Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 04-01-2021] Trung tâm Giáo dục Pháp luật Quảng Châu, một trung tâm tẩy não được thành lập vào ngày 3 tháng 4 năm 2001, là một trong những cơ sở tồi tệ nhất mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng để bức hại các học viên Pháp Luân Công ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông trong 21 năm qua.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm cổ xưa dựa trên Nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. ĐCSTQ đã phát động một chiến dịch toàn quốc nhằm bức hại môn tu luyện vào tháng 7 năm 1999, và cuộc bức hại vẫn tiếp tục cho đến tận ngày nay.

Trói chặt hình quả bóng là một trong những phương thức tra tấn được Dương Vĩnh Thành, một trong những đội trưởng của đội, mang từ Trại Lao động Số 1 Quảng Châu sang áp dụng tại trung tâm. Sự ngược đãi thể chất này rất khủng khiếp, khiến sức chịu đựng của các học viên lên đến cực hạn, buộc họ phải từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.

bda1b13f2c004b74c238aff1bd911155.jpg

Tái hiện tra tấn: Trói chặt hình quả bóng, trong đó nạn nhân bị bắt ngồi, hai chân bắt chéo nhau, hai tay vặn ngược ra sau và cơ thể bị trói chặt như một quả bóng.

Nằm bên trong Trung tâm Điều trị Cai nghiện Đàm Cương, Trung tâm Giáo dục Pháp luật Quảng Châu (dưới đây gọi tắt là Trung tâm Tẩy não Quảng Châu) hoạt động dưới sự quản lý của Cục Tư pháp Quảng Châu, với hơn 30 cảnh sát viên. Mục đích của họ là “giáo dục và chuyển hóa” các học viên Pháp Luân Công thông qua tra tấn, tức là cưỡng chế họ phải từ bỏ đức tin của mình. Khoảng 1.000 học viên đã bị giam giữ ở đây kể từ khi trung tâm được thành lập vào năm 2001.

b4d4e22abb32aba7adbc694e31be6e80.jpg

Trung tâm Tẩy não Quảng Châu nằm bên trong Trung tâm Điều trị cai nghiện Đàm Cương

d5a774908bdb448cd0143e5f956c7890.jpg

Trung tâm Tẩy não Quảng Châu: biển hiệu bên trái ghi “Trung tâm Giáo dục Pháp luật Quảng Châu” và biển hiệu bên phải “Cục Quản lý Giáo dục Pháp luật Quảng Châu”.

Vận hành kiểu xã hội đen

Hầu hết các học viên bị giam giữ tại Trung tâm Tẩy não Quảng Châu đều bị bắt cóc bởi các nhân viên từ đồn công an địa phương, văn phòng tiểu khu, hoặc ủy ban cư dân. Sau khi tìm ra thói quen hàng ngày của học viên và chọn một địa điểm phục kích, những nhân viên này sẽ vây bắt học viên, kéo họ vào một chiếc xe đang chờ sẵn và đi thẳng đến trung tâm tẩy não.

Một số nhân viên ủy ban cư dân có thể thông báo cho gia đình của học viên rằng họ đã được ghi danh vào một khóa “học tập” mở rộng, nhưng không có thông tin về địa điểm. Ngay cả khi gia đình muốn gửi quần áo hoặc một số nhu yếu phẩm hàng ngày, họ chỉ có thể gửi thông qua ủy ban cư dân.

Đôi khi gia đình không nhận được bất kỳ thông báo gì, và họ tưởng rằng người thân của mình đã mất tích nên đi trình báo công an. Phải mất một thời gian dài gia đình mới biết được người thân của mình đã bị đưa đến trung tâm tẩy não. Khi gia đình đến để yêu cầu trả tự do cho học viên, trung tâm tẩy não biết rằng họ không thể che đậy được thêm nữa. Một số sỹ quan trong trung tâm tẩy não sẽ đến gặp gia đình, nhưng đã tháo biển tên và số hiệu cảnh sát của họ. Họ sẽ chụp ảnh và/hoặc quay video về gia đình. Không giải thích lý do tại sao họ lại giữ học viên ở đó, thay vào đó họ sẽ hỏi những câu hỏi thăm dò chẳng hạn như làm thế nào mà gia đình đã biết được vị trí giam giữ của học viên và ai đã “xúi họ đến trung tâm tẩy não”.

Lối vào của trung tâm tẩy não luôn bị đóng cửa và không có lối cho người bên ngoài vào cửa sổ liên lạc. Thông tin về các nhân viên được bảo mật cao và không có tài liệu nào được ban hành liên quan đến việc giam giữ các học viên. Nói cách khác, khi một học viên bị giam giữ ở đó trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, họ được coi là đã “biến mất” khỏi xã hội.

Tẩy não cường độ cao

Sau khi đến trung tâm tẩy não, các học viên sẽ được chỉ định vào một trong bốn khu. Những người từng giữ chức trưởng khu là Lý Chí Cường, Điền Lệ Huy, Dương Vĩnh Thành và Tôn Văn Huy. Điền đã nghỉ hưu vào tháng 10 năm 2019. Trưởng khu Tôn không chỉ tích cực đàn áp các học viên trong trung tâm tẩy não mà còn thường xuyên tham gia các hoạt động phỉ báng Pháp Luân Công trước công chúng. Ví dụ, trong một số sự kiện do Ủy ban Chính trị và Pháp luật Quận Nam Sa (UBCTPL) và UBCTPL Quận Lệ Loan tổ chức, Tôn đã tham dự với tư cách là diễn giả chính để phỉ báng Pháp Luân Công trước mặt những người tham dự, trong đó có nhiều sinh viên trẻ tuổi.

Mỗi khu có bốn hoặc năm quản giáo, họ là cảnh sát làm việc tại trung tâm tẩy não cho đến khi nghỉ hưu. Họ trực tiếp tham gia các hoạt động tẩy não chính như phát video phỉ báng và nói chuyện với các học viên nhằm cố gắng buộc họ từ bỏ đức tin của mình.

Cảnh sát thường có những trợ thủ để thực hiện các hoạt động tẩy não. Những người giúp đỡ này là những học viên Pháp Luân Công trước đây đã từ bỏ đức tin của mình dưới áp lực và quay sang hỗ trợ cảnh sát nhắm vào những học viên vẫn đang kiên định đức tin. Hai trong số những người giúp đỡ là Vương Trung Thành và Phùng Linh Bình, họ là nhân viên được trả lương và đi làm bằng xe đưa đón do trung tâm tẩy não cung cấp.

Trung tâm tẩy não đã ra lệnh cho tất cả các học viên bị giam giữ viết “Tứ thư”, cụ thể gồm một tuyên bố cam kết hứa sẽ ngừng việc tu luyện Pháp Luân Công, một tuyên bố ăn năn để thể hiện sự hối hận vì đã tu luyện Pháp Luân Công, một tuyên bố cắt đứt quan hệ với Pháp Luân Công, và tuyên bố lên án chỉ trích Pháp Luân Công.

Thời hạn giam giữ không được xác định, thường kéo dài từ ít nhất ba tháng đến hai năm. Ví dụ như bà Đinh Mãn Cúc, một học viên ở độ tuổi 70, đã bị bắt đến đó vào tháng 4 năm 2002. Bà đã tuyệt thực nhiều lần để phản đối việc tẩy não. Cho đến cuối tháng 12 năm 2003, bà mới được thả, sau khi bị giam giữ 20 tháng.

Ngay cả sau khi viết “Tứ thư”, một học viên vẫn phải trải qua cái gọi là quá trình “chứng nhận” trước khi được thả. Đối với bất kỳ ai từ chối tẩy não, họ sẽ bị nguyền rủa, sỉ nhục và tra tấn thể xác. Các phương pháp tra tấn phổ biến bao gồm trói chặt hình quả bóng, đứng cúi gập người 180 độ và cấm ngủ. Khi các học viên tuyệt thực để phản đối, họ sẽ bị tra tấn bức thực dã man để làm gia tăng thêm sự đau đớn.

2021-1-2-232351-3--ss.jpg

Minh họa tra tấn: cúi gập người 180 độ

Khoảng 1.000 học viên đã bị giam giữ tại Trung tâm Tẩy não Quảng Châu kể từ năm 2001. Một số người trong số họ bị rối loạn tâm thần vì bị ngược đãi và nhiều người trong tình trạng đe dọa đến tính mạng. Bà Vương Gia Phương, một giảng viên tại Đại học Quảng Châu, đã bị đưa đến trung tâm tẩy não vào tháng 4 năm 2001 và bà đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng do bị tra tấn. Đồng nghiệp của bà, bà Lý Hiểu Kim đã qua đời ngày thứ hai sau khi bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Quận Hoàng Phố do bị ngược đãi tăng cường.

Bà Liệu Nguyên Mai ở tỉnh Hồ Nam bị tiêm loại thuốc không rõ nguồn gốc khi bị giam trong trung tâm tẩy não. Kết quả là trọng lượng của bà sụt giảm từ 57,5 kg xuống còn 35 kg. Bà Lý Hồng Hà bị rối loạn tâm thần do bị ngược đãi. Ông Phùng Hoàng Trí, một kỹ sư của Học viện Khoa học Trung Quốc, đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Ông Hà Chí Duy, quản lý của Công ty Thông quan Châu Hải, đã bị trói trong nhiều ngày, trong khi bị sỉ nhục bằng những lời lăng mạ. Bà Lý Mân Úy từ Bệnh viện liên kết Đại học Trung Sơn bị teo cơ ở chân trái do bị tra tấn, và bà không thể đi lại.

Bà Lương Đình Đình, Phó Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông & Năng lượng Bảo Nam ở Quảng Đông, bị trói như quả bóng và bị cấm ngủ suốt 4 ngày 4 đêm. Cảnh sát cũng dội nước lạnh vào bà trong mùa đông. Kết quả là bà đã bị giảm một nửa trọng lượng cơ thể. Mãi cho đến khi trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, bà mới được thả.

2021-1-2-232351-4--ss.jpg

Bà Lương Đình Đình, Phó Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông & Năng lượng Bảo Nam ở Quảng Đông, trở nên tiều tụy và trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng do bị tra tấn tại Trung tâm Tẩy não Quảng Châu

Gia đình và luật sư kiện Trung tâm tẩy não

Việc giam giữ bất hợp pháp vi phạm cả Hiến pháp Trung Quốc và Luật Hình sự.

Điều 37 của Hiến pháp ghi rõ: “Tự do cá nhân của công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là bất khả xâm phạm. Không công dân nào có thể bị bắt giữ ngoại trừ có lệnh hay quyết định của viện kiểm sát hoặc tòa án, và việc bắt giữ phải do cơ quan công an thực hiện. Việc cấm đoán phi pháp hoặc tước đoạt quyền tự do cá nhân của công dân bằng cách giam cầm hay những phương thức khác là bị cấm, và lục soát phi pháp cơ thể là bị cấm.”

Điều 238 của Luật Hình sự Trung Quốc quy định: “Bất kỳ ai bắt giữ người khác hay tước đi tự do của người khác một cách bất hợp pháp bằng bất kỳ phương tiện nào sẽ bị phạt tù có thời hạn không quá ba năm, bị giam giữ hình sự, hoặc quản chế hoặc tước quyền lợi chính trị. Trong trường hợp đánh đập hay sỉ nhục sẽ bị đưa ra hình phạt nặng hơn.”

Tất cả các nhân viên làm việc tại Trung tâm Tẩy não Quảng Châu đều là cảnh sát của Cục Tư pháp Quảng Châu, một cơ quan giám sát ba trại lao động khét tiếng ngoài Trung tâm Tẩy não Quảng Châu.

Giống như các sĩ quan khác của cục tư pháp, cảnh sát ở trung tâm tẩy não không chỉ giam giữ bất hợp pháp các học viên trong suốt 21 năm qua, mà còn ngược đãi họ bằng nhiều hình thức, bao gồm cả dùng nhục hình và cấm ngủ. Họ đã phạm tội giam giữ và tra tấn trái phép.

2017-3-2-205827-0--ss.jpg

Cô Lữ Xuân Hạ

Cô Lữ Xuân Hạ, ​​một học viên ở quận Bạch Vân, Quảng Châu, bị bắt tại nơi ở của bố mẹ chồng cô vào ngày 29 tháng 7 năm 2016, và bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Quảng Châu. Các sĩ quan tham gia bức hại cô Lữ là Chương Quang Minh và Lý Liên Sinh từ Văn phòng Quản lý phố Hoàng Thạch. Vì từ chối tẩy não và kiên định thực hành đức tin của mình, cô Lữ đã bị chuyển đến Trại tạm giam Thuận Đức vào tháng 3 năm 2017, nơi cô bị truy tố vì đức tin của mình.

Vào tháng 2 năm 2018, Tòa án Thuận Đức đã kết án cô Lữ hai năm tù. Tuy nhiên, 8 tháng bị giam giữ trái pháp luật tại Trung tâm Tẩy não Quảng Châu không được khấu trừ vào thời hạn tù của cô và cuối cùng cô đã phải thụ án hai năm.

Dựa trên “Pháp lệnh Công khai thông tin chính phủ của Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” được thông qua vào năm 2007, luật sư của bà Lữ đã liên hệ với chính quyền tỉnh Quảng Đông và chính quyền thành phố Quảng Châu, yêu cầu cung cấp cơ sở pháp lý của Trung tâm Tẩy não Quảng Châu. Một vụ kiện cũng đã được đệ trình lên Viện Kiểm sát Quảng Châu và Viện Kiểm sát Quảng Đông chống lại Văn phòng Quản lý phố Hoàng Thạch, Chương Quang Minh, Lý Liên Sinh và Trung tâm Tẩy não Quảng Châu. Cả chính quyền Quảng Đông và chính quyền Quảng Châu đều trả lời rằng yêu cầu này vượt quá trách nhiệm của họ và chuyển yêu cầu này đến Cục Tư pháp Quảng Châu, cơ quan này đã không hồi đáp yêu cầu của luật sư.

2017-6-8-minghui-falun-dafa-201122-0--ss.jpg

Cô Tạ Vũ

Cô Tạ Vũ, 34 tuổi, nhân viên của một công ty bảo hiểm ở Quảng Châu, bị bắt vào tháng 1 năm 2017. Tuy nhiên, sau khi mãn hạn tù hai năm vào ngày 25 tháng 1 năm 2019, cô đã bị Văn phòng quản lý và Công an phố Hoàng Thạch đưa thẳng đến Trung tâm Tẩy não Quảng Châu. Mãi đến 8,5 tháng sau, cô mới được trả tự do và trở về quê nhà ở tỉnh Hồ Nam. Bị tra tấn trong trung tâm tẩy não khiến cô có sức khỏe yếu và răng bị lung lay. Cột sống của cô cũng bị thương khi bị giam trong trung tâm tẩy não. Gia đình cô đã đệ đơn kiện vì sự ngược đãi mà cô phải gánh chịu.

2018-11-1-guangzhou-yuping_01--ss.jpg

Bà Dư Bình

Bà Dư Bình, 57 tuổi, đã bị Đồn Công an Bắc Kinh ở quận Việt Tú, thành phố Quảng Châu bắt giữ vào ngày 21 tháng 10 năm 2018, vì mang nhiều bản sao tài liệu Pháp Luân Công trong túi của bà. Sau khi bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Quảng Châu vào ngày hôm sau, bà đã bị giam giữ tại Khu số 2.

Ngay cả sau khi bà Dư đã bị giam giữ hơn một tháng, gia đình bà vẫn không nhận được bất kỳ thông báo nào về việc giam giữ, cũng như không thể liên lạc với Khu số 2 của cơ sở để gửi một số quần áo cho bà. Do đó, họ đã đệ đơn kiện lên Cục Tư pháp Quảng Đông, chính quyền thành phố Quảng Châu, cùng với các cơ quan khác đối với trung tâm tẩy não. Tương tự như trường hợp của cô Lữ, gia đình bà Dư cũng yêu cầu công khai thông tin về trung tâm tẩy não.

Các cá nhân liên quan

Gần 40 nhân viên tại Trung tâm Tẩy não Quảng Châu và tất cả họ đều là nhân viên của Cục Tư pháp Quảng Châu. Giám đốc của cơ sở thay đổi theo thời gian và luôn luôn có một người nào đó bên văn phòng tư pháp được bổ nhiệm cho vị trí này. Các nhân viên làm việc ở đây phần lớn là không thay đổi nhiều.

Ban đầu, Phan Cẩm Hoa là giám đốc, Lưu Chí Hùng và Hạ Vân Dục là phó giám đốc. Ngoài ra, Lý Tuyết Trân, Khâu Đào Tiêu, Trang Đại Cường và Hoa Thiếu Hà đã từng là chủ nhiệm chính trị vào các thời điểm khác nhau. Lại Giám Phong đã từng là quản lý của Văn phòng Giáo dục tại một thời điểm. Trong số các viên chức này, Phan Cẩm Hoa và Lưu Chí Hùng đã làm việc ở đó một thời gian dài cho đến khi nghỉ hưu. Một số viên chức sau đó đã được chuyển sang các bộ phận khác trong sở tư pháp, bao gồm Hạ Vân Dục, Lý Tuyết Trân, Khâu Đào Tiêu, Trang Đại Cường, Hoa Thiếu Hà và Lại Giám Phong.

Tăng Bân là giám đốc vào năm 2016 và Giang Vĩ Cường là giám đốc vào năm 2017. Giám đốc hiện tại là Vương Thái Hoa, với Phùng Hồng là phó giám đốc và Trần Kiện Sinh là chủ nhiệm chính trị. Các người quản lý khác bao gồm Lý Chí Cường, Điền Lệ Huy, Dương Vĩnh Thành và Tôn Văn Huy. Các nhân viên trực tiếp quản lý các học viên bao gồm Chu Tĩnh, Hồng Nhã, Dương Tiểu Huệ, Trần Bích Tinh, Liệu Vĩ Đông và Ôn Túc Thư. Các nhân viên hành chính bao gồm Ngũ Học Văn, Lý Xán Tăng, Lý Lượng Thanh và Đường Cần Hằng. Một số viên chức khác cũng đã tham gia tích cực vào cuộc bức hại cho đến khi họ nghỉ hưu bao gồm Đặng Cẩm Trinh, Chung Nghị Minh, Đặng Mai Thanh, Điền Lệ Huy, Trần Tố Liên và Lưu Quốc Tráng.

Thông tin chi tiết về các cá nhân liên quan có trong bản tiếng Hán của bài viết này.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/1/4/418051.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/1/13/189889.html

Đăng ngày 01-02-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share