Bài viết của Lý Tĩnh Phi, phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 18-07-2019] Bà Trương Ngọc Hoa, một trong 27 người sống sót trong các cuộc đàn áp tín ngưỡng tại 17 quốc gia, đã gặp Tổng thống Donald Trump tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng vào ngày 17 tháng 7 năm 2019.
Trong tuần này, 27 người sống sót đã đến tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng về Thúc đẩy Tự do Tôn giáo lần thứ hai được tổ chức tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Washington DC, từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 7 năm 2019.
Bà Trương Ngọc Hoa, học viên Pháp Luân Công, nói chuyện với Tổng thống Trump
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Trump chính thức gặp gỡ một học viên Pháp Luân Công tại Nhà Trắng kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2017.
Bà Trương, 59 tuổi, đã kể cho Tổng thống Trump về vụ bức hại của chồng bà, ông Mã Chấn Vũ. Ông Mã hiện đang thụ án tù ba năm tại Nhà tù Tô Châu, tỉnh Giang Tô.
Ông Mã, 56 tuổi, bị bắt vào tháng 9 năm 2017 và bị kết án tù vào tháng 6 năm 2018 vì đã “viết bảy lá thư gửi các lãnh đạo chính quyền trung ương để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công”, như được nêu trong bản án.
Bà Trương nói với Tổng thống Trump rằng bà rất lo cho chồng mình. Bà biết một học viên khác đã bị cầm tù ba năm cũng tại nơi giam giữ chồng bà. Học viên này đã nôn ra máu rất nhiều và đã qua đời hai ngày sau khi thả ra.
Bà kêu gọi Tổng thống Trump có hành động cụ thể đối với chính quyền Trung Quốc trước những hành vi lạm dụng nhân quyền và nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Tổng thống Trump nói: “Phải rồi, tôi hiểu.”
Tổng thống Trump: Tự do tôn giáo là vấn đề “thiết yếu” và “hết sức quan trọng”
Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng thống Trump đã bày tỏ sự đồng cảm với những người sống sót, và một lần nữa khẳng định cam kết của ông trong việc bảo vệ tự do tôn giáo.
Ông phát biểu: “Mỗi người trong các vị đã phải chịu thống khổ tột cùng chỉ vì đức tin của mình. Các vị đã bị sách nhiễu, đe dọa, tấn công, xét xử, tù đày và cả tra tấn nữa. Mỗi người trong số các vị giờ đây đã trở thành nhân chứng cho tầm quan trọng của việc thúc đẩy tự do tôn giáo, tín ngưỡng trên toàn thế giới.”
“Ở Hoa Kỳ, chúng tôi luôn hiểu rằng quyền của chúng tôi là do Chúa ban cho, chứ không phải do chính phủ. Trong Bản Tuyên ngôn Nhân quyền của chúng tôi, quyền tự do đầu tiên là tự do tôn giáo. Mỗi người trong chúng ta đều có quyền đi theo tiếng gọi của lương tri và nhu cầu tín ngưỡng của mình.”
“Đối với tất cả mọi người ở đây, những điều các vị đã phải trải qua vượt quá sức chịu đựng của hầu hết mọi người, và tôi muốn chúc mừng các vị. Tôi rất vinh dự khi được ở bên các vị và tôi sẽ mãi sát cánh cùng các vị.”
Bà Trương kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại
Sáng cùng ngày, bà Trương đã có bài phát biểu tại Hội nghị cấp Bộ trưởng về Thúc đẩy Tự do Tôn giáo về cuộc bức hại mà bà và chồng bà đang phải chịu đựng.
Bà Trương phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Scott Busby tại hội nghị
Bà Trương, cựu giáo sư Tiếng Nga tại Đại học Sư phạm Nam Kinh, đã bị bắt bốn lần và bị kết án 7 năm 7 tháng vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà đã bị tra tấn tàn khốc trong nhà tù, như bị sốc điện bằng dùi cui điện, bị cấm ngủ, bị tiêm thuốc không rõ chủng loại và bị bắt chạy dưới cái nóng như thiêu như đốt trong nhiều giờ.
Chồng bà, ông Mã, là một kỹ sư thiết kế Radar. Ông đã nhiều lần bị bắt, trước lần bị bắt gần đây nhất, ông đã phải thụ án bảy năm tù.
Bà Trương cho biết bà đêm ngày lo lắng cho ông Mã vì chính quyền không cho luật sư gặp ông, và một số luật sư từng biện hộ cho ông đã bị trả thù.
“Ông ấy có thể bị tra tấn đến chết như hàng ngàn học viên Pháp Luân Công khác. Ông ấy có thể bị giết hại để lấy nội tạng giống như bao học viên Pháp Luân Công khác, mà đến nay vẫn chưa xác định được số nạn nhân.”
Bà kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu đối với các quan chức, viên chức Trung Quốc “đã giam giữ bất hợp pháp, tra tấn và giết hại các học viên Pháp Luân Công”.
Bà phát biểu: “Tôi hy vọng chính phủ Hoa Kỳ, truyền thông quốc tế, và các tổ chức nhân quyền có thể giúp đòi tự do cho chồng tôi và hàng trăm ngàn học viên Pháp Luân Công vô tội khác đang bị cầm tù.”
Chủ tịch Hạ viện và nhà cựu lập pháp lên án những vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc
Ngoại trưởng Mike Pompeo phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị cấp Bộ trưởng về Thúc đẩy Tự do Tôn giáo ngày 16 tháng 7 năm 2019
Ông Sam Brownback, Đại sứ Lưu động của Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế phát biểu ngày 16 tháng 7 năm 2019 rằng việc đàn áp người có tín ngưỡng là cuộc khủng hoảng toàn cầu nhưng lại nhận được quá ít sự chú ý.
Bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, cũng tham gia hội nghị. Bà đã có cuộc thảo luận kéo dài một giờ đồng hồ với cựu Dân biểu Frank Wolf, tập trung vào những vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.
Cuộc thảo luận giữa bà Pelosi và ông Wolf do ông Brownback chủ trì
Trong cuộc thảo luận này, bà Pelosi gọi đàn áp tự do tôn giáo ở Trung Quốc là “một thách thức đối với lương tri của thế giới”. Bà phát biểu nếu Hoa Kỳ không muốn cảnh cáo Trung Quốc vì những xâm phạm tự do tôn giáo thì sẽ mất khả năng răn đe các quốc gia khác có hành vi tương tự.
Bà nói thêm: “Những vi phạm này xảy ra trên quy mô lớn và nghiêm trọng đến vậy, mà lợi ích thương mại lại quá lớn, nên đôi khi nó khiến chúng ta phải thỏa hiệp các giá trị của mình khi ứng xử với vấn đề này.”
Cựu Dân biểu Frank Wolf bày tỏ quan ngại về sự leo thang đàn áp tự do tín ngưỡng ở Trung Quốc và việc các công ty ở các nước phương Tây đang cộng tác với chính quyền Trung Quốc để phát triển công nghệ dùng để đàn áp các nhóm tín ngưỡng, như công nghệ giám sát hàng loạt và trí tuệ nhân tạo.
Ông Wolf phát biểu: “Không một công ty nào ở phương Tây nên hợp tác với Trung Quốc trong việc này. Tôi nghĩ họ có thể bị kiện.” Ông cho rằng mọi người nên khởi kiện các công ty đó, rồi dùng tiền bồi thường trao cho các nhóm nạn nhân, như người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và các học viên Pháp Luân Công.
Bà Pelosi ủng hộ đề xuất này và cho rằng các công ty cần phải bị cảnh cáo vì đã trợ giúp các vi phạm nhân quyền.
Bà nói: “Chúng ta phải làm sáng tỏ việc này và nói: ‘Các vị là tòng phạm của những hành động cực kỳ tà ác.’ Các vị có muốn bị người ta biết đến vì điều này không?”
20 năm là quá dài
Ông Trương Nhi Bình, người phát ngôn của Pháp Luân Công, phát biểu tại hội nghị rằng, ngày 20 tháng 7 năm nay đánh dấu 20 năm Pháp Luân Công kháng nghị ôn hòa nhằm phản đối cuộc bức hại ở Trung Quốc.
Ông cho biết Chân-Thiện-Nhẫn – nguyên tắc chỉ đạo của Pháp Luân Công – và nỗ lực của các học viên trong việc nâng cao nhận thức cho công chúng về cuộc bức hại đã được cộng đồng quốc tế biết đến rộng rãi.
“Các học viên Pháp Luân Công đã đấu tranh cho tự do tín ngưỡng của họ và bảo vệ giá trị phổ quát Chân-Thiện-Nhẫn, vốn là nền tảng của đạo đức con người”, ông nói thêm.
Bà Trương Ngọc Hoa hy vọng nhiều người hơn nữa sẽ đứng lên chống lại các vi phạm nhân quyền và đấu tranh vì một tương lai tươi sáng cho tất cả mọi người.
Bài viết liên quan:
Chồng của một công dân Hoa Kỳ bị cầm tù phi pháp ở Trung Quốc, luật sư không được gặp mặt
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/7/18/390191.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/7/19/178502.html
Đăng ngày 21-07-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.