại của ĐCSTQ.
Tờ Jerusalem Post đưa tin, 921 nhà lập pháp tại 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký một tuyên bố chung vào Ngày Nhân quyền Quốc tế 10 tháng 12 nhằm lên án cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc. “Cuộc bức hại các nhóm thiểu số ở Trung Quốc là “một trong những tội ác chống lại nhân loại nghiêm trọng nhất mà thế giới từng thấy. Một số nhà quan sát quốc tế và các cơ quan tư pháp gọi nó là cuộc diệt chủng”, bà Ann-Sofie Alm, một nghị sỹ quốc hội Thụy Điển cho hay.
Ngày 18 tháng 11 năm 2020, ông Samuel D. Brownback, Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, đã chỉ ra rằng Trung Quốc đang tiến hành một trong những cuộc bức hại tín ngưỡng nghiêm trọng nhất trên thế giới, nếu không nói là nghiêm trọng nhất.
Trong báo cáo có tiêu đề “Bóng tối lan rộng: Đàn áp nhân quyền ở Trung Quốc giai đoạn 2016-2020” (The Darkness Deepens: The Crackdown on Human Rights in China 2016-2020) ra ngày 13 tháng 1 năm 2021, Ủy ban Nhân quyền của Đảng Bảo thủ Vương quốc Anh có nêu “Việc sử dụng những thông lệ ghê rợn như cầm tù và tra tấn người bất đồng chính kiến, giám sát trên diện rộng, thu hoạch nội tạng, và sử dụng lao động cho thấy bản chất thật của Đảng Cộng sản Trung Quốc.” Báo cáo kêu gọi chính phủ Anh “lãnh đạo việc thành lập một liên minh quốc tế gồm các nước dân chủ để điều phối phản ứng toàn cầu trước cuộc khủng hoảng nhân quyền ở Trung Quốc.”
Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, đã bắt đầu có hành động đối với ĐCSTQ.
Ngày 17 tháng 6 năm 2020, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã gặp gỡ 27 nạn nhân bị bức hại tín ngưỡng tại Nhà Trắng, trong đó có bà Trương Ngọc Hoa, một học viên Pháp Luân Công.
Ngày 20 tháng 7 năm 2020, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo đã ban hành một tuyên bố chính thức, trong đó có đoạn: “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Trung Quốc lập tức chấm dứt nạn lạm dụng tàn khốc và ngược đãi đối với các học viên Pháp Luân Công, trả tự do cho những người đang bị cầm tù vì đức tin của họ, như ông Mã Chấn Vũ, và cung cấp thông tin về nơi ở của các học viên đang bị mất tích. 21 năm bức hại các học viên Pháp Luân Công là quá dài, và cuộc bức hại này phải chấm dứt.”
Cùng ngày Ngoại trưởng Pompeo ra tuyên bố này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Robert Destro và Đại sứ Sam Brownback đã gặp mặt năm học viên Pháp Luân Công.
Bộ Ngoại giao đã tuyên bố lệnh trừng phạt 17 quan chức ngoại giao Trung Quốc đã vi phạm nhân quyền, trong đó có Cảnh sát trưởng Hoàng Nguyên Hùng tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến.
Ngày 1 tháng 10 năm 2020, Hạ nghị sỹ Hoa Kỳ Scott Perry, cùng các Hạ nghị sỹ Tim Burchett và Scott DesJarlais, đã đề xuất dự luật nhằm đưa ĐCSTQ vào Danh sách Tổ chức Tội phạm Quốc tế Hàng đầu Thế giới và cung cấp cho các cơ quan hành pháp của Hoa Kỳ một định hướng chiến lược đối với hành động ác ý của ĐCSTQ.
Ngày 16 tháng 12 năm 2020, Thượng nghị sỹ Tom Cotton và các Hạ nghị sỹ Chris Smith và Tom Suozzi đã cùng đề xuất Đạo luật Chấm dứt Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng. Đạo luật này “nhằm ngăn Đảng Cộng sản Trung Quốc thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm. Trong tuyên bố của mình, Thượng nghị sỹ Cotton có nêu: “Theo một tòa án nhân dân quốc tế ở London, các bác sỹ Trung Quốc đã thu hoạch nội tạng từ những người bị giam giữ ở các nhà tù Trung Quốc – đôi khi là khi bệnh nhân vẫn còn sống – để bán trên thị trường để thu về 1 tỷ đô la mỗi năm.”
Ngày 30 tháng 9 năm 2020, Đội Đặc nhiệm về Trung Quốc của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Hoa Kỳ đã ra mắt báo cáo chính thức, trong đó khuyến nghị Hoa Kỳ cần phải có hành động và biện pháp trừng phạt nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ. Hạ nghị sỹ Guy Reschenthaler, một thành viên của đội đặc nhiệm này đã đề xuất nghị quyết về “Đạo luật Chấm dứt Nạn Buôn bán Nội tạng Sống”.
Kể từ năm 2002, các học viên Pháp Luân Công đã kiện lên Tòa án Hình sự Quốc tế và các tòa án ở Hoa Kỳ, Canada, Đức, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ, Úc, New Zealand, Đài Loan, Hàn Quốc, và nhiều quốc gia khác. Các vụ kiện này tố cáo cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân và các quan chức khác như Tăng Khánh Hồng và Chu Vĩnh Khang, cùng Phòng 610 vì phạm tội ác chống lại nhân loại và tội diệt chủng.
Thời điểm để buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về những tội ác của nó đối với Pháp Luân Công không còn xa nữa.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/1/25/419031.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/2/2/190219.html
Đăng ngày 05-02-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.