Bài viết của Văn Tư

[MINH HUỆ 26-01-2021] Đêm ngày 18 tháng 7 năm 64 SCN, thành Rome bùng phát một vụ hỏa hoạn lớn lưu danh trong lịch sử, thiêu đốt cả thành ròng rã bảy ngày đêm. Ba quận nội thành bị thiêu hủy thành tro, bảy quận chỉ còn lại lác đác mấy ngôi nhà chưa bị cháy rụi. Thành Rome biến thành vùng đất hoang tàn. Hàng trăm người đã chết trong vụ hỏa hoạn này và hàng nghìn người trở thành vô gia cư.

Nhà sử học cổ đại nổi tiếng Tacitus, lúc đó mới chín tuổi, cũng đã trải qua vụ hỏa hoạn này. Ông viết lại như sau: “Ngọn lửa thịnh nộ đầu tiên chạy qua các khu vực bằng phẳng của thành, sau đó leo lên những ngọn đồi, rồi trong khi tàn phá mọi nơi nó đi qua, nó đã vô hiệu hóa mọi biện pháp phòng ngừa; tai họa ập đến quá nhanh và cả thành với những con đường hẹp quanh co và những con phố mỗi nơi một vẻ, vốn là đặc trưng của Rome cổ, đã sụp đổ vì tai họa này.“

“Không một ai dám đi cứu hỏa vì có những người liên tục uy hiếp không cho đi dập lửa, lại có những người công nhiên ném đuốc khắp nơi, còn hô hoán rằng bọn họ phụng mệnh mà làm và được tùy tiện cướp bóc.”

Đại hỏa hoạn vừa qua đi, hoàng đế La Mã Nero không chờ được, liền khởi công xây dựng cung điện mới, lại ra lệnh tốc độ xây dựng phải nhanh nhất. Lúc này, dân chúng cũng xì xào rằng Nero chính là kẻ đã gây ra vụ hỏa hoạn.

Trước sự phẫn nộ của trăm họ, Nero đã đổ vấy cho các tín đồ Cơ Đốc giáo trong thành. Hắn tuyên bố giới nghiêm trong toàn thành. Trong quá trình truy cứu trách nhiệm về vụ hỏa hoạn, những người can đảm bày tỏ ý kiến chính trực với Nero đều bị hắn xử tử hình. Rất nhiều nguyên lão, danh nhân đã bị xử tử.

Để biện minh cho việc bức hại các tín đồ Cơ Đốc, Nero đã sai khiến mấy tên quan nịnh thần lan truyền bịa đặt rằng các tín đồ Cơ Đốc khi hành lễ thì giết trẻ sơ sinh, uống máu và ăn thịt trẻ sơ sinh. Hết thảy hành vi đồi bại thời La Mã đều đổ cho các tín đồ Cơ Đốc giáo, kể cả nghiện rượu, lăng loàn, v.v.

Tacitus sau đó đã viết trong cuốn Biên niên sử như sau: “Vì vậy, để chặn tin đồn [rằng hắn đã phóng hỏa thành Rome], hắn ta [Hoàng đế Nero] đã vu khống và trừng phạt các tín đồ Cơ đốc nói chung bằng những hình thức tra tấn đáng sợ nhất, họ [hầu hết đều] bị miệt thị vì tội lỗi của họ… Theo đó, những người đầu tiên bị bắt đã thú nhận họ là tín đồ Cơ đốc; rồi thì từ thông tin của họ, vô số người đã bị kết tội, không hẳn là về tội phóng hỏa thành Rome, mà vì tội ‘căm ghét loài người’.”

Tacitus còn viết: “Khi bị hành hình, họ bị biến thành vật đấu thể thao: như họ bị bọc bằng da thú rừng, và lo sợ đến chết vì bị chó xé xác, hoặc bị đóng đinh trên thập tự giá, hoặc bị châm lửa đốt, rồi đến cuối ngày, họ lại bị đem thiêu làm đuốc thắp sáng trong đêm.”

Nhiều năm sau, dân chúng La Mã cuối cùng cũng phản đối cuộc tàn sát tàn bạo của Nero đối với các tín đồ Cơ Đốc giáo. Năm 68 SCN, sau khi Nero bị tuyên bố là kẻ thù của đất nước và bị truy lùng như một tên tội phạm của toàn dân, hắn đã tự sát để khỏi bị bắt. Ngay sau đó, đế chế La Mã bắt đầu suy tàn và cuối cùng sụp đổ.

Một vụ cháy tương tự và cuộc tàn sát một nhóm tín ngưỡng khác

2000 năm sau, vào ngày 23 tháng 1 năm 2001, đúng vào đêm Giao thừa, một bản tin ghê rợn đã được ồ ạt phát đi trước giờ ăn tối: năm người đã tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Trong vòng hai giờ, Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã công bố những báo cáo toàn diện về vụ việc, tuyên bố rằng năm người đều là học viên Pháp Luân Công muốn tự thiêu để được lên thiên đường.

Nguyên tối hôm đó, tin tức về những “kẻ tự thiêu” này đã được phát sóng không ngừng trên hầu hết các kênh. Từ lời kể của những người sống sót sau vụ tự thiêu đến các cuộc phỏng vấn cảnh sát dập lửa – công chúng không còn cơ hội để đưa ra nhận định riêng mà chỉ có thể tiếp nhận mọi thông tin khiên cưỡng dồn dập lên họ.

Trương Vĩ Quốc, Tổng Biên tập của Tạp chí Động Hướng, từng nói: “Đối với một vụ việc lớn như vậy, trước hết Bộ Tư pháp cần phải điều tra. Chỉ sau khi trải qua một phiên tòa, chúng ta mới có thể đưa ra bất kỳ phán quyết nào về nó. Việc các cơ quan ngôn luận ở Bắc Kinh kết tội Pháp Luân Công và các học viên quá nhanh trên truyền thông khiến tôi cảm thấy vụ việc không đơn giản như vậy.”

Ngay sau vụ tự thiêu, đã có hơn 2.000 tờ báo, 1.000 tạp chí, và hàng trăm đài phát thanh và truyền hình, ồ ạt đưa tin sai lệch nhằm phỉ báng Pháp Luân Công.

Hệt như cách Nero bôi nhọ các tín đồ Cơ Đốc, Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), kẻ ra lệnh bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, đã tung ra hàng loạt tuyên truyền nhằm biến môn tu luyện và thiền định cổ xưa này thành tà giáo. Các học viên bị cáo buộc “mổ bụng để tìm Pháp Luân”, “không uống thuốc”, “chống Trung Quốc”, hoặc “thu gom tiền bạc”. Bằng cách thao túng dư luận, Giang đã thành công khi khiến người dân Trung Quốc quay lưng lại với Pháp Luân Công và nhắm mắt làm ngơ trước đủ loại tra tấn và tàn sát sắp xảy ra với những học viên ôn hòa này.

“Vụ xâm nhập Điện Capitol” ở Hoa Kỳ

Gần 20 năm sau vụ “tự thiêu” ở Thiên An Môn, ĐCSTQ đã thâm nhập được vào nhiều quốc gia dân chủ và làm tha hóa nhiều quan chức chính phủ.

Ngày 6 tháng 1 năm 2021, trong một cuộc biểu tình mang tính lịch sử của những người ủng hộ cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhằm phản đối gian lận bầu cử, một số “người biểu tình” đã xông vào Điện Capitol khi Quốc hội chuẩn bị chứng nhận kết quả bầu cử gian lận chống lại ông Trump. Một trong những người ủng hộ ông, một nữ cựu chiến binh, đã bị bắn vào cổ và chết vài giờ sau đó.

Quốc hội lập tức thông báo ngừng họp. Đám đông ôn hòa bị xịt hơi cay. Tổng thống Trump bị cáo buộc đã kích động thù hận và bạo lực trong những người ủng hộ ông.

Khi Quốc hội trở lại cuộc họp vào ban đêm, dân biểu Matt Gaetz (Đảng Cộng hòa) đại diện cho tiểu bang Florida đã chỉ thẳng ra rằng một số người đột nhập vào Điện Capitol không phải là những người ủng hộ ông Trump mà chính là thành viên của nhóm khủng bố bạo lực Antifa giả danh người ủng hộ ông Trump.

Ông nói với các đồng nghiệp rằng: “Sáng nay, Tổng thống Trump rõ ràng đã kêu gọi các cuộc biểu tình và kháng nghị phải diễn ra trong ôn hòa… Chúng ta hãy tìm cách xây dựng nước Mỹ, chứ không phải là chia rẽ và hủy hoại nước Mỹ.”

Dân biểu Marjorie Taylor Greene của tiêu bang Georgia nói thêm, “Tổng thống Trump đã tổ chức hơn 600 cuộc vận động trong bốn năm qua. Nào có ai trong số họ tấn công cảnh sát, phá hoại các cơ sở kinh doanh, hay đốt phá các thành phố. Còn phe Dân Chủ lại dành toàn bộ thời gian đó để cổ xúy và cho phép các cuộc bạo loạn gây thiệt hại tài sản lên đến hàng tỷ đô, gây ra cái chết cho 47 người trên khắp nước Mỹ.”

Lịch sử luôn lặp lại

Ba vụ việc trên đã diễn ra vào những thời điểm và địa điểm khác nhau, nhưng đều có những điểm tương đồng chính:

Địa điểm quan trọng: Ba vụ việc đều diễn ra tại những địa điểm quan trọng, vì thế mà đã đẩy những dối trá và các cuộc công kích lên cấp độ cao hơn.

  • Trận đại hỏa hoạn thành Rome khởi phát ở gần trường đua xe ngựa Circus Maximus của thành Rome;
  • Vụ tự thiêu ở Trung Quốc diễn ra trên Quảng trường Thiên An Môn, trung tâm thủ đô;
  • Những người được gọi là “người ủng hộ Trump” xông vào Điện Capitol của Hoa Kỳ.

Luận tội không qua điều tra hay bằng chứng: Các nhà lãnh đạo không tiến hành điều tra thấu đáo trước khi quy tội cho “thủ phạm”.

  • Nero áp đặt lệnh giới nghiêm và vu cho các tín đồ Cơ Đốc đã phóng hỏa trong khi thực tế, ông ta mới chính là kẻ ra lệnh cho quân đi đốt phá khắp nơi;
  • Cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang đã chỉ đạo dàn dựng vụ tự thiêu rồi vu cho Pháp Luân Công là khiến con người lầm lạc đến mức tự thiêu;
  • Các chính trị gia cánh tả và giới truyền thông ở Mỹ vu cho ông Trump kích động cuộc bạo loạn.

Dùng tuyên truyền để tác động dư luận: Một chiến dịch tuyên truyền lớn đã được thực hiện gần như ngay lập tức sau mỗi vụ việc kể trên để phỉ báng và kích động thù hận với “kẻ xấu”.

  • Nero đã cho người dựng tội để vu cho các tín đồ Cơ Đốc và truyền bá dối trá trên cả nước để kích động mọi người căm ghét các tín đồ Cơ Đốc;
  • Bộ máy tuyên truyền của nhà nước dưới thời Giang Trạch Dân đã chạy hết tốc lực để liên tục tung ra đủ thứ bịa đặt về Pháp Luân Công sau trò lừa bịp tự thiêu;
  • Các hãng truyền thông lớn ở Mỹ vu cho ông Trump và những người ủng hộ ông xông vào Điện Capitol và kích động cuộc nổi dậy. Một số lãnh đạo ở một số quốc gia phương Tây cũng đã tuyên bố rằng vụ việc này đã để lại vết nhơ cho nền dân chủ Mỹ.

Thanh trừng nạn nhân: Những người có can đảm nói lên sự thật sau này đã bị tấn công và chỉ có thể im lặng.

  • Tín đồ Cơ Đốc nào ở Rome dám tìm kiếm sự thật và lên tiếng đều bị tra tấn đến chết;
  • Giang và đồng bọn đã lấy vụ tự thiêu làm cớ để leo thang cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công và thực thi chính sách mang tính diệt chủng “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể”. Trong hai thập kỷ qua, hàng trăm nghìn học viên đã bị bức hại dưới nhiều hình thức như bắt giữ, giam cầm, bỏ tù, tra tấn, thậm chí bị thu hoạch nội tạng sống. Các học viên Pháp Luân Công còn bị xã hội phân biệt đối xử, bị đuổi việc hoặc bị buộc phải sống tha hương.
  • Đối với những người ủng hộ ông Trump, họ đang phải đối mặt với “văn hóa tẩy chay” tương tự, bị dán nhãn là phân biệt chủng tộc hay bạo loạn, bị treo tài khoản mạng xã hội, bị đối tác kinh doanh rời bỏ, bị hủy phát hành sách. Đối với bản thân ông Trump, nhiều chính quyền thành phố đã hủy hợp đồng đặt chỗ ở các khách sạn của ông, tài khoản ngân hàng của ông bị đóng và hiện ông đang phải đối mặt với cuộc luận tội lần thứ hai để ông không được tranh cử vào các chức vụ công nữa.

Bình minh trước thời khắc u ám nhất của bóng tối

Tuyên ngôn Cộng sản được công bố vào năm 1848, trong đó Marx coi thuyết vô thần và đấu tranh giai cấp—những thứ đi ngược lại và mang tính thù ghét Chúa—là giáo lý trung tâm của chủ nghĩa cộng sản. Ông ta nói, “Họ [những người cộng sản] công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách cưỡng chế lật đổ tất cả hoàn cảnh xã hội hiện hữu.”

Mặt khác, đồng đảng của Marx là Engels nói, “Cách mạng đương nhiên là thứ độc đoán nhất; đó là hành động mà qua đó, một bộ phận dân chúng áp đặt ý chí của mình lên bên kia bằng súng trường, lưỡi lê, và đại bác — các phương tiện độc tài… ”

Mùa hè năm 1918, nước Nga cạn kiệt lương thực do nội chiến. Đến tháng 6 năm 1918, Lenin đã phái Stalin đến Tsaritsyn ở thung lũng Volga vì đây là vựa lúa truyền thống của Nga. Lenin ra lệnh cho Stalin tiến hành giết người hàng loạt ở Tsaritsyn. Ngay sau khi Stalin đến nơi, ông ta đã bắt đầu hành quyết hàng loạt nông dân. Bức điện của ông ta gửi cho Lenin có đoạn: “Đừng lo, tay chúng tôi sẽ không run.” Ngay sau đó, một lượng lớn ngũ cốc đã được vận chuyển về Moscow.

Đầu năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa lên nắm chính quyền, Mao Trạch Đông đã nói rằng muốn tiến hành cuộc cách mạng đến cùng thì phải dùng cách mạng để triệt tiêu các thế lực phản cách mạng. Vì vậy, ông ta đã thanh trừng tất cả những ai chất vấn về quyền lực của ông ta và Đảng, cũng như những ai thể hiện tư duy độc lập.

J. Stapleton Roy, một cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Hoa Kỳ chuyên trách về các vấn đề châu Á, đã ca ngợi Mao là một nhà lãnh đạo tài ba. Ông ta không phải là người duy nhất thể hiện mối thân tình với Trung Quốc. Kể từ thời chính quyền Nixon vào những năm 1970, Hoa Kỳ đã áp dụng chính sách nhân nhượng đối với Trung Quốc. Sau khi Liên Xô sụp đổ và bức tường Berlin bị phá bỏ vào khoảng năm 1990, cộng đồng quốc tế tin rằng mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản đã biến mất và Hoa Kỳ thậm chí còn trở nên thân thiện hơn với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Bước sang thế kỷ 21, Trung Quốc được gia nhập Ngân hàng Thế giới, được trao quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR), trở thành thành viên của WTO, đồng thời gia nhập thị trường chứng khoán và trái phiếu Hoa Kỳ. Nó đã nhanh chóng trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cùng lúc đó, nó cũng bắt đầu xâm nhập vào phương Tây. Trong khi sáng kiến “Vành đai và Con đường” nhằm mục đích mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của ĐCSTQ, thì “Viện Khổng Tử” được coi là “quyền lực mềm” để ĐCSTQ xuất khẩu hệ tư tưởng cộng sản dưới danh nghĩa “trao đổi văn hóa.”

Khi các cuộc biểu tình lớn phản đối luật dẫn độ diễn ra ở Hồng Kông vào năm 2019, cảnh sát Hồng Kông, theo lệnh của Bắc Kinh, đã bắn hàng chục nghìn phát đạn hơi cay vào những người biểu tình trẻ tuổi. Trong vài tháng tiếp theo, hơn 2.000 người biểu tình đã chết một cách đáng ngờ và nhiều người bị vu là “tự sát.”

Khi đại dịch virus corona bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, ĐCSTQ đã đóng cửa đất nước, nhưng lại để hàng triệu công dân Vũ Hán bay đến khắp nơi trên thế giới, và còn tuyên bố “có thể ngăn ngừa và kiểm soát được” bệnh dịch này.

Như đã chỉ ra trong cuốn sách Ma quỷ đang thống trị thế giới chúng ta (How the Specter of Communism Is Ruling Our World), “Đây chính là hiện thực đáng giật mình mà nhân loại đang phải đối mặt: Âm mưu hủy diệt nhân loại của tà linh cộng sản đã gần thành công.”

Tuy nhiên, thế gian vẫn đang được Thần quản. Trung Quốc có câu: “Vật cực tất phản”. Có lẽ điều chờ đợi đằng sau khoảnh khắc đen tối nhất là ánh sáng của bình minh. Nhưng liệu chúng ta có thể đón nhận một tương lai mới tươi sáng hay không, tất cả phụ thuộc vào việc chúng ta có giữ vững đức tin và thiện lương trong tâm hay không.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/1/26/419077.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/1/27/190123.html

Đăng ngày 05-02-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share