Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 17-12-2020] Trong “chiến dịch xóa sổ”, [một nỗ lực đã được trù tính nhằm ép buộc từng học viên trong danh sách đen của chính quyền phải từ bỏ Pháp Luân Công], vào các buổi tối từ ngày 16 đến ngày 20 tháng 10 năm 2020, hàng chục nhân viên cảnh sát và viên chức cộng đồng đã đến nhà của một số học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Hồ Bắc. Điều bất thường là những cuộc viếng thăm này được thực hiện lặng lẽ vào ban đêm và ban đầu các nhân viên này đã giả vờ rằng họ đang tìm kiếm những kẻ đào tẩu.

Khi các học viên và người thân của họ bắt đầu nghi ngờ và chuẩn bị báo cảnh sát thì cuối cùng những nhân viên này đã thừa nhận rằng họ là cảnh sát và trên thực tế là họ đang tìm kiếm các học viên Pháp Luân Công. Khi sự việc trở nên hỗn loạn, người nhà các học viên yêu cầu họ đưa các giấy tờ hợp lệ, các học viên thì nói lý với họ và hàng xóm thì tụ tập lại, nhóm cảnh sát và quan chức này đã lặng lẽ rời đi.

Hành vi của họ trái ngược hẳn so với trước đây. Trong hai mươi năm qua, cảnh sát và các quan chức cấp thấp đã thực hiện cuộc bức hại đối với các học viên Pháp Luân Công, vốn được thúc đẩy bởi những động lực như tiền bạc và những lợi ích cá nhân khác. Họ được phép tự do làm theo ý mình mà không sợ bất kỳ hậu quả nào. Nhưng càng ngày họ càng nhận thức rõ hơn rằng họ đang bị yêu cầu phải thực hiện hành vi sai trái. Những cảnh sát và quan chức này đang phải đối mặt với hậu quả từ hành động của mình, khi họ bị công khai bởi các học viên và gia đình các học viên.

Các lệnh trừng phạt từ Hoa Kỳ

Kể từ tháng 7 năm 2020, Hoa Kỳ đã đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt đối với các thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Một số thành viên ĐCSTQ đã bị chặn lại sau khi nhập cảnh. Ngày 3 tháng 12, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác nhận họ sẽ hủy bỏ thị thực du lịch 10 năm đối với các thành viên của ĐCSTQ cùng các thành viên gia đình họ, và giới hạn ở một lần nhập cảnh mỗi tháng.

Ngày 7 tháng 12, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cấm 14 Phó Chủ tịch của Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân Toàn quốc (NPCSC) và các thành viên gia đình họ đi du lịch đến Mỹ. Những tài sản của họ thuộc phạm vi quyền hạn của Hoa Kỳ hoặc thuộc quyền sở hữu hoặc kiểm soát của người Mỹ cũng sẽ bị đóng băng.

Ba ngày sau, vào ngày 10 tháng 12, Hoa Kỳ công bố thêm các biện pháp trừng phạt đối với 17 quan chức nước ngoài vì vi phạm nhân quyền hoặc tham nhũng. Trong số đó có Hoàng Nguyên Hùng, trưởng đồn cảnh sát Ngô Thôn, Sở Cảnh sát thành phố Hạ Môn vì đã tham gia vào việc giam giữ và thẩm vấn các học viên Pháp Luân Công. Các biện pháp trừng phạt đối với Hoàng Nguyên Hùng khiến nhiều người không khỏi bất ngờ vì đó chỉ là một cảnh sát cấp thấp.

Cuộc bức hại Pháp Luân Công là vấn đề nhạy cảm và cấm kỵ nhất đối với chính quyền Trung Quốc. Tất cả các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và các phương tiện truyền thông trên khắp thế giới đều né tránh vấn đề Pháp Luân Công, vì sợ kinh động đến Bắc Kinh. Việc chỉ rõ Hoàng Nguyên Hùng, được coi là sự đối đầu trực tiếp giữa chính quyền Trump và ĐCSTQ về vấn đề này, và sự việc hiện đang thu hút sự chú ý ở Trung Quốc.

Một cư dân mạng bình luận: “Sự trừng phạt của Hoa Kỳ đối với viên cảnh sát này là một sự cảnh báo đối với những người khác. Mặc dù viên cảnh sát này không có tài sản và không có người thân hay bạn bè ở Hoa Kỳ, nhưng điều đó không có nghĩa là các quan chức cấp thấp khác không có. Những biện pháp trừng phạt kiểu này, trải rộng từ trên xuống dưới, sẽ ảnh hưởng đến việc ra quyết định của các quan chức cấp thấp này trong tương lai.” Những người khác thì quan tâm đến việc Hoa Kỳ đã thu thập thông tin về Hoàng Nguyên Hùng như thế nào.

Tháng 8 năm 2020, một kho dữ liệu về 1,95 triệu đảng viên ĐCSTQ từ Thượng Hải bị rò rỉ đã được Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC) thu được. Kho dữ liệu này chứa thông tin về ít nhất 57 thành viên ĐCSTQ từ Phòng 610 ở Thượng Hải, đây là một cơ quan ngoài vòng pháp luật được lập ra chuyên để bức hại Pháp Luân Công. Thông tin về những cá nhân này gồm có nơi làm việc, thẻ căn cước công dân, địa chỉ nhà riêng và số điện thoại cá nhân của họ.

Xu hướng toàn cầu

Nhiều quốc gia phương Tây đã tin rằng kinh tế phồn vinh sẽ mang đến tự do và dân chủ cho Trung Quốc. Tuy nhiên, niềm tin đó đã thay đổi trong những năm gần đây. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 là một hồi chuông cảnh tỉnh thế giới, và nhiều quốc gia đã nhận ra rằng ĐCSTQ là “virus” gây nguy hiểm cho thế giới.

Trong một bản dự thảo đề xuất chính sách được công bố vào ngày 29 tháng 11 năm 2020, có tựa đề “chương trình nghị sự mới của Hoa Kỳ-EU đối với những biến đổi toàn cầu”, Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi Hoa Kỳ thành lập một liên minh toàn cầu mới để ứng phó với thách thức chiến lược đặt ra bởi Trung Quốc. Bản dự thảo viết: “Với tư cách là các xã hội dân chủ cởi mở và các quốc gia kinh tế thị trường, EU và Hoa Kỳ nhất trí cho rằng sự quyết đoán trên quốc tế ngày càng tăng của Trung Quốc đã đưa đến thách thức chiến lược …”

Ngày 7 tháng 12 năm 2020, EU đã thông qua một cơ chế để “nhắm mục tiêu vào các cá nhân, thực thể và cơ quan… chịu trách nhiệm, tham gia hoặc liên quan đến các vi phạm và lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng trên toàn thế giới”. Cơ chế bảo vệ nhân quyền toàn cầu mới của EU được thiết lập tương tự như “Đạo luật Truy cứu Trách nhiệm Nhân quyền toàn cầu” (Magnitsky), lần đầu tiên được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua vào năm 2016. “Đạo luật Magnitsky toàn cầu” của Hoa Kỳ cho phép chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt những đối tượng vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới, bao gồm cả việc đóng băng tài sản của những đối tượng này ở Hoa Kỳ và cấm nhập cảnh vào quốc gia này.

Ngay sau đó, các học viên Pháp Luân Công ở 29 quốc gia đã đệ trình danh sách các thủ phạm nhân quyền lên chính phủ của họ, yêu cầu các quốc gia này trừng phạt những thủ phạm được liệt kê cùng các thành viên gia đình họ thông qua các biện pháp hạn chế thị thực và phong tỏa tài sản vì tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Các quốc gia này gồm có Liên minh Ngũ Nhãn (Úc, Canada, New Zealand, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ), 18 quốc gia trong Liên minh Châu Âu (Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan, Bỉ, Thụy Điển, Áo, Ireland, Đan Mạch, Phần Lan, Séc, Romania, Bồ Đào Nha, Hungary, Slovakia, Slovenia), và 6 quốc gia khác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Na Uy, Liechtenstein, Mexico).

Trong danh sách này có một số quan chức cấp Ủy ban Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), gồm có Hàn Chính (Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị), Quách Thanh Côn (Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương), Chu Cường (Chánh án Tòa án Tối cao), Lưu Kim Quốc (Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương), và Phó Chánh Hoa (Phó Giám đốc Ủy ban Các vấn đề Xã hội và Pháp lý trong Hội nghị Hiệp thương Chính trị).

Tương tự như các danh sách được đệ trình trước đây, thủ phạm thuộc tất cả các cấp ở nhiều lĩnh vực khác nhau trên khắp Trung Quốc, bao gồm thư ký của Ủy ban Chính trị và Pháp luật ở các cấp, trưởng Phòng 610 ở các cấp, cảnh sát trưởng, cán bộ Cục An ninh Nội địa, thẩm phán, trợ lý thẩm phán, giám đốc nhà tù, giám đốc trại lao động, v.v.

Chính quyền cộng sản Trung Quốc không còn có thể che giấu tội ác bức hại Pháp Luân Công lâu hơn được nữa. Chúng tôi thành tâm hy vọng rằng các quan chức của ĐCSTQ sẽ suy xét thật kỹ khi thực thi các chỉ thị bức hại của ĐCSTQ.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/12/17/416632.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/1/18/189969.html

Đăng ngày 21-01-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share