Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 05-01-2021] Bị thương khi trở về nhà sau bốn năm vì tu luyện Pháp Luân Công, bà Trương Văn Khanh đã rất đau khổ khi biết cha mình đã qua đời trước đó một năm và 27 năm công tác của bà đã bị lãnh đạo đơn vị công tác xóa khỏi hồ sơ khiến bà không được hưởng lương hưu.
Năm 1989, bà Trương ở thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh trở thành một giáo viên dạy nhạc ở Trường Trung học Số 50 Phủ Thuận khi bà 20 tuổi. Bà được học sinh của mình yêu quý và đã nhận được rất nhiều giải thưởng.
Năm 1993, bà mắc chứng trầm cảm sau sinh. Bà không còn hứng thú với cuộc sống và đã từng nghĩ đến việc tự sát. Một phụ huynh học sinh đã chia sẻ với bà về Pháp Luân Công và cách pháp môn đã giúp vị phụ huynh đó hồi phục sức khỏe. Sau khi đọc sách Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Công, bà quyết định bắt đầu tu luyện và có cái nhìn hoàn toàn mới về cuộc sống.
Sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc ra lệnh bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999 bởi sự phổ biến rộng rãi của pháp môn, bà Trương đã từ chối từ bỏ đức tin của mình và kể từ đó bà đã liên tục bị chính quyền bức hại.
Trong biên bản bắt giữ vào ngày 8 tháng 9 năm 2015, bà bị cảnh sát kéo xuống tầng dưới. Da ở mắt cá chân trái của bà bị trầy xước, cổ tay và mông bị thâm tím.
Hai tháng sau, bà bị bắt giữ một lần nữa vào ngày 10 tháng 11. Cảnh sát thẩm vấn bà tới 5 giờ chiều và sau đó giam giữ bà 15 ngày tại Trại tạm giam Thành phố Phủ Thuận.
Lần bắt giữ gần đây nhất của bà Trương xảy ra vào ngày 7 tháng 6 năm 2016, sau khi bị tố cáo vì nói chuyện với người dân và phân phát tài liệu Pháp Luân Công tại một trạm xe buýt. Cảnh sát lục soát nhà của bà trong khi không có ai ở đó và tịch thu máy tính, máy in, đĩa DVD cùng với 500 nhân dân tệ tiền giấy có in thông tin Pháp Luân Công. (Do sự kiểm duyệt thông tin, các học viên Pháp Luân Công đã sáng tạo ra những phương thức khác nhau để nâng cao nhận thức của người dân về cuộc bức hại bao gồm việc in thông điệp lên tiền giấy.)
Khoảng 11 giờ tối, bà Trương bị đưa tới trại tạm giam Nam Câu. Ngày hôm sau cha mẹ bà đã tới thăm bà. Lính canh nói với họ trong chuyến thăm hỏi lần thứ hai rằng theo kế hoạch bà Trương sẽ được trả tự do vào ngày 22 tháng 6. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi họ về nhà thì cảnh sát lại thông báo cho họ rằng bà Trương đã bị chuyển tới một cơ sở giam giữ khác. Kể từ đó, bà bị tước quyền thăm hỏi của gia đình và đang đối mặt với án tù. Cha mẹ của bà đi khắp nơi để hỏi về vụ án của bà nhưng họ bị ngăn cản.
Bành Việt, giám đốc của Phòng An ninh Nội địa đã nỗ lực tống tiền 20.000 nhân dân tệ cha mẹ bà Trương để đối lấy án tù nhẹ hơn cho bà nhưng họ đã từ chối hợp tác.
Ngày 6 tháng 12 năm 2016, Viện Kiểm sát quận Thuận Thành truy tố bà Trương và sau đó Tòa án quận Thuận Thành kết án bà bốn năm tù giam cùng 3.000 nhân dân tệ tiền phạt. Ngày 10 tháng 2 năm 2017, bà đã kháng án nhưng Tòa án trung cấp thành phố Phủ Thuận đã từ chối đơn của bà.
Khi ở trong Nhà tù Tỉnh Liêu Ninh, những tra tấn bà phải chịu đựng không thể diễn tả bằng lời. Trong một thời gian dài, bà Trương bị cưỡng chế đứng chân trần trên gạch sứ, ngồi trên ghế đẩu nhỏ mà không được cử động hoặc ngồi xổm từ 6 giờ sáng tới 6 giờ tối và đôi khi còn tới đêm. Mỗi ngày bà không ngừng phải chịu sự đánh đập, công kích, lăng mạ và sỉ nhục.
Lính canh bố trí hai tù nhân giám sát bà cả ngày lẫn đêm. Họ thường không cho bà sử dụng nhà vệ sinh hay tắm vào mùa hè. Bà cũng bị từ chối quyền thăm hỏi của gia đình hay cung cấp những nhu yếu phẩm hằng ngày, gồm cả giấy vệ sinh và băng vệ sinh. Khi nhà tù phân phát thêm thức ăn và hoa quả trong dịp Tết Nguyên đán, các tù nhân đã lấy phần của bà Trương.
Trong khi bà Trương đang ở trong tù, nhà trường yêu cầu người cha ngoài 80 tuổi của bà trả lại 13.000 nhân dân tệ tiền lương mà bà nhận được sau khi bị bắt. Lo sợ nhà trường trả thù, người cha già của bà đã mang trả số tiền đó.
Tại thời điểm bà được trả tự do vào ngày 6 tháng 6 năm 2020, bà đã bị tàn tật. Sau đó bà phát hiện rằng quan chức của trường đã giảm số năm công tác của bà xuống 0, để số dư lương hưu trong tài khoản của bà là 0.
Khi bà tới gặp quan chức của trường và hỏi tại sao 27 năm công tác của bà (bắt đầu làm việc từ 31 năm trước, từ năm 1989 và trừ 4 năm ngồi tù) lại bị xóa bỏ. Bà nói không ai có quyền xóa sạch những năm công tác mà bà đã tích lũy được từ trước khi bị cầm tù vì không làm điều gì sai khi kiên định đức tin của mình.
Các quan chức nhà trường đã mắng bà và nói rằng tất cả họ đều bị liên lụy và bị phạt sau khi bà bị kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Họ từ chối đối thoại với bà và đưa bà ra khỏi trường học.
Khi bà Trương tới trường một lần nữa, nhân viên an ninh đã không cho bà vào với lý do rằng anh ta đang chấp hành mệnh lệnh của lãnh đạo nhà trường.
Sau đó nhà trường chính thức sa thải bà Trương.
Bởi bà Trương bị từ chối quyền thăm hỏi của gia đình trong khi đang thụ án tù, nên cha của bà thường viết thư cho bà và động viên bà hãy mạnh mẽ. Nhưng trước khi án tù của bà kết thúc một năm, cha bà đã qua đời. Hiện người mẹ già ngoài 80 tuổi và con gái của bà đang gặp khó khăn tài chính to lớn sau khi bà Trương bị tước lương hưu.
Trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, sự phá hoại tài chính đã ảnh hưởng tới sinh kế của nhiều học viên. Đáng chú ý là hai học viên khác cũng bị lãnh đạo nơi làm việc xóa số năm công tác trong hồ sơ hưu trí.
Bà Dương Thái Anh, ngoài 50 tuổi từng là nhân viên của Cục Máy Nông nghiệp Nạp Khê ở thành phố Lô Châu, tỉnh Tứ Xuyên. Sau khi bà bị kết án bốn năm tù vì kiên định đức tin của mình vào năm 2014, bà bị trừ 30 năm công tác trong hồ sơ hưu trí.
Một cư dân khác ở Bắc Kinh, ông Vương Thụ Tường từng làm việc cho Cục Tiện ích và Cảnh quan đô thị đã bị xóa 27 năm công tác trong hồ sơ hưu trí.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/1/5/418120.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/1/11/189864.htm
Đăng ngày 22-01-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.