Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc
[MINH HUỆ 12-01-2021] Ba người dân, trong đó có một phụ nữ đã ngoài 80 tuổi, ở tỉnh Tứ Xuyên, đã cùng bị tòa án kết án tù trong vòng 5 ngày vào tháng 12 năm 2020.
Vào ngày 7 tháng 12 năm 2020, Tòa án huyện Lô đã kết án bà Trình Tư Quế ở thành phố Lô Châu 4 năm tù giam và phạt bà 8.000 nhân dân tệ vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm cổ xưa đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Bốn ngày sau, vào ngày 11 tháng 12, hai học viên Pháp Luân Công khác là ông Uông Hiển Thụ và bà Dịch Quần Nhân, đều ở huyện Lô, lần lượt bị kết án bốn năm và bốn năm rưỡi cũng cùng tại tòa án này.
Huyện Lô trực thuộc quản lý của thành phố Lô Châu.
81 tuổi bị bắt và kết án
Bà Trình, 81 tuổi, đã khỏi bệnh ung thư sau khi tu luyện Pháp Luân Công. Tuy nhiên, bà đã bị giam giữ và sách nhiễu vì nói với mọi người rằng bà đã được lợi ích như thế nào từ việc tu luyện.
Vào ngày 19 tháng 7 năm 2020, bà Trình đang phân phát tài liệu về Pháp Luân Công trên đường phố thì bị ba người mặc đồ đen giật túi xách của bà và đưa bà đến đồn công an. Cảnh sát đã buộc bà Trình cầm những tài liệu bà mang theo và chụp ảnh bà. Họ cũng bắt bà ấy đi lại để ghi lại dáng đi cũng như giọng nói của bà. Bà đã được tại ngoại vào đêm đó.
Đầu tháng 9 năm 2020, cảnh sát buộc con trai của bà Trình chở bà đến huyện Lô sau khi bà đi chợ về. Bà bị đưa đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Tại đồn công an, cảnh sát đưa ra một tờ giấy trước mặt bà và nói rằng bà đã chính thức bị bắt và sẽ bị giam giữ.
Bà Trình bị giữ trong đồn công an từ chiều cho đến 8 giờ tối trước khi cảnh sát đưa bà đến Trại tạm giam Hợp Giang. trại tạm giam đã từ chối tiếp nhận bà do bà không đủ điều kiện sức khỏe. Bà đã được thả sau một giờ. Cảnh sát nói với bà rằng họ sẽ lại đến tìm bà.
Trước ngày 22 tháng 10 năm 2020, bà Trình nhận được thông báo phải ra hầu tòa. Con trai bà sau đó đã đưa bà đến Tòa án huyện Lô vào ngày 22 tháng 10.
Vào ngày 7 tháng 12 năm 2020, tòa án đã kết án bà Trình 4 năm tù và phạt bà 8.000 nhân dân tệ.
Hai học viên bị bắt vì kỷ niệm ngày sinh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công
Một nhóm học viên Pháp Luân Công ở huyện Lô đã tụ họp tại nhà của một học viên vào ngày 30 tháng 4 năm 2020, để kỷ niệm ngày sinh của Sư phụ Lý, Nhà sáng lập Pháp Luân Công. Trên đường về nhà, các học viên đã bị bắt.
Ngày hôm sau, tất cả đã được thả ngoại trừ ông Uông Hiển Thụ, 67 tuổi và bà Dịch Quần Nhân, 54 tuổi. Ông Uông và bà Dịch bị giam tại trại tạm giam Nạp Khê và sau đó bị truy tố.
Hai học viên bị đưa ra xét xử tại Tòa án huyện Lô vào ngày 1 tháng 9 năm 2020.
Luật sư do tòa án chỉ định bào chữa bà Dịch đã không thông báo cho gia đình bà biết về phiên tòa, trong khi con gái ông Uông là người thân duy nhất có mặt.
Chân của ông Uông dường như đã bị giãn tĩnh mạch và ông đi lại rất khó khăn. Vì vậy, khi được gọi trả lời câu hỏi trong phiên tòa, ông hơi chậm khi đứng dậy hoặc ngồi xuống. Thẩm phán sau đó đã hét vào mặt ông.
Trong phiên tòa, công tố viên đe dọa sẽ đề nghị mức án nặng nếu các học viên không chịu nhận tội.
Vào ngày 11 tháng 12 năm 2020, ông Uông bị kết án bốn năm và bà Dịch bị tuyên án 4 năm rưỡi.
Ông Uông trước đây từng bị bức hại đến suýt mất mạng
Đây không phải là lần đầu tiên ông Uông bị bức hại vì kiên định đức tin của mình.
Ông Uông, một người sản xuất giày và nhân viên bán hàng, đã bị kết án 5 năm tù vào năm 2015 sau khi bị bắt vào năm 2014 vì tội phân phát tài liệu Pháp Luân Công ở tỉnh Vân Nam. Ông đã bị bức hại đến suýt mất mạng và được trả tự do để điều trị y tế. Sau khi hồi phục, ông bị đưa trở lại Nhà tù Vân Nam.
Trong đơn tố cáo tội phạm của mình đối với cựu lãnh đạo chính quyền cộng sản Giang Trạch Dân, kẻ đã ra lệnh bức hại Pháp Luân Công, ông Uông đã viết về những hành vi ngược đãi mà ông phải chịu đựng trong trại tạm giam.
Ông kể lại rằng ông thường xuyên bị đánh đập hoặc chửi bới và bị bỏ đói mặc dù ông đã phải tự trang trải các chi phí sinh hoạt. Mặc dù bị đói, ông vẫn phải lao động không công và lau sàn nhà.
Sau khi bị giam giữ một năm, hai tháng và bảy ngày, cơ thể của ông trở nên sưng tấy, bóng láng và tất cả mười ngón tay của ông bị sưng tấy đến mức ông không thể nắm chặt được lại. Ông bị ho, bị cao huyết áp và bệnh tim; hạ bộ của ông bị tê liệt. Ông phải cúi còng lưng khi bước đi.
Sợ ông Uông chết, trại tạm giam đã đưa ông đến bệnh viện. Tuy nhiên, bác sĩ nói với ông vào ngày thứ tư rằng không có cách nào chữa khỏi cho ông được. Mặc dù tiều tụy và đang trong tình trạng choáng váng, ông vẫn bị lôi ra khỏi bệnh viện sau 9 ngày nằm viện.
Trong khi ông Uông bị tạm giam, người vợ bị bệnh nan y của ông đã qua đời vào tháng 3 năm 2015, vài tháng trước khi ông Uông được thả trong tình trạng nguy kịch vào ngày 12 tháng 10. Ông đã không có cơ hội được gặp vợ mình lần cuối.
Sau khi trở về nhà, ông Uông tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công và đã bình phục. Tuy nhiên, bốn người đàn ông không rõ danh tính đã đưa ông Uông đến trại tạm giam vài ngày sau Tết Nguyên đán năm 2017. Ông bị đưa đến Nhà tù Vân Nam vào ngày hôm sau để tiếp tục thụ án.
Vụ bắt giữ và bản án trước đây của bà Dịch
Trước vụ bắt giữ gần đây nhất, bà Dịch cũng đã phải thụ án 4 năm vì đức tin của mình.
Vào ngày 1 tháng 11 năm 2013, một nhóm cảnh sát và viên chức thôn đã đột nhập vào nhà của bà Dịch và tịch thu máy tính, máy in, điện thoại di động và sách Pháp Luân Công của bà. Bà Dịch lúc đó đang làm việc trên cánh đồng và đã bị bắt và bị giam giữ tại trại tạm giam Nạp Khê.
Bà Dịch bị kết án bốn năm tù vào ngày 4 tháng 11 năm 2014. Con trai bà lúc đó mới mười tuổi.
Sau khi mãn hạn tù tại Nhà tù nữ Long Tuyền, bà được thả vào tháng 11 năm 2017 nhưng tiếp tục bị nhà chức trách sách nhiễu.
Bài liên quan:
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/1/12/418448.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/1/19/189993.html
Đăng ngày 01-02-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.