Bài viết của một phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc
[MINH HUỆ 18-11-2019] Vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, cựu tổng bí thư của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công và yêu cầu thực hiện chính sách “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể” các học viên.
Các học viên Pháp Luân Công bị ép phải trả những khoản tiền phạt nặng khi họ bị bắt giữ vì tới Bắc Kinh kháng cáo cho quyền của mình. Các quan chức của Phòng 610 địa phương và các trung tâm tẩy não đã tống tiền nhiều gia đình học viên.
Gần đây nhất, ở Quận Nạp Khê, Thành phố Lô Châu, tỉnh Tứ Xuyên, các học viên đã bị yêu cầu trả lại khoản tiền lương hưu mà họ đã nhận trong thời gian bị cầm tù cho phòng an sinh xã hội địa phương.
Nếu họ từ chối trả lại, Phòng An sinh Xã hội Quận Nạp Khê sẽ ngừng cấp lương hưu và từ chối cấp các khoản phúc lợi hưu trí cho tới khi tổng số tiền giữ lại bằng số tiền mà các học viên bị yêu cầu hoàn trả.
Những trường hợp dưới đây minh chứng cho những tác động của hình thức bức hại tài chính này đối với các học viên.
Bà Đường Thiên Mẫn – bị yêu cầu trả lại hơn 60.000 Nhân dân tệ
Sau khi mãn hạn 2,5 năm tù vì không từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công, ngày 3 tháng 10 năm 2019, khi bà Đường Thiên Mẫn trở về nhà thì phát hiện rằng tiền lương hưu thường lệ hàng tháng đã không được chuyển vào tài khoản của bà.
Khi bà Đường tới Phòng An sinh Xã hội Quận Nạp Khê để hỏi về việc này thì được biết bà đã nợ hơn 60.000 Nhân dân tệ vì trong thời gian bị giam giữ bà bị cho là không được hưởng lương hưu. Bà Đường bị cầm tù phi pháp vào năm 2012 và một lần khác vào năm 2017 với tổng thời gian là 5,5 năm.
Thư kí của Phòng An sinh Xã hội đã nói với bà Đường rằng: “Nếu bà không trả lại số tiền đó, bà sẽ bị kiện. Chúng tôi sẽ bán căn hộ của bà hoặc tống bà vào tù.”
Không muốn mẹ mình bị tống giam lần nữa, con gái bà Đường đã vay 21.000 Nhân dân tệ để trả lại cho Phòng An sinh Xã hội và đồng thời đồng ý khấu trừ số tiền còn lại từ tiền lương hưu hàng tháng của bà Đường cho tới khi trả đủ số tiền, chỉ để lại cho bà Đường 500 Nhân dân tệ mỗi tháng để sinh sống.
Bà Đường bị cầm tù 3 năm vào năm 2013 và 2 lần bị giam giữ tại các trại lao động cưỡng bức. Bà đã bị tra tấn tàn bạo trong tù và bị ép phải uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc.
Khi được trả tự do, bà Đường vốn từng là người phụ nữ nhanh nhẹ và vui vẻ đã trở thành một người hoàn toàn khác. Đôi mắt bà đờ đẫn, phản ứng chậm chạp, toàn thân không ngừng run rẩy và khó ghi nhớ các việc.
Bà Dương Thái Anh – lịch sử về 30 năm làm việc đã bị xóa khỏi quỹ hưu trí
Bà Dương Thái Anh, ngoài 50 tuổi, từng là nhân viên tại Phòng Máy Nông nghiệp Nạp Khê. Năm 2014, bà bị kết án 4 năm tù vì đức tin của mình.
Sau khi được trả tự do, bà Dương tới Phòng An sinh Xã hội nộp đơn xin nghỉ hưu (tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là 55 tuổi) thì được thông báo rằng, bởi vì bà bị đuổi việc trong thời gian bị giam giữ nên lịch sử về 30 năm làm việc của bà đã bị xóa và bà không còn đủ điều kiện hưởng an sinh xã hội.
Sau đó, bà Dương được thông báo rằng bà chỉ có thể được nhận bảo hiểm hưu trí mà nơi làm việc đã chi trả cho bà từ năm 1996 (thời điểm hệ thống an sinh xã hội bắt đầu thực hiện ở Trung Quốc) cho tới năm 2004 (trước khi nơi bà làm việc được phân loại là một cơ quan chính phủ và không yêu cầu phải đóng bảo hiểm nữa). Nhưng để có thể đủ điều kiện hưởng trợ cấp an sinh xã hội, bà phải đóng thêm 8 năm bảo hiểm nữa. Cuối cùng thì hàng tháng bà nhận được một khoản từ 700 tới 800 Nhân dân tệ.
Đây không phải lần đầu tiên bà Dương bị bức hại tài chính vì đức tin của mình.
Bà Dương cùng chị gái là Dương Thái Trân đã 3 lần tới Bắc Kinh kháng nghị cho Pháp Luân Công. Lần đầu tiên khi hai chị em họ bị đưa trở lại, bà Dương bị ép phải trả tất cả các chi phí cho các nhân viên đã tới Bắc Kinh để đưa họ trở về.
Lần thứ 2 bà Dương tới Bắc Kinh, bà bị phạt 4.500 Nhân dân tệ và số tiền này bị trừ vào tiền lương của bà.
Lần thứ 3, hai chị em bà bị đưa tới một trại lao động cưỡng bức trong 2 năm và bà Dương đã bị phạt hơn 7.000 Nhân dân tệ.
Các quan chức đã tống tiền chị gái bà Dương hơn 26.000 Nhân dân tệ. Các thành viên của ủy ban dân cư địa phương có giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà bà, đã đe dọa sẽ bán ngôi nhà của bà nếu bà không trả khoản tiền phạt.
Bà La Lâm Dung – Nhà cửa bị phá hủy và bị bắt phải trả lại 30.000 Nhân dân tệ
Bà La Lâm Dung 67 tuổi, là một nông dân ở Quận Nạp Khê. Bà và gia đình đã phải bán đất cho chính phủ để đổi lấy trợ cấp an sinh xã hội.
Tuy nhiên, vào tháng 5 năm 2017, sau 3 năm thụ án tù vì tu luyện Pháp Luân Công, khi bà La trở về nhà thì biết rằng các khoản lương hưu của bà đã bị ngừng cấp.
Bà nhận được thông báo rằng tổng số tiền hơn 30.000 Nhân dân tệ đã trả cho bà trong suốt 3 năm bà thụ án tù sẽ phải hoàn trả lại.
Con trai bà La đã phải vay mượn để trả lại 30.000 Nhân dân tệ cho mẹ mình. Mặc dù vậy, hiện tại bà La chỉ nhận được 1.200 Nhân dân tệ mỗi tháng chứ không phải 1.500 Nhân dân tệ như trước đây dó có sự điều chỉnh trong thời gian bà bị cầm tù.
Vào tháng 12 năm 2000, bà La bị giam giữ tại một trung tâm tẩy não trong hơn 2 năm. Trong thời gian này, các quan chức địa phương đã đòi tiền từ chồng bà. Ông đã vay mượn được 300 tệ nhưng được thông báo rằng số tiền đó vẫn chưa đủ. Họ đe dọa sẽ tống ông vào tù nếu ông không đưa thêm tiền. Ông đã sợ hãi đến mức phải đi trốn.
Khi bà La trở về nhà vào năm 2003, nhà bà đã không thể ở được nữa, cỏ dại mọc đầy tường gạch và sàn nhà. Tường đổ và mái nhà đã sập xuống. Bởi vì nhà bà bị bỏ hoang nên các thanh thép dùng cho sửa chữa đã bị lấy cắp cùng với tất cả những thứ có giá trị.
Bà Lưu Vân Phương – bị giữ lại 8 tháng tiền lương hưu
Năm 2017, bà Lưu Vân Phương, 72 tuổi, bị kết án 18 tháng tù vì đức tin của mình. Khi bà được trả tự do vào ngày 10 tháng 1 năm 2019, thẻ an sinh xã hội của bà đã hoàn toàn không còn số dư trong tài khoản.
Bà nhận được thông báo rằng tổng số tiền lương hưu 14.734 Nhân dân tệ bà nhận được trong thời gian thụ án tù đã bị thu hồi lại. Chính quyền đã giữ lại 8 tháng tiền lương hưu của bà, từ tháng 1 tới tháng 8 năm 2019.
Khoản tiền 2.000 Nhân dân tệ theo lệnh của tòa án kèm theo bản án tù cũng bị khấu trừ vào tài khoản lương hưu của bà. Bà còn bị từ chối tăng lương theo quy định trong thời gian thụ án tù.
Sau khi bà Lưu bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997, bệnh tật của bà đã không cánh mà bay đồng thời tâm tính của bà được đề cao. Khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, chồng bà đã ủng hộ bà tu luyện và luôn sát cánh bên bà trong nhiều lần bị bắt giữ và bị giam cầm. Tuy nhiên, Phòng 610 và các nhân viên cảnh sát đã liên tục đe dọa ông, và cuối cùng ông đã phải kí tên vào đơn ly hôn.
Những báo cáo có liên quan:
Báo cáo có liên quan bằng tiếng Anh:
https://en.minghui.org/html/articles/2010/6/17/117899.htmBa
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/11/18/395957.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/12/25/181216.html
Đăng ngày 03-01-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.